Monday, February 8, 2016

TẾT TÂY & TẾT TA (Nguyễn Hưng Quốc)





08.02.2016

Cũng giống mọi người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại, mỗi năm tôi có đến hai cái tết: Tết Tây và Tết ta.

Tết Tây thì long trọng hơn hẳn. Thường, tôi được nghỉ đến hơn một tuần. Trước Tết, bạn bè, đồng nghiệp gửi thiệp chúc mừng năm mới và tặng quà cho nhau. Đêm giao thừa, người ta ùn ùn kéo đến khu vực trung tâm thành phố để xem pháo hoa. Sau Tết, trong trường có những cuộc họp để bàn về kế hoạch cho năm mới. Bởi vậy, dù không nghĩ đến, không khí Tết vẫn bàng bạc ở mọi nơi và mọi lúc. Vậy mà, lạ, đối với Tết Tây, tôi vẫn ơ hờ. Nghỉ, ừ, thì nghỉ. Chúc Tết, ừ, thì chúc Tết. Nhưng tự thâm tâm, tôi vẫn có cảm giác đó là cái Tết của người khác. Chứ không có gì liên hệ với mình.

Tết ta thì khác. Năm nay ngày mồng một Tết rơi vào thứ Hai, tôi vẫn đi làm và đi họp bình thường. Nếu không đến các khu chợ Việt Nam và không dự các buổi hội chợ Tết được tổ chức rải rác đây đó, người ta sẽ không thấy tết đâu cả. Gia đình tôi lại không có bàn thờ, không có thói quen cúng kiếng và không đến chùa hái lộc đón giao thừa nên càng không có không khí Tết. Ở nhà không có cành mai hay chậu cúc. Bà xã tôi chỉ làm một vài món ăn ngày Tết và mua một hai cái bánh chưng, bánh tét gọi là… Vậy mà, không hiểu sao, Tết ta vẫn cứ ám ảnh tôi mãi. Gần đến Tết, trong lòng vẫn xôn xao. Đến Tết, làm việc thì làm việc, nhưng sâu tận trong tâm khảm, vẫn có chút gì nao nao, bâng khuâng, và đặc biệt, có chút gì thật hiu hắt.

Tại sao lại hiu hắt?

Hiu hắt, tôi nghĩ, trước hết, là vì nhớ quê hương. Tôi tin tất cả mọi người hiện đang sống ở hải ngoại, với những mức độ khác nhau, đều nhớ quê hương, nhất là trong những ngày Tết, lúc, theo truyền thống, mọi người trở về quê quán để tụ tập với đại gia đình, bà con, hàng xóm. Theo giới nghiên cứu về Lưu vong học (Diaspora Studies), một trong những đặc điểm chung nhất và nổi bật của các cộng đồng lưu vong trên thế giới là lúc nào cũng đau đáu với một số ký ức tập thể về quê gốc để, dù thành công đến mấy, người ta vẫn thấy ít nhiều lạc lõng trên miền đất mới. Với người Việt Nam, vốn có truyền thống gắn bó với quê quán, những nỗi nhớ ấy càng phổ quát và càng da diết. Cứ mở các tờ báo xuân bằng tiếng Việt ở khắp nơi thì thấy. Ở đâu cũng tràn đầy nỗi nhớ. Nhớ những phong tục cũ. Những hình ảnh cũ. Những tâm tình cũ. Người ta nhớ cả những truyền thuyết và truyện cổ tích xa xưa về bánh dày, bánh chưng và dưa hấu.

Bản thân tôi, đã hơn mười một năm rồi, không được về lại Việt Nam, đến Tết, lại càng nhớ. Khái niệm quê hương, trong nỗi nhớ của tôi, rất cụ thể. Đó là ba tôi, anh em tôi, bạn bè tôi. Đó là không khí với những mùi hương và những tiếng động, từ tiếng cười đến tiếng nói, từ tiếng rao hàng đến tiếng động cơ qua lại trên đường phố. Nỗi nhớ, bình thường mênh mang và man mác, đến ngày Tết, trở thành nặng trĩu, có lúc dường như rưng rưng.

Hiu hắt còn là vì nhớ quá khứ. Hầu hết những nỗi nhớ ngọt ngào nhất của tôi liên quan đến ngày Tết là những kỷ niệm ngày thơ ấu. Gần Tết, tiếng heo kêu eng éc từ đầu thôn đến cuối xóm. Mang thịt về, mẹ tôi bày nấu đủ thứ, từ thịt kho, thịt hầm, thịt luộc đến các loại bánh nhân thịt như bánh tét và bánh ít. Có lẽ chỉ có ngày Tết là mọi người được ăn thịt thoả thuê. Nhưng trong các thứ bánh, không hiểu sao, đọng lại trong ký ức tôi nhiều nhất là bánh tổ. Đó là loại bánh cực giản dị, chỉ có bột nếp và đường, để được rất lâu. Lâu đến độ có khi bánh bị mốc. Nhưng không sao cả. Người ta chỉ cần lạn cắt lớp mốc ấy đi và bỏ bánh lên chão dầu chiên cho giòn. Là ăn được. Ngon vô cùng.

Mẹ tôi mất vào rằm tháng giêng. Rất gần Tết. Nên Tết nào tôi cũng nhớ mẹ. Nhớ bàn tay thoăn thoắt của bà những lúc chuẩn bị thức ăn ngày Tết. Nhớ cồn cào những món bà nấu. Sau này, tôi có dịp thưởng thức nhiều món ăn nổi tiếng trên thế giới, nhưng hình như không có món nào ngon như những món mẹ tôi nấu. Tôi biết, cách đánh giá ấy rất chủ quan. Nhưng việc ăn uống nào mà lại không chủ quan? Ăn, chúng ta đâu phải chỉ ăn thực phẩm. Trong cái ăn còn biết bao nhiêu là kỷ niệm. Kỷ niệm lúc càng nhỏ tuổi lại càng sâu đậm.
Nhưng cảm giác hiu hắt xuất phát nhiều hơn, nếu không muốn nói là nhiều nhất, từ nỗi bế tắc khi nghĩ đến tương lai của Việt Nam. Đại hội thứ XII vừa kết thúc. Thường, trong sinh hoạt chính trị Việt Nam, các đại hội mỗi năm năm ấy là một dấu mốc lớn. Nhưng đại hội vừa qua lại không có chút hứa hẹn thay đổi nào cả. Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng làm tổng bí thư năm năm; suốt năm năm ấy, ông không có chút cải cách. Thêm năm năm nữa, chắc chắn ông cũng vẫn vậy. Vẫn rất giáo điều và bảo thủ. Ông vẫn quyết tâm dẫn dắt cả nước vào cuộc phiêu lưu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà ông biết chắc, như có lần ông thừa nhận, còn rất đỗi xa vời, đến tận cuối thế kỷ, chưa chắc đã thành hiện thực. Để đánh đổi cho cuộc phiêu lưu ấy, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục trì trệ; giáo dục và đạo đức vẫn tiếp tục suy đồi; tham nhũng vẫn tiếp tục tràn lan; người dân vẫn tiếp tục khốn khổ; và, quan trọng hơn, Việt Nam vẫn đối diện với nguy cơ xâm lấn từ Trung Quốc.

Một chế độ độc tài chỉ có thể cáo chung với một trong hai nguyên nhân: tự thay đổi hoặc bị đánh đổ.

Với bộ máy lãnh đạo hiện nay, viễn ảnh thứ nhất hoàn toàn bất khả. Không hy vọng gì những người như ông Nguyễn Phú Trọng sẽ theo gót các nhà lãnh đạo ở Miến Điện để chấp nhận trao quyền lực lại cho những chính khách được dân bầu trong một cuộc bầu cử thực sự tự do và minh bạch. Mà Việt Nam cũng chưa có những nhà đối lập có tầm vóc quốc tế để có thể tập hợp lực lượng đông đảo hầu đối đầu với nhà cầm quyền.

Còn viễn tượng bị lật đổ? Tôi nghĩ khả năng này, nếu có, cũng còn xa. Lý do, giống như trên, lực lượng đối lập vẫn còn nhỏ và yếu. Dĩ nhiên, vẫn có khả năng bùng nổ cách mạng. Các cuộc cách mạng ở các nước Ả Rập vào đầu năm 2011 cũng rất bất ngờ, không ai, kể cả giới chính khách và giới tình báo Tây phương, có thể tiên đoán được.

Người Việt Nam có thói quen nuôi một số hy vọng nào đó khi đón Tết. Riêng đối với tình hình chính trị tại Việt Nam trong năm Bính Thân này, tôi chưa thấy có chút hy vọng gì cả.
Nên càng nghĩ càng thấy hiu hắt.


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.









No comments: