Friday, February 12, 2016

NGƯỜI TRẺ CỔ VÕ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO (Huyền Trang, GNsP)





Huyền Trang, GNsP   
Đăng ngày 12.02.2016 - 12:30am

GNsP (12.02.2016) – Trong bài phỏng vấn “So sánh quyền tự do tôn giáo dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản” của chúng tôi với Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, ngài nhấn mạnh:
 “Lịch sử cho thấy các tôn giáo là tổ chức công bố sự thật, bênh vực lẽ phải, thể hiện tình thương, là định chế có vai trò đào tạo lương tâm, giáo dục con người, tạo lập văn hóa. Nhưng một khi các tôn giáo bị cấm cản, hạn chế, lũng đoạn như tại VN hiện nay, thì sẽ đưa đến những hậu quả: trên phương diện tập thể thì đó là chính trị bạo hành, văn hóa suy thoái, giáo dục xuống cấp, an sinh bấp bênh, môi trường nhiễm độc. Trên phương diện cá nhân thì đó là lương tri mờ tối, lương tâm băng hoại, trái tim vô cảm trước nỗi khổ đau của đồng bào và dửng dưng trước thảm trạng của xã hội.”
Vậy người dân VN nên làm gì để cổ võ quyền tự do tôn giáo của người dân để có thể góp phần thay đổi các thực trạng của đất nước?
Xin mời quý vị tiếp tục dõi  phần phỏng vấn tiếp theo giữa Pv.GNsP với Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, sống ở Huế.

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, đó là những quan ngại của cha về đời sống tâm linh của mỗi người dân VN, vậy theo cha mỗi cá nhân hay tổ chức nên làm gì để thúc đẩy nhà cầm quyền cs VN tôn trọng ‘quyền tự do tôn giáo’ của người dân?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Theo tôi nghĩ rằng, có thể có 4 hoạt động:
Thứ nhất, trên phương diện lý thuyết pháp luật, hãy cùng nhau đòi hủy bỏ Luật tín ngưỡng tôn giáo. Đó là một Bộ Luật vừa không cần thiết, vừa vi phạm nhân quyền, bởi vì các tôn giáo là một tổ chức xã hội dân sự và đã có luật lệ riêng. Các tín đồ công giáo là các công dân thì có các luật lệ liên hệ tới các quyền công dân. Cho nên không thể lập ra Luật tín ngưỡng tôn giáo để khống chế giáo luật vì vậy phải cùng nhau hủy bỏ.
Thứ hai, hóa giải cơ chế “xin-cho” đang tồn tại trong tôn giáo bằng cách mỗi người và mỗi giáo hội phải tự ý thực hiện các quyền thuộc về tự do tôn giáo và không cần sự cho phép của nhà cầm quyền.
Thứ ba, hàng lãnh đạo cao cấp các Giáo hội nên liên kết với nhau để đòi tự do tôn giáo.
Thứ tư, các lãnh đạo tinh thần nên biết huy động nhân dân xuống đường để phản đối những vi phạm về quyền tôn giáo (chẳng hạn tới tu viện Thiên An, tới chùa Liên Trì, tới Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm căng biểu ngữ, hiệp thông cầu nguyện). Liên kết với nhau để phản đối những vi phạm về quyền con người (theo gương giáo dân Đông Yên khi nhà cầm quyền bắt hai người giáo dân của giáo xứ và họ đòi buộc nhà cầm quyền phải thả hai người này ra, hoặc giáo dân Thái Hà, Hà Nội cách đây nhiều năm để phản đối nhà cầm quyền chiếm Tòa Khâm Sứ và linh địa Thái Hà).

Các tôn giáo trong Hội đồng Liên tôn VN liên kết với nhau trong tình huynh đệ

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, con được biết, một số bạn trẻ quốc nội quan tâm đến ‘quyền tự do tôn giáo’ thành lập một Hội mang tên là ‘Bảo vệ quyền tự do tôn giáo’ với tôn chỉ “giúp mọi công dân có thể thực thi quyền tự do tôn giáo, chống lại tất cả mọi hoạt động nhằm hạn chế hay cản trở quyền này”. Thưa cha, ý kiến riêng của cha về Hội này là như thế nào ạ?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Đây là một việc làm đáng khen ngợi. Đáng khen ngợi trước hết ở chỗ sáng kiến lập hội và tham gia vào hội chính là các bạn trẻ. Thứ đến là ở chỗ gieo ý thức này cho giới trẻ VN và gây tinh thần cho đồng bào Việt Nam, giúp đồng bào VN hiểu rằng tự do tôn giáo là một nhân quyền quan trọng.

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, thời gian vừa qua, Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo thực hiện một vài hoạt động như kêu gọi người dân quay một video ngắn, hoặc chụp ảnh để mỗi người có cơ hội nói lên mong ước của mình về quyền tự do tôn giáo tại VN, và có những thước phim ngắn nói về thực trạng ‘quyền tự do tôn giáo’ ở VN. Xin cha có thể cho chúng con những nhận xét của riêng cha về các hoạt động này ạ?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Các hoạt động đó là điều cần thiết, vì 2 lý do: Trước hết giúp đồng bào luôn ý thức rằng tự do tôn giáo vừa thăng tiến con người vừa thăng tiến xã hội, và một xã hội nào có tự do tôn giáo thì xã hội đó sẽ tốt lành hơn. Thứ hai giúp đồng bào hiểu rõ tự do tôn giáo không chỉ nằm ở chỗ các giáo hội có thể xây nơi thờ phượng, có thể tổ chức lễ hội, các chức sắc có thể đi ra nước ngoài, nhưng còn nằm ở chỗ các giáo hội có thể thành lập và sinh hoạt mà không cần sự cho phép của nhà nước, có thể tổ chức nội bộ của mình từ xếp đặt cơ cấu đến huấn luyện nhân sự, bổ nhiệm chức sắc mà không bị nhà nước chen vào, có thể góp phần vào giáo dục giới trẻ để cứu vớt nền giáo dục độc quyền hóa và chính trị hóa vốn ngày càng thê thảm và thất bại, có thể truyền bá giáo lý để giáo dục lương tâm con người, canh tân bầu khí xã hội, chấn hưng văn hóa dân tộc.

Quyền tự do tôn giáo là quyền phổ quát của con người

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, qua những lời cha chia sẻ thì Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo nên làm gì để có thể phổ biến cho người dân biết rõ hơn ‘quyền tự do tôn giáo’ của chính mình ạ?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Tôi nghĩ là có thể làm bốn việc sau đây: Thứ nhất, tiếp tục đưa tin tức vế sự vi phạm quyền tự do tôn giáo. Hàng quý hay hàng năm có bản báo cáo về vấn đề này. Thứ hai, lên tiếng về các vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo (riêng hoặc chung). Thứ ba, tham gia các hoạt động hiệp thông, ủng hộ, yểm trợ những nơi và những người bị bách hại vì tôn giáo tín ngưỡng. Thứ tư, liên lạc với các chức sắc tôn giáo lớn nhỏ để trình bày cho các vị về những gì liên quan đến quyền tự do tôn giáo và mời gọi các vị dấn thân đem đạo cứu đời.

Huyền Trang, GNsP: Chúng con xin chân thành cám ơn cha Phêrô . Chúng con xin kính chúc cha nhiều sức khỏe và an lành trong năm mới này ạ.

 ‘Hội bảo vệ tự do tôn giáo’ là một trong những tổ chức Xã hội Dân sự được thành lập ở VN với tôn chỉ ‘giúp mọi công dân có thể thực thi quyền tự do tôn giáo, chống lại tất cả mọi hoạt động nhằm hạn chế hay cản trở quyền này’.
Để thực hiện điều đó, trong suốt hơn 1 năm qua từ năm 2014 cho đến nay, ‘Hội bảo vệ tự do tôn giáo’ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khai trí “giúp người dân Việt Nam ý thức hơn về tầm quan trọng quyền tự do tôn giáo của chính mình, hiểu về tiến trình lập pháp Luật Tôn giáo”.
Điều phối viên của Hội chính là cô Hà Vân, sống ở Hà Nội. Cô là phóng viên của Sài Gòn Báo và là một trong những người trẻ năng động, nhiệt thành trong các phong trào cổ võ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như các quyền cơ bản của người dân. Cô từng là phóng viên Truyền Thông Chúa Cứu Thế, tham gia các hoạt động biểu tình chống Hoa Lục, biểu tình vì cây xanh ở Hà Nội…

Huyền Trang, GNsP





No comments: