03.12.2015
Trong
cuộc hội nghị về an toàn giao thông được tổ chức vào ngày 16 tháng 11 vừa qua,
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi cho biết tại Việt Nam mỗi năm có khoảng
trên dưới 10,000 người chết vì tai nạn giao thông; hơn nữa, sau mỗi tai nạn
giao thông, ngay cả khi chỉ đụng quẹt sơ sơ, cũng thường xảy ra những vụ đụng độ
gây thương tích, đã đặt câu hỏi: “Văn hoá gì mà đụng xe là cãi nhau, đánh nhau
giữa đường?”
Hiện tượng
mà Nguyễn Xuân Phúc nêu lên không có gì lạ. Ở Việt Nam, ai cũng biết, cứ đụng
quẹt xe nhau là người ta đùng đùng nổi giận, hoặc là chửi bới nhau hoặc là nhào
đến đấm đá nhau. Có người, còn hung hãn hơn, sau khi ẩu đả, chưa nguôi giận,
còn lấy dao cắt cổ nạn nhân, như báo chí trong nước từng đăng tải.
Vấn đề
là: tại sao người ta hung tợn đến như vậy?
Ở Úc,
trong hăm mấy năm lái xe, tôi bị đụng xe cả thảy hai lần. Cả hai lần đều giống
nhau: khi tôi thắng, xe sau do ơ hờ gì đó không thắng lại kịp, cứ tông thẳng
vào đuôi xe của tôi. Lần mới đây nhất, vào đầu năm nay, vụ đụng khá nặng, đít
xe tôi bị bẹp dí, phải bỏ, không thể sửa được. Trong cả hai lần, tôi và người
lái chiếc xe đụng tôi, không hề có một tiếng cãi cọ. Cả hai đều bình tĩnh lái
xe tạt vào lề để khỏi cản trở giao thông. Rồi trao đổi tên tuổi, số xe, số bằng
lái xe cũng như địa chỉ cho nhau. Rồi thôi. Tất cả diễn ra trong khoảng năm mười
phút. Sau đó, mạnh ai nấy lái xe về nhà. Tại sao?
So sánh
cách hành xử sau các vụ đụng xe ở Việt Nam và Úc, tôi cho vấn đề cốt lõi, trước
hết, là sự rõ ràng và nghiêm minh của luật pháp.
Ở Úc,
người ta hiểu và tin vào luật pháp: Thứ nhất, trong phần lớn các vụ đụng xe,
người ta biết rõ ai là người có lỗi; nếu không biết, người ta sẽ mang nhau ra
toà để xét xử. Do đó, người ta không cần đôi co với nhau. Thứ hai, người ta
cũng không thấy quá sợ hãi trước các thiệt hại do vụ đụng xe gây ra: tất cả các
việc sửa chữa đều đã có công ty bảo hiểm trang trải. Hai yếu tố ấy khiến các
tài xế an tâm. Chính sự an tâm ấy khiến người ta không cần cãi cọ hay ẩu đả với
nhau: Không những vô ích mà còn có thể bị hại vì vi phạm pháp luật.
Ở Việt
Nam, ngược lại, không ai tin vào pháp luật. Sau mỗi lần đụng xe, thứ nhất, người
ta không rõ bên nào sai bên nào đúng. Có mang đến đồn công an, người ta cũng
không tin là công an sẽ giải quyết được ổn thoả. Thứ hai, không phải ai cũng
đóng bảo hiểm. Mà cho dù đóng bảo hiểm, các hãng bảo hiểm cũng chưa chắc đã làm
việc một cách chu đáo. Chính vì vậy, người ta giành lấy quyền tự giải quyết với
nhau. Cách giải quyết dễ và nhanh nhất là chửi bới và ẩu đả.
Bên cạnh
việc luật pháp thiếu rõ ràng và công minh, đằng sau việc chửi bới và ẩu đả sau
các vụ đụng xe còn có yếu tố văn hoá: văn hoá bạo động.
Ở Việt
Nam, chúng ta hoàn toàn không có các số liệu liên quan đến các vụ bạo hành
trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, qua việc
quan sát, chúng ta cũng rất dễ thấy các vụ ẩu đả nhau rất phổ biến, hơn nữa,
càng ngày càng phổ biến. Trong xã hội, người ta ẩu đả nhau. Trong gia đình, anh
em ẩu đả nhau. Trong học đường, học sinh ẩu đả nhau. Chỉ cần lên internet,
chúng ta dễ dàng nhìn thấy các youtube quay cảnh người ta đánh lộn nhau một
cách vô cùng tàn bạo. Trong đó, đáng chú ý nhất là cảnh các học sinh nữ đánh lộn
với nhau. Học sinh nam đánh lộn với nhau cũng là điều bình thường. Nhưng cảnh học
sinh nữ giật tóc, đấm, đạp, cấu xé nhau ngoài đường hay giữa sân trường mới là
điều khiến nhiều người kinh ngạc và lo lắng: dường như văn hoá bạo động đã vượt
ra khỏi những giới hạn vốn có.
Nhưng tại
sao văn hoá bạo động lại lan tràn với mức khủng khiếp như vậy?
Theo
tôi, có ba lý do chính:
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, sự phát triển
của văn hoá bạo động gắn liền với sự mất niềm tin vào pháp luật. Không có niềm
tin ấy, mọi người chỉ biết sử dụng nắm đấm để giải quyết các mâu thuẫn với
nhau.
Thứ hai, sự lên ngôi của văn hoá bạo động gắn
liền với sự mất niềm tin đối với lý trí. Ở các nước Tây phương, bất cứ khi nào
có mâu thuẫn, dù trong phạm vi gia đình hay ngoài xã hội, người ta thường thảo
luận với nhau để tìm ra cái đúng và cái sai, sau đó, mỗi người nhân nhượng một
chút. Ở Việt Nam thì khác. Một mặt, người ta thiên nặng về cảm xúc; mặt khác,
người ta cũng không có thói quen thảo luận và tranh luận, cuối cùng, người ta
chọn giải pháp bạo lực để giải quyết vấn đề.
Thứ ba, bạo động xuất phát từ sự khủng hoảng
của đạo đức. Đạo đức truyền thống của Việt Nam vốn được xây dựng trên căn bản
tình nghĩa và sự hiếu hoà, ở đó, mọi người, nếu không thương yêu hay đùm bọc
nhau thì cũng nhường nhịn nhau. Bây giờ, những nền tảng của đạo đức ấy dường
như bị sụp đổ: Người ta không những trở thành ích kỷ hơn mà còn độc ác hơn. Sự
phát triển của văn hoá bạo động là biểu hiện của sự độc ác ấy.
Những sự
phân tích trên, thật ra, vẫn chưa làm sáng tỏ được vấn đề. Bởi, chúng ta có thể
hỏi: Tại sao bây giờ đạo đức lại bị khủng hoảng đến như vậy? Nhớ, trước đây,
ngay cả thời chiến tranh khốc liệt, ngoài chiến trường, người ta bắn giết nhau,
nhưng ở các thành phố, quan hệ giữa người và người, nói chung, vẫn khá tốt đẹp:
Ngoài đường, người ta ít đánh nhau; trong trường, học trò cũng ít khi đánh
nhau; học trò nữ hầu như là không, hoặc nếu có, cũng vô cùng hoạ hoằn. Tại sao
bây giờ đạo đức lại suy đồi đến vậy?
Đó là
câu hỏi lớn, vượt ra ngoài giới hạn của bài viết này.
Để từ từ
chúng ta sẽ tìm hiểu sau.
---------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog
cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng
không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment