Sunday, February 14, 2016

CHÍN ĐIỀU TRỚ TRÊU CỦA MỚ BÒNG BONG BIỂN ĐÔNG (FB Việt Hoàng)






Các chính sách của Trung Quốc trong khu vực đã tạo ra một mớ bòng bong nguy hiểm, và một mớ bòng bong đầy trớ trêu.

Kể từ năm 2009, khi Trung Quốc yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo cho cộng đồng các quốc gia về tuyên bố “đường 9 đoạn” của nước này, thế giới đã ở trong tình trạng bối rối trước những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việt Nam, Malaysia và Philippines có nhiều thứ để mất nhất với nước cờ đầu của Trung Quốc, và sự khác biệt về sức mạnh giữa họ và Trung Quốc đã khiến những nước này lúng túng và choáng váng – và giận dữ, một cách ngấm ngầm. Các chính sách của Trung Quốc đã tạo ra một mớ bòng bong nguy hiểm ở Biển Đông. Điều trớ trêu rõ ràng là khó chấp nhận ở 9 mức độ khác biệt. Việt Nam, Malaysia và Philippines nắm giữ chiếc chìa khóa dẫn tới cơ hội tốt nhất để tháo gỡ mớ hỗn độn này.

Điều trớ trêu thứ nhất là trong suốt các cuộc đàm phán về Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), các nhà nước đang phát triển miễn cưỡng nhường lại quyền tự do hàng hải qua các eo biển và trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để đổi lấy các đặc quyền khai thác tài nguyên ngoài khơi. Malaysia và Indonesia nói riêng đã chống đối quyền tự do quá cảnh qua một loạt eo biển cắt qua quốc gia của họ, chẳng hạn Eo biển Malacca và Eo biển Sunda. Tuy nhiên, họ đã nhượng bộ vì những lợi ích của gói thỏa thuận này, trước hết bao gồm một EEZ rộng 200 hải lý, đã chiến thắng sự lưỡng lự của họ về tự do hàng hải. Nếu bạn muốn có được thứ gì đó trong ngoại giao hàng hải – quyền kiểm soát riêng biệt đối với một khu vực biển – thì đổi lại bạn phải cho đi thứ gì đó nếu muốn phần còn lại của thế giới từ bỏ quyền lợi của mình.

Việc Trung Quốc muốn chiếm đoạt các EEZ của những nước láng giềng sẽ phá hoại thỏa thuận đó. Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ III, hội nghị ban hành ra UNCLOS, đã được triệu tập sau khi Đại sứ Avid Pardo đưa ra lời kêu gọi vang dội tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1967 coi của cải ở đáy biển là di sản chung của tất cả nhân loại với tư cách là một nguồn lực phát triển cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Tương tự, do 90% ngư trường của thế giới nằm trong 200 hải lý tính từ bờ biển, nên EEZ được tạo ra nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho các nhà nước đang phát triển. Ngày nay, các nhà nước biển của Đông Nam Á, những nước dựa vào biển nhiều nhất, phải đối mặt với triển vọng thực sự của việc mất đi khoản lợi hợp pháp của họ, ngay cả khi họ chấp nhận các điều khoản hàng hải.

Thứ hai, Trung Quốc là nhà lãnh đạo trong số các nước đang phát triển thúc đẩy quyền đánh bắt và khai khoáng ngoài khơi gia tăng và được đảm bảo cho các nhà nước ven biển. Giờ đây khi là một cường quốc bậc nhất, Trung Quốc lại “nuốt lời”. Điều đó cứ như thể là Mỹ, Nhật Bản và Nga, những nước đàm phán thành công các quy tắc tự do nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải để đổi lấy việc thừa nhận EEZ, nhất trí từ bỏ quyền đánh bắt xa bờ. Rồi nhiều thập kỷ sau khi ký kết hiệp ước, các cường quốc biển một lần nữa bắt đầu cử các tàu đánh cá công nghiệp tới sục sạo các EEZ của thế giới đang phát triển.

Mỹ, nước ban đầu phản đối việc thiết lập EEZ và không phải là một bên tham gia UNCLOS, thúc đẩy và tôn trọng các quyền trong EEZ của những nước khác; Trung Quốc, nước ủng hộ mạnh mẽ EEZ, là một bên tham gia UNCLOS nhưng lại không tôn trọng các quyền EEZ của các nước láng giềng.

Quyền bá chủ chiến lược

Thứ ba, về cốt lõi, tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng không liên quan đến sự thèm khát đến cồn cào của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên, mà là liên quan đến việc củng cố quyền lực và quyền bá chủ chiến lược của Bắc Kinh ở Đông Á. Điều trớ trêu là có rất ít nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Chỉ có CNOOC, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, cho rằng có những bể dầu và khí đốt lớn ở Biển Đông.
Ngược lại, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ tin rằng mặc dù Biển Đông có lẽ chứa 11 triệu thùng dầu và 190 nghìn tỷ foot khối khí đốt tự nhiên, nhưng những nguồn tài nguyên đó phần lớn tập trung ở những khu vực không tranh chấp dọc theo đường bờ biển bên ngoài tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Tương tự, mặc dù các ngư trường ở Biển Đông từng dồi dào một thời, nhưng trong những năm gần đây chúng đã cạn kiệt. Trung Quốc vận hành đội tàu đánh cá lớn nhất trên thế giới, và chủ yếu phải chịu trách nhiệm. Trong khi dầu lửa và các nguồn tài nguyên cá không đủ để tạo ra sự khác biệt đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chúng lại vô cùng quan trọng đối với các nền kinh tế và dân số nhỏ hơn của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei. Khía cạnh tài nguyên là “tin vịt” của Trung Quốc nhằm che giấu một động thái táo bạo và mang tính chiến lược.

Thứ tư, Trung Quốc nhấn mạnh một cách định kỳ vào “các cách diễn giải” chân thành và duy nhất về luật pháp quốc tế nhằm biện minh cho chính sách Biển Đông của nước này mà không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào bên ngoài Trung Quốc. Chúng ta được bảo rằng hãy từ bỏ những khái niệm luật pháp quốc tế vị chủng và thích ứng với cách tư duy dựa trên kết quả, mặc dù tương đối gần đây, của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đã thể hiện một sự trung thành tinh vi và kiên nhẫn đối với luật pháp quốc tế về các tranh chấp biên giới đất liền và ký các hiệp ước chính đáng và được cân nhắc với 13 trong 14 nước láng giềng của mình. Điều đó cứ như thể là có hai nhóm luật sư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – một nhóm thấm nhuần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và những chuẩn mực được chấp nhận, và một nhóm khác có vẻ hoài nghi trước những quy tắc cơ bản nhất của lịch sử, các chuẩn mực, và những thông lệ trong luật biển. Các quan chức và học giả Trung Quốc phải chịu sự công kích dữ dội về luật biển của các luật sư và những nhà hoạch định chính sách nước ngoài tại vô số các cuộc hội nghị và đối thoại chính thức và không chính thức. Hình thái dự đoán: phần còn lại của thế giới ra sức lập luận, và các đại diện của Trung Quốc tỏ ra không hiểu được điều đó.

Tuy nhiên, trở ngại duy nhất đối với luận thuyết này là mỉa mai thay, Trung Quốc tỏ ra thực sự hiểu được luật biển khi mà nước này được lợi nếu làm vậy. Trung Quốc đã âm thầm đạt được các thỏa thuận thân thiện và công bằng với cả Việt Nam và Hàn Quốc ở Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Hải để phân chia một cách hợp lý và công bằng các ngư trường và thực hiện các cuộc tuần tra chung làm giảm bớt căng thẳng. Sự hợp tác trong những khu vực này là mạnh mẽ và lâu dài, nhưng nó không thu hút được sự chú ý gì của truyền thông và không gợi ra câu hỏi về việc tại sao Trung Quốc hiểu được các chuẩn mực của luật biển trong những khu vực này, nhưng lại hoàn toàn không nắm bắt được chúng ở Biển Đông.

Điều trớ trêu thứ năm là Trung Quốc đã có được các quyền mà họ đạt được theo UNCLOS, nhưng lại né tránh trách nhiệm của mình. Là một nhà lãnh đạo trong việc “rào giậu” ở ngoài khơi, Trung Quốc là một nhà lãnh đạo trong một nhóm gồm các nhà nước đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh nhằm mở rộng vùng lãnh hải từ 3 hải lý đến 12 hải lý và thiết lập EEZ rộng 200 hải lý. Là một gói thỏa thuận, Trung Quốc và các nhà nước tham gia khác có nghĩa vụ pháp lý phải chấp nhận các nghĩa vụ của hiệp ước cùng với các quyền mới được tạo ra. Trung Quốc đã không tôn trọng nghĩa vụ của mình đối với những nhà nước khác hoạt động trong chính vùng lãnh hải và EEZ của mình. Chẳng hạn, Trung Quốc gắn các điều kiện vào quyền qua lại không gây hại trong vùng lãnh hải và quyền tự do hàng hải trong EEZ, điều không những không có trong UNCLOS mà rõ ràng còn bị cộng đồng quốc tế bác bỏ trong các cuộc đàm phán. Trong khi Trung Quốc không chấp nhận nghĩa vụ của họ đối với các tàu và máy bay nước ngoài trong chính EEZ của mình, thì họ đã có được quyền lợi và quyền tự do trong EEZ của những nước khác theo UNCLOS.

Những tuyên bố chủ quyền mập mờ

Thứ sáu, ngay cả việc áp dụng hào phóng một cách sâu rộng luật pháp quốc tế có lợi cho những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng chẳng đem lại gì cho Bắc Kinh ngoài một số ít ỏi các khu vực biển rất nhỏ trong khu vực. Mặc dù Trung Quốc từ chối nói rõ ý nghĩa của tuyên bố “đường 9 đoạn” của họ, nhưng ý nghĩa có thể bảo vệ được nhất về mặt pháp lý là đó chỉ là một đường phân định nhằm đưa ra tuyên bố chủ quyền với các đá và đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, vô số bãi ngầm, các đảo nửa chìm nửa nổi và các đảo chìm không có được tư cách pháp lý và thuộc quyền sở hữu của nhà nước mà chúng nằm trên thềm lục địa của nước đó. Mặc dù Trung Quốc đã khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các đá và đảo dựa trên phát hiện trong lịch sử, nhưng nước này đã không đưa ra được ngay cả một tình huống mà thoạt nhìn cũng thấy có lý nhằm hỗ trợ cho một tuyên bố chủ quyền “trơ tráo” như vậy.

Một tình huống thoạt nhìn cũng thấy có lý là một tình huống khẳng định những thực tế cụ thể và điều luật có liên quan mà sẽ cho phép thẩm phán phân xử thắng kiện cho bên đề xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ngay cả nếu ai đó chấp nhận rằng mọi thứ Trung Quốc đã nói về lịch sử của mình trong khu vực là đúng – chắc chắn là một đề xuất đáng ngờ - thì Trung Quốc cũng không khẳng định được một tuyên bố chủ quyền hợp pháp. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng những ghi chép cổ xưa của nước này cho thấy rằng các thủy thủ của Trung Quốc đã tới và đặt tên cho một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng điều không rõ ràng là những chuyến du hành như vậy có được thực hiện như là một chức năng chính thức của nhà nước hay chỉ đơn giản là tình huống ngẫu nhiên được những ngư dân vô danh ghi chép lại. Về mặt pháp lý, ngay cả nếu các đại diện của hoàng đế tới thăm những bãi đá và thay mặt nhà vua tuyên bố chủ quyền đối với chúng, thì những chuyến thăm đó không thích hợp về mặt pháp lý theo đúng như cách mà các chuyến thám hiểm Mặt Trăng của Mỹ không trao cho Mỹ tư cách pháp lý đối với thiên thể đó.

Bản thân việc chỉ phát hiện ra không phải là một cơ sở pháp lý để giành được lãnh thổ, như Mỹ đã rút ra được bài học khi họ thua vụ kiện đảo Palmas có sức ảnh hưởng lớn vào năm 1928. Đảo Palmas nằm giữa Indonesia và Philippines, và Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Mỹ, với tư cách là các cường quốc thực dân, đã đệ đơn kiện tranh chấp này lên Tòa trọng tài. Mặc dù Mỹ nhân danh Philippines khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với việc phát hiện mang tính lịch sử của những nhà thám hiểm Tây Ban Nha, nhưng ban hội thẩm Tòa trọng tài đã phán quyết hòn đảo thuộc về Hà Lan vì chỉ phát hiện ra mà không quản lý thực tế trong suốt một thời gian dài thì không có ý nghĩa quan trọng gì về mặt luật pháp. Đảo Palmas là một vụ kiện quan trọng nhất để duy trì nguyên tắc pháp lý rằng chỉ có phát hiện trong lịch sử thì không quan trọng; những tiền lệ khác bao gồm vụ kiện đảo Clipperton (Pháp với Mexico năm 1933). Trong trường hợp đó, Mexico, giống như Mỹ trong vụ kiện đảo Palmas, truy nguyên tuyên bố chủ quyền từ sự phát hiện của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tòa trọng tài trao cấu trúc địa hình nhỏ này cho Pháp dựa trên việc Pháp chiếm đóng và sử dụng.

Tương tự, vụ kiện năm 1953 tại Tòa án Công lý Quốc tế xung quanh các nhóm đảo Minquiers và Écréhous ở quần đảo Channel, tòa án đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Pháp dựa trên sự hiện diện mang tính lịch sử và quyền đánh bắt mà tương tự một cách đáng chú ý như các tuyên bố lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vào đó, tòa án trao các cấu trúc địa hình này cho Anh dựa trên việc thực hiện quyền tài phán sau đó đối với chúng bằng luật lãnh chúa phong kiến kiểu mới của vùng Noirmont ở Jersey. Hơn nữa, thậm chí giả sử Trung Quốc thực sự có tư cách hợp pháp đối với các bãi đá và đảo, thì họ đã mất chúng từ lâu. Điều này chẳng có liên quan gì đến chủ nghĩa đế quốc phương Tây, mà là Trung Quốc tự đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Việc không có hoạt động gì hoặc thiếu vắng sự hiện diện chính thức ở một cấu trúc địa hình góp phần tạo nên sự từ bỏ tư cách theo thời gian.

Những khu vực biển

Thứ bảy, trong khi Trung Quốc không đưa ra được tình huống thoạt nhìn đã thấy có căn cứ, hãy giả định rằng họ giành được một cách kỳ diệu tư cách pháp lý cho mỗi một bãi đá và đảo ở Biển Đông. Trong trường hợp này, theo pháp luật, Trung Quốc có thể chỉ được trao cho những khu vực biển rất nhỏ xung quanh chúng. Những nhà nước tìm cách tăng cường hoặc củng cố những tuyên bố chủ quyền của họ đối với các cấu trúc địa hình rất nhỏ trong niềm hy vọng hão huyền rằng chúng có thể đảm bảo những khu vực biển lớn có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liền kề. Tư duy rằng một quốc gia có thể được hưởng “vận may trời cho” về lãnh thổ và sự giàu có ở ngoài khơi từ một chấm san hô nhỏ là một trong những câu chuyện “hay đến mức không thể là sự thật” mà dường như chưa bao giờ chấm dứt. Rõ ràng là, món hời tiềm năng cho việc đưa ra những tuyên bố chủ quyền như vậy lớn đến mức không thể cưỡng lại. Một bãi cạn nửa chìm nửa nổi ở giữa đại dương, bãi cạn ở dưới mặt nước khi thủy triều lên nhưng lại nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống, không đem lại bất cứ vùng lãnh hải nào. Không hề.

Một bãi đá nhỏ xíu nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên tạo ra một vùng biển chỉ rộng 452 hải lý vuông. Trái lại, một hòn đảo thực sự có khả năng duy trì sự sinh sống của con người hoặc đời sống kinh tế của chính nó tạo ra một EEZ rộng 125.664 hải lý vuông, một diện tích lớn hơn 275 lần. Đương nhiên, nếu bất kỳ khu vực nào trong số này chồng lấn với những khu vực của các nước khác, thì chúng phải được điều chỉnh, và ở Biển Đông, khó khăn là ở chỗ đó. Các tòa án quốc tế đều nhất loạt bác bỏ ý tưởng rằng các cấu trúc địa hình nhỏ thuộc bất cứ kiểu nào cũng được phép có các vùng biển lớn, nhưng những phán quyết trong trường hợp chồng lấn các khu vực thì đặc biệt gay gắt. Chẳng hạn, vụ kiện năm 2012 giữa Nicaragua và Colombia tại Tòa án Công lý Quốc tế, tòa án đã trao tư cách pháp lý cho Colombia đối với hai bãi đá nhỏ, và sau đó giới hạn chúng trong vùng lãnh hải nhỏ rộng 12 hải lý nằm bên trong EEZ của Nicaragua. Tòa án quyết định như vậy bằng cách so sánh sự khác biệt lớn của đường bờ biển đối diện với vùng biển xảy ra tranh chấp, và nhận thấy rằng trong khi Colombia có đường bờ biển rất nhỏ tính từ bãi đá của nước này, thì đường bờ biển của Nicaragua được tạo ra bởi bờ biển kéo dài trên đất liền lại lớn hơn gấp 8 lần. Nguyên tắc về sự khác biệt trong chiều dài đường bờ biển này chỉ xem xét bờ biển tính từ đảo hoặc đất liền mà thực sự đối diện với đối tượng tranh chấp, và điều đó đặc biệt quan trọng cho các nhà nước ASEAN đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Lấy Việt Nam làm ví dụ.
Việt Nam có 2.200 km đường bờ biển nhìn ra Biển Đông, lớn hơn gấp hàng trăm lần tổng chiều dài đường bờ biển của mọi bãi đá và đảo trong khu vực đối diện với Việt Nam. Theo công thức của Tòa án Công lý Quốc tế, Việt Nam được trao cho một EEZ bình thường, rộng lớn từ bờ biển dài của mình, và bất kỳ nước nào sở hữu đảo bên trong EEZ của Việt Nam thì sẽ được cấp cho một khu vực rất nhỏ bé. Tiền lệ này cho thấy rằng thay vì giành được món hời, nhà nước có chủ quyền với những cấu trúc địa hình nhỏ và không đáng kể nằm bên trong EEZ của nước khác chỉ được trao cho các quyền khá nhỏ và không đáng kể đối với vùng biển gần.

Thứ tám, nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc xây dựng và chiếm giữ những đảo nhân tạo mới ở Biển Đông cũng không có hiệu lực về mặt pháp lý. Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo rất lớn từ 7 bãi ngầm: Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa, Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên. Phân tích thuộc trường Đại học Middlebury xác định mỗi bãi đá này là một bãi cạn nửa chìm nửa nổi; Philippines đã đề cập trong hồ sợ kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài rằng ba cái sau là các bãi đá.

Cho dù đảo nhân tạo có được xây lớn thế nào đi chăng nữa, thì nó cũng không thể có được những quyền hợp pháp bổ sung hoặc mới so với cái được trao cho nó khi ở tình trạng tự nhiên. Trong khi Trung Quốc đã dùng hết vốn liếng chính trị to lớn và khiến các nước láng giềng của họ sợ hãi mà đón nhận Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản – điều chưa từng có tiền lệ – nước này đã thực sự làm suy yếu, chứ không phải là tăng cường vị thế pháp lý của mình ở Biển Đông. Vì sao? Vì trách nhiệm dẫn chứng xem liệu một cấu trúc địa hình có ở trạng thái tự nhiên hay không, một bãi đá có quyền có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý và một bãi cạn nửa chìm nửa nổi thì không có quy chế gì, là của bên tuyên bố chủ quyền. Nhưng giờ đây Trung Quốc đã làm xáo trộn bằng chứng theo cách không thể sửa chữa lại được, nên gần như không thể đoán được trạng thái tự nhiên của các đảo nhân tạo. Một số nguồn ghi chép rằng tất cả các cấu trúc chỉ là những bãi cạn nửa chìm nửa nổi, trong khi những nguồn khác nói rằng ít nhất một số có thể là các bãi đá. Chúng ta có lẽ không bao giờ biết chắc chắn được vì Trung Quốc đã biến đổi chúng một cách ghê gớm.

Đánh giá đúng sự trớ trêu

Điều trớ trêu thứ chín và cũng là cuối cùng ở Biển Đông là các nhà nước ven biển chủ yếu được hưởng lợi từ sự cai trị của pháp luật không hoàn toàn đánh giá đúng những điều trớ trêu và cho đến nay đã không có khả năng hình thành một cách tiếp cận cố kết nhằm duy trì các quyền của họ, tuy nhiên chiếc chìa khóa lại nằm trong tầm tay của họ. Brunei và Indonesia không tuyên bố chủ quyền với bất kỳ cấu trúc địa hình nào ở Biển Đông. Các EEZ của họ bị Trung Quốc xâm lấn, nhưng bởi vì họ không tuyên bố chủ quyền với bãi đá nào, nên họ là thứ yếu trong các cuộc tranh chấp này. Việt Nam, Malaysia và Philippines, tất cả đều khẳng định tuyên bố chủ quyền có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều bãi cạn, bãi đá và đảo khác nhau trong khu vực. Ba nhà nước ở tuyến đầu này được lợi nhiều nhất từ sự hợp tác, và chịu thiệt nhiều nhất từ sự bá quyền trên biển của Trung Quốc. Những nhà nước này hẳn phải nhận ra rằng họ phải đối mặt với nguy cơ sắp mất EEZ của họ cho Trung Quốc, nhưng họ có thể đảm bảo được quyền kế thừa về đạo đức và pháp lý từ UNCLOS như thế nào?

Thứ nhất, Việt Nam, Malaysia và Philippines cần phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền của họ đối với bất kỳ cấu trúc địa hình nào nằm trong EEZ tự nhiên được tạo ra bởi các đường bờ biển ở đất liền hoặc đảo lớn của nước láng giềng, chẳng hạn Borneo, Mindanao và Palawan. Cũng chính sự tham lam và câu chuyện lịch sử vô lý thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trơ tráo của Trung Quốc đôi khi cũng hấp dẫn các nhà nước ở tuyến đầu, phá hỏng bất kỳ cơ hội nào để họ có thể làm việc cũng nhau. Chỉ có cách từ bỏ các tuyên bố chủ quyền hợp pháp bề ngoài nhằm vào các cấu trúc địa hình nhỏ mà tạo ra những khu vực biển rất nhỏ thì các nhà nước này mới có thể giữ gìn được EEZ. Đối với các nước đang phát triển, EEZ là “viên đá quý trên chiếc vương miện” về quyền lợi và quyền tài phán trong UNCLOS, và việc khăng khăng đưa ra các tuyên bố chủ quyền không thực tế nhằm vào các nước láng giềng chỉ đảm bảo rằng họ sẽ mất tất cả. Nếu những nhà nước này không hợp tác cùng nhau, họ chắc chắn sẽ đánh mất dần EEZ của mình, một di sản chủ yếu mà luật biển đem lại cho các nước đang phát triển.

Nếu Việt Nam, Malaysia và Philippines có thể cam kết từ bỏ tuyên bố chủ quyền với bất kỳ một cấu trúc địa hình nào bên trong EEZ của các nước láng giềng, thì họ có thể thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Sự đoàn kết giữa ba quốc gia này là lựa chọn tốt nhất để khuyến khích sự ủng hộ bên trong ASEAN, và của các nhà nước thành viên Liên minh châu Âu và NATO, và thậm chí có lẽ là cả Nga. Bằng cách cô lập Trung Quốc hơn nữa về mặt ngoại giao, Việt Nam, Philippines và Malaysia làm gia tăng đáng kể phí tổn đối với Bắc Kinh, trong khi đó hạ thấp phí tổn cho những nhà nước bên ngoài khu vực để ủng hộ họ. Chẳng hạn, sự ủng hộ của Mỹ đối với một kế hoạch như vậy đem lại cơ hội như nhau cho tất cả các bên, trong khi trên danh nghĩa tránh “đứng về một phe tuyên bố chủ quyền cụ thể nào”. Bằng cách từ bỏ các tuyên bố chủ quyền không được ủng hộ về mặt pháp lý mà xâm lấn vào EEZ của các nước láng giềng, các nhà nước tuyến đầu đảm bảo rằng họ có được di sản chính đáng của UNCLOS. (theo Diplomat)








No comments: