10.12.2015
Phái
đoàn chúng tôi vẻn vẹn có hai người: anh bạn người Peru và tôi, lực lượng tiền
phong để chuẩn bị cho một cuộc thương thuyết to lớn hơn trong tương lai giữa
chính phủ Algeria và Ngân hàng Thế giới (NHTG). Khi tới phi trường quốc tế
Houari Boumedienne, chúng tôi được đại diện Bộ Tài chánh đón tiếp, đi cửa riêng
không qua quan thuế để ra khỏi phi trường với một xe cảnh sát dẫn đầu và một hộ
tống phía sau.
Vào
cuối thập niên 1990s, tình hình an ninh Algeria đã dịu xuống, nhưng vẫn còn bất
ổn vì cuộc nội chiến bắt đầu từ 1991 vẫn còn tiếp diễn. Ông đại diện Bộ Tài
chánh cho biết trước ngày chúng tôi đến Algiers, có hai vụ bom nổ ngay trong thủ
đô. Trong hơn 20 năm đi công tác ở ngoài nước Mỹ chưa bao giờ chúng tôi được hộ
tống một cách dình dàng như vậy. Đoàn xe khi đi ngược chiều lại hú còi
inh ỏi. Lần đầu tiên trong đời, mình trở thành những quái vật đối với những
khách bộ hành và các xe khác.
Chúng
tôi được đưa về thẳng khách sạn El-Djazair nhìn ra Địa Trung Hải và được căn dặn
cẩn thận là không nên ra khỏi khách sạn một mình vào bất cứ lúc nào. Khách sạn
được bảo vệ bởi nhân viên an ninh của chánh phủ. Khi cần đi đâu sẽ có xe của
chính phủ và an ninh đưa đón. Chúng tôi không ngờ rằng một tháng giam lỏng
thật sự bắt đầu.
Lịch
sử của NHTG cho thấy chưa một nhân viên nào của NHTG bị tấn công, bắt cóc, hay
giết chết vì phần lớn việc làm của NHTG là cho vay tiền để phát triển và chống
nghèo đói với lãi suất thấp hoặc chỉ phải hoàn lại tiền vốn trong vòng 10 – 40
năm. Nhưng không phải ai cũng quý trọng NHTG. Một số biện pháp kinh tế NHTG đề
nghị thi hành gây ra tranh cãi. Người hưởng lợi thì ưa thích, người bị thiệt
thòi sẽ chống đối. Thí dụ như bỏ trợ cấp, tăng thuế, giảm chi tiêu, phá giá tiền
tệ, giải thể công ty quốc doanh, những biện pháp thắt lưng buộc bụng, v.v. Ngày
nay bạo lực và cường độ cực đoan ngày càng gia tăng, không ai còn có thể được bảo
đảm an toàn khi đi vào một xứ xa lạ.
Vào
ban ngày chúng tôi đến gặp các cơ quan liên hệ với NHTG về những dự án vay vốn
để phát triển kinh tế của Algeria như Văn phòng Thủ tướng đặc trách Dự báo và
Thống kê, Bộ Tài chánh, Bộ Phát triển Kỹ nghệ và Đầu tư, và Bộ Phát triển Nông
nghiệp và Nông thôn. Trong những dịp đi như vậy, chúng tôi được xem thành
phố Algiers từ cửa kính của xe hơi. Buổi chiều lại trở về khách sạn làm việc.
Ở
Algeria, công sở làm việc từ Chủ Nhật cho đến thứ Năm. Hai ngày cuối tuần
là Thứ Sáu và Thứ Bẩy. Phần lớn những nước Hồi giáo cũng theo lịch trình
như Algeria. Tuy nhiên ở một số nước Hồi giáo khác Thứ Bẩy và Chủ Nhật là hai
ngày nghỉ cuối tuần như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Tunisia, Morocco, Pakistan,
Indonesia và Malaysia. Tuy ngày Thứ Sáu là ngày làm việc ở những nước này,
nhưng nhân viên được nghỉ trưa lâu có khi kéo dài 1-2 giờ để cầu nguyện.
Buổi
trưa chúng tôi thường được mời ăn ở các cơ quan. Buổi chiều ăn tại khách sạn.
Thực đơn của khách sạn có khoảng 30 món ăn khác nhau. Những món ăn phổ thông của
Algeria là cơm couscous, xúc xích thịt cừu, bánh mì dẹp Kesra. Thịt heo bị cấm
theo luật Hồi giáo. Thực sự tôi chỉ ăn được sáu món. Sau một tuần lễ, cả sáu
món ăn này cũng không còn hấp dẫn nữa. Một điều đau khổ không kém là nhà
hàng của khách sạn chỉ có một băng nhạc duy nhất. Một điệu âm thanh lập đi lập
lại từ sáng cho đến chiều tối, giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác hành
hạ thực khách một cách vô tư.
Một
buổi chiều sau khi gặp gỡ một số cơ quan chánh phủ trở về khách sạn sớm, tránh
bị tù túng tôi lên sân thượng của khách sạn chụp hình thành phố Algiers và ngắm
nhìn Địa Trung Hải, nơi chứng kiến những cuộc tranh hùng giữa hải quân Đồng
Minh và Trục Phát Xít khi Đệ Nhị Thế Chiến tràn xuống phía nam, vượt ra khỏi
biên giới Âu Châu, xuống tới Bắc Phi. Trông chốc lát tôi đã bị nhân viên
an ninh lên hỏi han.
Sau
nhiều ngày đi chung xe, tôi dần dần quen thân với những nhân viên an ninh, mời
họ đi ăn. Nhưng vào trong nhà hàng, chỉ có một nhân viên ngồi chung bàn, còn một
người ngồi ngoài xe, hai người còn lại ngồi rải rác quanh phòng ăn. Tôi lợi dụng
cảm tình của họ nhờ họ cho đi thăm một vài thắng cảnh của Algiers. Một
trong những thắng cảnh ở Algiers là Đài Tưởng Niệm Liệt Sĩ Maqam Echahid trong
chiến tranh chống Pháp giành độc lập.
Sang
đến tuần lễ thứ ba, anh bạn Peru rủ tôi trốn ra ngoài khách sạn. Chúng tôi lẻn
ra phía sau khách sạn bằng một ngõ tắt, rồi thuê taxi ra ngoài phố nhậu nhẹt.
Ở những nước Hồi giáo, thông thường vào buổi tối ngoài đường thường vắng tanh,
trừ một vài quán nhỏ thắp đèn bán thịt cừu hay thịt dê nướng và một hai phòng
trà ca nhạc nhỏ do người không phải Hồi giáo, đặc biệt là người Phi Luật Tân,
quản trị, được giấy phép của chính phủ địa phương để giúp vui người ngoại quốc.
Chúng tôi nhờ taxi đưa đến một nhà hàng lớn nằm ven Địa Trung Hải được ăn một bữa
cơm thịnh soạn. Tôi còn nhớ món cá bống nướng của tiệm ăn này, dù chưa có dịp
thưởng thức lần thứ hai.
Bên
ngoài nhà hàng, nhân viên an ninh đứng canh gác khá đông, nhắc nhở chúng tôi đến
tình trạng bất ổn ở Algeria. Cuộc nội chiến ở quốc gia này đã kéo dài gần
10 năm. Chính phủ quân nhân do Mặt trận Giải phóng Quốc gia (Front de
Liberation Nationale – FLN) lãnh đạo không công nhận thắng lợi rõ ràng của Lực
lượng Hồi giáo trong cuộc bầu cử đợt đầu vào năm 1991. Cuộc bầu cử bị hủy bỏ đã
dẫn đến cuộc xung đột giữa phe quân nhân FLN với những nhiều nhóm Hồi giáo như
Mặt trận Hồi giáo Cứu quốc (Front Islamique de Salvation – FIS), Phong trào Hồi
Giáo Võ trang (Mouvement Islamique Armé – MIA), và Nhóm Hồi giáo Võ trang
(Groupe Islamique Armé – GIA). Tình trạng khẩn cấp được ban hành vào năm 1992.
Chánh phủ xem ra không đủ khả năng dẹp các nhóm chống đối khiến cho cuộc chiến
ngày càng dữ dội vào giữa thập niên 1990s. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, các
nhóm chống đối chính phủ quân nhân mất dần sự yễm trợ của quần chúng vì họ đã tỏ
ra quá tàn bạo và man rợ đối với cả thường dân. Các nhóm Hồi giáo chống chính
phủ giết nhiều nhà báo và người ngoại quốc nên người ta gọi cuộc chiến bẩn thỉu
này là “la sale guerre” (dirty war). Đây là bài học cho Nhà nước Hồi giáo cũng
như cho Việt Nam.
Sang
đến đầu thập niên 2000, cường độ của cuộc nội chiến mới thật sự giảm rõ rệt.
Theo nhận định cá nhân của tôi vì tiên đoán được tình hình an ninh sẽ sáng sủa
hơn ở Algeria, vào cuối thập niên 1990 NHTG đã khởi sự nghiên cứu những dự án
kiến thiết mới cho quốc gia này. Algeria bắt đầu cải tổ kinh tế vào đầu thập
niên 1990 chuyển từ kinh tế tập trung qua kinh tế thị trường. Công việc này vẫn
còn tiếp tục cho đến ngày nay và đó cũng là mục tiêu rộng lớn của chuyến công
tác của chúng tôi tại Algeria.
Trở
về khách sạn an toàn sau bữa ăn tối, chúng tôi phải đối mặt với những nhân viên
an ninh. Ngày hôm sau chính phủ Algeria đã đồng ý chuyển cho chúng tôi
sang một khách sạn khác, có nhiều món ăn hơn, Tây phương hơn, rộng rãi hơn.
Trong thời gian cuối của chuyến công tác, chúng tôi có cơ hội được tiếp đón một
cách không chánh thức phe đối lập với chánh phủ theo lời yêu cầu của họ.
Trong
cuộc chiến chống thực dân Pháp giành độc lập, hơn một triệu người của Algeria
đã hi sinh. Cuộc nội chiến đã giết thêm trên 150,000 người. Tình trạng
khẩn cấp đã được bãi bỏ vào năm 2011 trước áp lực của Mùa Xuân Ả Rập tại những
nước láng giềng như Ai Cập, Tunisia, và Libya. Algeria phải đối phó với nhiều vấn
đề tương tự như ở ba quốc gia này, đặc biệt là nạn thất nghiệp cao (khoảng 10%)
nhất là đối với thành phần trẻ (trên 20%) và kinh tế trì trệ.
Tuy
nhiên Algeria tiếp tục là một “nước dân chủ có kiểm soát” (controlled
democracy). Trên nguyên tắc Algeria theo chế độ đa đảng. Hiến pháp 1976 (tu
chính vào những năm 1979, 1988, 1989 và 1996) đều ghi rõ như vậy. Nhưng trên thực
tế đảng cầm quyền FLN của phe quân nhân kiểm soát chặt chẽ chính trường. Tự do
ngôn luận, tự do chống đối và tự do hội họp bị hạn chế. Cuộc bầu cử tổng thống
vào năm 2014 đã bị các phe đối lập tẩy chay.
Người
Việt chúng ta biết Algeria qua hình ảnh các anh lính khố xanh khố đỏ.
Nhưng thực sự Algeria giầu có hơn Việt Nam nhờ tài nguyên thiên nhiên như khí đốt
và dầu. Dự trữ khí đốt của Algeria đứng hạng thứ 10 trên thế giới và dự trữ dầu
đứng hạng thứ 16. Algeria không có chiến tranh triền miên như Việt Nam. Algeria
từ bỏ kinh tế xã hội chủ nghĩa vào năm 1989 sau Việt Nam và công việc cải tổ
cũng bị trì trệ như ở Việt Nam vì tầm nhìn vẫn bị giới hạn vì chịu ảnh hưởng của
mô hình xã hội chủ nghĩa và các nhóm lợi ích. Việc tư nhân hóa khu vực kỹ nghệ
quốc doanh bị đình chỉ. Lợi tức đầu người theo sức mua quân bình của Algeria là
$13,900 so với Việt Nam là $5,700 vào năm 2014.
Trên
đường trở về Hoa Kỳ, tôi ghé thăm Morroco một tuần lễ. Khi tới Mohammed V
International Airport tại Casablanca tôi không được ai tiếp đón, nhưng mang thông
hành Liên Hiệp Quốc, nên tôi được qua trạm không kiểm soát dành cho ngoại giao
đoàn. Ra khỏi phạm vi an ninh phi trường, tôi thảnh thơi lấy taxi về khách sạn
Hyatt Regency. Khác hẳn với Algiers, Casablanca thật là êm đềm. Đường xá rộng
rãi hơn, không có còi hụ. Nhiều cảnh sát lưu thông là phụ nữ xinh xắn, luôn
luôn cười nói với tài xế và khách bộ hành. Dân chúng xem ra vui vẻ khác với những
bộ mặt đăm chiêu ở Algiers. Chỉ sau 1 giờ 45 phút, chiếc phi cơ Royal Air
Maroc đã đưa tôi đến một mảnh đất đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Tương tự như vậy,
Hà Nội chỉ cách Singapore khoảng hơn 3 giờ bay, nhưng hai thành phố một trời một
vực. Tranh giành quyền lực một cách mù quáng và sai lầm về chánh sách của những
người lãnh đạo làm cho cả một dân tộc bị thua thiệt.
Mặc
dù Morocco nghèo hơn Algeria với lợi tức đầu người theo sức mua quân bình là
$7,800 vào năm 2014, nhưng xã hội xem ra ổn định. Nội bộ không có xung đột mạnh
mẽ như ở Algeria. Vương quốc Morocco dưới quyền cai trị của triều đại Alaouite
từ thế kỷ XVII tới nay ngoại trừ giai đoạn từ 1860-1955 bị đô hộ bởi Tây Ban
Nha và Pháp. Đáp ứng phong trào đòi tự do tại các nước Bắc Phi, Vua Mohammed VI
đã thực hiện một cuộc cải tổ chính trị vào năm 2011 bao gồm ban hành Hiến pháp
mới và cuộc trưng cầu dân ý phổ quát để tăng cường quyền hành của quốc hội và
thủ tướng. Vào năm 2012, Đảng Công lý và Phát triển, một đảng Hồi
giáo ôn hòa, đã chiếm được nhiều ghế nhất trong cuộc bỏ phiếu quốc hội và trở
thành đảng Hồi giáo đầu tiên đứng ra thành lập chính phủ.
Tôi
quyết định đến Morocco vì một lý do giản dị là tôi chưa đến quốc gia Hồi giáo
ôn hòa này bao giờ. Tôi đến ở Casablanca cũng vì một lý do giản dị là tôi thích
phim lãng mạn cổ điển Casablanca. Sau này tôi mới tẽn tò khám phá
ra rằng toàn bộ phim Casablanca được quay tại phim trường
Warner Bros Studio thuộc thành phố Burbank, California, phía bắc Hollywood, trừ
một màn quay tại Van Nuys Airport thuộc quận Los Angeles. Tôi chọn Hyatt
Regency vì khách sạn này có một bảo tàng nhỏ trưng bầy và bán đồ kỷ niệm về
phim Casablanca.
Làm
việc cho NHTG, tôi may mắn có những cơ hội thăm viếng nhiều quốc gia và lợi dụng
những chuyến đi công tác này, lấy thêm ngày nghỉ để đến những nơi xa lạ và để
được quan sát tận mắt những nền văn hóa khác biệt. Nhưng cuộc đời không phải
luôn luôn một mầu hồng. Có những lần đi công tác chúng tôi chỉ ngủ được vài giờ
mỗi đêm, làm việc liên tục cả tuần lễ như lần chúng tới đảo Cyprus giữa Địa
Trung Hải (chắc chưa có người Việt nào lạc lõng tới đây). Khách sạn nằm ngay
sát biển, nhưng trong suốt thời gian ở đây chúng tôi chỉ có 5 phút đặt chân lên
bãi biển trong khi chờ đợi xe đón ra phi trường. Một điều thú vị trong chuyến
đi này là trưởng phái đoàn của chúng tôi là người Hy Lạp và phó trưởng phái
đoàn là người Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quốc gia này từng chém giết nhau để dành đảo
Cyprus. Ngày nay Cyprus và thủ đô Nicosia vẫn bị chia làm hai. Phần phía
bắc thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và phần phía nam thuộc Hy Lạp.
Casablanca
có nghĩa Nhà Trắng (Casa blanca) do người Bồ Đào Nha thành lập từ 1515.
Khi người Pháp áp đặt chế độ bảo hộ vào Morocco từ 1912 - 1956, thành phố này
được gọi là Maison Blanche (White House). Casablanca là tên thông dụng nhất.
Đây là một thành phố du lịch, thương mại và hải cảng lớn nhất Morocco, với dân
số hiện nay là 3 triệu. Casablanca giống như một thành phố ở vùng nam Âu nhiều
hơn là Phi châu. Đền Hassan II là ngôi đền Hồi giáo lớn thứ nhì trên thế giới
và là một địa danh nổi tiếng của Casablanca.
Tôi
rất may mắn được Hyatt Regency dành cho một phòng trông ra Đại Tây Dương vì
NHTG là khách hàng lớn của họ. Khi mở cửa sổ ra cả thành phố Casablanca trải
dài từ khách sạn ra đến bờ biển. Ánh nắng chiều đã xuống thấp, tôi vội kê
máy ảnh lên mấy cuốn sách và chụp được một hình kỷ niệm Casablanca còn giữ đến
bây giờ. Sau đó tôi vội mở cuốn niên giám điện thoại tìm được nhà hàng Việt
Nam.
Ông
bà chủ tiệm là người Việt Nam. Sau 30/4/1975, ông bà xin tị nạn tại Morocco vì
trước đây ông là một nhân viên làm cho Tòa Đại Sứ VNCH ở thủ đô Rabat. Sau khi
nghe tôi kể lể bị giam lỏng ở Algiers gần một tháng, không được ăn cơm Việt
Nam, ông bà chủ tử tế làm cho một bữa cơm thuần túy của người Việt: đậu rán chấm
tương, canh chua cá bông lau, gà xào sả ớt. Quả thực, đi xa mới nhớ quê hương
qua những món ăn quốc hồn quốc túy và những hình ảnh thân thương.
Ngày
hôm sau, anh Nghĩa, một người bạn Việt Nam do gia đình giới thiệu lái xe đến
đón tôi về Rabat chơi vài ngày. Anh sang Morocco định cư vào năm 1979.
Anh là người Hà Nội đi du học ở Đông Âu về ngành cơ khí trong thời gian chiến
tranh Việt Nam. Trở về Việt Nam vào những năm cuối của cuộc chiến, anh lập
gia đình với một thiếu nữ Việt lai Pháp tên là Adora. Bố của Adora là người
Việt sang lập nghiệp ở Morocco từ thời Pháp thuộc. Mẹ của Adora là một
người Pháp. Thời đó thực dân Pháp mang người Việt sang Băc Phi để chia trị
dân bản xứ và đưa người Bắc Phi qua Đông Dương để làm việc cho Pháp ở đây. Sang
tới Morocco, tôi được dịp thấy bằng chứng sống động của lịch sử.
Lăng
tẩm của Vua Mohammed V ở Rabat mang dấu tích của người Việt tại Morocco.
Công trình này được khởi công vào năm 1963 và hoàn tất vào năm 1973. Kiến trúc
đẹp đẽ này do kiến trúc sư Việt Nam là ông Võ Toản vẽ và thực hiện. Vua Hassan
II lên ngôi nối nghiệp vua cha Mohammed V qua đời vào năm 1961, đã đích thân chọn
KTS Võ Toản, người tốt nghiệp kiến trúc tại Việt Nam và Pháp.
Chị
Adora tâm tình rằng bố của chị say mê xã hội chủ nghĩa nên gửi con gái về học y
khoa tại Việt Nam. Chị vừa học vừa theo trường chạy trốn bom Mỹ, vừa thực tập
chăm sóc thương binh Cộng sản trong thời gian chiến tranh. Sau khi chiến
tranh chấm dứt, chị gặp anh Nghĩa và hai người trở thành vợ chồng. Anh chị sống
trong không khí thanh bình được hơn ba năm thì Việt Nam mang quân đánh chiếm
Campuchia vào cuối năm 1978, tiếp theo là chiến tranh biên giới với Trung Quốc
vào 1979.
Khi
quân Cộng sản “giải phóng” miền Nam, chính họ đã giải phóng sự thật ở miền Nam.
Thất vọng vì sự bịp bợm, dối trá và bản chất hiếu chiến của tập đoàn lãnh đạo
Hà Nội đã được phơi bầy, nhận thức được thiên đường Marx-Lenin là ảo tưởng, thực
tế là nạn đói đang đe dọa người dân Việt và hàng trăm ngàn người vượt biên đi
tìm tự do, anh chị Nghĩa quyết định rũ áo ra đi. Tâm trạng giống như nhà văn
Dương Thu Hương. Khi hai nước anh em xã hội chủ nghĩa đâm chém nhau là giọt
nước cuối cùng tràn khỏi ly. Đồng chí Trung Quốc cho quân tràn vào sáu tỉnh
biên giới miền Bắc vào ngày 17-2-1979. Vài ngày sau chị Adora mang quốc tịch
Morocco vội vàng khăn gói bay trở về Rabat. Một tháng sau, anh Nghĩa xin xuất
ngoại thăm vợ. Tôi thấu hiểu tâm sự của anh chị Nghĩa và cảm thấy nỗi cay
đắng đó như của chính mình. Họ yêu quê hương Việt Nam nhưng phải bỏ chạy
vì không thể yêu những kẻ lãnh đạo ngu xuẩn.
Anh
chị Nghĩa sở hữu một nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Rabat do cha mẹ chị Adora để lại
và một căn biệt thự nhỏ hai tầng, nhìn ra Đại Tây Dương. Khoảng cách từ nhà đến
bờ biển khoảng nửa cây số là bãi cát và đá. Đứng trên sân thượng là thấy sóng vỗ
mạnh vào các tảng đá làm nước biển bắn lên cao hàng chục thước. Đẹp nhất là lúc
hoàng hôn. Việt Nam hướng ra biển Đông còn Morocco hướng ra biển Tây. Ngay từ
thời đó, anh chị đã có một thư viện nhỏ gồm nhiều sách quý của những nhà văn nổi
tiếng như Bảo Ninh, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Khải Thanh
Thủy, và Vũ Thư Hiên. Tôi mạn phép dùng chữ của chị Trần Khải Thanh Thủy,
những tác phẩm này là “những tiếng bom nổ giữa thời bình”, phá vỡ tan tành những
hào nhoáng giả tạo của CSVN. Ngày nay CSVN còn đứng vững là nhờ vào cột trụ duy
nhất là công an. Tôi mượn không gian này để tri ân những nhà văn này. Sau khi về
hưu rồi, tôi mới có thời giờ đọc hết những cuốn sách này. Anh chị Nghĩa có hai
người con gái lai hai dòng máu Pháp Việt xinh xắn đều du học ở Pháp. Các cháu
có hai quốc tịch. Rất may, cha mẹ của các cháu không còn mê hoặc về Cộng sản nữa
và không gửi các cháu về Việt Nam để được dậy dỗ dưới xã hội chủ nghĩa. Ngày
nay anh chị Nghĩa đã về hưu, hiện còn sinh sống tại Rabat và Casablanca có đến
tám nhà hàng Việt Nam.
Chú
thích
1.
Wikipedia, “Algeria Civil War”, December 2, 2015.
2.
CNN, “Algeria lifts 1992 Emergency Decree, state news agency says,” February
22, 2011.
3.
Wikipedia, “Politics of Algeria”, December 2, 2015.
4.
World Bank, “Doing Business 2016 – Algeria”, 2015.
5.
CIA World Factbook, “Algeria vs Morocco Comparison”, December 3, 2015.
6.
Vo Toan, “Le Mauselee Mohammed V”, Casablanca, 1976.
*Các
bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment