Sunday, February 21, 2016

VIỆT NAM CÓ THỂ TIẾN HÀNH CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG ? - KỲ VII (Nguyễn Thị Từ Huy)





Sat, 02/20/2016 - 17:06 — nguyenthituhuy

Đã đến lúc phải đi vào trọng tâm của câu hỏi : Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?

Hiện có hai quan điểm rất khác nhau về vấn đề này.

Một số người (chẳng hạn như ông Lê Đăng Doanh, từng ở trong Ban tư vấn cho chính phủ Võ Văn Kiệt, vị Thủ tướng đã có nhiều đóng góp cho Việt Nam thời kỳ đổi mới, ông Nguyễn Quang A, người vận động cho dân chủ hóa ở Việt Nam) cho rằng tình thế cấp bách và nguy nan hiện nay bắt buộc lãnh đạo Việt Nam phải cải cách, ai đứng ở vị trí lãnh đạo cũng phải cải cách. Cũng trong khuynh hướng này, nhưng từ một góc độ khác, cựu dân biểu Đặng Hoàng Yến đặt hy vọng vào việc, sau khi không còn lực cản nữa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể thực hiện những cải cách thực sự, những cải cách mà bà cho là TBT dù muốn cũng đã không thể làm được trong những năm vừa qua.

Một số người khác, dựa trên quan điểm để có thể cải cách cần có sự tách bạch giữa nhà nước và đảng, cho rằng trong tương lai gần, tức là khoảng 5 năm tới đây, sẽ không có cải cách gì đặc biệt về chính trị.

Chúng ta thử xét vấn đề theo cả hai khuynh hướng trên đây, để xem kết quả cho ra sẽ là gì.

Không thể không cải cách

Những người như ông Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, có lý ở chỗ : ở thời điểm này, với tất cả những gì mà Trung Quốc đang làm trên Biển Đông và trên đất liền (nhất là trên đất liền, lãnh thổ Việt Nam, ở mọi phương diện), thì cải cách là một đòi hỏi của thực tiễn, một yêu cầu của thực tiễn. Cải cách trở thành vấn đề sống còn, vấn đề tồn tại hay không tồn tại, độc lập hay mất nước… Do vậy, nói rằng « ai đứng ở vị trí lãnh đạo cũng phải tiến hành cải cách » là dựa trên yêu cầu sống còn này của thực tiễn. Những ai dám đối diện với thực tế, dám nhìn thẳng vào các nguy cơ khiến Việt Nam đang bị đẩy đến bên bờ vực thẳm, đều thấy rằng không thể không cải cách. Muốn thoát Trung tất yếu phải cải cách.

Bây giờ ta sẽ tìm hiểu xem cái lý của các ông Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A... có được thể hiện trong thực tế hay không.

Đã có nhiều phân tích, nhận định về đại hội XII. Ở đây tôi đưa ra thêm một nhận định, một giả định, mà tôi không thể đảm bảo về sự chính xác, hay nói cách khác, cần thời gian để kiểm chứng giả định này, nó có thể được khẳng định, cũng có thể bị sụp đổ. Giả định của tôi là : Đại hội XII có thể là một nỗ lực thoát Trung của bộ máy lãnh đạo Việt Nam.

Ngay sau đại hội XII đã có một vài chi tiết, đã được giới phân tích bàn đến, ở đây tôi chỉ nhắc lại, như là dẫn chứng cho giả định trên đây của tôi.

Cử chỉ mạnh mẽ của người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cùng với lời khẳng định rằng Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại của tàu Mỹ, trong khi Trung Quốc cực lực phản đối chính động thái này của Hoa Kỳ.

Ông Đinh La Thăng, trước khi rời chức Bộ trưởng BGTVT để về làm Bí thư Tp. HCM, đã cho cách chức một quan chức dưới quyền của ông, vì người này đề xuất mua các toa tàu cũ của Trung Quốc. Điều đáng nói là một việc tương tự chưa từng xảy ra, hoặc nói theo kiểu lãnh đạo, là "chưa có tiền lệ".

Và gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Obama nhận lời mời thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5 tới. Hẳn chúng ta chưa quên rằng ông Obama đã không sang Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái như dự định, thay vào đó là chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc đã gây ra nhiều phẫn nộ trong dân chúng. Nếu ông Obama thực hiện chuyến công du này thì đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Việt Nam, kể từ khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập (Ông Clinton từng tới Việt Nam, nhưng chỉ sau khi đã kết thúc nhiệm kỳ). Dĩ nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của sự kiện ngoại giao này, nếu nó xảy ra như dự định. Và rất nhiều khả năng nó sẽ kéo theo những sự phát triển đáng kể trong hợp tác Việt-Mỹ.

Mới chỉ cách đây ít hôm, hải quân Việt Nam và Nhật Bản đã tập trận chung trên Biển Đông, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, và kết thúc tại Đà Nẵng, ngày 18/2/2016.

Đó là một vài động thái cụ thể của việc thoát Trung, diễn ra sau khi Tổng bí thư tái đắc cử, trong một thời gian tương đối ngắn, chưa đầy một tháng. Liệu những động thái này có phải là biểu hiện của một kế hoạch lâu dài và nhất quán hay không ? Nếu thực sự có một kế hoạch dài hạn trong vấn đề thoát Trung thì chính kế hoạch này sẽ đòi hỏi các cải cách cần thiết để có thể được thực hiện. Hiện nay chúng ta chưa thể khẳng định bất cứ điều gì. Thời gian và hành động của hệ thống lãnh đạo sẽ trả lời.

Hiện nay, mặc dù Tổng bí thư đã được bầu lại, nhưng chính phủ đang điều hành công việc ở Việt Nam vẫn là chính phủ cũ. Như chúng ta đã chứng kiến, đại hội XII khiến cho sự chia rẽ giữa người lãnh đạo cao nhất của đảng và người lãnh đạo cao nhất của chính phủ vốn đã sâu sắc lại càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Trong tình hình như vậy, rất khó đánh giá và nhận định bản chất của những gì đang diễn ra ở Việt Nam trong giai đoạn cụ thể này. Cần phải chờ cho đến khi chính phủ đương nhiệm thôi điều hành công việc và chính phủ mới chính thức nhận trách nhiệm.

(Còn tiếp)

Paris, 20/2/22016
Nguyễn Thị Từ Huy

--------------------------------

Thu, 02/18/2016 - 17:28 — nguyenthituhuy

Fri, 01/22/2016 - 13:13 — nguyenthituhuy

Wed, 01/20/2016 - 17:01 — nguyenthituhuy

Tue, 01/19/2016 - 12:03 — nguyenthituhuy

Mon, 01/18/2016 - 12:27 — nguyenthituhuy

Wed, 12/30/2015 - 00:44 — nguyenthituhuy






No comments: