Sunday, December 13, 2015

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra 4 căn nguyên nhân tài đi mà không trở lại (Thùy Linh - GDVN)





Thùy Linh  -  GDVN
13/12/15 08:19

(GDVN) - Ở nước ngoài, cơ hội việc làm dễ, thu nhập cao hơn hàng chục lần, cơ hội phát triển năng lực nhiều nên việc các du học sinh chọn ở lại là điều dễ hiểu.


Chuyện "chảy máu" chất xám không còn là vấn đề mới, chúng ta đã bàn nhiều đến vấn đề này trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề này ngày càng nóng và thu hút, nỗi trăn trở của nhiều người.

Đặc biệt, vấn đề càng thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn, khi có câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng - cựu quán quân Đường lên đỉnh Olympia, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ Thơ "tố" trường đại học đối xử bất công với mình trên Facebook.

Và khi anh Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia cho rằng về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người thực tài phát triển giá trị và năng lực bản thân thì câu chuyện “Du học - đi đi, đừng về” càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Trước đó, chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đưa ra tại Quốc hội ngày 2/11/2015. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) day dứt đặt câu hỏi trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về, chúng ta có trăn trở việc này hay không?

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài. Con số này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn nhân lực chất lượng phục vụ đất nước thế nhưng câu hỏi đặt ra rằng: Trong số 60.000 du học sinh này sẽ có bao nhiêu người trở về Việt Nam?

Trao đổi về vấn đề “Du học sinh ngại trở về” với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết  - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng:

Trong số những người Việt Nam đi du học nước ngoài có người thích sống ở nước ngoài nhưng không phải ai cũng thích sống ở nước ngoài. Vì vậy, chuyện nhiều bạn trẻ không muốn trở về nước hẳn có nguyên do khác.  
GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra 4 lý do khiến nhiều du học sinh ngại trở về:

Thứ nhất, nếu du học sinh trở về thì liệu họ có kiếm được việc làm không? Đây là điều hoàn toàn không hề dễ dàng, vì hiện nay để kiếm được việc làm, nhất là trong khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, cần phải chi tiền, mà số tiền đó không hề nhỏ.

Trong khi đó, nếu ở lại nước ngoài, họ hoàn toàn có thể tìm được công ăn việc, miễn là đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn của các tổ chức, công ty nước đó hoặc nước khác.

Thứ hai, giả sử họ về nước, có tiền để “chạy” việc và “chạy” được thật chứ không bị lừa thì thu nhập từ công việc đó lại rất thấp, khiến họ không đủ trang trải cuộc sống. Tương lai này dĩ nhiên các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh mới ra trường không mong muốn chút nào.

Thứ ba, giả sử các du học sinh có chấp nhận thu nhập thấp để làm việc thì cơ hội phát triển cũng rất ít vì cơ hội đó hiện đang phụ thuộc vào thứ tự “hậu duệ-tiền tệ-quan hệ”. Điều này có nghĩa là dù có kiến thức chuyên môn giỏi mấy thì cơ hội phát triển may lắm cũng chỉ giống như chơi xổ số thôi.

Trong khi đó, ở nước ngoài, cơ hội phát triển luôn mở cho những người có chuyên môn giỏi, quyết tâm cao.

Thứ tư,
 các du học sinh không muốn trở về vì không muốn sống trong một xã hội chưa văn minh. Sống trong nước, họ thấy từ chuyện bé nhất như tham gia giao thông, an toàn thực phẩm, làm xác nhận nọ kia cho đến chuyện lớn như mua đất, xây nhà…, quyền con người, quyền công dân lúc nào cũng dễ dàng bị xâm phạm mà xử lý thì rất chậm.

Nhiều năm trước, có vị đại biểu Quốc hội là một luật sư nổi tiếng đã thẳng thừng nhận xét rằng ta có cả một rừng luật nhưng lại sống theo luật ... khác. Cho đến hôm nay, thực tế cuộc sống vẫn không khác nhiều so với cách chơi chữ của vị Đại biểu này.

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Minh Thuyết, chia sẻ trên báo Vietnamnet, chị Đào Thu Hiền, người từng tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng là Đại học Coumbia và Đại học Harvard, nói về việc ở Việt Nam, dù có tài nhưng không có mối quan hệ cũng khó có thể giữ được những chức vụ cao.

Chị  Hiền cho rằng: "Khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, tôi thấy "quan hệ" vẫn là yếu tố rất lớn. Người nước ngoài miêu tả là "relationship-based economy". Đối lập với đó là "merit-based economy", nghĩa là nền kinh tế dựa trên năng lực".

Trở lại câu chuyện, ở lại hay về nước thì cống hiến được cho đất nước, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có nhiều cách đóng góp xây dựng đất nước, chứ không nhất thiết cứ phải sống và làm việc trong nước mới thực hiện được điều này.

Chứng cớ là nhiều trí thức, doanh nhân Việt khẳng định được vị trí của mình ở nước ngoài đã có những đóng góp rất cụ thể cho sự phát triển của các ngành mà họ là chuyên gia và cho đất nước nói chung.

Nếu các bạn trẻ tận dụng được điều kiện thuận lợi ở nước ngoài, trở thành những nhà khoa học hay những doanh nhân hàng đầu thế giới, chắc chắn cống hiến của các bạn  sẽ còn lớn hơn.

Tuy nhiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói thêm rằng:

Đối với du học sinh tự túc kinh phí thì việc ở lại hay trở về là quyền cá nhân của họ. Nhưng đối với những anh chị em du học bằng tiền ngân sách nhà nước hay bằng học bổng của các tổ chức, đơn vị thì cần phải cư xử sòng phẳng, đàng hoàng, theo đúng hợp đồng, kể cả hợp đồng miệng.

Những bạn đó cần phải về nước phục vụ đủ số năm theo quy định hoặc trả lại số tiền đã được cấp. Học bổng Nhà nước là tiền thuế của dân, tiền của tổ chức, đơn vị đã cấp cũng là tiền của tập thể.

Không có lý do gì mà người dân hay các thành viên trong một tổ chức, đơn vị lại phải đài thọ để các bạn đi học rồi ở lại nước ngoài
". 

Thùy Linh





No comments: