VOA Tiếng Việt
03.12.2015
Một số chi tiết trong bài viết của một
Facebooker lấy tên 'Cánh Đồng Ngô' và tự nhận là đại diện cho tất cả cán bộ chiến
sỹ cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai 'bị chuyển đổi công tác, bị tước bỏ chức vụ…không
có lý do'.
Hầu hết
quyết định phạt hành chính vi phạm giao thông nộp tiền vào kho bạc nhà nước trong
khoảng 10 năm nay toàn là thông tin người vi phạm khống; mỗi trạm giao thông đều
có ê kíp bảo kê xe, chung chi theo tháng; công an “nuôi” khoảng 300 nhân viên
chạy việc kiêm “đánh người vi phạm”… đó là một số chi tiết “nóng” trong bài viết
của một Facebooker lấy tên “Cánh Đồng Ngô” và tự nhận là đại diện cho tất cả
cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai “bị chuyển đổi công tác, bị
tước bỏ chức vụ…không có lý do”. Bài viết đã gây bão dư luận trong ngày thứ Tư
(2/12) với hơn 47.000 lượt chia sẻ, đặc biệt sau khi báo chí trong nước vào cuộc
phỏng vấn lãnh đạo Công an Đồng Nai về vụ việc.
Trong
bài viết “tố” công an Đồng Nai, “Cánh Đồng Ngô” (với ảnh đại diện là một nữ
công an) chỉ đích danh Giám đốc Huỳnh Tiến Mạnh là người “dạy” và là chủ nhân của
những “sản phẩm” tiêu cực của công an Đồng Nai.
“Thưa mọi
người, ông Mạnh dạy chúng tôi cách như thế này: Ra đường thổi xe vi phạm, không
lập biên bản mà nhận tiền mãi lộ trực tiếp, sau đó về viết biên bản khống cho đủ
chỉ tiêu số lượng biên bản trong 1 ca công tác. Ra quyết định phạt, lấy tiền
mãi lộ đi đóng phạt. Số tiền còn lại thì chia nhau. Mỗi ca như vậy mỗi người kiếm
được vài chục triệu là bình thường”, người viết cho biết.
Nhân vật
tự xưng là công an này còn đề cập đến vụ cựu phóng viên báo Pháp Luật Duy Đông.
Tháng 1/2015, cựu phóng viên này bị xử 10 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và
“Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” khi “bảo
kê” cho nhiều xe tải qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong
bài viết trên Facebook, người viết cho biết “chúng tôi bị bộ công an mời hơn 30
người”, và hỏi giám đốc công an Đồng Nai “ông dặn dò chúng tôi như thế nào? Ông
kêu chúng tôi né tránh khai báo gian dối như thế nào? Ông kêu chúng tôi bỏ tiền
chạy chọt như thế nào? Chúng tôi đã tốn bao nhiêu tiền ông nhớ không?”.
Facebooker
này nói chính ông Mạnh “cũng là đối tượng bị tình nghi và bị Bộ Công an triệu tập
trong vụ này” và “chúng tôi phải hy sinh để ông được an thân, yên ổn, rồi ông
leo cao lên giám đốc”.
Cánh Đồng
Ngô còn cho biết thu nhập của mỗi cán bộ CSGT Đồng Nai ít nhất là 300 triệu đồng/tháng
(hơn 13.000 USD) sau khi đã “chung chi”. Riêng thu nhập của ông Mạnh là hơn 5 tỷ
đồng/tháng (khoảng 222.000 USD).
Bài viết
cũng nhắc đến vụ bà Hoàng Oanh, người tung clip bị CSGT trạm 51 đánh, lên mạng.
“Nếu
như Thanh tra Công an tỉnh gọi thằng Trí trong vụ này là nhân viên tiếp thị sữa
thì xin báo với tất cả mọi người toàn bộ lực lượng Cảnh sát giao thông Công an
Đồng Nai có đến khoảng 300 thằng nhân viên tiếp thị sữa như vậy, và hơn 300
nhân viên này không hề nhận lương từ một công ty sữa nào mà chính Cảnh sát giao
thông Đồng Nai trả lương hàng ngày với mức lương cao hơn lương của Đại tá giám
đốc Công an tỉnh”.
Người
viết cho biết lực lượng “nhân viên tiếp thị sữa” này làm đủ các nhiệm vụ, từ chạy
việc cho cán bộ giao thông, dọn dẹp, sắp xếp vị trí đứng chốt tuần tra, giúp
ghi chép biên bản, giúp đặt vấn đề và nhận tiền mãi lộ đến cảnh giới phóng viên
và đánh người vi phạm.
VOA
không liên lạc được với lãnh đạo công an Đồng Nai để xác minh thông tin.
Trong
khi đó, trả lời trên báo Vietnamnet ngày 2/12, Giám đốc Công an Đồng Nai Huỳnh
Tiến Mạnh nói: “Cái đó là trang mạng xã hội họ muốn đưa thì đưa. Chuyện trang mạng
xã hội thì tôi đâu có quan tâm, tôi còn nhiều việc”.
Phát biểu
trên báo chí, Công an Đồng Nai nói vụ tố cáo trên là “vu khống”.
“Nội dung vu khống còn chĩa vào giám đốc Công
an Đồng Nai và bôi nhọ uy tín, danh dự của lực lượng công an nên chúng tôi phải
xin ý kiến Bộ Công an để xử lý”, báo Tuổi Trẻ trích lời Thượng tá Nguyễn Văn
Thọ, trưởng phòng tham mưu Công an Đồng Nai, cho biết.
Tài khoản
Facebook “Cánh Đồng Ngô” đã biến mất vào cuối ngày 2/12, nhưng nhiều cư dân mạng
đã kịp thời chụp lại ảnh màn hình của bài viết trong tài khoản này.
Thời
gian gần đây, mạng xã hội Facebook đã trở thành “điểm nóng” để nhiều người dân
“thấp cổ bé họng” lên tiếng phản ánh những tiêu cực xã hội, nhưng một số người
cho rằng đây cũng là nơi mà các “phe phái” trong chính quyền hay Đảng Cộng sản
Việt Nam sử dụng để “chơi” nhau trong các cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ.
----------------------
No comments:
Post a Comment