16.02.2016
Bốn chục năm sau chiến thắng ngủ quên 1975, một phần
tư thế kỷ sau chính biến và cách mạng dân chủ ở Liên Xô và Đông Âu, chỉ vài tuần
sau khi Đại hội XII của đảng cầm quyền “thành công rực rỡ” với một nhân chứng
ra đi vĩnh viễn là Cụ Rùa Hồ Gươm và rồi tuyết rơi trắng xóa như chưa bao giờ ở
vùng ngoại vi thủ đô, lực lượng bảo vệ cho quan điểm “Cương lĩnh đảng quan trọng
hơn hiến pháp” phải đối diện với một phong trào chính trị - xã hội chưa từng có
tiền lệ trên rẻo đất “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”: Tự ứng cử.
Lần này và khác hẳn với những lần trước, dường như
đang bắt đầu một chiến dịch ứng cử cho cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam vào tháng
5/2016, dành cho Xã hội dân sự hoàn toàn dị biệt với tư thế cúi rúc “còn đảng
còn mình”.
Nếu Quốc hội Việt Nam đã ngày càng chứng tỏ là một tổ
chức ngược chiều với quyền lợi của đại đa số cử tri bầu nên nó, Xã hội dân sự
Việt Nam - dù mới chỉ trứng nước - vẫn cần thắp lên một que diêm cho tinh thần
của dân, do dân và vì dân theo nguyên nghĩa của cụm từ này.
Sát tết nguyên đán 2016, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà
Nội là người khởi phát phong trào ứng cử độc lập. Là một nhà hoạt động nhân quyền
có uy tín và cũng là một trí thức được khá nhiều người dân cùng giới trí thức
Hà Nội biết đến, ông Nguyễn Quang A có hy vọng sẽ thắng cử nếu cuộc bầu cử diễn
ra sòng phẳng mà không bị các cơ quan tổ chức bầu cử của chính quyền can thiệp
thô bạo hoặc chơi xấu.
70
năm vật trang trí rẻ rung
Trong suốt 70 năm qua ở Việt Nam, quyền tự ứng cử của
công dân vẫn chỉ là một vật trang trí bị rẻ rúng. Lúc cần thì mang ra bài trí
cho “dân chủ cơ sở”, nhưng thực chất là bóp nghẹt ngay tức khắc những ai muốn tự
mình cất lên tiếng nói lương tâm.
Một minh chứng rất rõ cho tình trạng bóp nghẹt đó là
hình thức ứng cử thông qua tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu luôn áp đảo so với
việc ứng cử của bất kỳ cá nhân nào. Cứ gần đến mỗi kỳ bầu cử, các cấp từ quận
huyện, tỉnh thành đến trung ương đều ra sức “vận động” và cả đe dọa những người
tự ứng cử, kể cả đảng viên, để rút tên.
Những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây, chỉ có rất ít ứng
cử viên độc lập tham dự. Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây đã
cho ra những con số quá thấp về tự ứng cử. Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người
tự ứng cử, kết quả chỉ có 2 người trúng cử. Quốc Hội khóa XII cả nước có 238
người tự ứng cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử. Còn đến Khóa XIII, dù không khí
phản biện đã dâng cao trong dân chúng, công tác vận động của đảng vẫn “thành
công” đến mức số người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử chỉ 4 người.
Với rất nhiều lý do, trong đó tận dụng các tiểu xảo
về thủ tục ứng cử, cơ quan tổ chức bầu cử đã cố gắng loại ứng cử viên độc lập
“từ vòng gửi xe”. Thậm chí một số ứng cử viên độc lập như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc
Quân, Lê Thăng Long… sau khi tự ứng cử đã tiến thẳng vào nhà tù.
Tuy vậy, đó là dĩ vãng. Còn hiện tại, bầu không khí
sôi trào phản ứng xã hội cùng dư luận phản tỉnh của người dân cho thấy nếu một
cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên độc lập và trên hết là người
có tinh thần yêu nước sẽ có thể chiến thắng.
Những
người chân đất
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị
năm 1966, tại Điều 25 ghi rõ: Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ
chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho
cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình.
Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948
cũng nhấn mạnh: Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý
chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên
tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu
cử tự do tương đương.
Vào lúc Nhà nước Việt Nam đã là một thành viên của Hội
đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tự ứng cử đã trở thành một trong những quyền
chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của một con người cần phải tôn trọng triệt
để. Cùng với quyền bầu cử, quyền ứng cử phải được thực hiện như một trong những
quyền cơ bản nhất của con người mà thể chế cần bảo đảm. Bầu cử chỉ thực sự tự
do và công bằng khi mọi công dân thực thi quyền tự ứng cử mà không bị cản trở
trong bất kỳ trường hợp nào.
Tại cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5/2016, nếu đảng
cầm quyền dự kiến gần 900 ứng viên, trong đó có 80 trung ủy (một cách gọi đối với
ủy viên Trung ương) được cơ cấu theo cách “luật của đảng”, thì Xã hội dân sự
cũng có đến vài chục người có thể ra ứng cử độc lập.
Nhìn từ góc độ dân sinh và tất cả những gì thiết
thân nhất với người dân thấp cổ bé miệng, quyền bảo vệ đất đai và bảo vệ môi
trường sống là trên hết. Những năm qua, không phải 500 hội đoàn nhà nước cấp
trung ương mà chính những thành viên của Xã hội dân sự mới là những thành tố
năng nổ và nhiệt thành nhất trong phong trào bảo vệ dân oan đất đai.
Có nhiều cái tên đặc biệt có ý nghĩa trong phong
trào hoạt động nhân quyền về dân oan đất đai ở Hà Nội: Nguyễn Tường Thụy,
Trương Dũng, JB Nguyễn Hữu Vinh, Phan Cẩm Hường… Đó đều là những người hoàn
toàn có tiếng nói mạnh mẽ và chẳng thiếu lý lẽ trong Quốc hội Việt Nam nếu
trúng cử.
Bên cạnh đó, giới trí thức độc lập, mặc dù còn tồn tại
một số quan điểm và cách nhìn khác nhau, vẫn có thể đóng vai trò là nhân tố đại
diện cho tầng lớp dân đen để gióng lên tiếng nói trong nghị trường. Trường hợp
những nhà đấu tranh dân chủ được nhiều người dân địa phương biết đến và mến mộ
như Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự ở Đà Lạt là một ví dụ.
Trong một bài viết mới đây của mình, Tiến sĩ Nguyễn
Quang A đã đưa ra những kêu gọi rất đáng tham khảo với không chỉ Xã hội dân sự
mà cả những ứng viên độc lập khác ở Việt Nam:
- Hãy tự ứng cử và vận động những người có đủ tiêu
chuẩn ra ứng cử;
- Hãy giúp việc thực hiện các quy định hiện hành (dẫu
còn rất thiếu sót) một cách công khai, minh bạch và đúng quy định;
- Những người tự ứng cử (không phải do đảng Cộng sản
Việt Nam đề cử) hãy tập hợp thành Nhóm ứng viên ngay từ bây giờ cho đến 13-3-2016
để giúp nhau trong quá trình ứng cử; cho đến 22-5-2016 trong quá trình chuẩn bị
bầu cử và giám sát quá trình hiệp thương, quá trình bầu cử và giám sát kiểm phiếu;
cho đến ngày Quốc hội mới họp trong việc khiếu nại liên quan đến ứng cử, bầu cử.
Nhân
dân tỉnh thức
Ngay trước mắt là thời điểm “chốt” danh sách ứng cử
vào ngày 13/3/2016. Ngay sau Tết nguyên đán, nhiều khả năng chiến dịch tranh cử
độc lập của Xã hội dân sự sẽ chính thức tiến hành. Một số hội đoàn dân sự độc lập
như Diễn đàn Xã hội dân sự, Hội nhà báo độc lập Việt Nam… sẽ giới
thiệu những ứng cử viên độc lập.
Nhưng cũng nhiều khả năng, chính quyền các cấp và
nhiều địa phương sẽ “quán triệt” về cung cách thanh loại ứng cử viên độc lập
như họ đã từng làm quá nhiều lần trước đây. Họ có thể lặp lại lối mòn cũ là áp
đặt cơ chế “đảng cử dân bầu”, và sẽ hạn chế đến mức tối thiểu những người tâm
huyết muốn tự ứng cử để gánh vác việc nước và giương cao ngọn cờ phản biện.
Tuy nhiên một đảng không phải là tất cả. Vào kỳ bầu
cử Quốc hội Việt Nam lần này, mối quan tâm của giới quan sát phân tích và báo
chí quốc tế là đậm đà hơn hẳn những lần trước. Sau thắng lợi áp đảo của đảng
Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, sau Đại hội XII
của đảng cầm quyền với quá nhiều kịch tính xung đột, rất nhiều dư luận trong nước
và thế giới đang chú tâm vào những thay đổi bắt buộc của đảng và chính quyền Việt
Nam, nếu thể chế đó còn muốn tồn tại.
Thực vậy, từ nhiều năm qua, nhiều dư luận trong nhân
dân Việt Nam đã cho rằng Quốc hội không còn là một cơ quan “của dân, do dân và
vì dân” nữa. Nói khác đi, Quốc hội đang là tổ chức của những nhóm lợi ích về
kinh tế và nhóm thân hữu về chính sách. Bản Hiến pháp 2013 đầy bất công về “sở
hữu đất đai toàn dân” được thông qua với tỉ lệ cực kỳ áp đảo đã cho thấy các
nhóm lợi ích và bảo thủ trong Quốc hội ghê gớm như thế nào.
Các nhóm lợi ích kinh tế chiếm một phần trong Quốc hội
với tư cách kiêm nhiệm, còn các nhóm thân hữu chính sách cũng thế. Cho dù đã có
nhiều đề nghị phải nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên 30% hoặc 50% và giảm số
đại biểu là đảng viên, nhưng cho tới nay số kiêm nhiệm lẫn “người của đảng” vẫn
còn quá nhiều theo cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Nhưng nhiều người dân còn cho rằng không chỉ có thế,
các nhóm lợi ích đang hành xử theo lối “vừa ăn cướp vừa la làng” ngay trong nghị
trường, xóa lấp những tổn hại và di hại mà họ gây ra đối với dân chúng. Ví dụ
điển hình nhất chính là dự án sân bay Long Thành mà các nhóm tài phiệt và chính
sách “vẽ” đến 15 tỉ USD, chủ yếu vay mượn từ nguồn ODA, bất kể tương lai đổ nợ
lên đầu con cháu như thế nào.
Còn Quốc hội chỉ biết cúi đầu bấm nút…
Đã đến lúc người dân cần nhận ra một sự thật quá cám
cảnh: Quốc hội Việt Nam đã “gật” quá dễ dãi và quá nhiều dành cho các nhóm lợi
ích - một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến đất nước rơi vào cảnh tàn mạt
về kinh tế và đạo đức xã hội như ngày hôm nay.
Sau Đại hội XII, bầu cử Quốc hội và cân nói “dân
chủ đến thế là cùng” của nó chính là một trong ít phép thử cuối cùng của đảng
cầm quyền.
Những thời khắc cuối cùng của bóng tối nhiệm kỳ…
Đất nước đã bước vào thời khắc mà Quốc hội không thể
tiếp tục đi ngược với xu thế chung. Quốc hội và Bộ Chính trị đảng không thể mãi
lũng đoạn quyền tự ứng cử của công dân. Họ cần và phải tự thay đổi. Nếu không
muốn bị giải tán theo quá nhiều kinh nghiệm lịch sử ở các nước trên thế giới, họ
phải để cho người dân tự ứng cử, để nhân dân tự cứu mình và cứu vãn đất nước mà
không thể trông chờ vào một chế độ điều hành quá yếu kém và đầy rẫy tham nhũng.
-------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài
VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment