Tuesday, February 9, 2016

‘TỨ TRỤ” CHẾ ĐỘ HẬU ĐẠI HỘI 12 ĐẢNG CSVN DƯỚI CÁI NHÌN CỦA TIẾN SĨ LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ (Trâm Oanh)





Trâm Oanh – Đức quốc
Chân Lý Online  -  09-02-2016

Trâm Oanh: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, trước hết xin chúc mừng Tiến sĩ đã dự đoán tuyệt đối chính xác về việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm. Tuy nhiên có người cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vì ông ta kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin để xây dựng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” tại Việt Nam cũng như quyết duy trì chế độ toàn trị độc đảng lạc lõng và tệ hại. Xin Tiến sĩ Hà Vũ cho biết ý kiến lời nhận định này?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trước hết phải khẳng định rằng nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) là chủ nghĩa Mác – Lênin. Học thuyết này chủ trương Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tức thực hiện chế độ độc tài toàn trị để xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuối cùng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Nói cách khác, không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không có chế độ độc tài của đảng cộng sản. Vì thế, ông Nguyễn Phú Trọng là người tuyên bố bảo vệ chế độ độc tài của Đảng CSVN để xây dựng chủ nghĩa xã hội làm Tổng bí thư Đảng tôi thấy là phải lắm rồi. Do đó ý kiến cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng làm Tổng bí thư Đảng CSVN, hàm ý người xứng đáng phải là người có đường lối ngược lại với ông Trọng, phải chủ trương xóa bỏ chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam và từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thì có khác nào nói người xứng đáng làm ngư dân phải là người không đánh bắt cá?! Tóm lại, ai đưa ra nhận định nói trên là có vấn đề về tâm thần.
Nhân đây cũng cần phân tích tại sao lại có nhận định tâm thần như vậy. Như tất cả chúng ta đã biết, Đại hội XII Đảng CSVN vừa diễn ra là cuộc chiến “một mất một còn” giành chức Tổng bí thư Đảng giữa một bên là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bên kia là liên minh chống Nguyễn Tấn Dũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Đúng là Nguyễn Tấn Dũng đã bộc lộ ý định giành chức Tổng bí thư Đảng CSVN để tiếp đó giải tán Đảng nhằm hợp pháp hóa chế độ độc tài cá nhân của Nguyễn Tấn Dũng đã được thiết lập trên thực tế nhằm không những bảo toàn khối tài sản kếch xù của bản thân và gia đình do ăn cướp tài sản của nhân dân và của quốc gia mà có mà còn nhằm tối đa hóa khối tài sản dính máu này bằng cách bán nước cho Trung Quốc! Như vậy, chỉ có ai cũng ăn cướp và bán nước như Nguyễn Tấn Dũng hoặc tán thành chính sách phản nước hại dân của Nguyễn Tấn Dũng thì mới mong Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Tóm lại chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam là làm chết dân còn chế độ độc tài cá nhân của Nguyễn Tấn Dũng không chỉ làm chết dân mà còn làm chết nước! Thế nên, chế độ độc tài nào cũng xấu và vì vậy cần phải bị xóa bỏ. Tuy nhiên, loại bỏ nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc phải là mục tiêu ưu tiên vì mất nước là mất tất cả. Với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị Đại hội XII Đảng CSVN loại khỏi ban lãnh đạo đảng này, nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc tạm thời được loại bỏ. Vấn đề còn lại là phải dân chủ hóa chế độ cộng sản mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập chế độ đa đảng không chỉ để đảm bảo “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân như chính Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 của Việt Nam đã khẳng định mà còn để tăng cường quốc phòng một cách then chốt nhằm đánh bại mọi cuộc xâm lược từ phía Trung Quốc, đặc biệt ở biển Đông. Tóm lại, quan hệ giữa dân chủ hóa và bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của Việt Nam là quan hệ hữu cơ, có tính nhân – quả

Trâm Oanh: Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về quan hệ hữu cơ giữa dân chủ hóa và bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của Việt Nam được không?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Hiện nay Mỹ là nước duy nhất có khả năng giúp Việt Nam bảo vệ thành công phần còn lại của quần đảo Trường Sa nói riêng, lãnh thổ của Việt Nam nói chung, trước quyết tâm xâm lược của Trung Quốc. Thực vậy, Mỹ không chỉ là cường quốc quân sự số 1 thế giới mà còn là nước duy nhất dám thách thức Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở biển Đông. Việc tàu chiến Mỹ mới đây đã đi thẳng vào vùng nước thuộc những đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam bất chấp cái gọi là đe dọa đáp trả bằng vũ lực từ phía Trung Quốc đã cho thấy rõ điều này. Tuy nhiên có một điều hiển nhiên là Mỹ chỉ có thể giúp Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược trong khuôn khổ một liên minh quân sự. Thế nhưng liên minh quân sự giữa hai nước là không thể có chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại ở Việt Nam vì chế độ này không tương thích với chế độ dân chủ – đa đảng ở Mỹ. Do đó, để có thể bảo vệ thành công phần còn lại của quần đảo Trường Sa nói riêng, lãnh thổ của Việt Nam nói chung, trước xâm lược Trung Quốc cũng như tiến tới thu hồi quần đảo Hoàng Sa và các phần lãnh thổ quốc gia khác đã bị Trung Quốc xâm chiếm thì Việt Nam không còn con đường nào khác là phải dân chủ hóa để thiết lập chế độ đa đảng.

Trâm Oanh: Vậy theo Tiến sĩ, Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng có thể là trở ngại đối với dân chủ hóa ở Việt Nam không?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trong các bài viết và trả lời phỏng vấn của tôi trước và trong khi diễn ra Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam, tôi luôn khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu lại làm Tổng bí thư Đảng vì ông Nguyễn Phú Trọng là người có tinh thần dân tộc, yêu nước, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam trước xâm lược và đe dọa xâm lược từ phía Trung Quốc cũng như có quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, ngược hẳn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là kẻ tham nhũng nhất nước và nghiêm trọng hơn cả, là bán nước cho Trung Quốc với tư cách điệp viên chiến lược của Trung Quốc như tôi đã chứng minh trong bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ván bài thôn tính Việt Nam của Trung Quốc” đăng trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 15/1/2016.
Có một nguyên lý là chỉ những kẻ tham lam, tham nhũng thì mới có thể bị mua chuộc. Cho nên Nguyễn Tấn Dũng tham lam, tham nhũng thì mới bị Trung Quốc mua dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng đã bán nước cho Trung Quốc trên thực tế. Ngược lại, những người không tham lam, tham nhũng thì không ai có thể mua được dù đó là Trung Quốc. Mà không bán nước cho Trung Quốc thì đương nhiên yêu nước, quyết giữ nước, quyết chống Trung Quốc xâm lược. Do đó, phẩm chất không tham lam, tham nhũng hay sự liêm khiết của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông Trọng không có thể là người bán nước cho Trung Quốc hay nói cách khác, là người yêu nước. Và đương nhiên với tư cách là người yêu nước và nhất là với cương vị nguyên thủ quốc gia trên thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã, đang và sẽ kiên quyết chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia cũng như đẩy mạnh nỗ lực “thoát Trung” về kinh tế.
Như vậy, chính phẩm chất yêu nước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy ông Trọng quan hệ mạnh mẽ và chặt chẽ hơn với Mỹ để đi tới liên kết quân sự tạo tiền đề cho liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam hiện tại trước xâm lược đang được Trung Quốc ráo riết chuẩn bị để rồi tiến tới thu hồi quần đảo Hoàng Sa và các phần lãnh thổ quốc gia đã bị Trung Quốc xâm chiếm cũng như để thoát khỏi nô lệ Trung Quốc về kinh tế.
Lẽ dĩ nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, để đổi lấy việc Mỹ giúp Việt Nam cả về quân sự lẫn kinh tế nhằm chống lại một cách thành công âm mưu của Trung Quốc thôn tính Việt Nam cả bằng vũ lực lẫn kinh tế thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệm kỳ 2 và êkíp của ông không thể không đáp ứng những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền mà Mỹ nêu ra. Tóm lại, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn tới dân chủ hóa chế độ cộng sản Việt Nam mà khởi đầu là chấm dứt đàn áp nhân quyền, loại bỏ tất cả các quy định pháp luật phản nhân quyền như các điều 79, 88 và 258 Bộ luật hình sự, trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến bị cầm tù song song với thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản được chính Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia bảo hộ.
Ngoài ra, ngay từ 2013 khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay chưa” thì điều này cho thấy ông Trọng không giáo điều “một cục” như nhiều người nghĩ, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa cộng sản thế giới đã sụp đổ cùng với sự sụp đổ của Liên Xô được coi là thành trì cộng sản thế giới và sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cách nay ¼ thế kỷ, tức là ông Trọng hoàn toàn có khả năng chấp nhận quan điểm chính trị khác với chủ nghĩa Mác –Lênin miễn là có lợi cho dân, cho nước.
Trên thực tế, ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm Tổng bí thư Đảng CSVN, đã có những dấu hiệu về một sự “xoay trục” sang dân chủ hóa và “thoát Trung”. Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử sáng 2/2, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu “đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Ngày 4/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ra quyết định cách chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội do đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc.
Nhân đây tôi cũng lưu ý rằng cho dù con sâu chúa tham nhũng là Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại khỏi chính trường thì đàn sâu tham nhũng nhung nhúc vẫn còn nguyên trong bộ máy chính quyền và ngay cả trong bộ máy Đảng CSVN và đây mới chính là sự cản trở nghiêm trọng cho tiến trình dân chủ hóa chế độ đồng nhất với minh bạch hóa quản lý quốc gia. Do đó, để Việt Nam sớm được dân chủ hóa, người Việt Nam trong và ngoài nước cũng như cộng đồng dân chủ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cần ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực chống tham nhũng của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và êkíp cầm quyền của ông.

Trâm Oanh: Việc Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang được Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đề cử vào chức Chủ tich nuớc khiến nhiều người lo lắng vì như vậy Nhà nước Việt nam sẽ trở thành Nhà nước công an trị đồng nghĩa đàn áp nhân quyền sẽ gia tăng, thêm nhiều người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền sẽ bị sách nhiễu, đánh đập, bỏ tù, thậm chí chết trong đồn công an…Ý kiến của Tiến sĩ như thế nào?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Cần phải khẳng định rằng mọi Nhà nước cộng sản đều là Nhà nước công an trị. Tuy nhiên một Chủ tịch nước không xuất thân từ công an như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hiện nay còn làm mọi người có lương tri hy vọng Nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền, tiến tới chấm dứt đàn áp nhân quyền và thực hiện các cải cách dân chủ và qua đó tạo ra một môi trường đối thoại thuận lợi hơn với các nước dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Thế nên nếu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước thì lo lắng về việc Nhà nước Việt Nam sẽ gia tăng đàn áp nhân quyền, bỏ tù thêm nhiều người bất đồng chính kiến…là hoàn toàn có cơ sở. Không những thế, mọi cuộc điều tra ở Việt Nam đều cho thấy công an nằm trong giới tham nhũng nhất Việt Nam nên Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang mà làm Chủ tịch nước thì công an tham nhũng không còn kiêng sợ ai nữa, sẽ trở thành hoàn toàn bất trị và điều này chắc chắn sẽ phá hoại hoàn toàn nỗ lực chống tham nhũng – giặc nội xâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Do đó,tôi, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cho rằngTổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước sẽ là giải pháp tối ưu chẳng những cho công cuộc chống giặc nội xâm là tham nhũng mà còn cho công cuộc chống giặc ngoài xâm từ Trung Quốc, và trên cơ sở đó tạo điều kiện thuân lợi cho hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như dân chủ hóa Việt Nam.
Ngoài ra, có một thực tế là ở các nước cộng sản còn lại gồm Trung Quốc, Lào, Triều Tiên, Cu Ba thì chức Tổng bí thư đảng cộng sản và Chủ tịch nước được nhất thể hóa ở một người.

Trâm Oanh: Ông Nguyễn Xuân Phúc đuợc Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tán thành đề cử vào chức vụ Thủ tướng. Có nhiều nguời cho rằng ông Phúc là “con chuột béo lắm rồi”, nếu ông ta làm Thủ tướng ông ta sẽ tham nhũng hơn cả Nguyễn Tấn Dũng. Tiến sĩ nghĩ thế nào về nhận định này?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chống tham nhũng quyết liệt. Chúng ta đã chứng kiến ông Trọng đã phải bật khóc khi Hội nghị trung ương 6 Đảng CSVN khóa 11 bác đề nghị kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do dính líu trực tiếp đến các vụ tham nhũng siêu nghiêm trọng tại Vinashine, Vinalines…đề nghị do chính ông Trọng đưa ra. Cuộc chiến “một mất một còn” mà ông Trọng tiến hành chống Nguyễn Tấn Dũng trước và trong Đại hội 12 Đảng CSVN chính là cuộc chiến chống tham nhũng – bán nước cho Trung Quốc. Do đó, không thể có chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chấp thuận ai đó tham nhũng nghiêm trọng làm Thủ tướng để rốt cuộc làm tiêu tan sự nghiệp chống tham nhũng của chính ông Trọng, hủy diệt chính ông Trọng. Nói cách khác, ông Nguyễn Phú Trọng không dại gì làm cái việc “tránh vỏ dưa để gặp vỏ dừa”, loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng để rồi tái sinh Nguyễn Tấn Dũng!

Trâm Oanh: Giới quan sát cho rằng bà Nguyễn thị Kim Ngân, tân ủy viên Bộ chính trị đuợc Ban lãnh đạo Đảng CSVN đề cử vào chức vụ Chủ tịch Quốc Hội – cơ quan được nhiều người gọi là “hội của nghị gật” – không phải vì tài năng, kiến thức mà là vì có gia phả cách mạng. Quan điểm của Tiến sĩ ra sao?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trước hết nếu cho rằng Quốc Hội Việt Nam hiện nay là “hội của nghị gật”, tức cơ quan quyền lực Nhà nước này gồm toàn những người không có khả năng phản biện đồng nhất với không có năng lực chuyên môn, trí tuệ, thì việc gì phải thắc mắc đại biểu Quốc Hội này, đại biểu Quốc Hội kia không có tài năng, kiến thức!
Tôi cho rằng gọi Quốc Hội Việt Nam là “hội của nghị gật” là hơi quá vì từ nhiệm kỳ Quốc Hội khóa trước chúng ta đã thấy có những tranh luận gay gắt tại Quốc Hội, không phải dự luật nào cũng được Quốc Hội thông qua ngay lần dầu đệ trình, cũng đã có đề án của Chính phủ bị Quốc Hội bác như dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cũng đã có những đại biểu Quốc Hội có bản lĩnh đấu tranh như ông Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Thuyết… Nếu tại kỳ bầu cử Quốc Hội tháng 5 tới đây các ứng cử viên độc lập, tức không do Đảng CSVN và các cơ quan ngoại vi của Đảng đề cử, không bị chính quyền ngăn cản bằng những thủ đoạn bỉ ổi mà tôi đã là nạn nhân khi tôi tự ứng cử vào Quốc Hội vào năm 2007 và nếu các đại biểu Quốc Hội không phải đảng viên cộng sản chiếm ít nhất 1/3 Quốc Hội thì chắc sẽ không ai gọi Quốc Hội Việt Nam là “hội của nghị gật” nữa.
Liên quan đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, quan điểm của tôi là bà Ngân hay bất cứ phụ nữ nào khác có ghế trong 4 vị trí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam gọi là “tứ trụ”, mà trong trường hợp này là ghế Chủ tịch Quốc Hội, là rất đáng khích lệ, tất nhiên với điều kiện là phải có đủ năng lực điều khiển Quốc Hội biểu quyết những gì có lợi cho dân, cho nước, bác bỏ những đề xuất vi Hiến, có hại cho dân, cho nước, kiểm soát mạnh mẽ và hiệu quả Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan tư pháp từ trung ương tới địa phương đồng thời phải có đủ năng lực giải quyết rốt ráo, “cho đến đầu đến đũa”, mọi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân với tư cách là một đại biểu Quốc Hội.
Tôi nhấn mạnh điểm cuối này vì tất cả các đại biểu Quốc Hội Việt Nam từ trước đến nay chỉ làm công việc của nhân viên bưu điện khi chuyển kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân thực hiện theo Hiến pháp và các Luật Khiếu nại, Tố cáo đến cơ quan Nhà nước có liên quan mà bất cần biết các đòi hỏi đó của người dân có được xử lý triệt để hay không. Thực vậy, đại biểu Quốc Hội phải là người đưa ra kết luận cuối cùng về các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân mà họ nhận được trên cơ sở giải quyết, trả lời của các cơ quan Nhà nước có liên quan và chỉ có như thế đại biểu Quốc Hội mới thực sự là đại biểu của dân, do dân và vì dân.

Trâm Oanh: Một số nhà phân tích sợ rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tin dùng những người trung thành với Đảng hơn là giao các trọng trách cho những người thật sự có năng lực. Vậy ý kiến của Tiến sĩ thế nào?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trong chế độ cộng sản thì để ngồi vào ghế lãnh đạo dù lớn dù bé đương nhiên phải có thẻ đảng viên cộng sản bất luận có năng lực hay không có năng lực. Nghĩa là về nguyên tắc người giữ cương vị lãnh đạo nào ở Việt Nam cũng phải trung thành với Đảng CSVN. Còn nói thẳng ra, những người có năng lực thật sự, tức những người có khả năng phản biện cao thì không vào Đảng CSVN, đơn giản vì nguyên tắc “tập trung dân chủ” của đảng cộng sản là phải làm theo cái mà ban lãnh đạo Đảng quyết định cho dù họ không tán thành. Nói cách khác, vào đảng cộng sản là đánh mất mình, mình không còn là mình nữa.
Mặc dầu vậy, để thành công trong công cuộc chống tham nhũng cũng như trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia trước xâm lược mà Trung Quốc đang chuẩn bị ráo riết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết không thể đưa vào êkíp của mình những kẻ có bằng chứng tham nhũng hay “tay đã nhúng chàm” – theo cách nói của chính ông Trọng – cũng như những người không có năng lực cho dù thề thốt trung thành với Đảng bao nhiêu đi nữa!

Trâm Oanh: Theo Tiến sĩ, Đại hội 12 của Đảng CSVN có phải là đại hội cuối cùng của đảng này hay không?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Tôi luôn khẳng định chế độ độc tài của Đảng CSVN phải sớm chấm dứt và thay vào đó là chế độ dân chủ – đa đảng. Điều này có nghĩa Đảng CSVN vẫn có thể tiếp tục hoạt động sau khi chế độ độc tài của Đảng bị xóa bỏ và vì lý do này, Đại hội 12 của Đảng CSVN không nhất thiết là đại hội cuối cùng của đảng này. Tôi cũng khẳng định rằng Đảng CSVN vẫn có thể lãnh đạo đất nước nếu Đảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tự do có sự tham gia của nhiều đảng phái.

Trâm Oanh: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ có điều gì chia sẻ thêm?
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Nhân Tết Bính Thìn 2016, tôi xin chúc mọi người Việt Nam trong và ngoài nước một Năm Mới dồi dào Sức khỏe, Thành công và xiết chặt tay nhau tiến mạnh trên con đường đấu tranh vì một nước Việt Nam Độc lập, Toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền đầy đủ.

Trâm Oanh: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này và cũng xin chúc Tiến sĩ và phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cùng đại gia đình Vạn sự như ý nhân Năm Mới Bính Thìn.

------------------
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam, đã ba lần khởi kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về các quyết định trái Hiến pháp và pháp luật. Ông cũng là tác giả của nhiều bài chính luận, bình luận chính trị – xã hội nổi tiếng đăng trên báo chí quốc tế, hiện là học giả thỉnh giảng tại Đại học Luật Northwestern, Hoa Kỳ.





No comments: