Tuesday, February 9, 2016

GIAN NAN CON ĐƯỜNG TỪ CỬ NHÂN ĐẾN GIÁO SƯ Ở ĐẠI HỌC NƯỚC NGOÀI (TS Lê Bảo Long)





TS. Lê Bảo Long
07/02/16 06:58

(GDVN) - Từ cử nhân tới giáo sư ở đại học nước ngoài là quá trình phấn đấu dài, cần nhiều nỗ lực và cả sự kiên nhẫn.

LTS: Bài viết của TS. Lê Bảo Long sẽ khắc họa quá trình gian nan, kiên trì của một nhà khoa học từ cử nhân để trở thành có chức danh giáo sư đại học tại nước ngoài.
TS. Lê Bảo Long hiện là phó giáo sư tại Viện khoa học quốc gia (INRS) thuộc Đại học Québec, Canada.
Ông từng tốt nghiệp chuyên ngành viễn thông tại Đại học Bách Khoa, Tp. Hồ Chí Minh với huy chương vàng, hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Manitoba, Canada và có kinh nghiệm 2 năm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Boston, Hoa Kỳ. 
Ông hiện đang làm biên tập viên cho nhiều tạp chí chuyên ngành viễn thông của tổ chức kỹ sư điện-điện tử (IEEE), thành viên cao cấp (senior member) của IEEE, tác giả và đồng tác giả của một sách và hơn 130 công trình khoa học trên đăng trên các tập san hội thảo và tạp chí hàng đầu của ngành viễn thông.
Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc bài biết này.

----------------

Năm 2016 là năm thứ 14 kể từ ngày tôi "chân ước chân ráo" sang Bắc Mỹ học Tiến sĩ làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và sau đó bắt đầu sự nghiệp của một giáo sư ở đại học nghiên cứu. 
Đến thời điểm này, ngồi nói chuyện với các bạn thành viên nhóm là sinh viên tiến sĩ đã tốt nghiệp và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đang tìm việc hàn lâm (giáo sư đại học) mới thấy sự trưởng thành, phấn đấu và gặt hái được vài thành công trong thế giới hàn lâm ở phương Tây là quá trình dài, cần nhiều nỗ lực và cả sự kiên nhẫn. 
Khi làm tiến sĩ, sinh viên thường chỉ tập trung vào giải quyết vài vấn đề nghiên cứu trong một mảng thường khá hẹp, đôi khi được nghĩ ra và giao cho bởi giáo sư hướng dẫn. 
Ngược lại yêu cầu và mong đợi cho chức danh giáo sư thậm chí ở mức đầu tiên (assistant professor ở Bắc Mỹ) từ một đại học nghiên cứu nước ngoài là khá cao: 
Giáo sư trẻ phải là một nhà khoa học đã được công đồng khoa học thừa nhận và trường đại học mong đợi họ sẽ là một lãnh đạo hàn lâm tương lai với tầm nhìn khoa học tốt, có kế hoạch hàn lâm ngắn hạn và dài hạn rõ ràng, độc đáo và khả khi.

Lộ trình khoa học dài và nhiều thử thách

Vì các yêu cầu cao như thế nên thường một tân tiến sĩ phải trải qua quá trình làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ có khi khá dài để tích lũy kinh nghiệm và tăng thành tích khoa học. 
Với một giáo sư ở đại học nghiên cứu phương Tây, ngoài chuyện tham gia giảng dạy, họ phải hoàn thành các công việc nhiều thách thức hơn bao gồm hướng dẫn nghiên cứu sinh sau đại học (ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ).
Để tạo ra các kết quả khoa học đột phá để đăng trên các tạp chí khoa học uy tín, chuyển giao tri thức cho giới công nghiệp và tìm các nguồn quỹ khoa học để hỗ trợ nghiên cứu sinh. 
Không lạ khi đây cũng chính là các tiêu chí quan trọng trong đề bạt cho các vị trí hàn lâm cao hơn (phó giáo sư và giáo sư).
Trong nhiều trường hợp như ở các đại học Bắc Mỹ, nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ thường được cấp học bổng toàn phần để đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt từ chính giáo sư hướng dẫn của họ. 
Trường đại học cũng được một khoảng khá lớn từ quỹ nghiên cứu của giáo sư (20-50% nguồn quỹ giáo sư kiếm được) để bù đắp chi phí quản lý. 
Vì thế, trách nhiệm học thuật và tài chính đặt lên vai một giáo sư là khá lớn như một phần trách nhiệm bắt buộc (ngoài trừ một vài phân ngành như toán lý thuyết, các yêu cầu về quỹ nghiên cứu khoa học có thế ít khắt nghiệt hơn). 
Tất nhiên chế độ lương bổng và đãi ngộ cho các giáo sư như ở Bắc Mỹ là đủ đảm bảo cho họ có cuộc sống trên mức trung bình của xã hội, giúp họ toàn tâm vào công việc chuyên môn, chưa kể các các hỗ trợ về công việc khá tốt (như văn phòng làm việc cho giáo sư và nghiên cứu sinh, phòng thí nghiệm, các phương tiện sách báo, in ấn,…).

TS. Lê Bảo Long.

Với các đãi ngộ tốt để phát triển sự nghiệp khoa học như thế, không ngạc nhiên khi phần lớn tiến sĩ trẻ có thành tích khoa học tốt mong muốn tiếp tục làm việc với chức danh giáo sư ở các viện hay đại học nghiên cứu dù biết rõ các thách thức của công việc này. 
Thực tế sự cạnh tranh trong tuyển dụng và đề bạt cho một vị trí giáo sư thường rất cao. Có khi có đến vài trăm tiến sĩ cạnh tranh một vị trí giáo sư.
Nhiều người trong số ứng viên có thành tích khoa học rất xuất sắc với thành tích công bố và trích dẫn khoa học hoành tráng, kinh nghiệm hàn lâm (như bình duyện cho tạp chí khoa học, tham gia trong các hội thảo khoa học chuyên ngành) rất dày. 
Vì thế, người “chiến thắng” thường phải có hồ sơ khoa học xuất sắc và định hướng tốt cho chương trình nghiên cứu trong tương lai.

Vượt qua khoảng cách học thuật

Tác giả từng học đại học trong nước trước khi ra nước ngoài theo đuổi các chương trình sau đại học nên có trải nghiệm khá cụ thể về khoảng cách học thuật và cách thức vượt qua chúng.
Nói một cách công bằng, người học đại học trong nước (cho dù có thành tích tốt) khi ra nước ngoài học sau đại học vẫn có khoảng cách về chuyên môn (có khi khá lớn) so với các sinh viên giỏi từ các trường hàng tốt của thế giới.
Đó là các trường hàng đầu của Bắc Mỹ, châu Âu hay thậm chí các đại học tốt của khu vực như đại học quốc gia Singapore, đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, đại học khoa học và kỹ thuật Hồng Kông,…. 
Đấy là chưa kể sinh viên nước ngoài đã được làm nghiên cứu khoa học khá chuyên nghiệp với các giáo sư hàng đầu ngay trong bậc đại học và các giáo sư của họ có liên lạc rất chặt chẽ với giới nghiên cứu tinh hoa của thế giới. 
Các thiệt thòi đáng kể khác nữa cho người ra đi với tấm bằng đại học trong nước có thể là sự chuẩn bị chưa tốt về rất nhiều mặt như ngoại ngữ, tư duy sáng tạo và phản biện, cách hợp tác và làm việc nhóm.
Vì thế ngoại trừ các sinh viên Việt Nam được học bổng thạc sĩ và tiến sĩ từ các chương trình đặc biệt (như Fulbright, VEF,…), nghiên cứu sinh người Việt Nam đi từ trong nước không hẳn lúc nào cũng có học bổng và được làm việc trong các nhóm mạnh nhất trong chuyên ngành của họ. 
Điều đó không hẳn là xấu, vì trong trường hợp ngược lại khi được/phải làm việc trong các nhóm rất mạnh với yêu cầu hàn lâm rất cao, nghiên cứu sinh Việt Nam, với vốn kiến thức và kỹ năng hạn chế, có thể gặp thử thách quá lớn và nguy cơ không làm xong tiến sĩ không phải là nhỏ. 
Nhìn theo hướng tích cực, làm việc trong các nhóm nghiên cứu “vừa phải” vẫn ổn nếu chúng ta biết rõ các nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong chuyên ngành hẹp của mình và có cập nhật tốt nhất về các vấn đề và hướng nghiên cứu quan trọng. 
Thông thường các bài báo “survey” của các chuyên gia xuất sắc nhất chuyên ngành chứa nhiều thông tin định hướng nghiên cứu rất bổ ích. 
Nếu luôn nắm bắt được được các hướng nghiên cứu quan trọng thì nếu có khả năng và nỗ lực đủ lớn, khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, nghiên cứu sinh có thể tiếp cận được đẳng cấp của các nhóm và các hướng nghiên cứu hàng đầu. 
Đó là điều kiện tối quan trọng để khi chuyển sang giai đoạn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, các tiến sĩ trẻ có thể được nhận vào làm ở các nhóm tốt nhất và được thử thách trên các vấn đề nghiên cứu quan trọng trong chuyên ngành. 
Một điều nữa, nghiên cứu sinh cần tìm một nhóm có các chương trình nghiên cứu đủ rộng vượt ra ngoài hướng nghiên cứu hẹp khi làm tiến sĩ để mở mang tầm nhìn và giúp họ nhảy vào các hướng nghiên cứu mới.
Một chuyện quan trọng khác mà các nghiên cứu sinh Việt Nam nhiều khi không quan tâm đúng mức: tham gia tích cực vào các hoạt động hàn lâm ngay khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ như bình duyệt báo cho các tạp chí uy tín và hội thảo khoa học quan trọng, làm người điều khiển cho các thuyết trình khoa học ở hội thảo,… 
Các công việc như thế tuy tốn khá nhiều thời gian nhưng đặc biệt quan trọng vì giúp kết nối với các nhà khoa học tiếng tăm vốn thường làm biên tập viên cho các tạp chí hay hay chủ tich các hội thảo khoa học. 
Ngoài ra tham gia các hoạt động hàn lâm cũng giúp có một hồ sơ hoàn hảo hơn ngoài việc có các công trình nghiên cứu tốt và trích dẫn khoa học ấn tượng.
Xét cho cùng, việc được bổ nhiệm các chức danh giáo sư tại các đại học nghiên cứu phương Tây ngày nay là chỉ dấu cho sự thừa nhận các đóng góp và thành tích khoa học nhiều hơn là sự tuyển dụng một người có bằng tiến sĩ. 
Vì thế, điều quan trọng là một nhà khoa họ trẻ cần liên tục làm việc và phấn đấu hết mình để được bổ nhiệm và thăng tiến trong các nấc thang hàn lâm nhiều thử thách. 
Con đường đó có thể không dễ dàng nhưng các thành công gặt hái sau nhiều nỗ lực và vượt qua chính bản thân mình chắc chắn sẽ mang đến nhiều niềm vui và hạnh phúc.

TS. Lê Bảo Long




No comments: