Thursday, February 4, 2016

HIỆP ĐỊNH TPP CHÍNH THỨC ĐƯỢC KÝ KẾT TẠI AUCKLAND (tin tổng hợp)





BBC Tiếng Việt    
4 tháng 2 2016
.
12 quốc gia tham gia TPP đang nắm giữ 40% nền kinh tế thế giới

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất, đã được các bộ trưởng của 12 quốc gia thành viên ký kết tại New Zealand.
Buổi lễ tại Auckland đưa hiệp định thương mại khổng lồ, sau 5 năm đàm phán, tiến thêm một bước.
Nhưng TPP tiếp tục đối mặt với sự phản đối.
12 quốc gia tham gia TPP đang nắm giữ 40% nền kinh tế thế giới - bây giờ có hai năm để phê chuẩn hoặc từ chối hiệp định.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb là người đầu tiên ký vào biên bản thỏa thuận và người đồng cấp New Zealand Todd McClay ký sau cùng. Những người tham dự buổi lễ reo hò khi chứng kiến khoảnh khắc này.
TPP gồm các thành viên: Mỹ, Nhật, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru.
Những người chống lại hiệp định, nhất là một số người Mỹ, lo ngại việc làm tại nước này sẽ chuyển sang các nước đang phát triển một khi TPP đi vào hoạt động.

'Thiết lập quy tắc của thế kỷ 21'
Dù vậy, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố cam kết thỏa thuận thương mại đa quốc gia “đặt người lao động Mỹ làm ưu tiên hàng đầu”. “Quan hệ đối tác sẽ giúp Hoa Kỳ có lợi thế hơn các nền kinh tế hàng đầu khác, cụ thể là Trung Quốc”, thông cáo của Nhà Trắng phát đi hôm thứ Tư 3/2.
"TPP cho phép Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc - thiết lập các quy tắc của lộ trình trong thế kỷ 21. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một khu vực năng động như châu Á-Thái Bình Dương," ông nói.
“Chúng ta nên để TPP được thực thi trong năm nay, giúp người lao động Mỹ phát triển và các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh, giành chiến thắng trên toàn thế giới”.
Tại Auckland và ở Mỹ, cũng như tại một số nước, những người biểu tình đã lên tiếng phản đối TPP trong vài tháng qua.
Trước buổi lễ ký kết hôm 4/2, đường phố xung quanh khu trung tâm của Auckland dẫn tới cầu Cảng Auckland bị các nhóm biểu tình chặn lại.
Cảnh sát đụng độ với một số người biểu tình, những người cáo buộc TPP chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn hơn là người lao động.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hội đàm với lãnh đạo các thành viên tham gia TPP tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh tháng 11/2014

Đằng sau thỏa thuận
TPP được trông đợi tạo thuận lợi cho đầu tư giữa 12 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương vốn đang nắm giữ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.
TPP đã đạt được thỏa thuận tháng 10/2015 sau nhiều năm đàm phán và nhiều thời hạn đã bị bỏ lỡ.
Sáng kiến do Hoa Kỳ dẫn đầu là một phần quan trọng của chiến lược xoay trục về châu Á của ông Obama nhưng cũng là một vấn đề gây tranh cãi trước cuộc bầu cử Mỹ diễn ra tháng 11/2016.
Ông Obama chỉ còn một năm tại vị trong nhiệm kỳ và Nhà Trắng cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu Quốc hội không phê chuẩn thỏa thuận.
Trưởng phái đoàn Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman nói rằng TPP sẽ giúp nước này tăng trưởng kinh tế thêm 100 tỷ USD mỗi năm. "Sau 5 năm đàm phán, việc ký kết TPP là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi để thiết lập quy tắc tiêu chuẩn cao của lộ trình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. TPP cũng đem lại lợi ích cho người lao động, nông dân và các doanh nghiệp Hoa Kỳ", ông nói.

Hôm 4/2, website VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tại lễ ký kết, cho biết: “Việc ký kết TPP có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán và ký một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như TPP.
TPP sẽ đem lại cơ hội lớn cho kinh tế đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.”
“TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ USD năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản… khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%”, báo này viết.

-------------------------------

Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 04-02-2016

Hiệp định TPP, thành lập vùng thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, đã được 12 quốc gia thành viên long trọng ký kết vào hôm nay 04/02/2016 tại Auckland, New Zealand. Đối với Mỹ, hôm nay là một ngày lịch sử, hiệp định TPP là vũ khí ngăn chận Bắc Kinh kiểm soát thương mại thế giới.

Sau năm năm đàm phán gay go, 12 quốc gia thành viên từ châu Mỹ cho đến châu Á và châu Đại Dương chung quanh Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bao trùm một khu vực lớn nhất thế giới.

Văn kiện này phá bỏ hàng rào quan thuế giữa các đối tác gồm Úc, New Zealand, Chilê, Mêhicô, Peru, Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Hoa Kỳ. Nền kinh tế của 12 quốc gia TPP chiếm đến 40% tổng sản lượng địa cầu. Trung Quốc tạm thời bị loại khỏi cuộc chơi.

Đối với Washington, kế hoạch thành lập vùng mậu dịch tự do lớn nhất thế giới là một chiến lược ngăn chận Trung Quốc kiểm soát kinh tế toàn cầu.

Từ Washington, tổng thống Barack Obama khen ngợi TPP là con đường lý tưởng nhất để cải thiện đời sống cho 800 triệu dân trong lãnh vực dịch vụ và tiêu thụ hàng hóa.

Tổng thống Mỹ nhận định thêm là TPP cho phép Hoa Kỳ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, chỉ đạo kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 và đặc biệt là ở vùng châu Á Thái Bình Dương.

Trong thông điệp hướng về công luận quốc nội, chủ nhân Nhà Trắng cho là TPP vừa tạo công ăn việc làm cho công nhân Mỹ, vừa củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ.
Cùng tần số với tổng thống Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ra hài lòng về văn kiện quy định luật chơi trong thương mại quốc tế mà Tokyo « đóng vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán ».

----------------------------

Thành Long  -  daikynguyenvn.com      4-2-2016
.
Xuân Thân/VOV.VN             Thứ 6, 06:00, 05/02/2016

BBC Tiếng Việt             4 tháng 2 2016

RFI        4 tháng 2 2016

RFI        3 tháng 2 2016

Cát Linh, phóng viên RFA               2016-02-03







No comments: