Nguyễn Đăng Quang
15/12/2015
“Hiến pháp là văn kiện pháp lý quan trọng nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.
TBT
Nguyễn Phú Trọng
Đảng
CSVN hiện có 3,6 triệu đảng viên, chiếm khoảng gần 4% dân số Việt Nam. Trong số
này có 200 đảng viên cao cấp chia nhau nắm giữ toàn bộ các vị trí lãnh đạo chủ
chốt từ Trung ương xuống tận 63 tỉnh thành trong cả 3 nhánh quyền lực quốc gia:
Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, cũng như
toàn bộ các tổ chức đoàn thể, ban ngành (hay còn gọi là hệ thống chính trị) của
toàn xã hội. Thủ lĩnh Đảng - người có trọng trách cao nhất - hiện là
ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Tổng Bí thư, là nhân vật mà 92 triệu người dân
Việt Nam không ai được cầm lá phiếu bầu lên nhưng ông vẫn nghiễm nhiên là lãnh
tụ tối cao của cả nước, nắm trọn quyền lực trong tay và toàn quyền quyết định vận
mệnh quốc gia. Ông Trọng cũng như các bậc tiền nhiệm của ông chưa hề một lần
tuyên thệ trước Quốc hội, chưa bao giờ thề trung thành với Tổ quốc và Hiến
pháp. Trong Đại hội ĐCSVN lần XII tới đây, nếu như ông Trọng hoặc bất cứ ai
khác được chọn làm Tổng Bí thư thì mặc nhiên cũng không phải tuyên thệ trung
thành với Tổ quốc và Hiến pháp. Chức vụ Tổng Bí thư ĐCSVN được đặc cách không
phải tuyên thệ trung thành với bất cứ ai do bởi Điều lệ Đảng và Hiến pháp mà Đảng
soạn thảo không có điều nào quy định Tổng Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị phải
làm như vậy.
Nếu
đất nước và dân tộc Việt Nam được lãnh đạo bởi những người thực sự
vì dân vì nước, luôn đặt lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của
họ và của tổ chức chính trị mà họ đại diện thì thật là may mắn và hạnh phúc cho
dân tộc và đất nước. Song thực tế lại không phải như vậy. Cương lĩnh cũng như
Điều lệ hiện hành của ĐCSVN không có điều nào quy định Đảng phải coi và đặt lợi
ích dân tộc, quyền lợi quốc gia lên tối thượng, cao hơn lợi ích của Đảng. Chính
TBT Nguyễn Phú Trọng đã xác quyết điều này cách đây không lâu khi Quốc hội thảo
luận thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013. Ông thẳng thắn tuyên bố: “Hiến
pháp là văn kiện pháp lý quan trọng nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.
Đó
là về văn bản và lời nói. Còn về những việc làm và hành động cụ thể thì sao? Chỉ
xin đề cập đến một lĩnh vực mà bạn đọc dễ phán xét và kiểm chứng, đó là về quan
hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đã có rất nhiều đảng viên và nhân sĩ, trí thức tâm
huyết trong những năm qua đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Lãnh đạo Đảng công bố
các thỏa thuận mà Đảng đã ký với Trung Quốc ở Hội nghị Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ
Xuyên – Trung Quốc) ngày 4/9/1990. Nhưng cho đến nay đã trên 25 năm
rồi mà Đảng vẫn giữ “quyền im lặng”, vẫn bí mật và lặng lẽ thực hiện những gì Đảng
đã ký với Trung Quốc, không công bố và chẳng cần giải thích cho nhân dân và 3,6
triệu đảng viên biết, mặc cho bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc tung tin hỏa
mù, “nửa đúng, nửa sai, thật giả lẫn lộn” với ý đồ lường gạt, phân hóa và gây
chia rẽ nội bộ để họ dễ bề thao túng lãnh đạo nước ta. Nếu sự thực thỏa thuận
Thành Đô không có điều khoản nào bất lợi cho dân tộc và đất nước Việt Nam thì Đảng
nên công bố cho toàn Đảng, toàn dân biết để nhân dân yên tâm, và sát cánh với Đảng
đối phó với nguy cơ “Bắc thuộc mới” không chỉ đang thập thò, lấp ló ở ngoài
biên cương, biển đảo mà đã hiển hiện ở sâu trong đất liền và ở cao trong nội bộ
chúng ta.
Xâu
chuỗi một vài sự kiện sau Hội nghị Thành Đô liên quan đến cuộc xâm
lược nước của 60 vạn quân Trung Quốc ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc hồi tháng
2/1979, ta thấy hình như có một thế lực nào đó ở cả 2 nước muốn nhân
dân ta quên hẳn cuộc chiến tranh này.
Người
dân và đặc biệt là các CCB trong cuộc Chiến tranh 1979 luôn tự hỏi:
-
Vì sao đã 36 năm rồi mà cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc này của quân và dân ta
chưa được Bộ Quốc phòng tổng kết? Vì sao nó không được Bộ Giáo dục biên soạn,
đưa vào chương trình sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy và giáo dục lòng yêu
nước cho học sinh, sinh viên ta? Vừa qua, thế lực đen tối nào định
mưu toan xóa bỏ môn học Lịch sử qua chiêu trò “tích hợp”, nhằm làm cho thế hệ
trẻ và con cháu ta sau này không biết gì về truyền thống hào hùng 1000 năm chống
trả xâm lược phương Bắc của tổ tiên ta? May mà Quốc Hội đã ít nhiều cảnh giác,
kịp ra Nghị quyết ngăn chặn ý đồ đen tối và nham hiểm này.
-
Ngay cả các hoạt động kỷ niệm của người dân trong mấy năm qua để tưởng nhớ và
vinh danh những anh hùng, liệt sỹ và thương binh trong cuộc chiến chống Trung
Quốc xâm lược (2/1979) và tưởng niệm 64 chiến sỹ Hải quân ta đã bị Trung Quốc
sát hại khi chúng đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam
(14/3/1988) cũng bị một lực lượng đông đảo DLV có tổ chức, mặc áo đỏ in Quốc kỳ,
mang cờ Đảng, dùng loa hò hét và hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại
thắng” để khiêu khích, ngăn cản và phá thối(?!).
-
Ai đã chủ trương và làm ngơ cho Trung Quốc thuê trên 300.000 héc ta rừng đầu
nguồn chiến lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc? Tại sao lại cho Trung Quốc cắm
chốt ở hàng chục địa điểm chiến lược và nhạy cảm trên khắp đất nước VN dưới vỏ
bọc đầu tư dự án, thuê đất lâu dài (đến 70 năm như ở Vũng Áng), và đặc biệt việc
Trung Quốc được mặc nhiên đóng chốt tại địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất
nước ta (Nóc nhà Đông Dương) với bình phong dự án Bauxite Tây Nguyên đầy nguy hại
và tai tiếng?
Cách
đây chưa đầy một tuần, ngày 9/12/2015 vừa qua, trong “Thư
gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần
thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, (gọi
tắt là THƯ 127), một trăm hai mươi bảy(127) đảng viên tâm huyết và các nhân sỹ
trí thức nặng lòng với đất nước và dân tộc ở trong và ngoài nước đã mạnh mẽ, thẳng
thắn và tha thiết kêu gọi Đảng phải thay đổi: “Trong bối cảnh hiện nay,
Đảng Cộng sản Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và dựa hẳn
vào nhân dân, tự giải thoát khỏi ý thức hệ giáo điều, tự giải phóng chính mình
khỏi tình trạng tha hóa của một đảng độc quyền toàn trị, dứt khoát từ bỏ đường
lối xây dựng Chủ nghĩa Xã hội theo chủ thuyết Marx-Lenine, chủ động tiến hành cải
cách chính trị triệt để và toàn diện theo con đường dân tộc dân chủ…”.
Người
viết bài này cho rằng chẳng cần phải khảo sát xã hội hoặc tiến hành trưng cầu ý
dân cũng có thể khẳng định là không chỉ đa số Đảng viên ĐCSVN mà toàn thể 92
triệu nhân dân Việt Nam đều muốn ĐCSVN phải đặt lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc
gia lên trên lợi ích của Đảng, lên trên lợi ích cộng sản. Vì đây là lẽ đương
nhiên, hợp với triết lý, lẽ sống và đạo đức xưa nay của dân tộc Việt Nam ta. Và
đây cũng là nguyên tắc bất di bất dịch của mọi đảng phái chính trị trong tất cả
các quốc gia dân chủ trên thế giới ngày
nay.
Muốn
làm được như vậy, trước hết Đảng phải tự thay đổi, phải dũng cảm đặt lợi ích
dân tộc, lợi ích đất nước lên tối thượng, lên trên lợi ích của Đảng, lên trên lợi
ích giai cấp và lý tưởng cộng sản. Đã đến lúc không thể không làm điều
này. Quốc gia và dân tộc là tối cao và vĩnh cửu, chứ không phải là
Chủ nghĩa cộng sản! Đảng phải tự thoát khỏi chính mình, phải dũng cảm
lột xác để tiến lên cùng dân tộc. Trước hết và trên hết phải coi dân tộc và Tổ
quốc Việt Nam là người sinh ra mình, nuôi dạy và bảo vệ mình, chứ tuyệt đối
không phải là kẻ mà mình sinh ra, là kẻ mà mình nuôi dưỡng và ban ơn.
Quay
đầu là bờ! Con cái có thể bỏ rơi cha mẹ chứ không bao gìơ cha mẹ lại chối từ
con cái. Hãy ngước nhìn sang nước bạn láng giềng Myanmar để học tập và noi
gương những bước đi quả cảm, đầy khôn ngoan, đầy trách nhiệm nhưng vô cùng sáng
suốt của giới quân phiệt cầm quyền. Họ đã chấp nhận và thực hiện một cuộc chuyển
đổi ngoạn mục cho đất nước Myanmar do họ biết hy sinh quyền lợi cá nhân của các
tướng lãnh, họ đã sáng suốt đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên tối thượng
lên trên lợi ích của tập đoàn quân phiệt và đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết
và Phát triển Myanmar. Cuộc chuyển đổi chính trị ở Myanmar không có kẻ thua, chỉ
có người thắng, và người thắng lớn nhất là dân tộc Myanmar khôn ngoan và dũng cảm.
Hà
Nội, ngày 14/2/2015.
N.Đ.Q.
Tác
giả gửi BVN
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 09:15
No comments:
Post a Comment