Wednesday, December 23, 2015

Duy trì hòa bình ở Biển Đông (Bonnie S. Glaser, theo Nippon)





Bonnie S. Glaser, theo Nippon
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Dec 24, 2015

Hoạt động xây đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm nhiều quốc gia trong khu vực bất bình. Hoa Kỳ đã thực hiện quyền tự do hàng hải gần một phần ở quần đảo Trường Sa trong chiến lược của nước này nhằm thách thức các hành động của Trung Quố, nhưng những hành động này [của Hoa Kỳ] cần phải kết hợp với ngoại giao, cũng như sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đối tác của mình trong khu vực để mang lại hiệu quả thực sự.

*
Hoa Kỳ đáp ứng trong vấn đề Biển Đông
Sau hơn sáu tháng tranh luận bên trong chính quyền Barack Obama về cách đối phó với việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, vào ngày 27 tháng Mười vừa qua, Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động tự do giao thông hàng hải (freedom of navigation operation – FONOP) trong vòng 12 hải lý cách đảo Subi Reef (Đá Xu Bi) mà Trung Quốc đang chiếm đóng [bất hợp pháp – ND], nơi Bắc Kinh đang nạo vét để nới rộng thêm diện tích. Các hoạt động này là một phần của FONOP mà Hoa Kỳ đã tiến hành trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Trong thực tế, đây hoạt động FONOP lần thứ bảy ở Biển Đông kể từ năm 2011. Nếu hoạt động vừa qua được tiến hành một cách âm thầm và không rò rỉ thông tin cho truyền thông thì nó sẽ là một hoạt động bình thường và thường xuyên như mọi lần khác.

Mặc dù một số chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đã làm hỏng hoạt động này bằng cách tiến hành “tự do lưu thông” ở vùng lãnh hải xung quanh Subic Reef mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Subi Reef vốn là một rạn san hô, điều này thể hiện sự hiểu lầm về UNCLOS, Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Vì Subi Reef nằm trong phạm vi 12 hải lý của một rạn đá – Sandy Cay (Đảo Sơn Ca) – mà Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền chồng chéo với các nước trong khu vực, và theo đó Trung Quốc tự cho mình có quyền được hưởng lãnh hải theo Điều 13 của UNCLOS, Subi có thể được sử dụng như cơ sở để đo các vùng lãnh hải mang nhiều tính năng khác. Do đó, các luật sư quốc tế phía chính phủ Hoa Kỳ đã kết luận rằng tự do trên biển có thể không áp dụng xung quanh Subi Reef và khuyên Hải quân Hoa Kỳ tiến hành các cuộc lưu thông vô hại, trong đó có các chuyến đi thẳng qua vùng nước bên trong 12 hải lý mà không lảng vảng hoặc tiến hành các hoạt động quân sự.

Trong việc lựa chọn Subi Reef để thực hiện hoạt động tự do lưu thông hàng hải FONOP đầu tiên bên trong 12 hải lý của một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Hoa Kỳ đã chọn cách đi thận trọng. Nếu chọn Mischief Reef (Đá Vành Khăn), vốn không nằm trong phạm vi 12 hải lý, thì tàu hải quân Hoa Kỳ có thể đã thực hiện chuyến lưu thông tự do bao gồm cả các hoạt động quân sự, như triển khai các máy bay trực thăng hoặc thu thập thông tin tình báo với các radar điều khiển hỏa lực. Những hành động đó có thể được xem là hơi khiêu khích và do đó được đánh giá là một lựa chọn tốt hơn đối với FONOP tiếp theo trong tương lai. Sau hậu quả của các hoạt động ở Subi Reef, một nguồn tin Hải quân Hoa Kỳ đã ám chỉ rằng các hoạt động FONOP tiếp theo sẽ được tiến hành quanh khu vực Mischief Reef.

Bấp bênh trên biển
Tình trạng pháp lý đối với trạng thái biển đảo ở quần đảo Trường Sa rất mơ hồ, hoặc ít nhất là không có tính xác định. Nhưng có thể Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc sẽ mang lại một số chi tiết rõ ràng hơn về vấn đề này trong năm tới khi đưa ra phán quyết về vụ án chống lại Trung Quốc của Philippines. Trong khi chờ đợi, các hoạt động FONOP của Hoa Kỳ đang tiếp tục khẳng định quyền đi lại tự do gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Với các hoạt động này, Hoa Kỳ đang chứng minh rằng những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế quyền và tự do hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo là bất hợp pháp, và rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục phát huy các quyền của các quốc gia để đi tàu, bay, và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Mặc dù tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc vẫn còn rất mơ hồ nhưng quân đội nước này đã cảnh báo máy bay Hoa Kỳ phải rời khỏi khu vực, nói rằng họ đã đi vào “khu vực cảnh báo quân sự” ngay cả khi họ đã bay cách hơn 12 hải lý nơi mà Trung Quốc đang chiếm đóng [bất hợp pháp – ND]. Hiện nay luật quốc tế không có khái niệm “khu vực cảnh báo quân sự”. USS Lassen, tàu khu trục của Hoa Kỳ tiến đã hành các hoạt động xung quanh Subi Reef cũng đã di chuyển qua gần các đảo mà Việt Nam lẫn Philippines đang cải tạo ở quần đảo Trường Sa, mặc dù các đảo ở đây có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Điều này đã được dự định để gửi tín hiệu rằng mục đích của FONOP không phải duy nhất nhắm vào Trung Quốc.

Ngoài chứng minh rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế lưu thông hoặc hạn chế các chuyến đi lại một cách hợp pháp ở Biển Đông cũng như trên không, chính quyền Obama quyết định tiến hành chương trình FONOP gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng là một phần trong một chiến lược nhằm thay đổi hành vi của Bắc Kinh và trấn an các nước trong khu vực rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng về an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bằng việc chấp nhận có nhiều sự rủi ro hơn nhưng Washington hy vọng hành động này có thể giúp chống lại chiến dịch của Trung Quốc và đảm bảo rằng ổn định trong khu vực cần dựa trên luật lệ quốc tế một cách bền vững. Trước khi Hoa Kỳ bắt đầu chuyến đi gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, họ đã tránh các hành vi nguy hiểm và đề cao quản lý khủng hoảng với Trung Quốc. Điều này để lại ấn tượng rằng Washington lo ngại làm tình hình leo thang và không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể phía Hoa Kỳ phải chịu rủi ro trong Biển Đông bằng cách tiến hành FONOP thường xuyên và thực hiện các hành động khác, trong khi theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin với Trung Quốc để tránh tai nạn và giảm sự hiểu lầm về ý đồ của nhau.

Cần một chiến lược đa hướng
Chỉ riêng chương trình FONOP sẽ không có khả năng làm thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông. Các biện pháp khác đang được thực hiện để thay đổi cách tính toán của Trung Quốc và khuyến khích nước này phải dựa vào ngoại giao hơn là áp lực để quản lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Hoa Kỳ đã điều động hai chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào gần các đảo mà Trung Quốc xây dựng vào giữa tháng Mười một vừa qua. Vào khoảng thời gian đó, Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập giữa hai nước lần đầu tiên trong khu vực Biển Đông. Giả sử rằng Tòa án Tối cao Philippines ra lệnh rằng Hiệp định Hợp tác Quốc phòng [Mỹ – Phi] là họp hiến, thì quân đội Mỹ sẽ có quyền truy cập đến tám hoặc nhiều căn cứ khác ở Philippines. Hai trong số những căn cứ này rõ ràng được đặt gần các đảo tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Nếu không có sự tiếp cận đó, căn cứ ở Okinawa vẫn là nơi gần Biển Đông nhất mà Hoa Kỳ có thể triển khai các chiến dịch quân sự.

Ngoại giao cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã nêu lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur, cùng với các nhà lãnh đạo của các quốc gia có cùng chí hướng khác. Trước khi đến Malaysia, Obama đã đến thăm Philippines, nơi ông đã thăm kỳ hạm của hải quân Philippines – BRP Gregorio del Pilar. Chiếc tàu này đã từng là tàu Tuần duyên Hoa Kỳ. Ông đã mô tả con tàu như một biểu tượng của sự hợp tác hàng hải Mỹ–Philippines, trong khi nhấn mạnh sự cam kết chung của cả hai nước đồng minh để đảm bảo “an ninh của các nước trong khu vực và tự do hàng hải.”

Trung Quốc phản ứng với sự kiềm chế đối với các hoạt động FONOP của Hoa Kỳ xung quanh Subi Reef. Tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi USS Lassen, nhưng không can thiệp vào các hoạt động của trục này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động này là “một mối đe dọa đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc” và cam kết sẽ “làm tất cả các biện pháp cần thiết”. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tìm cách tránh các cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ, và có khả năng họ sẽ tiếp tục chịu đựng các hoạt động FONOP khác của Hoa Kỳ trong tương lai, “thông lệ mới bình thường” mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện ở Biển Đông đi vào những ngày tới đây. Theo một nguồn tin khác, Hoa Kỳ có kế hoạch tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông khoảng hai lần mỗi ba tháng.

Hợp tác đóng góp
Nếu các quốc gia khác sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cùng với Hoa Kỳ để gia tăng tính răng đe đối với hành vi của Trung Quốc thì điều này sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có thể sẽ tiến hành các chuyến tự do hàng hải riêng trong vòng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Làm như vậy chứng minh với Bắc Kinh rằng các chính sách của Trung Quốc là mối quan ngại đối với các quốc gia không có chủ quyền tại khu vực này, không chỉ riêng Hoa Kỳ. Đồng thời, các nhà ngoại giao từ những nước này cũng như nhiều nước khác vốn quan tâm đến việc giữ gìn hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông, nên cùng nhau thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ tuyên bố Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng Chín vừa qua rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa.

Chiến lược thuyết phục lãnh đạo của Trung Quốc rằng kết quả của việc tiếp tục những hành vi gây mất ổn định của họ đang gây nhiều bất bình và hợp tác ngoại giao là một lựa chọn hấp dẫn hơn có thể thành công theo thời gian, không phải qua đêm. Kiên nhẫn, kiên định và tín hiệu rõ ràng là những điều cần thiết. Hoa Kỳ cùng các đông minh và các đối tác của mình phải sử dụng chiến lược kinh tế, quân sự và các công cụ ngoại giao quyền lực để thuyết phục Trung Quốc rằng việc thay đổi để phục vụ lợi ích của chính mình trong việc duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng và trỗi dậy một cách hòa bình là điều nên làm.

© 2007–2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info





No comments: