Sunday, February 14, 2016

NĂM 2016 ĐÃ HỘI TỤ NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐI ĐẾN DÂN CHỦ (Dương Thành Tân)










Được đăng ngày Thứ năm, 11 Tháng 2 2016 18:10

Lãnh đạo cộng sản đang nhìn vỏ chuối
Không biết tự khi nào dân Việt liên kết hình ảnh cộng sản với loài khỉ. Tưởng chừng so sánh này khập khiểng, nhưng chóp bu cộng sản và loài khỉ có nhiều điểm giống nhau. Nhà nghiên cứu về tập tính học Frans de Waal đã quan sát loài khỉ 6 năm trong vườn sở thú Burgers’ Zoo ở nước Hà Lan. Tại đây khỉ được sống trong một môi trường nhân tạo giống như thiên nhiên. Sau những trận chiến khốc liệt, con khỉ hung tợn nhất có sức đánh bại các đối thủ và chiếm được lãnh địa để cầm đầu «bộ lạc». Khi già yếu, khỉ chúa bị những thành viên khác tranh giành địa vị độc tôn. Vì không còn sức mạnh để đối đầu, khỉ chúa né tránh bằng cách giả tảng như chẳng thấy gì. Càng ngày, sự khiêu khích của các khỉ khác tăng cường độ và trắng trợn hơn. Khỉ chúa lại càng làm lơ và càng chăm chú nhìn vào… một vỏ chuối như là một vật thể lạ lùng nhất thế gian.

Chóp bu cộng sản đang làm gì với những vấn đề cấp bách cần giải đáp và hành động, nào là biển đảo, dân oan, nợ nần, quan liêu, cướp giật,tham nhũng, mãi lộ… ?
Họ chẳng làm gì hết. Chẳng nghe, chẳng biết, chẳng thấy!
Đầu năm 2016 , chính quyền cộng sản đang ở hoàn cảnh của con khỉ già đeo bám địa vị nhìn vỏ chuối.

Nền văn minh toàn cầu.
Cho rằng họ không làm gì hết thì cũng hơi oan. Vì chức vị bắt buộc, các chóp bu cộng sản đành phải lên tiếng. Trong chính trị, im lặng là công nhận thất bại. Dù gì thì cũng đành phải phát biểu, ngay đến cả những lãnh vực mà họ chỉ hiểu lờ mờ như dân chủ, đạo đức, kinh tế thị trường, bầu cử tự do…

Nói là sống còn, im lặng là bỏ cuộc.

Nhưng song song với cách mạng thông tin, dần dần phát sinh một nền văn hóa mới. Văn hóa này được nhiều tác giả giải thích và gọi với nhiều tên khác nhau, nào là global brain, world brain, collective intelligente, collective consciousness… Nôm na là nhờ sự kết nối của internet, xuất hiện một nền văn minh cao siêu hơn mọi nền văn minh đã có trong lịch sử. Nền văn minh này có đông công dân nhất thế giới vì nó không phân biệt quốc gia, ngôn ngữ, màu da, giai cấp, giới tính, học vị… Điều kiện duy nhất để gia nhập « quốc tịch » là có đủ kiến thức và có khả năng vật chất để truy cập vào internet. Khi truy cập vào internet, mỗi dân cư mạng không còn riêng rẽ đơn độc mà đã là một tế bào trong một bộ óc tập thể vĩ đại.

Tùy theo vị thế của mỗi người, họ có thể là tế bạo sáng tạo hoặc tế bào truyền tải thông tin. Có khi là cả hai vì một người sáng tạo cũng là một người phổ biến thông tin. Một số khác không làm gì hết, lại là những tế bào thụ động dự trữ dữ liệu. Vì sinh sau đẻ muộn, nền văn minh internet có khả năng truy tìm những khuất tất trong quá khứ, xét xử lịch sử với nhiều góc độ khác nhau, và có khả năng đưa ra giải đáp.

Đối với người Việt yêu nước, nền văn minh internet sẽ giúp họ xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ.

Chúng ta nên nhớ rằng Dân Chủ là danh từ chưa từng có trong tiếng Việt. Đơn giản vì nó chưa hề có trong mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc. Nó chỉ mới xuật hiện gần đây thôi. Một trong những điều kiện căn bản nhất của dân chủ là chính phủ phải do nhân dân lựa chọn. Nhưng ngay một chế độ được xem là nhân bản nhất như Việt Nam Cộng Hòa cũng không có điểm này. Ông Ngô Đình Diệm lẫn ông Nguyễn Văn Thiệu chưa hề được nhân dân thực sự lựa chọn. Và khi chiếm được chính quyền rồi, họ cũng chưa từng muốn chia sẽ quyền lực với các đảng phái chính trị khác.

Những người đấu tranh phải sáng tạo và tu bổ ý nghĩa dân chủ ngày này qua ngày khác với những sự kiện đã và đang xảy ra. Dần dần kiến thức về dân chủ của cộng đồng mạng gốc Việt phong phú hơn. Rồi từ trên mạng, nó lan truyền đến mọi tầng lớp của nhân dân. Chẳng hạn như trước đại hội XII, có một số người đấu tranh lại ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng dù ông điều hành đất nước rất kém cỏi. Một số khác lại viết thư kiến nghị yêu cầu đảng cộng sản thay đổi. Ông Dũng thất bại và đảng cộng sản vẫn không thay đổi. Tại sao những người mang tiếng là đấu tranh cho dân chủ lại « lạc đề » như thế được?

Theo ý kiến của bản thân, tất cả vì họ không hiểu đầy đủ ý nghĩa dân chủ. Dân chủ phủ nhận cơ chế xin cho, kẻ cao người thấp. Nhưng ngay trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta thấy trùng trùng điệp điệp những dấu hiệu phân biệt từ thuở mới lọt lòng. Chẳng hạn như trong tiếng Anh, người thân ngang vai vế với cha mẹ là uncle hoặc aunt. Nhưng dịch ra tiếng Việt có thể là cậu mợ, cô chú, dượng dì, thím bác… Không phải ngẫu nhiên rườm rà như vậy, tất cả là để khẳng định vai vế bề trên. Còn người thấp kém hơn thì vỏn vẹn chỉ được gọi chung chung là cháu. Cao xa hơn chút nữa, văn hóa Việt Nam tôn sùng người có quyền lực, làm cô giáo thì  tự nhiên gắn liền với danh từ dịu hiền, thầy giáo thì hùng hồn, cảnh sát thì can đảm, công chức thì thanh liêm… Nhưng họ chỉ là những con người. Vì là con người, họ cũng có những khuyết điểm như mọi người khác. Đây chỉ là ý kiến cá nhân có thể sai lầm. Nhưng cũng như những nền chính trị dân chủ, « bộ não » internet có khả năng điều chỉnh những sai lầm của những thành viên.(Xin tham khảo một giải thích khác đầy đủ hơn : Đảng và sự hiểu lầm của người Việt - Trần Duy Sơn)

Đảng Cộng sản lạm dụng danh từ dân chủ. Mỗi lần như thế thì bị dân cư mạng phản đối rất ngon lành. Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố sự bầu cử của ông là « dân chủ đến thế là cùng ». Lập tức Nguyễn Quang A chứng minh sự lạm dụng từ ngữ và vận động làm một cuộc tự ứng cử. Tất nhiên, hành động của ông sẽ không được đảng cộng sản đáp ứng. Nhưng dư âm của nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho đảng cộng sản.Dân chúng sẽ quen dần hình thức tự ứng cử,một bước tiến thêm về dân chủ.

Khai sáng kỷ nguyên thứ hai, chương trình sản xuất hàng loạt chính trị gia
Có người phiền lòng vì tầng lớp trí thức Việt Nam chẳng muốn đảm nhiệm sứ mệnh của trí thức: Dẫn dắt quần chúng. Điều này chẳng có gì lạ vì Việt Nam thiếu hụt tầng lớp trí thức đấu tranh. May mắn thay, internet có chức năng khuếch đại. Nếu ai đó có những suy nghĩ đúng đắng và hay ho thì nó sẽ được truyền tải với tốc độ chóng mặt. Dù là vô hình, những suy nghĩ này sẽ có một « đời sống » riêng biệt. Nó phát triển độc lập mà ngay cả người sáng tạo ra nó cũng thể không kiềm chế.  Nó có khả năng xung đột và đánh bại những định kiến sai lầm. Một loại thuốc trụ sinh cho tâm hồn lan tràn từ người này qua người khác.

Trong bối cảnh này, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai  là một thuyết trình về dân chủ có đủ sức bù lắp thiếu sót của tầng lớp trí thức không chịu đấu tranh. Nhất là về hiểu biết chính trị để xây dựng lại đất nước. Sau đây là một trong những bằng chứng :  

HB mới 23 tuổi, chỉ học hết trung học rồi đi làm, lập một công ty nhỏ, rất nhỏ. Vậy mà thành công. Bây giờ đã có vài người và thu nhập khá.
Chắc phải đi làm sớm vì hoàn cảnh gia đình chứ chắc chắn là học giỏi vì viết tiếng Việt rất chỉnh và lý luận rất chính xác.
HB cho biết vốn liếng văn hoá và chính trị chỉ thu gọn trong hai cuốn sách: Tổ Quốc Ăn Năn và dự án chính trị, trước đây là Thành Công Thế Kỷ 21, bây giờ là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Ngoài ra là những cuốn sách về sử và địa lý. Còn lại là đọc báo.
Trên FB của HB lý luận vững hơn phần lớn những trí thức khoa bảng. Trường hợp HB xác nhận : một người trẻ đọc thật kỹ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai sẽ có kiến thức chính trị và khả năng lý luận chính trị hơn hẳn đa số trí thức VN.

Tất nhiên, không phải dự án này chỉ dành cho những người  trẻ không biết chính trị. Hoàn cảnh và kinh nghiệm của độc giả khác nhau nên sự hiểu biết của mỗi người cũng có phần khác biệt. Ai đã nghiên cứu và đấu tranh cho dân chủ lâu năm sẽ xem dự án chính trị này như một sự đồng tình. Những ai lơ mơ chân ướt chân ráo mới đấu tranh sẽ xem như là một sự bổ túc. Những thành viên đã gia nhập vào Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì xem dự án này là mục tiêu để vươn tới. Những người của các đảng phái chính trị khác cũng nên đọc qua để tranh cãi cùng một “tầng số”.

Dự án chính trị này không chỉ có ích lợi với những người chú ý đến chính trị. Vì chính trị là một khoa học bao trùm nhiều khoa học. Ngay cả bản thân người viết vốn là một người lính chuyên nghiệp, từ khi chú ý đến chính trị, lại thấy sự hiểu biết về quân sự của mình tăng vọt. Chẳng có gì lạ vì chiến tranh chỉ là một « chi tiết » của chính trị. (Chiến tranh là một cách khác để làm chính trị - Clausewitz)

Nếu ai giỏi về chính trị thì cũng sẽ giỏi về những lãnh vực liên quan đến tâm lý, từ cách thức điều hành một công ty đến sự quản lý một gia đình. Họ sẽ biết đặt ra những câu hỏi thông minh để tìm được những câu trã lời. Ví dụ như mới đây nhiều địa phương nghèo rớt mồng tơi đua đòi bắn pháo hoa nhân dịp Tết. Kẻ khen người chê, vậy nên giải quyết như thế nào ?
Theo ý kiến bản thân, chính quyền nên dành cho dân chúng một khu vực cho người dân có thể mua và bắn pháo hoa vào lúc giao thừa. Vậy thì « dân chơi » lẫn người giàu có dịp khoe trương hoặc xã xui. Người nghèo có cơ hội thưởng thức. Chính quyền không tốn ngân sách. Ai ai cũng hài lòng. (Nhưng nếu quan chức muốn dành độc quyền bắn pháo hoa để có cơ hội chấm mút là chuyện khác ! )   
   
Khi tư tưởng là vũ khí
Nếu ai tặc lưỡi cho rằng chỉ có dự án chính trị thì không thể đánh bại cộng sản. Để trã lời, tôi xin kể lại một giai đoạn của lịch sử.

Khi xem xét lý thuyết cộng sản của Karl Marx, bộ phận kiểm duyệt thông tin của Nga Hoàng chẳng hiểu gì cả. Nên cho du nhập vào nước Nga.

Vì cũng vì chẳng ai hiểu gì cả nên lý thuyết cộng sản sống thoi thóp một thời gian dài. Ba mươi năm sau, đến khi tổ chức khủng bố của Lenine vô tình vớ được và dựa theo đó để gầy dựng nền tảng chính trị. Nhờ một lý thuyết không ai hiểu nổi này, một tổ chức chuyên khủng bố tầm thường thay da đổi thịt thành một tổ chức khủng bố có màu sắc chính trị.
Đến khi nước Nga bị thua trận năm 1917, quân dân đều căm phẩn, họ khao khát một thế lực mới thay đổi xã hội. Dù không thể chứng minh, lý thuyết cộng sản lại hứa hẹn điều này và những người gia nhập đảng cộng sản ào ạt nhiều như sóng biển. Và lịch sử mới diễn ra như ngày hôm nay.

Một trăm năm sau, 2016,  Việt Nam cũng đang trong hoàn cảnh bại trận. Chóp bu lẫn lý thuyết cộng sản không giải quyết được gì mà xã hội đang khao khát một thế lực mới để dẹp loạn và lèo lái Việt Nam thành một quốc gia hùng cường.

Có một sự thật càng ngày càng hiện rõ: Chế độ cộng sản không thể cải cách. Muốn cải cách, đảng cộng sản phải có hai điều kiện: Một là những chính sách sáng suốt. Hai là đội ngũ nhân viên có khả năng thực hiện những chính sách này đến nơi đến chốn. Cả hai thứ vào ngày giờ này đảng cộng sản đều không có. Nó phải lụn bại tiếp đến sụp đổ. Quan hệ đảng cộng sản với nhân dân giống như một cặp vợ chồng bị cưỡng hôn. Một thì ra rả độc thoại kể lễ công lao rồi tự cho mình là cần thiết. Một thì đang ngóng trông người thứ ba để sang thuyền đổi bến.

Đầu năm 2016, chúng ta đã hội đủ điều kiện để đi đến dân chủ
Không được tầng lớp trí thức Việt nam dẫn đường, nhân dân dùng kỷ thuật truyền thông làm vũ khí. Cách mạng thông tin cho phép dân chúng trở thành những phần tử đấu tranh. Sự đấu tranh cho lẽ phải do dân chúng khởi xướng ở mọi nơi, mọi lúc và với mọi thế lực. Từ bây giờ và nên kéo dài đến mãi mãi. Khi chưa thì phải đấu tranh cho có tự do dân chủ. Được rồi thì cũng phải đấu tranh để được tự do dân chủ hơn. Không một chính quyền dân chủ nào có thể tồn tại với một dân tộc bạc nhược hoặc tự mãn với thành quả của quá khứ.

Nhưng dân chúng dám đấu tranh chỉ là điều kiện đầu tiên. Điều kiện thứ hai là phải có một lịch trình, đường lối, dự án … để họ biết họ đi đến đâu. Trái với lý thuyết cộng sản, mô hình chính trị dân chủ đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân lẫn đất nước hùng cường là chuyện có thật. Một sự thật quá hiển nhiên đến nỗi không cần chứng minh. Chỉ cần áp dụng là có hiệu quả.

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một dự án có tham vọng áp dụng mô hình dân chủ vào hoàn cảnh đất nước và con người Việt Nam. Nó giải thích tại sao chúng ta nên hành động như vậy vì đó là một cách để đưa đất nước khỏi nghèo nàn loạn lạc. Có thể sau này lịch sử phê phán là nó không đầy đủ. Ngay cả những người chấp bút viết ra dự án cũng mong được so sánh với những dự án chính trị hoàn thiện hơn. Dù muốn hay không, hiện giờ nó vẫn là dự án duy nhất.

Muốn đánh bại cộng sản cần có một dự án chính trị sáng suốt lẫn một đội ngũ sáng suốt. Phe đấu tranh cần nhân sự. Càng nhiều càng tốt. Vì chỉ những con người mới có thể điều chỉnh những bất cập mà bất cứ luật lệ, đường lối, dự án, chương trình… nào cũng vấp phải. Những người này không nhất thiết cùng một đảng phái. Không nhất thiết phải đồng ý với nhau trên mọi vấn đề. Mà cũng không nhất thiết sử dụng một kiểu mẫu đấu tranh duy nhất. Nhưng ít nhất cũng có đủ hiểu biết căn bản để vận hành mô hình chính trị dân chủ. Đấu tranh chính trị là lực lượng xung đột với lực lượng. Không phải là nơi cá nhân đối đầu với cá nhân. Khi phe đấu tranh có đủ lực lượng rồi thì sẽ có những biến chuyển thay đổi cán cân chính trị.

Đảng Cộng sản sống bằng cách bám víu vào văn hóa tôi mọi và quyền lực. Họ không còn đồng minh và ngân sách cũng đã cạn kiệt. Chúng ta có sự yểm trợ của một nền văn minh toàn cầu, kỷ thuật thông tin và giải pháp. Họ chỉ còn quá khứ, chúng ta có tương lai.
Và nếu chúng ta, những người còn đau đáu số phận quê hương, không thành công, thì không ai sẽ thành công.

Dương Thành Tân





No comments: