Saturday, February 13, 2016

GÂY PHONG TRÀO TỰ ỨNG CỬ QUỐC HỘI (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, February 12, 2016 6:37:41 PM 

Tháng trước, mục này đã đề nghị với 127 nhà trí thức trong nước  hãy cùng các nhà tranh đấu dân chủ khác ra ứng cử quốc hội trong năm nay, nếu bức thư góp ý kiến của họ bị Đảng Cộng Sản bỏ qua. Bức thư họ gửi cho giới lãnh đạo đảng, cho các đại biểu dự Đại Hội XII và tất cả các đảng viên Đảng Cộng Sản khác đã bị bỏ qua rồi. Vì họ nêu ra các ý kiến táo bạo. Họ khuyên Đảng Cộng Sản đổi tên đảng; đổi tên nước (bỏ nhãn hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa). Cụ thể hơn, họ đòi Đảng Cộng Sản phải chấm dứt trấn áp dân chúng và trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ.

Trong bài “Có thể theo gương Myanmar ” trên nhật báo Người Việt ngày 15 tháng 12 năm 2015, mục này đã đoán trước Đại Hội XII của đảng sẽ coi các ý kiến của họ không đáng nghe; và đặt câu hỏi: Sau đó quý vị phải là gì? Và đề nghị hai hành động. Thứ nhất, vì danh dự, các đảng viên ký tên trong bức thư trên hãy công khai rút ra khỏi Đảng Cộng Sản, vì các ý kiến trong thư cho thấy họ vừa không tin vào chủ nghĩa cộng sản, vừa tố cáo tội lỗi của chế độ cộng sản đối với dân tộc. Thứ hai, 127 người ký tên hãy cùng các nhà tranh đấu dân chủ đồng loạt ghi danh ra ứng cử trong cuộc bàu Quốc Hội sắp tới.
Tới nay, chưa thấy một ai trong số 127 người ký tên dưới bức thư có hành động nào, sau khi chứng kiến bức thư tâm huyết của mình bị bỏ qua, không ai thèm nhắc tới. Họ có thể đang chuẩn bị những bước kế tiếp mà chúng ta không biết. Vì vậy, xin nhắc lại lần nữa: Đề nghị quý vị hãy tự ra tranh cử quốc hội trong năm nay.

Nên nhắc lại đề nghị này, vì ở trong nước đã có nhiều người mới nêu ra ý kiến đó. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà tranh đấu dân chủ ở Hà Nội, là người đầu tiên, trong tuần trước, tuyên bố sẽ ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa tới. Ông còn kêu gọi các công dân khác hãy tích cực “tự ứng cử,” nếu hội đủ tiêu chuẩn bình thường về tuổi tác, về lý lịch tư pháp, v.v... Sau ông Nguyễn Quang A, nhiều người cũng nói họ sẽ tự ứng cử, như quý ông Nguyễn Tường Thụy (Hội Nhà Báo Độc Lập), Luật Sư Lê Văn Luân, Lê Công Định, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, v.v...

Ai cũng biết rằng Đảng Cộng Sản sẽ không cho ai đắc cử nếu không được đảng giới thiệu hoặc do đảng mớm trước xúi ra ứng cử. Nhưng quý vị sắp ghi tên tranh cử chắc không nhắm mục đích giành lấy cái ghế đại biểu. Luật Sư Lê Văn Luân nói, dù thất cử nhưng ông sẽ “chứng minh về cơ hội của những người ngoài Đảng” qua việc ông ra ứng cử. Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói ông muốn dấy lên một phong trào, tạo ra một “đợt học tập” để “mọi người biết rằng bầu cử là thế nào, dân chủ là ra sao.” Ông còn nhận xét rằng hành động “tự ứng cử” chỉ thắng chứ không thua!

Đúng như vậy. Hành động tự mình ra ứng cử sẽ thắng chứ không thua, tức là không mất cái gì cả mà tạo được nhiều tác dụng hữu ích! Nhưng thắng là thắng cái gì và thắng thế nào?

Quý ông Lê Văn Luân và Nguyễn Quang A nêu lên “thắng lợi” trong việc “giáo dục,” hoặc “huấn luyện” đồng bào về sinh hoạt bầu cử trong chế độ dân chủ, về cơ hội tham gia sinh hoạt chính trị của những người không phải đảng viên Cộng Sản. Đạt được những mục tiêu đó cũng là hữu ích, đáng bỏ công ra dấn thân tự ứng cử. Nhưng chúng ta có thể đạt được những “thắng lợi” lớn hơn và xa hơn nữa nếu gây được một phong trào mới.

Như đã trình bày trong mục này, một phong trào tự ứng cử có thể tạo nên một “thực tại chính trị mới” trong xã hội Việt Nam. Hành đồng của năm chục đến một trăm công dân độc lập ghi danh tự ứng cử sẽ gây ra một hiện tượng chính trị sôi nổi trong một xã hội đang bị ru ngủ. Vì chính họ quyết định ứng cử, chứ không phải do đảng Cộng Sản đưa ra để tô điểm hoa hoét như trong các cuộc bàu cử giả dối đã diễn ra từ hơn nửa thế kỷ.

Những người tự ứng cử chấp nhận “làm vật hy sinh” vì họ sẽ bị guồng máy công an và tuyên truyền Cộng Sản tấn công, đàn áp, bôi nhọ trong mấy tháng trời. Nhưng họ sẽ đánh thức mọi người Việt Nam cùng tỉnh dậy để nhận ra thế nào là tự do dân chủ, thế nào là phản dân chủ; như các ông Lê Văn Luân và Nguyễn Quang A trù tính. Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện dưới chế độ cộng sản, có thể mở đầu cho các phong trào nhân dân khác sau này. Mọi người sẽ ý thức về quyền “tự quyết định” với tính cách công dân của mình, trong khuôn khổ luật pháp mà từ xưa tới nay chưa bao giờ được thi hành.

Phong trào tự ứng cử có thể tạo nên một thực tại chính trị mới, nếu những người tự tranh cử xuất hiện trước công chúng như một làn sóng mới. Làn sóng này nước cùng một mầu sắc, cùng hướng về những mục tiêu tương tự thể hiện nhu cầu chính trị của 90 triệu người dân Việt Nam. Trong bài trước chúng tôi đã nêu ra một số đề nghị, xin nhắc lại dưới đây.

Trước hết, những người tự ứng cử, dù không phối hợp được với nhau, sẽ công bố chương trình lập pháp của mỗi người sau khi vào quốc hội. Chúng ta có thể đoán trước, những chương trình này sẽ có rất nhiều điểm tương đồng và trái ngược với các khẩu hiệu mị dân của Đảng Cộng Sản.

Hiện tượng mới đầu tiên là mỗi ứng cử viên có một chương trình lập pháp cụ thể. Nêu lên các chương trình là đủ, dù biết rằng mình sẽ bị gạt ra ngoài cuộc tranh cử, không thể nào thực hiện chương trình đó. Tất nhiên, quý vị ứng cử viên độc lập không thể nào họp nhau thảo luận về chương trình tranh cử chung, vì mỗi người sẽ bị công an sẽ chặn đón, ngăn cản, có thể hành hung khi bước ra khỏi nhà. Nhưng với phương tiện thông tin qua mạng Internet bây giờ, tất cả vẫn liên lạc được với nhau, đưa ra một số quan điểm mà ai cũng đồng ý.

Không cần tham khảo với nhau, các ứng cử viên độc lập sẽ nêu lên một số mục tiêu tương tự, hoặc một số khẩu hiệu tương tự. Chọn một số khẩu hiệu tác động sâu xa trong lòng đồng bào như: Bảo vệ đất đai, biển đảo của Tổ Quốc! Chống tham nhũng lạm quyền! Chống bất công xã hội! Bảo vệ quyền sống làm người! Nếu có một trăm ứng cử viên đồng loạt nêu ra các khẩu hiệu như vậy, đồng bào sẽ cảm thấy được nghe những tiếng nói mới vang vọng từ trong đáy lòng họ.

Chương trình lập pháp cần nêu ra những mục tiêu cụ thể mà ứng cử viên nào cũng đồng ý. Có thể nêu các thí dụ:
(1) Xóa bỏ độc quyền chính trị của đảng cộng sản ghi điều 4 trong hiến pháp hiện hành.
(2) Xây dựng luật pháp dân chủ tôn trọng quyền làm người và các quyền công dân để thực hiện tam quyền phân lập.
(3) Xóa bỏ chế độ hộ khẩu, công nhận quyền sở hữu đất đai của mọi công dân, xác định quyền tổ chức các công đoàn độc lập.
(4) Thiết lập một cơ quan độc lập đứng ngoài đảng cộng sản và nhà nước để điều tra, truy tố các hành vi tham nhũng, đặc biệt trong các vụ chiếm ruộng đất bất công.
(5) Thiết định hệ thống tư pháp độc lập  v.v...

Chúng tôi tin rằng khi tất cả các ứng cử viên độc lập sẽ nói lên những nguyện vọng, khát khao của đồng bào, họ sẽ tạo ra một thực tại chính trị chưa hề có ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Đồng bào sẽ thấy trước mắt những tiếng nói hợp lòng dân nhất đang bị Đảng Cộng Sản trấn áp một cách tàn bạo. Guồng máy công an sẽ ngăn cản, quấy phá, đánh đập. Côn đồ có thể đến từng nhà đe dọa chồng hay vợ và con cái các ứng cử viên độc lập. Chúng có thể đến tận trường đe dọa, thậm chí bắt cóc con cái để tạo áp lực. Guồng máy tuyên truyền sẽ hoạt động khi danh sách các ứng cử viên được đưa về các làng xóm, các khu phố để Mặt trận Tổ quốc và dân chúng “hiệp thương.” Trong các phiên họp “hiệp thương” này, họ sẽ tìm cách bôi nhọ tất cả các ứng cử viên độc lập. Họ sẽ vu cáo những tội hình sự; sẽ bới móc quá khứ; sẽ có những “nhân dân” cò mồi xuất hiện tố cáo các tội về tài chánh, về đạo đức; một nam ứng cử viên độc lập có thể thấy một cô gái ôm một đứa bé đến đòi “trả lại con!” Tất cả những “đòn bẩn” sẽ được họ đem ra sử dụng, đúng nghề của các Đảng Cộng Sản khắp nơi.

Các ứng cử viên độc lập sẽ phải “chịu đòn” và mỗi người đều biết họ có thể chống lại như thế nào. Tất cả đồng bào sẽ thấy những đòn bẩn quen thuộc thời Cải Cách Ruộng Đất được Đảng Cộng Sản đem ra dùng lần nữa. Bộ mặt nhơ bẩn của đảng lại hiện ra! Nhưng đồng bào sẽ ý thức rằng trên đất nước mình có một thực tại chính trị mới.

Ai sẽ đóng vai hy sinh chịu đòn? Chúng ta có thể trông đợi nơi những nhà tranh đấu dân chủ, những người còn tự do hoặc đã ra khỏi nhà tù. Có hàng trăm nhóm và hàng ngàn cá nhân đang hoạt động và cùng hướng về mục đích đấu tranh dân chủ tự do: Phong trào Con Đường Việt Nam; Khối 8406; Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do; Nhóm Boxitvn; Tập hợp Thanh Niên Dân Chủ; các đồng bào Công Giáo ở Nghệ An, ở Ấp Thái Hà hay Đường Kỳ Đồng; các cư sĩ thuộc Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất;... Những cá nhân như Tô Hải, Nguyễn Tiến Trung, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Thị Kim Liên, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Thị Kim Chi, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Quang Lập,... , đều có thể dấn thân gia nhập cơn sóng trào của các ứng cử viên độc lập.

Nhưng các đảng viên và cựu đảng viên cộng sản cần tham dự vào làn sóng tự do dân chủ này. Trước hết, để chứng tỏ chính những người từng tin vào Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng thức tỉnh. Do đó họ sẽ lôi kéo được các đảng viên khác cùng tỉnh ngộ. Phong trào này xuất phát từ nguyện vọng của toàn dân chứ không phải chỉ gồm những người chống chủ nghĩa và Chế Độ Cộng Sản. Vì vậy, ở mục này tháng trước, chúng tôi đã đề nghị 127 vị ký tên trong bức thư gửi Đại Hội 12 hãy tự ghi tên tranh cử, sau khi các ý kiến của quý vị bị Đảng Cộng Sản gạt bỏ.

Trong số những người đã ký tên có đến hàng trăm vị đã hoặc đang còn là đảng viên. Quý vị đó sẽ làm gì để tiếp tục tranh đấu đòi thực hiện các ý kiến của họ? Họ có thể ngồi yên, ngủ ngon sau khi những lời tâm huyết của mình bị đảng “vứt vào sọt rác” hay không? Hoặc họ sẽ kiên nhẫn chờ đợi, mỗi sáu tháng hay một năm lại viết một bức thư mới “kiến nghị” với đảng. Hoặc họ phải đứng dậy. Phải hành động. Hành động giản dị nhất là tham dự vào phong trào tự ứng cử làm đại biểu Quốc Hội khóa tới.

Đối với những người đã từng đi biểu tình đòi đất với dân oan, đã từng tập họp chống Trung Quốc xâm lược, thì hành động tự ứng cử đỡ nguy hiểm đến bản thân và đơn giản hơn nhiều. Họ chỉ cần lên tiếng: Chúng tôi thực hiện quyền công dân! Khi có ba trăm, năm trăm người dấn thân cùng một lúc, nói lên những nguyện vọng giống nhau, cùng bị trấn áp như nhau, họ sẽ tạo nên một thực tại chính trị mới.

Thực tại chính trị mới này sẽ kích động sâu xa đến tâm lý đồng bào và sẽ thay đổi xã hội Việt Nam. Như đã viết trong mục này tháng trước: “Sau đó toàn thể dân Việt sẽ biết có những người đang sẵn sàng nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia thay thế Đảng Cộng Sản. Cuộc tranh đấu lúc đó thực sự bắt đầu, trong một thực tế chính trị mới.”

Ai cũng đồng ý, tự ứng cử “chỉ thắng chứ không thua!” Nhưng nếu chỉ có vài ba chục người tự ứng cử thì thắng lợi đó còn nhỏ và hẹp. Cả một phong trào tự ứng cử, hàng trăm người cùng nêu lên các khẩu hiệu và mục tiêu giống nhau, sẽ tạo nên một cơn sóng trào, cơn sóng dâng lên ngày càng cao để cuối cùng thay đổi vận mệnh đất nước chúng ta.

---------------------

20/12/2015

Thứ Tư, ngày 20 tháng 1 năm 2016






No comments: