Saturday, February 20, 2016

KÝ SỰ ĐÀI LOAN : NGÀY 2 CỦA HỘI NGHỊ TỰ DO TÔN GIÁO Á CHÂU (TS Nguyễn Đình Thắng)





Ngày 2 của hội nghị tự do tôn giáo Á Châu
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 19 tháng 02, 2016

Hôm nay, ngoài các sinh hoạt chính thức của hội nghị, chúng tôi tranh thủ bữa ăn sáng, bữa ăn trưa, bữa ăn chiều và cả các khoảng thời gian giải lao ngắn ngủi để nối kết và vận động. Suốt từ hôm qua đến giờ nhiều người đến gặp tôi và anh Greg Mitchell để hỏi han thêm về mô hình “bàn tròn đa tôn giáo”. Chúng tôi giải thích và hứa sẽ hết lòng hỗ trợ để từng quốc gia hình thành một bàn tròn đa tôn giáo. Ngoài ra tôi còn giới thiệu về Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á được tổ chức ở Bangkok cách đây vài tháng. Tôi thông báo với họ ý định tổ chức hội nghị lần 2, dự trù vào đầu tháng 8 năm nay. Giống như ở mọi hội nghị, các gặp gỡ bên lề, ngoài hành lang để kết nối, phối hợp quan trọng không kém những sinh hoạt chính thức.

8:00 am – Vừa ăn sáng vừa họp bàn về Việt Nam. Ngoài phái đoàn người Việt và các thành viên của BPSOS còn có nhân viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhân viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, và thành viên của một số tổ chức bạn. Chúng tôi bàn về nỗ lực thành lập “bàn tròn đa tôn giáo” cho Việt Nam, về các vụ đàn áp tôn giáo gần đây, và việc lập danh sách chế tài các kẻ vi phạm quyền tự do tôn giáo.

9:30 am – Buổi hội thảo về tình trạng tự do tôn giáo trong vùng Á Châu và Thái Bình Dương. Cô Libby Liu, Tổng Giám Đốc Radio Free Asia, điều hợp buổi hội thảo gồm 4 diễn giả. Ts. Võ Trần Nhật, thuộc Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam, giải thích về tình trạng “nói một đằng làm một nẻo” ở Việt Nam: Hiến Pháp bảo đảm mọi quyền tự do cho người dân, nhưng chính quyền có toàn quyền ấn định khuôn khổ cho các quyền tự do ấy.

10:45 am – Buổi hội thảo về kinh nghiệm “vận động” ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Cô Kim thuộc Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài nhắc nhở cử toạ rằng trong tình hình ở Việt Nam người dân không có tiếng nói, khi lên tiếng vận động thì gặp nguy cơ bị đàn áp. Cô tóm tắt quá trình Đạo Cao Đài đã bị đàn áp ra sao từ năm 1975 đến nay và kêu gọi sự yểm trợ của quốc tế. Nhiều tổ chức và cá nhân tham gia cảm động và hứa sẽ yểm trợ Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài phục hồi nền đạo. Chúng tôi vừa họp vừa ăn trưa vì thời gian eo hẹp.

12:30 pm -- Buổi hội thảo vừa xong, mọi người vội vàng lên xe buýt – cả thẩy 4 chiếc – trực chỉ Quốc Hội Đài Loan.

2:00 pm – Cuộc họp báo để công bố bản Tuyên Ngôn Đài Loan về Tự Do Tôn Giáo. Hôm nay là ngày Quốc Hội mới nhóm họp. Dù bận công việc, vị Chủ Tịch lẫn Phó Chủ Tịch Quốc Hội vẫn đã dành thời giờ để đón tiếp chúng tôi. Nhiề nữ đại biểu Quốc Hội cũng hiện diện để bày tỏ sự ủng hộ. Người Đài Loan rất hãnh diện về nền văn hoá hài hoà các tôn giáo ở đất nước họ.

4:00 pm – Phái đoàn chúng tôi ghé thăm một nhà thờ Công giáo. Vị linh mục quản nhiệm đã lớn tuổi hướng dẫn giáo dân ra đón tiếp chúng tôi từ sân nhà thờ. Vị linh mục nom thấy vui vẻ và phúc hậu. Gốc người Ý, vị linh mục đã sống ở Đài Loan hơn nửa thế kỷ. Nhà thờ được xây theo dạng một túp lều, ngụ ý rằng thế gian chỉ là cõi tạm.

5:30 pm – Chúng tôi thăm bảo tàng viện tôn giáo thế giới. Nơi đây quanh năm có các buổi triển lãm để giới thiệu các tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới, giúp người xem mở rộng tầm nhìn và có thái độ khoan dung về tôn giáo và tín ngưỡng.

7:00 pm – Chúng tôi đến nơi dùng cơm chiều: một ngôi chùa cổ, 128 năm tuổi và nằm trên núi cao. Chúng tôi phải đi xe cáp chòng chành, băng qua những đỉnh núi cheo leo và phủ sương trắng. Một chùa khác ở xa đã gởi đoàn văn nghệ trẻ đến để trình tấu các bài nhạc cổ truyền khi chúng tôi dùng bữa. Thì ra, vị sư trụ trì ngôi ở xa cũng muốn mời chúng tôi đến thăm nhưng vì quá xa nên ban tổ chức đành thoái thác; thế là 2 vị sư trụ trì phối hợp với nhau: chùa ở gần đãi thức ăn còn chùa ở xa thì phục vụ văn nghệ. Trong phần trò chuyện với quan khách Bà Annette Lu cho biết là ngôi chùa nơi chúng tôi dùng bữa chiều có thờ Lưu Bang, là tổ của Bà. Tôi mới biết họ Lu chính là họ Lưu trong tiếng Việt.

11:00 am – Trên đường về trời mưa tầm tã. Tôi đi chiếc xe buýt dẫn đầu, cùng với Bà cựu Phó Tổng Thống Annette Lu. Chạy đằng trước là xe cảnh sát chớp đèn dẫn đường dưới màn mưa. Đường trở về dài một tiếng rưỡi; để không khí đỡ tẻ lạnh, Bà Annette Lu tâm tình rất bình dân và mộc mạc với quan khách. Tôi bày tỏ lòng kính phục nghị lực của Bà và cho biết rằng ở Việt Nam đang có một nhóm tranh đấu cho quyền phụ nữ như Bà năm xưa. Bà kể, và thỉnh thoảng nghẹn lời vì bùi ngùi, thuở bé gia đình nghèo không đủ ăn, Bà bị cha mẹ đồng ý bán làm con cho một gia đình giầu có. Sợ mất em, người anh trai đã cõng Bà đi giấu. Lớn lên Bà phấn đấu vào được trường luật của Đại Học Harvard. Về lại Đài Loan Bà được tuyển vào làm trong văn phòng thủ tướng. Thấy xã hội bất công, Bà đứng lên chống chế độ độc tài và cổ suý cho nữ quyền. Bà nằm trong số chục nhà dân chủ bị bắt. Thoạt tiên chính quyền định trao bản án tử hình cho Bà và 5 người trong số đó. Chính người anh trai năm xưa cõng Bà đi trốn nay là luật sư biện hộ để cứu em gái. Thay vì bị án tử, Bà lãnh 12 năm tù. Được phân nửa hạn tù, Bà được trả tự do nhờ có sự can thiệp mạnh mẽ của quốc tế. Trong tù Bà phát hiện mình bị ung thư da nhưng nhà tù nhất định không cho chữa trị. Sau khi ra tù Bà đã tranh cử để trở thành thị trưởng thành phố Đào Viên, rồi đại biểu Quốc Hội. Khi đang vận động tranh cử chức Phó Tổng Thống, Bà đã bị ám sát hụt -- viên đạn găm vào đầu gối thay vì phạm yếu huyệt... Ngày dài nên chúng tôi ai cũng mệt nhoài, riêng Bà Annette Lu vẫn tươi tắn và năng động. Đất nước Đài Loan may mắn có được những người con dân như Bà.

12:30 am – Về phòng, tắm rửa, đánh răng rồi đọc email... trước khi ngủ thiếp đi. Sáng mai sẽ phải dậy sớm.


Bài liên quan:

Ký sự Đài Loan: Các gặp gỡ thú vị và hữu ích






No comments: