16.02.2016
Cuối tuần đưa Ông Táo về trời, cùng bà xã đi mua sắm
Tết ở Little Saigon San Jose. Trước cửa Grand Century Mall và bên kia đường,
quanh khu Lion Market, có vài sạp bày bán hoa, đồ chơi Tết cho trẻ con và bán
pháo, có chỗ 4 đô một phong pháo, có chỗ 5 đô. Tràng pháo dài 15 đô.
Tiệm giò chả Đức Hương chen chân khách hàng. Có người
mua bánh chưng, các loại giò tốn đến 500 đôla. Chắc là mua về biếu Tết. Tôi
đoán thế, chứ một gia đình ăn bằng đó cả tháng trời cũng chưa hết.
Sinh hoạt Tết tại
Grand Century Mall ở San Jose (ảnh Bùi Văn Phú)
Ghé bánh cuốn Phủ Hồ Tây ăn trưa, nghe vang vang
khúc hát: “Tết Tết Tết Tết đến rồi … Xuân xuân ơi xuân đã về…” và
tiếng pháo bắt đầu nổ bên ngoài mà lòng cũng rộn ràng lên. Tại các trung tâm
mua sắm, nơi hàng quán quanh đây và trong nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại
cũng đang vang vang nhạc xuân, báo hiệu năm mới âm lịch sắp đến. Năm Bính Thân.
Thế là đã 41 lần tôi đón Tết tha hương trong không
gian khác nhau và với tâm trạng khi vui, khi buồn.
Những năm đầu ở Mỹ chẳng có Tết. Nghĩ đến Tết lòng
buồn vời vợi vì mới xa cách quê hương, lại không bố mẹ và các em ở bên. Khi vào
Đại học Berkeley, Tết 1978 mới có chút sinh hoạt đón xuân cùng các bạn sinh
viên mới quen với chút bánh mứt, đánh bài vui xuân tới khuya.
Những năm đó, Hội Việt kiều Yêu nước ở thành phố nổi
tiếng phản chiến này có tổ chức Tết, nhưng không mang không khí Tết như ở quê
nhà vì những tiếng hát, lời ca không phải là “Ly rượu mừng” hay “Xuân này con
không về” mà là những ca khúc xa lạ như “Mùa xuân đầu tiên”, “Mùa xuân trên
Thành phố Hồ Chí Minh” và nhiều ca khúc cách mạng.
Tết Canh Thân 1980, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học
Berkeley tổ chức ăn Tết lớn cho cả trăm sinh viên với chương trình văn nghệ
phong phú và vui nhộn, nhất là kịch Sớ Táo Quân do các bạn tự biên, tự diễn đã
đem đến cho sinh viên xa nhà những trận cười giòn kéo dài.
Sinh hoạt hội chợ Tết của người Việt tị nạn mà tôi
tham dự lần đầu tiên là dịp Tết Tân Dậu 1981, do Trung tâm Định cư Đông Nam Á của
ông Michael Huỳnh tổ chức tại một trường học bên San Francisco. Hội chợ cũng nhỏ,
chừng hơn chục gian hàng bán thức ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, mứt
và vài gian hàng bán đồ thủ công nghệ, bán vải áo dài.
Những năm sau có hội chợ Tết ở San Jose lớn mạnh từ
sân trường San Jose High ra Santa Clara Fairgrounds mới đủ sức chứa vài vạn người.
Nhiều dân cử đến dự hội Tết, có năm Thống đốc George Deukmejian đã đến cắt băng
khai mạc. Từ giữa thập niên 1980 Hội Chợ Tết Fairgrounds thu hút nhiều vạn
khách du xuân vì rất nhiều người Việt đã chọn thung lũng hoa vàng để sinh sống,
nhờ kỹ nghệ điện tử bùng phát. Mỗi năm có một ban tổ chức làm việc để đem lại
sinh hoạt Tết cho cộng đồng với những nhà hoạt động như các ông Lại Đức Hùng,
Vũ Văn Lộc, Hồ Quang Nhựt, Ngô Đức Diễm, học giả Đào Đăng Vỹ, cụ bà Phạm
Trương, bác sĩ Đỗ Văn Hội, anh Lê Phước Tuấn v.v…
Tết về không thể
thiếu trò chơi lắc bầu cua trong sinh hoạt vui xuân của người Việt hải ngoại (ảnh
Bùi Văn Phú)
Khi tôi rời Hoa Kỳ đi làm việc ở nước ngoài thì lại
có những trải nghiệm về Tết rất đặc biệt. Ở một góc trời xa lạ Togo bên Phi
Châu nhưng Tết về cũng có liên hoan do những gia đình người Pháp gốc Việt đang
công tác ở thủ đô Lomé gồm anh chị Sylvain và Estelle Dauban, bác sĩ Dương
Quang Đức và anh Nguyễn Vũ đứng ra tổ chức và không thiếu không khí Tết với áo
dài, nem rán, giò, heo quay, lắc bầu cua, lì-xì theo truyền thống.
Về lại Đông Nam Á, ngày xuân ở Singapore, ở Hồng
Kông nhộn nhịp không khí Tết với đèn hoa giăng kín phố phường trung tâm thành
phố, nhưng trong những trại tị nạn lại mang mang nỗi buồn ngày Tết. Đêm giao thừa
ở Galang, Indonesia nghe tiếng nồi niêu soong chảo khua vang thay cho tiếng
pháo mà buồn làm sao, buồn cho chính mình không có người thân ở bên, cùng cảm
thương cho những thuyền nhân đã xa gia đình mấy cái Tết mà tương lai chưa biết
sẽ về đâu.
Tết Giáp Tý 1984 ở
thủ đô Lomé, Togo (ảnh Bùi Văn Phú)
Năm 1987 tôi đón Tết với thuyền nhân trong trại Chi
Ma Wan ở Hồng Kông. Có văn nghệ mừng xuân do sơ Christine Mỹ Hạnh giúp các
thanh niên, thiếu nhi tổ chức với nhiều bài ca, vũ khúc, với áo dài, áo tứ
thân. Tổng Lãnh sự Mỹ, ông Kopler có vợ Việt là chị Mai, vào dự và đã lên chúc
Tết người tị nạn bằng tiếng Việt rất sành sõi. Sau chương trình văn nghệ cũng
có hội chợ Tết nho nhỏ ngoài sân trại, chủ yếu là những trò chơi như thẩy vòng,
nhẩy vòng, ném lon để các em có được những giây phút vui đùa ngày Tết.
Tôi nhớ nhất hình ảnh một cụ già người Huế ngồi ở một
góc tường nhìn đám trẻ con vui đùa với nét mặt rất buồn. Tôi hỏi thăm, nghe cụ
tâm sự Tết không có không khí gia đình nên cụ rất buồn khiến lòng tôi cũng mang
mang nỗi nhớ quê hương và nhớ nhà.
Ngày nay không còn cảnh đón Tết tù túng, thiếu thốn
như ở trại tị nạn trong thập niên 1980. Cộng đồng người Việt hải ngoại bây giờ
có hơn 4 triệu người, với các trung tâm thương mại, sinh hoạt văn hóa được xây
dựng lên ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Mỹ là những Little Saigon mang nét văn
hoá Việt mà mỗi năm Tết đến lại nhộn nhịp chợ hoa, hội chợ Tết, với diễn hành,
với pháo nổ rộn ràng ba ngày Tết. San Jose bây giờ Tết về không chỉ có một hội
chợ mà là hai, ba.
Nhưng giấc mơ được sum vầy nơi quê nhà trong ngày Tết
vẫn là điều khó khăn với nhiều gia đình vì anh em, họ hàng ở hai bên bờ Thái
Bình Dương hay cách nhau cả nửa vòng trái đất và điều kiện để mọi người có thể
cùng về quê ăn Tết không thực tiễn vì thời gian và công việc. Như gia đình của
tôi.
Kịch vui Sớ Táo
Quân trong văn nghệ Tết của sinh viên Đại học Berkeley đầu thập niên 1980 (ảnh
Bùi Văn Phú)
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên hiên
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa …
Bao năm qua, và có lẽ mãi mãi sau này, ca từ đó vẫn
mang nhiều ý nghĩa và gợi lên những tình cảm sâu lắng trong lòng với người Việt
ở khắp nơi trên thế giới mỗi khi Tết về. Như hiện thực của cuộc sống.
--------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài
VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment