Monday, February 15, 2016

MỘT CHÚT BUỒN NGÀY TẾT (Cao Huy Huân)





15.02.2016

Không khí Tết tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình. Nhà nhà, người người soạn bánh chưng, mai, đào, cúc mừng Tết đến. Không khí Tết ở hải ngoại cũng rộn ràng, thế nhưng hàng triệu ánh mắt vẫn cứ dõi theo Tết quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, làm sao quên được.

Tết truyền thống cũng phải văn minh

Ăn Tết hải ngoại sẽ thấy rõ cái gọi là “hóa thạch ngoại biên”. Nói nôm na, người ta càng đi xa, người ta càng cố hết sức níu giữ những phong tục, tập quán truyền thống đẹp đẽ và ý nghĩa. Nhà nào cũng có bánh tét, bánh chưng, nồi cá kho tộ, cành mai hay cành đào và vài món bánh mứt. Có nhà vẫn làm cây Nêu để giữ tục ông bà.

Đó cũng là ngày con cháu tha phương tìm đến nhau, tuy ít thôi, nhưng cũng đủ quây quần bên nhau chúc Tết, lì xì, ôn lại kỷ niệm Tết vui buồn những ngày còn trên đất mẹ. Mọi người còn cùng nhau nhấm nháp một vài chén rượu đầu năm, chỉ để tận hưởng mùi vị ngọt ngào của cái Tết truyền thống của người Việt. Hay có khi ngồi cùng nhau chơi vài ba ván bài gọi là lấy lộc đầu năm.

“Hóa thạch ngoại biên” không chỉ nói đến cái hình thức của người Việt xa quê tổ chức Tết nguyên đán, mà còn nhấn mạnh cái hồn của Tết Việt. Một năm lao động vất vả, người ta bỏ qua mọi sân si để ngồi lại cùng nhau nghĩ về một tương lai tươi sáng, có nhiều hi vọng, may mắn lẫn tiếng cười. Họ ngồi lại với nhau cốt là để say tình say nghĩa, một cách chín chắn và văn minh, chứ không phải để say rượu say chè. Họ chơi vài ba ván bài may mắn, cốt là để cười đùa trêu ghẹo nhau cho nhà ấm áp, chứ không phải chú tâm cờ bạc đỏ đen. Họ ra đường để gặp mặt những người mà trong năm, vì nhiều lý do mưu sinh, chuyện áo cơm, chuyện lợi danh, họ vô tình đánh rơi những lời hỏi thăm nghĩa làng tình xóm; chứ không phải xuống đường để khoe mẽ, đua xe.

Nỗi lòng về quê ăn Tết

Tết của những người trẻ lẫn kẻ già ở hải ngoại là một cái Tết hướng về nguồn cội, nhưng dăm ba kẻ về đến nguồn cội lại thấy xa lạ vô cùng. Người Việt mình vốn chân tình, chất phác, mộc mạc, nhưng không biết từ khi nào có không ít người chọn ngày Tết là ngày để so đo, tính toán thiệt hơn.

Những vùng đất miệt vườn ngày xưa đón khách bằng tấm lòng, thậm chí khách của hàng xóm cũng xem như khách nhà mình, quý mến và trân trọng. Hôm trước có đứa bạn ghé về quê nhà chơi Tết, chở gia đình tạt qua khu hồ tắm, nghe bảo gửi chiếc xe tốn hết năm chục ngàn trong khi ngày thường chỉ mười lăm ngàn một chiếc. Nó lắc đầu “đến giữ xe cũng chặt chém cho đành”.

Về đến nhà, bà con lối xóm cũng xôn xao. Ông bà kể cái Tết ngày xưa, hễ có con cháu phương xa về, lối xóm cũng qua chúc mừng gia đình đoàn tụ không quên xách theo con cá, bó rau, hay có khi con gà để mừng ngày Tết. Họ thăm hỏi nhau về chuyện công việc để chia sẻ nỗi vất vả, hay có khi cả nỗi vui mừng. Giờ thì bà con không xôm tụ như vậy, thi thoảng hỏi xã giao vài ba câu nhưng toàn hỏi về chuyện lương bổng, chuyện riêng tư để rồi đánh giá.

Có người thì chỉ trích con cái nhà mình “mày thấy không, con cái người ta đi tỉnh về, chạy xe hơi, học hành thành đạt, còn mày thì một cục đất chọi chim cũng không có”. Thế là chủ nhà mất Tết, khách cũng ái ngại ra về, lần sau cũng không mạnh dạn ghé thăm nhà chú, nhà cô. Có cô cậu tốt nghiệp đại học, lương tháng mươi triệu đồng. Về đến quê cũng thật thà trả lời hàng xóm, nhận được câu trả lời nóng mặt “học đại học làm gì lương có bấy nhiêu. Nhà bác làm rẫy, được hơn chục tấn tiêu cũng ngoài một tỷ đồng. Làm lương như cháu bao giờ mới xây nhà, mua xe, cưới vợ”. Thật hết đường bình luận.

Có người hàng xóm còn thực dụng hơn, một năm dài không thấy mặt, nay thấy hàng xóm có khách sang về thì cử hẳn một bầy con cháu sang chơi cốt để nhận lì xì, để rồi xì xào chuyện cô này lì xì nhiều, chú kia lì xì ít, vậy cũng mang tiếng ở thành phố về. Ngay cả nét đẹp truyền thống trong những ngày Tết, là những chút quà Tết biếu tặng lẫn nhau, thăm hỏi lẫn nhau, cũng bị tính toán tỉ mỉ. Nào là nhà này đi Tết nhà mình quà này, trị giá bao nhiêu, để mình đi Tết lại một suất tương xứng, theo kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại”. Có người quy đổi quà thành tiền rồi lì xì lại cho con cháu họ số tiền tương xứng với quà. Ai cũng phải làm vậy mới thấy yên lòng và không bị chê trách.

Bon chen và rối ren

Đó chỉ là vài ba nỗi buồn khi về đến quê thăm Tết. Tôi còn chưa điểm đến hàng loạt các hủ tục ở Việt Nam mình mà báo chí suốt nhiều năm qua lên án nhưng vẫn đâu vào đấy. Khắp các con đường dẫn đến các khu chùa chiền, đền đài, tiền lẻ vẫn rải rác khắp nơi. Không tiền thì cũng rác, đủ mọi thứ, khắp mọi nơi.

Các tuyến đường dẫn đến các khu du lịch kẹt cứng, khói bụi và tiếng ồn inh ỏi, kèm theo đó là nạn trộm cướp, lừa đảo. Vài ba người va quẹt xe, í ới cầu cứu. Có vụ thảm hơn, lái xe say xỉn, đua xe đánh võng rồi gây tai nạn thương tâm. Năm nào báo chí cũng đưa tin với những con số buồn đến đau lòng về kẻ bị thương, người mất mạng.

Các khu du lịch, dịch vụ xe vận chuyển cũng mượn dịp Tết tăng giá ào ào, khiến du khách chỉ biết cắn răn chịu đựng vì một năm chỉ có vài ba ngày. Họ kéo nhau mở tiệc linh đình, chè chén phủ phê, để thừa mứa không ít thức ăn ngon mà phía xa xa, những cô lao công, những chú dọn rác có ước mơ cũng không thể thấy. Chợt giật mình rằng Tết quê mình có còn là Tết hay không?

---------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



-----------------------------

SỨC MÊ TÍN NGÀY NAY CỦA DÂN HÀ NỘI
22:11:00 15/02/2016













No comments: