Tuesday, February 9, 2016

NGƯỜI DÂN PHẢI "BƯỚC QUA TÂM LÝ SỢ HÃI" (LS Lê Công Định)





Lê Công Định
9-2-2016
.
Luật sư Lê Công Định vừa kết thúc hạn quản chế ba năm

Luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động dân chủ và cựu tù nhân chính trị Việt Nam, vừa nhận được quyết định kết thúc thời gian quản chế trong ba năm từ 2013.
Từ Sài Gòn, ông trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt.
Luật sư Định cho biết ông dự định "trở lại nghề tư vấn luật".

BBC: Anh có dự định gì cho công việc sau khi kết thúc thời gian quản chế?
LS Lê Công Định: Trước mắt tôi định đi thăm một số nơi mà đã lâu rồi tôi chưa có dịp đến chẳng hạn như ở miền Trung hoặc miền bắc Việt Nam, kể cả miền Nam là nơi trước đây khi đi làm tôi có đi nhiều.
Về kế hoạch làm việc tôi dự định trở lại nghề tư vấn luật, mặc dầu giấy chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi đã bị rút kể từ khi tôi bị bắt năm 2009. Nhưng tôi vẫn có khả năng quay trở lại hành nghề tư vấn. Nghề tư vấn luật cũng không cần đến chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư thì chỉ cần thiết khi tôi xuất hiện trước tòa án. Còn khi tôi không xuất hiện trước tòa án thì công việc tư vấn vẫn diễn ra, đó là một kỹ năng bình thường của các luật gia tại Việt Nam.

BBC:Trước đó anh có nói với an ninh anh muốn có lại thẻ hành nghề, họ có trả lời gì với anh về vấn đề này không?
LS Lê Công Định: Họ có trả lời với tôi họ sẽ cố gắng rút ngắn thời gian để trả lại cho tôi thẻ hành nghề luật sư, tuy nhiên còn tùy thuộc vào thái độ của tôi. Ý tức là nếu tôi vẫn tiếp tục các hoạt động với nhà cầm quyền là chướng tai gai mắt thì khả năng họ tác động để trả lại giấy phép hành nghề của tôi là xa vời hơn. Tuy nhiên đối với tôi việc có lại giấy phép hành nghề hay không cũng không quá quan trọng.
Với kinh nghiệm 20 năm hành nghề luật sư tôi cũng được nhiều khách hàng biết đến. Kỹ năng của tôi cũng không mai một bao nhiêu. Giấy phép chỉ là phương tiện về diện pháp lý thôi. Mà phương tiện đó thì trong hoạt động tư vấn luật nó không phải là một yếu tố hay điều kiện tiên quyết. Vấn đề chính vẫn là các công ty, doanh nghiệp Việt Nam họ có thực sự cần kỹ năng và lời tư vấn của tôi hay không.

BBC: Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có xu thế cố gắng tránh những người có xung đột hay vấn đề với chính quyền. Với tình huống của anh, anh nghĩ mình có thể có lại các khách hàng như xưa nữa không?
LS Lê Công Định: Điều đó rất đúng, ngày xưa thì nặng nề hơn. Nhưng bây giờ các doanh nghiệp họ suy nghĩ cũng thoáng. Họ cũng rất rõ ràng hơn. Họ cần sự tư vấn của tôi với tính cách hoàn toàn chuyên nghiệp từ phương diện pháp lý mà thôi. Cũng không có nghĩa là khi họ sử dụng dịch vụ pháp lý của tôi là họ dính với vấn đề chính trị của tôi. Điều đó đã được xem nhẹ hơn.
Điển hình là tôi đã gặp lại rất nhiều khách hàng cũ trước đây rất sẵn lòng sử dụng lại dịch vụ tư vấn của tôi. Và nhất là đối với những giao dịch thương mại có tính chất quốc tế, họ tin là tôi làm việc hiệu quả. Đó cũng là một ưu thế của tôi.

BBC: Nhưng anh đã rời xa nghề nghiệp đã lâu, cả thời gian chịu án tù và quản chế, anh nghĩ mình có khả năng cập nhật lại dòng chảy chung không?
LS Lê Công Định: Tư vấn luật và kỹ năng tư vấn gần như là máu thịt của mình. Tôi có thể mất gần bảy năm xa rời nghề luật sư, nhưng tôi biết khi trở lại tôi không mất bao nhiêu thời gian để cập nhật hóa. Vấn đề quan trọng trong nghề luật của tôi là cập nhật lại các luật mới ban hành. Trong ba năm vừa rồi bị quản chế, tôi vẫn liên tục cập nhật và tôi tự tin không có sự mai một hoặc hụt hơi nào để tôi bắt kịp dòng chảy hiện đại của nghề tư vấn luật tại Việt Nam.

Các luật sư hỗ trợ pháp lý trong vụ Đỗ Đăng Dư thiệt mạng trong tù

BBC: Khác với thời anh bị bắt, giờ đây số lượng các luật sư công khai công việc đấu tranh của mình đã xuất hiện khắp nơi, anh nhìn thấy trước sự biến đổi gì của xã hội dựa trên lực lượng này?
LS Lê Công Định: Tôi rất ngạc nhiên và rất vui mừng vì các đồng nghiệp của tôi bây giờ đã dấn thân nhiều hơn. Vào cái thời trước 2009, số luật sư tham gia bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lí do mà tôi trở thành cái gai trước mắt của nhà cầm quyền.
Khi tôi ra khỏi tù, tôi thấy một lực lượng luật sư, không chỉ những luật sư lớn tuổi mà kể cả các luật sư trẻ, thậm chí mới vào nghề, họ cũng rất sẵn sàng dấn thân. Tôi rất kỳ vọng vào lực lượng luật sư này.
Nhà cầm quyền cũng ngại họ bởi đây là một giới có sự hiểu biết pháp luật nhất định. Bởi vì rất nhiều nơi ở Việt Nam, các quan chức nhiều khi làm việc không để ý đến vấn đề tuân thủ luật pháp, đưa đến vấn đề cửa quyền, quan liêu. Người dân thường rất khổ vì đối mặt với các thủ tục pháp lý đôi khi không được tuân thủ đàng hoàng.
Tiếng nói và sự dấn thân của giới luật sư sẽ giúp cho người dân hiểu rõ hơn quyền lợi của mình. Nhà cầm quyền cũng ngại.
Đứng từ góc độ phát triển quốc gia thì tôi thấy sự dấn thân và lên tiếng của các luật sư là tốt cho sự phát triển đất nước. Còn nếu nhà cầm quyền ngại thì họ nên cần thay đổi suy nghĩ của mình để chấp nhận vai trò của giới luật sư ngày càng tăng trong xã hội.

BBC: Giới luật sư bây giờ có còn đơn độc như thời của anh nữa không?
LS Lê Công Định: Tôi không thấy sự đơn độc bây giờ nữa bởi vì tôi thấy rất nhiều trường hợp xảy ra, rất nhiều luật sư được sự đồng tình của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Thậm chí khi luật sư bị nạn thì rất nhiều người ở nhiều giới khác nhau cũng đã lên tiếng ủng hộ. Người ta cũng tập hợp lại để nói tiếng nói ủng hộ luật sư hoặc những luật sư gặp nạn. Sự cô đơn như thời của tôi không còn nữa.
Thời xưa, phải nói thật là rất cô đơn. Tôi đại diện cho một số nhà bất đồng chính kiến ra trước tòa. Khi tôi phải thực hiện những công việc lẽ ra bình thường vậy, tôi lại cảm thấy là sự nguy hiểm lúc nào cũng rình rập lấy mình. Bây giờ tôi tin là các luật sư không còn như vậy nữa, mặc dù sự e dè và ngại ngùng trong một số luật sư khác vẫn còn.

Người tù Huỳnh Văn Nén cũng đã được trả tự do sau nhiều năm đấu tranh của gia đình và các luật sư hỗ trợ ông

BBC: Liệu xu thế này có được duy trì lâu không, hay lại chìm xuống như nhiều trào lưu của giới trí thức?
LS Lê Công Định: Sự vận động này rất là tất nhiên của xã hội nên tôi không tin là nó sẽ chìm xuống. Trước 2009, chỉ có vài luật sư thôi. Còn bây giờ càng ngày càng nhiều. Xu thế này càng gia tăng, vì các luật sư ngày càng ý thức được vai trò của mình và họ hiểu sức mạnh của mình chính là luật pháp. Mà luật pháp đâu phải do các luật sư đặt ra mà chính do nhà cầm quyền đặt ra. Vậy sự tuân thủ luật pháp cũng là cách tốt nhất để nhà cầm quyền dựa vào đó để tiếp tục sự cai trị tốt đẹp với quốc gia. Còn nếu họ từ chối điều đó thì họ đã quay ngược lại chống lại chính bản thân hệ thống của mình.
Xu thế này không thể chìm xuống như một phong trào, bởi đây không phải là vấn đề chính trị mà cứ có đàn áp thì chìm xuống. Đây là sự vận động tất yếu của lịch sử và xã hội.

BBC: Mình đã nói nhiều về luật sư, giờ tôi muốn hỏi anh người dân cần thêm gì để họ có thể tự chủ hơn?
LS Lê Công Định: Người dân cần phải bước qua tâm lý sự hãi để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách thiết thực hơn. Luật pháp và hiến pháp Việt Nam hiện giờ cũng đã quy định rất rõ ràng các quyền và lợi ích công dân. Vấn đề là chúng ta có yêu cầu nhà cầm quyền thực thi các lợi ích đó hay không thôi.
Đừng có sự e dè nào hết, tiếng nói của người dân vẫn được nhà nước lắng nghe mà. Tại sao chúng ta không tận dụng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã ghi nhận trong hiến pháp và luật pháp để chúng ta đòi hỏi sự thực thi đúng đắn? - Người dân cần phải bước qua tâm lý sợ hãi đó để thúc đẩy sự đồng hành của các cơ quan nhà nước.

BBC: Làm sao để thuyết phục người dân tin rằng họ có ảnh hưởng? - Trong khi tôi phỏng vấn 1 số người trẻ về đại hội Đảng, họ nói họ không quan tâm vì cảm thấy mình chẳng có ảnh hưởng gì và cũng chẳng liên quan gì tới họ. Ông nghĩ sao về tâm lý mình không can dự gì hết?
LS Lê Công Định: Theo tôi, Đại hội Đảng quả nhiên không phải của người dân. Dù nó có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong ít nhất 5 năm sắp tới nhưng đó vẫn là nội bộ của Đảng Cộng sản mà thôi. Nếu những người trẻ trả lời họ cảm thấy đó không phải là vấn đề của mình thì tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Bản thân tôi có quan tâm đến đại hội đó, nhưng tôi cũng không thấy nó liên quan gì đến mình hết. Việc ai trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản với tôi không quan trọng.
Nhưng có một điều này cần phải lưu ý. Tháng Sáu năm nay là bầu cử Quốc hội. Tôi nghĩ Quốc hội mới là vấn đề của đất nước và của toàn dân. Và nếu chúng ta thấy bầu cử Quốc hội không phải là vấn đề của chúng ta, thì chúng ta đã từ chối thực thi quyền lợi của chính mình. Người trẻ và người dân phải rất quan tâm tới kỳ bầu cử này.

BBC: Với nhiều người dân, đặc biệt là ở nông thôn, có khi họ còn không hiểu họ đang gạch tên hay để lại tên ứng viên nào và việc đó có nghĩa là gì, thì làm sao có thể thuyết phục họ hiểu hành động của họ đang ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước?
LS Lê Công Định: Từ bao nhiêu năm nay, bầu cử Quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân hoàn toàn có tính chất hình thức. Người dân đã để cho Đảng Cộng sản tự mình quyết định mọi vấn đề, tự chọn những ứng viên, tự chọn luôn cả người đắc cử.
Tại sao người dân không bằng chính lá phiếu của mình, tự quyết định vận mạng của mình? Mặc dù biết rằng thủ tục này do Đảng Cộng sản lựa chọn ứng cử viên cũng như người đắc cử cũng chưa chắc có sự rộng mở hơn trong tương lai. Tuy nhiên nếu chúng ta không quyết định sử dụng lá phiếu của chính mình thì chúng ta cũng không thể trông chờ có sự thay đổi nào từ phía Đảng Cộng sản được!


BBC: Nói tới bầu cử Quốc Hội, vậy anh nghĩ sao về việc ông Nguyễn Quang A tự ứng cử?
LS Lê Công Định: Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của ông Nguyễn Quang A. Đó là một người có uy tín trong xã hội. Việc ý thức được vai trò của mình cũng như sự cần thiết phải có một cuộc bầu cử quốc hội trung thực và công bằng, nó phải được thực thi bởi những ứng cử viên có tính chất độc lập như vậy.

BBC: Nhưng anh có lo ngại việc vận động của ông Nguyễn Quang A sẽ gặp nhiều khó khăn không?
LS Lê Công Định: Tất nhiên là ông Nguyễn Quang A sẽ gặp nhiều khó khăn từ phía nhà cầm quyền. Với kinh nghiệm của tôi chẳng hạn, năm 2007 tôi cũng ra ứng cử đại biểu Quốc hội và tôi cũng gặp những khó khăn từ phía cơ quan tổ chức bầu cử tại địa phương. Họ có nhiều cách và nhiều phương thức để loại tôi ra.
Quả nhiên trong hai vòng hiệp thương tại nơi cư trú và tại nơi làm việc, tôi bị loại ra vì phạm vào những cái trò mà người ta cố tình sử dụng đến để loại những ứng cử viên độc lập như tôi. Nhưng đó là năm 2007. Bây giờ là chín năm sau rồi, xã hội đã hoàn toàn cởi mở.
Tuy ông Nguyễn Quang A sẽ gặp những khó khăn như tôi thôi, nhưng khả năng ông vượt qua được những trò đó sẽ dễ dàng hơn. Tôi tin là nếu xã hội đồng lòng ủng hộ ông thì tôi tin ông có thể vượt qua. Cơ hội ông trúng cử vào quốc hội là hoàn toàn có thể có chứ không phải không.

Ông Nguyễn Quang A, một trí thức đã tuyên bố ông tự ứng cử

BBC: Anh có thể nói rõ hơn những khó khăn năm 2007 anh gặp là gì khi quyết định ra ứng cử?
LS Lê Công Định: Trong vòng đầu tiên, vòng hiệp thương tại nơi cư trú, người ta đã tổ chức sẵn và gây áp lực sẵn với người dân khu phố tại nơi tôi cư trú để chỉ trích tôi hai vấn đề, một là tôi ủng hộ tư tưởng dân chủ, đa nguyên, đa đảng; hai là tôi không có gần dân.
Thế nào là gần dân thì họ giải thích là tôi không chịu đi họp tổ dân phố, tôi không đến thăm nom những người dân khu phố lúc bình thường. Quả thật, tôi rất ít làm chuyện đó. Nghề luật sư của tôi rất bận rộn.
Nhưng sự đóng góp cho xã hội đâu phải tối ngày chúng ta phải đi gặp người dân vỗ về họ hàng ngày mới là gần dân. Và những đóng góp của chúng ta có thể thiết thực hơn việc đi nói chuyện tào lao hoặc là hỏi thăm hình thức. Sự đóng góp cho xã hội có nhiều hình thức, vị trí và vai trò khác nhau.
Họ lợi dụng khái niệm gần dân đó rất tùy tiện để tìm cách loại tôi ra. Và họ cũng sử dụng ý tôi cổ vũ đa nguyên, đa đảng có gây nguy hiểm với chế độ chính trị hiện nay. Những người phát biểu những lời đó, tôi nói thật, tôi nhận ra họ không phải là những cư dân trong khu phố của tôi. Họ ở đâu đến, được gài sẵn và đứng lên phát biểu chỉ trích tôi. Đó là cách tôi gặp phải trong cuộc hiệp thương tại khu phố.
Sau cuộc hiệp thương đó, một lần tôi đi công tác ở An Giang, vào lúc 7h15 phút sáng, tức là lúc đó tôi còn chưa thức dậy, bởi cuộc họp của tôi ở An Giang là 8 giờ. Sáng hôm đó, có một vị có vai trò rất quan trọng trong hội đồng bầu cử địa phương đã gọi trực tiếp vào số điện thoại của tôi để yêu cầu tôi rút tên ra khỏi cuộc hiệp thương tại nơi làm việc của tôi. Và họ vận động tôi là phải rút tên vì tôi đã không được nhiều sự ủng hộ lắm. Tôi đã từ chối. Tôi biết đó là cách gây áp lực của họ với một ứng cử viên độc lập. Tất nhiên, tôi không chịu rút.
Kết quả là họ tiếp tục tác động vào nơi làm việc của tôi, dàn dựng trước một cuộc hiệp thương để mọi người đứng lên tiếp tục công kích tôi vì tư tưởng đa nguyên đa đảng của tôi, và lên án tôi chẳng đóng góp gì cho nghề nghiệp luật sư hết, dù lúc đó tôi là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư. Đó là cách họ làm để loại tôi ra khỏi những ứng cử viên trong hai vòng hiệp thương.
Tôi nghĩ là anh Nguyễn Quang A cũng sẽ gặp những việc như vậy, và phải chuẩn bị trước để đối phó. Thời điểm đó tôi cũng thừa biết mình sẽ không trở thành một ứng cử viên được đưa vào danh sách đâu, nhưng đó là một cách để tôi kiểm chứng thế nào là bầu cử tự do ở Việt Nam. Việc đó cũng cho tôi một số kinh nghiệm có thể chia sẻ với những ứng cử viên trong tương lai.

BBC: Nói một chút về thời gian anh vào tù năm 2009, anh nói nhiều lần về sự cô đơn, vậy sự cô đơn lúc đó là thế nào?
LS Lê Công Định: Thực ra lúc tôi vào tù, nói thật tôi cảm thấy rất nhiều tổn thương. Đến khi tôi ra tù tôi mới thấy trong thời gian đó sự ủng hộ dành cho tôi cũng nhiều. Tôi cảm thấy vui, nhưng cũng có nhiều chỉ trích vì họ không hiểu hoàn cảnh cụ thể của tôi bên trong nhà tù thế nào, họ hoàn toàn dựa trên báo của nhà nước đưa tin ra và công kích tôi. Tôi cũng buồn.
Nhưng tôi lạc quan. Tôi dấn thân vì lý tưởng của tôi. Tôi chấp nhận mất tất cả, tôi vào tù vì lý tưởng của tôi chứ không phải vì tôi cần sự ủng hộ của ai. Cho nên việc mọi người hiểu hay không hiểu, công kích tôi củng rất bình thường vì ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình. Đối với tôi điều đó không quan trọng.
Sau này, khi nhìn lại những năm trong tù, vô vàn những khó khăn mà tôi không thể hình dung được. Trước khi vào tù tôi cũng không nghĩ là sẽ có lúc mình có thể sống khó khăn đến mức đó.
Nhưng tôi cũng vượt qua rồi. Không có điều gì có thể làm tôi nản lòng. Những công kích chỉ trích chỉ là cơn gió thoảng. Tôi không quan tâm. Những gì tôi cần làm tôi sẽ làm.

--------------
Tin liên quan





No comments: