Friday, February 19, 2016

SUNNYLANDS & VÙNG NƯỚC ĐỤC (Economist)





Dịch giả: Trần Văn Minh
Posted by adminbasam on 20/02/2016

Hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông không được phép mang lại kết quả

Trung Quốc đã đưa rất nhiều người ra khỏi nghèo khó và trở nên hùng mạnh thật nhanh là chuyện thần kỳ. Cũng không kém thần kỳ là cách thức Mỹ, một cường quốc đương thời, chủ yếu xem sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cơ hội hơn là mối đe dọa. Tuy nhiên, ở Biển Đông, với khoảng 30% thương mại của thế giới đi ngang qua, Trung Quốc phiêu lưu gây nguy hiểm cho sự sắp xếp tốt đẹp này. Hành vi đó của họ không đếm xỉa đến luật pháp quốc tế, đe dọa các nước láng giềng và làm tăng nguy cơ xung đột với một số nước này và với chính nước Mỹ. Nhắc lại những khẩu hiệu của chính họ về sự ổn định và hòa bình, họ cần phải lùi bước.

Biển Đông  (Ảnh: Economist)

Lần khiêu khích mới nhất là việc lắp đặt hai bệ phóng tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, trong quần đảo Hoàng Sa, phía nam đảo Hải Nam. Rõ ràng là Trung Quốc đã không phủ nhận sự leo thang quân sự nguy hiểm này, mà thay vào đó nói về quyền của họ đối với “các cơ sở tự vệ cần thiết và hạn chế”. Quần đảo Hoàng Sa cũng được Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nhấn mạnh rằng, hầu như toàn thể vùng biển thuộc về họ, viện dẫn huyền thoại lịch sử.

Họ đã xây dựng một cách điên cuồng trong quần đảo Trường Sa, ở phía nam, tạo nên đất nhân tạo trên đá và san hô, cũng được Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việc xây dựng, giống như vụ tên lửa, coi thường tinh thần của bản tuyên bố mà Trung Quốc ký năm 2002 với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó các bên cam kết sẽ “thực hiện kiềm chế” trên biển. Trung Quốc cũng từ chối chấp nhận quyền tài phán của tòa án quốc tế tại Hague, đang xem xét vụ kiện về các tuyên bố chủ quyền của họ do Philippines đệ trình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Nếu như, có vẻ có khả năng, vào cuối năm nay tòa án sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines trên một số điểm, Trung Quốc sẽ tảng lờ sự kiện. Đây không phải là “thành viên có trách nhiệm” của thế giới mà Mỹ hy vọng Trung Quốc trở thành.

Hai yếu tố có thể khiến Trung Quốc triển khai tên lửa. Tin tức về sự kiện ông Barack Obama chủ trì tại trang trại Sunnylands ở California một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có, với các nhà lãnh đạo của mười nước thành viên ASEAN, bốn trong số  các nước này có tranh chấp về các thực thể đất trên biển với Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh một phần được dự tính thể hiện tình đoàn kết của Mỹ với họ. Trung Quốc xem đây là một mưu kế giúp các nước láng giềng mạnh dạn đối phó với Trung Quốc, và vì thế, như là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

Yếu tố thứ hai, vào cuối năm ngoái, Mỹ đã khởi động lại hoạt động “tự do hàng hải” trong vùng Biển Đông, với hai lần gửi tàu chiến đi qua vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Điều này dường như là một nỗ lực muộn màng để chứng tỏ rằng, bất cứ ai sở hữu các cụm đất, đá trong vùng biển, hầu hết vùng nước này, theo luật pháp quốc tế, không thuộc về bất cứ quốc gia nào và mở rộng cho lưu thông hàng hải các loại. Đáng tiếc là Mỹ đã nhập nhằng tín hiệu này, bằng cách xác nhận rằng cả hai hoạt động được tiến hành như sự “đi qua vô hại”, tức là, theo quy định của Luật Biển cho phép, ngay cả tàu chiến đi ngang qua không đe dọa vùng lãnh hải của nước khác. Trung Quốc dường như xem những hoạt động đó đủ tính khiêu khích để cố gắng ngăn chặn Mỹ tiếp tục thực hiện các hành động kế tiếp; hoặc có lẽ chúng cung cấp một cái cớ hữu ích.

Mùa tranh cử

Trung Quốc có thể tính toán rằng bây giờ là thời điểm vào những tháng cuối cùng của một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ mà họ cho là yếu và không thích đối đầu, để tạo ra sự đã rồi trong vùng biển, mà điều này sẽ cho họ sự lấn chiếm không thể đảo ngược trên biển. Vì vậy, thay vì nhường bước trước sự đe dọa của Trung Quốc, Mỹ nên tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, và làm như thế sẽ rõ ràng hơn. Các nước bạn bè của Mỹ trong khu vực có thói quen sợ làm mất lòng Trung Quốc, cũng nên để cho Mỹ sự hỗ trợ hết lòng hơn. Chắc chắn họ không muốn nhìn thấy Biển Đông, với các tuyến đường vận tải quan trọng, trở thành cái hồ của Trung Quốc.




No comments: