Thursday, February 11, 2016

TỰ DO TÔN GIÁO BỊ ĐÀN ÁP & SỰ TRỐN CHẠY CỦA ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-02-11
.
Con em đồng bào thiểu số tị nạn tại Thái Lan.  RFA

Trong nhiều năm nay, bên cạnh đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên chạy sang Thái Lan tỵ nạn có một nhóm người thuộc sắc tộc H’Mông tại 6 tỉnh miền Bắc chạy sang Thái từ năm 2011, sau khi các chiến dịch đàn áp đạo Tin Lành nổ ra khắp các khu vực có người H’Mông sinh sống. Mặc Lâm tìm gặp cộng đồng nhỏ bé này đang sống xa quê hương vào ngày đầu năm mới.

Đời sống cực kỳ khó khan

Tha hương, lưu vong, hay tỵ nạn, di cư… tất cả những cụm từ này đều thích hợp khi mô tả cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số H’Mông đang sống chui rúc trong các khu của người Thái gốc Hoa để chờ đợi quyết định quy chế tỵ nạn của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc.
Kiếm sống hàng ngày là một thử thách rất lớn đối với họ khi bản chất thực thà, hiền lành và khá thụ động khiến người bản xứ đôi khi lợi dụng khi thuê mướn họ làm việc.

Đời sống cực kỳ khó khăn ấy vẫn không cản được bước chân tỵ nạn của họ trong ba năm liền từ năm 2011 tới năm 2014 mới chấm dứt. Không thể nói họ lìa bỏ Việt Nam vì đời sống vật chất khó khăn vì sự thương khó của người miền núi không cần phải kiểm chứng. Lý do thúc đẩy họ rời bỏ rừng núi, bản làng để ra đi là vì niềm tin tôn giáo của họ bị sách nhiễu, đàn áp và thậm chí có người đã ngã xuống vì tranh đấu cho quyền được thờ phượng Thiên Chúa của họ.

Trong ngày đầu năm khi cái tết Bính Thân vừa bắt đầu vào ngày mùng một, chúng tôi có mặt cùng với cộng đồng nhỏ bé này tại Ban Thik, một khu vực cách thủ đô Bangkok khoảng 20 cây số. Ngồi giữa những đồng bào của mình tại xứ người trong ngày đầu của một năm mới tạo cho chúng tôi cảm giác ấm áp từ sợi dây vô hình của hai tiếng đồng bào với nhau tuy nhiều người trong số họ không nói rành tiếng Việt. Một người gốc Thái đen cho chúng tôi biết hoàn cảnh của ông:

“Đã 6 năm tôi xa gia đình rồi thỉnh thoảng liên lạc với nhau vì sợ nó theo dõi nó rình nó bắt nên chúng tôi không liên lạc với gia đình. Trước đây tôi là mục sư hầu việc Chúa sang bên này thì cũng phải đi làm. Đi phụ hồ,. vác phi (sắt) vác xi măng lên tầng 4. Chúng tôi đến Thái thì tiếng nói bất đồng sáu tháng không được đi làm mới làm đây thôi. Mình không biết tiếng nên nó cũng chặn mình. Có hai trăm rưỡi bath một ngày làm từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm.”

Kế bên là một phụ nữ có khuôn mặt khá giống người Tày vùng rừng núi phía Bắc chị cho biết là người tỉnh Lai Châu và cuộc trốn chạy của chị tới vùng đất này là cả một bi kịch cho gia đình chị:

“Em ở tỉnh Lai Châu. Sang Campuchia đã 4 năm sang Thái này mới 10 tháng. Đời sống ở đây nói chung mình làm thì vất vả lắm so với Việt Nam của mình. Việc làm thì đối với người Việt người ta bắt mình làm nặng lắm. Thời gian thì nhiều mà mình không biết tiếng của họ bắt mình làm nặng lắm. Cuộc sống ở đây nói chung riêng em thì em muốn sống ở Việt Nam chứ không muốn sống xa quê hương tí nào cả. Lòng của em thì rất là nhớ quê và nhất là những ngày Tết này. Xa gia đình xa cha mẹ xa anh xa em. Lâu rồi ngay cả khi mẹ em chết em cũng không dám về. Mẹ chết hôm tháng 6 năm ngoái mà em chỉ gọi về cho gia đình thôi chứ em không dám về.
Khi gặp người Việt mình sống tại Thái thì rất là vui và cái tình cảm Việt Nam mình dù ăn rau hay ăn cháo nhưng sống gần nhau thì em rất thích với phong tục của người Việt mình.”

Anh Sung Seo Hòa, người được đề cử làm đại diện cho cả nhóm cho biết tình trạng tỵ nạn và đời sống của đồng bào H’Mông:

“Ở Việt Nam thì họ ở nhiều tỉnh lắm. Có người ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La cũng có. Lý do đi tỵ nạn đa số vì lý do tôn giáo. Có một số ít là dân oan bị nhà nước cướp vườn ruộng cướp nhà thu hồi đất thế nọ thế kia không hợp lý và không được đền bù. Một số bị người ta đập phá nhà không có nơi ẩn náu không có nơi sống và khiếu nại không thành công. Sau đó cũng có vài người đứng ra bảo vệ công lý thí bị lệnh truy nã cho nên không sống được họ bắt buộc phải chạy sang đây. Mường Nhé thì ở đây có khoảng 6 gia đình, chừng đó thôi.”

Đạo Vàng Chứ

Người ta còn nhớ cách đây gần 5 năm vào tháng 5 năm 2011 lực lượng vũ trang phối hợp với chính quyền bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã bao vây khu vực này và bắt giữ rất nhiều người bị cho là phản động có ý đồ thành lập vương quốc H’Mông tách biệt khỏi đất nước Việt Nam.

Tuy nhiên sau khi báo chí thế giới vào cuộc thì mới biết cái được gọi là vương quốc H’Mông ấy thật ra chỉ là một tôn giáo mới đang được truyền đi cho bà con có tên là đạo Vàng Chứ.
Đồng bào H’Mông sống tại đây bị đàn áp nặng nề do chống lại lực lượng vũ trang. Nhiều người bị bắn chết cùng với hàng chục người khác bị thương trong khi chính quyền khước từ cho rằng không có ai bị thương mặc dù có sự xô xát xảy ra.

Một người H’Mông không muốn nêu tên cho chúng tôi biết về vụ này vì chính anh cũng là nạn nhân trực tiếp và buộc phải bỏ chạy sang Lào rồi sang Thái tỵ nạn. Anh nói rằng vào tháng 5 năm 2011 bộ đội đã tấn công vào bản của anh đang ở, bắn chết và bị thương rất nhiều người. Anh bỏ chạy nên thoát chết.

Đồng bào H’Mông các tỉnh biên giới phía Bắc đa số theo đạo Tin Lành thuộc phái Phúc Âm chạy sang Thái Lan tỵ nạn vì quyền tự do tôn giáo của họ bị sách nhiễu. Nhà nước chẳng những không giúp cho họ có cơ sở để thờ phụng mà còn thẳng tay đàn áp họ khi có cơ hội.
Ở Việt Nam, người H’Mông có hơn 1 triệu người, sống du canh, du cư, có bản sắc văn hóa riêng rất độc đáo. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông là một dân tộc thiểu số, họ sống tản mát trên nhiều quốc gia, Tổ quốc của họ là nơi họ định cư.

Người H’Mông sống hầu hết tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với ranh giới Trung Quốc. Từ xa xưa hầu hết người H’Mông tại Việt Nam đều xuất phát từ các vùng núi cao phía Nam Trung Quốc, nhiều nhất là Quý Châu. Trong những năm gần đây, đồng bào Mông di cư tới nhiều khu vực Tây Nguyên và đa số họ theo đạo Tin Lành Mennonite. Tuy sống khá cách biệt nhưng người Việt sớm biết phong tục tập quán của họ. Những truyền thống văn hóa của người H’Mông đôi khi trùng với phong tục của người kinh. Sự giao thoa giữa hai vùng văn hóa đã phần nào xóa nhòa ranh giới chia cắt chủng tộc cũng như ngôn ngữ.

Trong niềm tin tôn giáo của mỗi người H’Mông họ xác quyết rằng mọi sự do Thiên Chúa xếp đặt kể cả những chuyến đi đầy chông gai từ vùng rừng núi Việt Nam sang đất Thái. Tiếng kinh trưa trước khi vào tiệc đầu năm khiến người nghe cảm giác đang ngồi dưới bóng mát của rừng già nghe tiếng cầu nguyện như chim hót của tộc người H’Mông trong lòng dân tộc Việt.

VIDEO :
Người H'mong VN tạm cư ở Thái Lan






No comments: