Saturday, February 6, 2016

THẾ GIỚI QUAN SÁT BẦU CỬ Ở HOA KỲ (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, February 6, 2016 4:17:02 PM 

Ngay ở vùng làng quê của tiểu bang Iowa hôm Thứ Hai vừa qua cũng có thể thấy một đám nhà báo tìm đến để chứng kiến giây phút mà mỗi bốn năm tiểu bang trở thành quan trọng nhất nước.

Nhưng những nhà báo từ các thành phố lớn ven biển “lạc đường” vào vùng Midwest không phải là những người duy nhất trong số các phát thanh viên tay cầm microphone chen lấn trong các đám phóng viên. Các tổ chức truyền thông trên khắp thế giới, đặc biệt là từ Châu Âu và vùng Châu Mỹ La Tinh, quan sát chính trị Hoa Kỳ kỹ hơn là hầu hết các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ theo dõi những đề tài tương tự ở ngoại quốc, bởi một lãnh tụ của Hoa Kỳ có khuynh hướng ảnh hưởng lớn hơn là những lãnh tụ tương tự ở các nơi khác.

Đây là một số những gì mà các nhà báo đã tụ tập ở Des Moine nói gì về Iowa.

Đài phát tuyến của nhà nước Đức Deutsche Welle (làn sóng Đức) nghiêm chỉnh tường thuật “Một ông tỷ phú thô bỉ và một nhà xã hội chủ nghĩa gắt gỏng đã thúc đẩy biên giới chính trị Hoa Kỳ từ nhiều tháng nay. Các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống không theo bài bản của họ sẽ đối diện với một thử thách đầu tiên: Dân chúng Iowa.”

Bản tin của Deutsche Welle tiếp tục “Trước khi rút lui khỏi cuộc chạy đua đến chức vị tổng thống, Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham của South Carolina được đồn là cần phải học hai điều để vận động ở Iowa: Bạn phải kính mến Chúa Jesu và Ethanol.” Ethanol hẳn là vì tiểu bang trồng bắp rất nhiều này sản xuất ra loại rượu cồn đang được trộn vào xăng chúng ta dùng.

Tạp chí Der Spiegel (tạp chí tin tức tương đương với Time, Newsweek) gần đây đưa hình ông Donald Trump lên trang bìa với một hàng chữ ở dưới bằng tiếng Đức có nghĩa là “Madness - điên khùng.”

Ở Tây Ban Nha, nhật báo El Pais viết, “Hoa Kỳ ngày nay đo sức mạnh của sự bất mãn với giới cầm quyền. Khu vực của tiểu bang Iowa hơi lớn hơn Anh Quốc, nhưng dân số, khoảng 3 triệu người, là 17 lần nhỏ hơn.”

Ở Pháp, tờ Le Monde nhắc đến Iowa như là vùng đất của điện ảnh Hollywood với “những turbin quay gió từ từ xé bỏ những đám mây thấp” và cũng văn hoa tương tự, tiếp tục diễn tả “những cây bắp non ráng sống trong gió tuyết.”

Sáng hôm Thứ Hai tuần rồi, Le Monde để ra nguyên một phụ trang trên website của họ để giải thích về cách thức mà hệ thống bầu sơ bộ của Hoa Kỳ hoạt động với tựa đề “Bầu sơ bộ, đại biểu, Super Tuesday: Hiểu hết mọi sự về các cuộc bầu sơ bộ của Hoa Kỳ.”

Họ chia đề tài thành nhiều loại để trả lời những câu hỏi như “Tại sao cần phải có bầu sơ bộ? Ai có quyền bỏ phiếu? Caucus là gì? Siêu đại biểu là gì? và “Super Tuesday?”

Trong thời buổi đa phương tiện hiện nay, một video dài năm phút kèm theo bài báo. Nó bắt đầu với một giải thích lịch sử trở lại đến tận năm 1876, trước khi chuyển sang một đoạn từ House of Cards. Trong suốt cuộc trình bày, phát thanh viên luôn hỏi “Ok? chúng ta đều hiểu hết rồi chứ. Thực ra là không, phải không các bạn.” Ông gọi hai ứng viên Cộng Hòa là Paulo Rubio và Ronald Trump. Đoạn video dùng những siêu anh hùng của hoạt hình, vai đeo áo choàng đủ bộ lệ, để đại diện cho các “siêu đại biểu.”

Ở Anh Quốc, chính trị Hoa Kỳ là một màn thể thao trình diễn lý thú. Người ta có quyền cá độ công khai. Đã có khá nhiều người Anh thua đậm vì ông Cruz đánh bại ông Trump ở Iowa. Ông Frank Luntz, một nhà thăm dò dư luận cho bên Cộng Hòa, viết trên tờ Telegraph, “Các bạn tôi ở Anh nghĩ là Hoa Kỳ đã phát khùng rồi.”

Website tin tức Infobae ở Argentina cố tìm ra chữ để tả hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ. Họ giải thích, “Iowa sẽ là điểm khởi đầu của một tiến trình kéo dài, gần nửa năm trong đó mỗi đảng sẽ bầu chọn, qua các cuộc bầu sơ bộ hay 'caucuses' tức là luận bàn bầu chọn, tùy theo tiểu bang, số đại biểu mà mỗi ứng cử viên có thể có, khi họ được đề cử ở Đại Hội Đảng.” Khi thấy giải thích đó khá khó hiểu, địa chỉ viết tiếp, “Tức là chúng tôi muốn nói đây là một cuộc bầu cử gián tiếp... Với đại cảnh của các cuộc bầu sơ bộ, Hoa Kỳ có một trong những hệ thống bầu cử có nhiều cạnh tranh nhất thế giới, và tách rời họ ra khỏi đa số các quốc gia Tây phương khác.”

Nhiều tờ báo và cơ quan truyền thông ở Mexico có bài chỉ trích các cuộc bầu chọn caucuses. Phóng viên Washington của nhật báo El Universal, J. Jaime Hernandez viết, “Bộ mặt dân số của Hoa Kỳ không dính líu gì đến Iowa cả. Cái cảnh ngoạn mục của các cuộc bầu sơ bộ ở Iowa... đã chỉ làm nổi bật cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về dân cử của Hoa Kỳ.” Khổ một nỗi ông ta có vẻ xài “los caucus” hay “las primarias” một cách hết sức tùy tiện.

Tờ Mail & Guardian ở Nam Phi sung sướng tìm được một đề tài có thể hấp dẫn độc giả của mình “vai trò của âm nhạc trong các cuộc vận động tranh cử,” với các ban nhạc chơi trước để chuẩn bị, sự xuất hiện của các nhân vật, rồi nhắc đến truyền thống âm nhạc phản đối của Hoa Kỳ. Tờ báo tường thuật, “Vampire Weekend, vốn đã công nhận một trong những bài đầu tay của họ có một đề tài 'vô chính phủ' hoàn toàn không thích hợp, đã chia sân khấu với ông Bernie Sanders và bà vợ Jane Sanders cho một kết thúc đồng ca hồ hởi bản nhạc ‘This Land is Your Land’ của Woody Guthries.”

Ở Trung Cộng, nơi những bản tin về chính trị Hoa Kỳ không liên hệ gì với Trung Quốc thường không được báo chí nhà nước nhắc nhở đến, tờ Thanh Niên đã có vẻ chú ý đến tiến trình, đánh dấu những màn trình diễn liên tục mà các ứng cử viên phải trải qua cũng như số tiền khổng lồ mà họ phải chi ra. Đài phát thanh Quốc Tế Trung Quốc, mà ngày xưa chúng ta gọi là đài phát thanh Bắc Kinh, một cơ quan ngôn luận chính thức chuyên truyền ra quốc tế, đã hơi chú ý đến ông Trump, viết “Ngay cả những người không có tí kinh nghiệm chính trị đứng ngoài cũng không tin được điều ông ta nói là sự thật.” Ông Trump, cũng xin thêm, đã kêu gọi đánh thuế hàng hóa của Trung Cộng đến 45%.

Nhưng ở Iran, các bài tường thuật tương đối trung dung, với các bản tin theo dõi các cuộc thăm dò dư luận.

Nhưng hay nhất phải là một bài giải thích về caucuses trong Russia Today, vốn dựa hầu hết trên một lô video, chấm dứt với lời khuyên, “Vẫn còn rối trí hả? Chỉ cần nhớ, Cộng Hòa bỏ phiếu bằng tay, Dân Chủ bỏ phiếu bằng chân.” Sau khi lục lọi tôi vẫn chưa hiểu tại sao Russia Today nói như vậy. Không hiểu có phải là vì bên Cộng Hòa ở Iowa đứng chung và bỏ phiếu còn bên Dân Chủ thì chia người của các ứng viên ra riêng rồi đếm chăng? Điều chắc chắn là người Nga còn rối trí hơn nữa khi đọc đoạn giải thích này.

Một khi việc kiểm phiếu xong, truyền thông thế giới sẽ không còn chú ý đến Iowa nữa, cho đến năm 2020. Tiểu bang, với dân số nhỏ hơn nhiều thành phố, với bắp, xe máy cày, thịt heo (tươi hay đông lạnh) là bốn món hàng xuất cảng chính, sẽ không có dính líu gì bao nhiêu đến chính trị của Bắc Kinh, Moscow hay Paris. Bốn năm nữa, khi nghi thức trở lại, báo chí quanh thế giới lại một lần nữa phải đối diện với công tác khó khăn giải thích bắt đầu từ đầu nền dân chủ Hoa Kỳ cho một khán giả hoàn toàn rối trí.

Good luck cho họ.




No comments: