Tuesday, February 2, 2016

LUẬT LÀ TAO, TAO LÀ LUẬT (Bauxite Việt Nam)





02/02/2016

Nguyễn Quang A
CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐƯỢC TRƯNG DỤNG PHƯƠNG TIỆN CỦA NGƯỜI DÂN?
Thông tư Số: 01/2016/TT-BCA do Bộ trưởng Trần Đại Quang ký ngày 04-1-2016 và có hiệu lực ngày 15-2-2016 quy định CSGT có quyền trưng dụng trong điểm 6 của "Điều 5: Quyền hạn" như sau:

"6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật".

Luật trưng mua và trưng dụng tài sản (2008) quy định:
"Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia."

Thẩm quyền trưng dụng được Luật này quy định:
"Điều 24. Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 23 của Luật này.
2. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản."

Như vậy, ông Bộ trưởng Trần Đại Quang có quyền quyết định trưng dụng, song ông không được quyền phân cấp cho bất kể thứ trưởng nào chứ đừng nói đến cho cảnh sát giao thông.

Người ký Thông tư Số: 01/2016/TT-BCA đã VI PHẠM LUẬT, đề nghị ông GSTS Trần Đại Quang hủy ngay thông tư nêu trên nếu ông không muốn bị xử lý vì sự vi phạm luật rành rành của ông.


*
*
Dưới đây là những ý kiến lên tiếng về Thông tư 01 mà Bộ Công an vừa ban hành (xin xem 3 bài viết phía dưới), được bạn đọc đưa lên Facebook mà BVN lượm lặt ngẫu nhiên và có lẽ chỉ mới lượm được một phần:

Lạ nhỉ, một cái bộ to đùng... lại không có bộ phận tham mưu luật hay sao mà cứ ra thông tư sai Hiến pháp và pháp luật thế nhỉ... Phải chăng quen thói ông giời muốn gì được nấy nhỉ?

Du Thanh Hoang

Luật mà chung chung kiểu này là bật đèn xanh cho những sai phạm ngày càng nghiêm trọng của CSGT mà dân gian gọi là Nối giáo cho giặc!

Vũ Hạnh

Muốn trở lại thời mùa xuân đại thắng, vét tận đáy lòng nhân dân!!!

Hoang Duong

Có lẽ tổ tư vấn cho Thông tư này chưa đọc kỹ các bộ luật. Những kẻ cướp giả danh công an thì sao?

Cẩm Tú Phan

Những lúc trốn lủi như chuột ở rừng, dân nuôi, dân che chở bao bọc thuốc men lúc ốm đau... giờ không giúp dân thoát nghèo mở mặt cùng các cường quốc, mà chi lo bòn rút, xoay xở để ăn đến cái bỉm của trẻ con... Dân gian GỌI LÀ ĂN CHÁO ĐÁ BÁT [câu thành ngữ nguyên là “Ăn cháo đái bát” – BVN].

Tuan Truong

"Luật là tao [tao] là luật, tao thích thì tao làm một cái Thông tư, một cái Nghị định cho chúng mày chết luôn. Đừng tưởng chống lại chúng tao mà dễ. Một tí một tí kiếm tí tiền mà chúng mày cứ thích quay, xong đưa lên mạng chửi thằng bố chúng tao...". Cho chúng mày chết luôn. Á á đất nước này là của chúng tao, một lũ...

Luật pháp kiểu gì? Không hiểu được? Hay là đã thành luật rừng?

Mai Huong Phan
Vậy gọi là ăn cướp, được pháp luật bảo kê!

Truong Ai Thu
0,00001% đồng ý

Sang Huy
Bình luận về việc ban hành việc BCA cho quyền CSGT trưng dụng tài sản của người dân, bạn Lê Hồng Trường viết: “Cứ yên tâm, đồng BT Bộ Công an Trần Đại Quang là Giáo sư Tiến sĩ Luật thì sẽ không bao giờ làm sai Luật đâu!”. Đây là nói về lý thuyết thôi, về thực tế thì khi Thủ trưởng có quyền nghiêng thiên hạ thì quân lính dễ coi thường luật pháp làm bừa để Thủ trưởng mang tiếng và mất công làm lại. Hơn nữa, những người làm sai nhiều khi họ chân thành tưởng mình có quyền làm vậy, vì họ không hiểu luật. Có giai thoại về hai cha con nhà văn A. Đuyma bị chó sủa dọa cắn, Đuyma con sợ hãi định bỏ chạy, Đuyma bố nói: “Thế con không biết câu tục ngữ: Chó sủa thì không cắn hay sao?”. Đuyma con nói: “Bố biết câu ấy, con biết câu ấy, nhưng con chó nó có biết câu tục ngữ ấy đâu?”

Đỗ Minh Tuấn
Hôm nay TV phỏng vấn hai anh lái xe. Một anh lái Taxi nói: "Tôi lái xe nhận định mức hàng ngày, bây giờ công an trưng dụng xe của tôi thì ai chịu trách nhiệm về việc tôi bị hụt doanh thu cho cơ quan?" Anh thứ hai lái xe riêng nói: "Xe của tôi tôi không cho ai nhảy lên đi. Nếu CA trưng dụng thì lên xe cần đi đâu tôi đưa đi, sau đó trả tiền tôi". Hoan hô VTV1. Vậy là dân huỵch toet rằng các vị đừng có cậy quyền cướp tiền của tụi tôi nhe! Các vị có kinh phí cho công việc thì chi ra chúng tôi sẵn sàng dẹp các việc khác đi để phục vụ.
Đây là những status đầu tiên tôi viết về công an từ khi vào FB đến nay. Vì đến vụ trưng dụng mù mờ tình ngay lý gian này thì thấy CA hơi hoắng, hơi lố, hơi ma mãnh trong việc quan trọng hóa công việc của minh, đứng cao hơn pháp luật, ra những quy định vi phạm luật pháp. Công an không có ngân sách nhà nước cấp cho để làm việc hay sao? Công an có ba bảy đường. Có những chiến sỹ CAHS lành nghề dũng cảm lao vào nguy hiểm bắt kẻ gian, đuổi cướp, phá án. Nhưng cũng khối anh CSGT tinh tướng hành dân, hoạnh họe để đạt định mức của tổ giao hàng ngày thu bao nhiêu tiền phạt. Bắt dân phục vụ những người ấy nữa sao? Rồi còn bảo nếu bị CA lạm dụng chiếm đoạt tài sản thì sẽ kiện, sẽ căn cứ vào dấu vân tay trên phương tiện nọ kia...chẳng khác gì thả gà ra mà đuổi.Rồi bị kéo vào vụ kiện cáo mà phần thắng ít hơn phần thua. Sao CA khôn thế?!
Phải biết điều, biết xấu hổ khi ban hành những cái mà trên thực tế sẽ làm mất uy tín của ngành vì trở thành cần cầu cơm, thành công cụ cướp bóc, trấn lột. Là người đã nhiều năm cộng tác với báo chí công an và có nhiều bè bạn làm lãnh đạo trong ngành này tôi thấy CA bây giờ có biểu hiện tham quyền, lạm quyền, sa sút về văn hóa, hay bày ra những quy định tùy tiện, khả nghi, kinh dị để rồi lại phải lên TV lên báo chí thanh minh, hay xóa bỏ..Không phải tướng Trần Đại Quang lên CTN là công an được kiếm cớ cướp tài sản, cướp tiền lao động rồi chiếm đoạt phương tiện để làm việc của mình. Bây giờ bộ đội cũng nhân danh bảo vệ Tổ quốc để trưng dụng súng, trưng dụng xe của CA có được không?

Đỗ Minh Tuấn
Ở nước mình thằng quan chức chó chết nào cũng có thể ị ra một quy định trái luật ở lĩnh vực của mình, bắt cả trăm triệu người phải theo. Chúng nó ngu quá hay khinh dân quá? Cả hai. Ngu vì toàn đám mua bán quyền chức leo lên ghế nọ ghế kia và ban hành tùy tiện nhiều khi không biết như vậy là sai luật. Khinh dân vì chế độ độc quyền lưu manh hóa quyển lực, một mình một chợ mà dân thì quen bao đời cam chịu. Cả trí tuệ và phẩm hạnh của bộ máy công quyền đều có vấn đề đáng báo động.

*
*
Nguyễn Việt Khoa

TTO - Luật quy định việc trưng dụng tài sản chỉ được tiến hành trong các trường hợp thật cần thiết vì lý do an ninh quốc phòng và chỉ một số Bộ trưởng mới có quyền này.
  
Quy định của pháp luật tại Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 15-2) cho phép cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đang gây phản ứng của dư luận.

Thông tư trái luật
Thực ra, mục đích của việc ban hành thông tư này muốn tạo điều kiện thuận lợi cho CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ điều tiết giao thông cũng như ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của người đi đường một cách kịp thời khi tình trạng vi phạm này hiện có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Hiến pháp, Bộ luật dân sự và đặc biệt là Luật trưng mua, trưng dụng được Quốc hội ban hành năm 2008 thì quy định việc cho CSGT có thẩm quyền trưng dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân như trên là trái luật.
Theo nguyên tắc quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thì việc trưng dụng tài sản chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và điều kiện trưng dụng tài sản chỉ áp dụng khi Nhà nước đã áp dụng các biện pháp huy động khác mà vẫn không thể thực hiện được.
Vì vậy, trong điều kiện bình thường thì không thể áp dụng các biện pháp trưng dụng tài sản của người khác - đó là chưa tính đến việc giao quyền cho CSGT được trưng dụng là sai thẩm quyền. 
Theo Điều 24 của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thì chỉ có những người sau mới có quyền trưng dụng tài sản: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Luật cũng quy định các chủ thể trên không được ủy quyền cho người khác để quyết định trung dụng tài sản, nghĩa là kể cả Thứ trưởng hoặc Phó chủ tịch tỉnh cũng không có quyền ra quyết định trưng dụng tài sản.

Cần bãi bỏ ngay Thông tư vi phạm
Quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người dân và tổ chức được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.
Với việc giao quyền một cách tự tiện cho CSGT trong việc trưng dụng tài sản trên phần nào thể hiện sự dễ dãi trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an, chỉ vì mục đích muốn tạo thuận lợi cho ngành mình quản lý.
Trưng dụng tài sản là một hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân nên khi ban hành Thông tư này, đáng ra Bộ Công an cần phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học.

Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định quyền trưng dụng tài sản của CSGT

Tại điều 102 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: Đối với thông tư có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học”.
Trong trường hợp này, có thể thấy tổ pháp chế của Bộ Công an chưa làm tốt trách nhiệm trong việc đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của Thông tư vừa được ban hành.
Để tránh áp dụng một số quy định trái luật của Thông tư này vào cuộc sống thì Bộ trưởng Bộ Công an – theo thẩm quyền quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần ra quyết định bãi bỏ quy định này.
Bộ Tư pháp cũng có thể căn cứ vào quyền hạn của mình trong việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bãi bỏ, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quy định của Thông tư trái luật này.

N.V.K.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

*
*

PLO

(PLO) - Quy định CSGT được trưng dụng phương tiện liên lạc trong Thông tư 01/2016 của Bộ Công an đang gây tranh cãi trong dư luận.
Thông tư 01 này chính thức có hiệu lực từ ngày 15-2, sẽ thay thế cho Thông tư 65/2012 hiện hành, song việc trao cho CSGT quyền được trưng dụng tài sản của người dân đang gây nhiều lo ngại và tranh cãi.

Theo khoản 6 Điều 5 của Thông tư 01/2016 (do Bộ Công an ban hành), CSGT có quyền: “Trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.

Có thể trưng dụng cả điện thoại trong túi?
Các loại tài sản có khả năng bị trưng dụng khá rộng. Đó có thể là chiếc xe, máy quay film, máy chụp ảnh, camera hành trình, thậm chí kể cả chiếc điện thoại trong túi quần hay cái máy tính bảng trong túi xách cũng có thể bị trưng dụng.
Tuy vậy, quy trình thực hiện việc trưng dụng hoàn toàn không được nêu ra một cách rõ ràng. Chính điều này càng làm nhiều người lo lắng.
Đại diện Cục CSGT (C67), Bộ Công an đã giải thích với Pháp Luật TP.HCM là CSGT có căn cứ và thẩm quyền thực hiện quyền trưng dụng đã nêu.
Cụ thể, theo khoản 15 Điều 15 Luật CAND 2014 (có hiệu lực ngày 1-7-2015), quy định công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện theo quy định.
“Trong các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy [ra] thì CSGT có quyền trưng dụng” – Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật C67, nhấn mạnh.

Chỉ Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh mới có quyền
Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 (có hiệu lực từ 1-1-2009) đã quy định khá rõ về nguyên tắc chỉ được trưng mua trong “trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia” (Điều 4).
Cụ thể hơn, Điều 5 của luật này nêu rõ về điều kiện trưng mua là khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản khi đất nước chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp); an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa (theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia), hay phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng...
Luật này yêu cầu việc trưng dụng tài sản nói trên phải được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và chỉ có Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, GTVT, NN&PTNT, Y tế, Công thương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.

Vì sao dư luận lo ngại và băn khoăn?
Quy định nói trên của Thông tư 01/2016 của Bộ Công an đã gây nhiều lo ngại trong dư luận.

Thứ nhất là về thẩm quyền. Luật Công an nhân dân, Thông tư 01/2016 quy định cho chiến sĩ công an, trong đó có lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ trên đường có quyền trưng dụng tài sản của dân liệu có “chỏi’ với quy định trong Luật Trưng mua, trưng dụng khi luật này quy định thẩm quyền trưng dụng thuộc về cấp Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh?

Thứ hai là về các trường hợp được trưng dụng. Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ cho phép Nhà nước được trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân trong những trường hợp rất đặc biệt như tình trạng chiến tranh, thiên tai địch họa… Nhiều người nêu câu hỏi, CSGT với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông là chủ yếu thì có cần thiết phải trao quyền này cho các anh khi mà hệ lụy của nó thì quá nhiều như vậy?

Thứ ba là về trình tự thủ tục trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc của CSGT. Thông tư là văn bản hướng dẫn dưới luật chi tiết nhất rồi, thế nhưng trong văn bản nói trên, trình tự thủ tục trưng dụng không hề được quy định, hướng dẫn, giải thích. Nhiều người thắc mắc không biết CSGT sẽ thực hiện quyền này theo quy trình, thủ tục như thế nào để có thể giám sát kiểm tra?

Thứ tư, trưng dụng phương tiện liên lạc và quyền bí mật đời tư. Cái điện thoại ngày xưa chỉ nghe và nói chứ cái điện thoại di động bây giờ là cả một “kho” dữ liệu về nhân thân, từ hình ảnh, video, tin nhắn đến các ứng dụng về công việc, lịch trình, sức khỏe, thói quen, hành vi... đều nằm trong điện thoại. Nó không còn đơn giản là một tài sản vật chất nữa! Nói trưng dụng một phát là cầm đi luôn, dân biết tính sao?

***
Còn có những lo ngại thứ n xung quanh quy định cho phép CSGT có quyền trưng dụng phương tiện liên lạc của người dân.
PLO kính mời bạn đọc bày tỏ suy nghĩ, lo ngại, băn khoăn, thắc mắc của mình về vấn đề này. Bạn đọc cũng có thể bày tỏ quan điểm của mình bằng việc bỏ phiếu trong phần bình chọn ngay trong bài. PLO trân trọng cám ơn các ý kiến bạn đọc tham gia và sẽ tổng hợp đăng tải nhằm chuyển đến các cơ quan chức năng thêm nhiều thông tin để có hướng xử lý thích hợp.


*
*
Quỳnh Như

(PL)- Có lẽ nhiều người hơi bất ngờ khi đọc thông tin về việc CSGT được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển.
Quy định này nằm trong Thông tư 01 do Bộ Công an mới ban hành, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Thật ra quy định này đã có từ lâu nên không phải bất ngờ về việc bây giờ mới trưng dụng. Bất ngờ ở chỗ là cơ quan ban hành nói chuyện về xài tài sản của dân mà sao... đơn giản quá, làm dân băn khoăn quá! Anh nói anh có quyền trưng dụng là anh trưng dụng. Thì anh cũng có nói thêm là trưng dụng và “sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Chấm hết. Còn dân thì sao? Muốn hiểu thêm thì tự đi mà tìm hiểu chăng?
Tài sản của cá nhân mình, đồng ý rằng công dân hoàn toàn chấp nhận cho Nhà nước, công chức trưng dụng, sử dụng. Thế nhưng sử dụng thế nào, sau đó giải quyết tài sản ra sao, cơ quan ban hành văn bản thì phải nói cho rõ ràng chứ! “Theo quy định của pháp luật” là theo quy định nào, trong văn bản nào? Tài sản là rất cụ thể, có thể tính ra từng đồng, mà “quy định của pháp luật” là mênh mông, băn khoăn quá.
Giả sử người dân hiểu việc trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (năm 2008), vậy đã đủ chưa, đã bao quát chưa, hay là còn những văn bản nào khác về trưng mua, trưng dụng? Nếu hiểu theo luật này đã đúng và đủ thì sao Bộ Công an không dẫn chiếu ra luôn đi, hoặc trích lại một số điều khoản chủ yếu như trường hợp được trưng dụng, bồi thường sau khi trưng dụng... để bớt những băn khoăn về tài sản cho người dân. Nếu ngoài Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản còn có những văn bản khác thì cũng nên nói rõ cho người dân đỡ lo.
Ngoài câu chuyện về tài sản còn có những chuyện khác về nhân thân, quyền bí mật đời tư... của công dân cũng chưa được đề cập tương xứng trong chuyện trưng dụng. Đơn cử như cái điện thoại ngày xưa chỉ nghe và nói, cái điện thoại năm 2008 còn chưa nhiều chức năng, chứ cái điện thoại di động bây giờ là cả một “kho” dữ liệu về nhân thân, từ hình ảnh, video, tin nhắn đến các ứng dụng về công việc, lịch trình, sức khỏe, thói quen, hành vi... đều nằm trong điện thoại. Có đơn giản là một tài sản vật chất nữa đâu! Nói trưng dụng một phát là cầm đi luôn, dân biết tính sao?
Đương nhiên những trường hợp trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đều là cấp thiết cả, như chiến tranh, an ninh, quốc phòng thì chẳng cần lệnh, rất nhiều người sẵn sàng dâng cho Tổ quốc cả tài sản lẫn tính mạng, có tiếc gì lúc đấy. Nhưng những lúc “nguy cơ” bão lũ, dịch bệnh... thì tình thế đã khác đi rất nhiều rồi. Mà câu chuyện giao thông đường bộ và anh CSGT trưng dụng của Thông tư 01 lại càng khác nữa. Nếu Bộ Công an không quy định cho rõ ràng luôn, dẫn chiếu quy định luôn, ghi ngay trong thông tư này thì sẽ vẫn còn băn khoăn nhiều lắm.
Không riêng gì thông tư “trưng dụng” này, có lẽ trong nhiều văn bản khác, những quy định ảnh hưởng đến quyền tài sản của công dân cần được rà soát, đánh giá và chỉnh sửa lại cho rõ ràng, phù hợp với sự phát triển hiện nay và về sau, khi mà tài sản không chỉ đánh giá bằng con số tiền ghi trên hóa đơn mua vào mà càng qua sử dụng nó lại cộng thêm nhiều giá trị gia tăng về nhân thân và bí mật đời tư của công dân.

Q.N.


Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 11:22




No comments: