Monday, February 8, 2016

TÀU TRUNG QUỐC "VÂY" BÃI ĐÁ NGẦM BA KÈ (Người Việt Online)





Người Việt
Sunday, February 7, 2016 2:35:51 PM 

Bài liên quan

--------------


HÀ NỘI (NV) - So với tháng trước, lượng “tàu đánh cá” của Trung Quốc lảng vảng quanh bãi đá ngầm Ba Kè đã tăng lên gấp ba và hiện đang dao động trong khoảng từ 12 đến 15 chiếc. 

Một trong các “tàu đánh cá” của Trung Quốc đang thả neo ở Ba Kè. (Hình: Thanh Niên)

Ba Kè là một trong bảy bãi đá ngầm nằm trên thềm lục địa Việt Nam, bảy bãi đá ngầm này cách đất liền từ 250 đến 350 hải lý.

Cuối thập niên 1980, sau khi Trung Quốc chiếm giữ hàng loạt bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, thảm sát 64 quân nhân hải quân CSVN ở bãi đá Gạc Ma, Việt Nam đã thành lập các trạm dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật trên bảy bãi đá ngầm trong khu vực thềm lục địa Việt Nam, những trạm này bao gồm một hoặc nhiều nhà sàn lớn bằng thép mà Việt Nam gọi là “nhà giàn” rồi điều động hải quân trấn giữ tại đó.

Trong số bảy trạm dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật vừa kể, trạm Ba Kè (cách Vũng Tàu khoảng 580 cây số, diện tích khoảng 50 cây số vuông, độ cao dao động trong khoảng từ 3.2 mét đến 100 mét bên dưới mặt nước) và trạm Quế Đường xây dựng trên một bãi đá ngầm cách Ba Kè khoảng 74 hải lý được xem là phức tạp nhất vì cả chiến hạm lẫn các loại tàu khác của Trung Quốc (tàu nghiên cứu, tàu thăm dò dầu khí, tàu đánh cá) thường xuyên lảng vảng. Đặc biệt là vào các tháng mà biển êm như 3, 4, 5, 9, 10.

Đáng chú ý là từ cuối năm ngoái đến nay, dù biển động mạnh, nhiều lúc động dữ dội song số “tàu đánh cá” vỏ thép của Trung Quốc đổ đến Ba Kè rồi chạy lòng vòng tại đó đột nhiên tăng vọt. Con số này đã từ năm trở thành 15.

Một sĩ quan hải quân CSVN đang đóng ở Ba Kè khẳng định với tờ Thanh Niên, những “tàu đánh cá” của Trung Cộng là tàu tuần thám cải trang.

Tuy cũng có giàn khung treo lưới bọc quanh thân nhưng những “tàu đánh cá” này không buông lưới. Chúng chỉ thả xuồng cao su chạy tới chạy lui giống như thăm dò độ sâu, khảo sát đáy biển. Đến tối, các “tàu đánh cá” này tự gom thành cụm, mở tất cả đèn khiến vùng biển quanh đó sáng choang.

Ngư dân trên một số tàu đánh cá Việt Nam kể với phóng viên tờ Thanh Niên rằng, tàu của họ thường xuyên bị người trên các “tàu đánh cá” của Trung Quốc xua đuổi nếu tình cờ xáp tới gần. Thậm chí các “tàu đánh cá” của Trung Quốc còn lao thẳng tới với tư thế sẵn sàng đâm chìm các tàu đánh cá của Việt Nam để... răn đe.

Trong vài tuần gần đây, nhiều đêm, “tàu đánh cá” của Trung Quốc đã áp sát các “nhà giàn” rồi thả neo, trụ luôn tại đó, bất chấp quân nhân hải quân CSVN đóng trên các “nhà giàn,”mở loa, chiếu đèn pha xua đuổi.

Tình thế trở thành bất thường đến mức đáng ngại nên theo tờ Thanh Niên, Việt Nam phải điều động một chiến hạm của hải quân và hai tàu của lực lượng kiểm ngư ra xua đuổi. Khi những tàu này xuất hiện, các “tàu đánh cá” của Trung Quốc chỉ giạt ra xa một chút rồi lại tiếp tục tới lui chứ không chịu rút. Cũng đã có những “tàu đánh cá” của Trung Quốc không thu neo tạm rút khi bị chiến hạm và tàu kiểm ngư của Việt Nam xua đuổi mà chỉ ra lệnh cho thủy thủ đoàn lui vào trong khoang, đóng cửa khoang lại, mặc kệ những cảnh cáo và lệnh phải ra khỏi khu vực thềm lục địa Việt Nam của cả hải quân Việt Nam lẫn kiểm ngư Việt Nam.

Một viên đại tá tên là Tô Văn Thư, tham mưu phó Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Hải Quân, nhận định, Trung Quốc đang có ý định đặt giàn khoan, đóng quân xen kẽ với Việt Nam trên một số bãi cạn ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Tuy viên đại tá này khảng định, hải quân Việt Nam đã báo động để “nâng cao cảnh giác, không để Trung Quốc hạ đặt bất cứ thứ gì trên vùng biển của Việt Nam” song diễn biến sắp tới thế nào rất khó lượng định. (G.Đ)





No comments: