Tuesday, December 1, 2015

Đảng cộng sản đã và đang làm gì với lịch sử dân tộc? (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-11-30

Tạp chí điểm blog do Kính Hòa thực hiện, tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội,… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước.

Đảng Cộng sản và chống đảng cộng sản

Bốn anh Trí, Phú, Địa, Hào.
Chỉ thương anh Trí lao đao đến giờ.
Đảng ta thấy Trí ngu ngơ,
Cho Công-Nông-Trí chung cờ liên minh.
Trông lên liềm, búa hai hình,
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu !
Quay sang tìm Phú-Địa-Hào,
Thấy ba bụng phệ… đã vào Đảng ta.

Đó là lời thơ của nhà bất đồng chính kiến, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, được tác giả Thiện Tùng trích dẫn trong bài viết của mình trên trang blog Bauxite Việt Nam.

Đoạn thơ tuy ngắn nhưng khái quát một chặng đường dài về tư tưởng của đảng cộng sản Việt Nam. Với sự châm biếm nhiều mỉa mai, tác giả mô tả chặng đường dài của đảng cộng sản bắt đầu từ chủ trương tiêu diệt giai cấp giàu có, đảng đã trở thành bộ máy mà những người giàu có dùng để cầm quyền.

Chặng đường dài đó của đảng, theo Thiện Tùng là một chặng đường nhiều thất bại:
Trên đường dài suốt 85 năm từ khi chủ thuyết Cộng sản du nhập vào Việt Nam 1930-2015, mỗi khi giương cờ hay áp dụng chủ thuyết, Cộng sản đều không thành công – nếu không nói thất bại thảm hại. Điều đó được chứng minh trên mỗi chặng đường: Dưới cờ Đảng, hai cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ-Tĩnh và Nam Kỳ Khởi nghĩa hồi thập niên 30 bị dìm trong biển máu; áp dụng học thuyết Cộng sản tiến hành cải tạo Xã hội Chủ nghĩa,  gây thảm họa ở Bắc Việt Nam từ sau 1954 đến 1975; cải tạo Xã hội Chủ Nghĩa ở Nam Việt Nam từ sau 1975 đến 1986; quyết giữ cái đuôi Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa từ 1986 cho đến nay, nếu không cho là thảm họa thì cũng phải nói là tai họa.

Thiện Tùng là một đảng viên kỳ cựu của đảng cộng sản qua nhiều thời kỳ, và đã trả thẻ đảng từ năm 1986.

Nhưng điều nhận định của Thiện Tùng không phải là điều mà những trang sử của đảng tuyên bố bấy lâu nay, là đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành độc lập, và đưa chủ nghĩa cộng sản, theo đảng là rất tiến bộ, đến với dân tộc Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống cho rằng, những người Việt Nam theo đảng cộng sản vì lòng yêu nước của họ, muốn đất nước độc lập, chứ không phải họ theo đảng vì chủ nghĩa cộng sản.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống đặt vấn đề là hiện có những lời phê bình rằng có phải những người theo đảng năm xưa bây giờ chống lại Đảng có phải là những kẻ phản bội hay không?
Ông trả lời:

Khi biết ông cha đã nhầm đường, không lẽ chúng ta lại tiếp tục đi theo một cách mù quáng. Xin đừng ngộ nhận là ông cha đã hy sinh xương máu là nhằm tạo nên một chế độ độc tài như hiện nay. Làm con cháu mà không sửa được cái sai, cái nhầm của ông cha là loại ngu đần, tưởng là có hiếu nhưng thật ra là bất hiếu. Không sớm thì muộn, cách gì rồi dân tộc VN cũng giác ngộ ra chân lý và từ bỏ Chủ nghĩa Mác lê, cách gì rồi chế độ cộng sản cũng sụp đổ hoàn toàn, càng kéo dài nó ngày nào là có tội với dân tộc, có tội với ông cha ngày đó.
Như vậy những người phê phán và vận động từ bỏ Chủ nghĩa Mác lê mới là người yêu nước, yêu dân thật sự, họ chống lại những giáo điều lạc hậu, chống lại sự toàn trị chuyên chính vô sản, chống lại bất công, tàn bạo và áp bức do Đảng Cộng Sản  gây ra, họ thật sự vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy họ mới chính là những người tiếp bước sự nghiệp và nguyện vọng của ông cha.
Còn về việc uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây thì đó là lòng chúng ta biết ơn, tưởng nhớ, kính cẩn thờ phụng ông cha và các liệt sĩ chứ không phải là việc nối tiếp và phát triển những sai lầm, không thể là việc tôn thờ những điều dối trá, những tội ác của những kẻ đã lừa dối họ và đang tiếp tục lừa dối chúng ta. Mong các bạn trẻ tỉnh táo, tự suy nghĩ bằng đầu óc của mình, dùng thực tế để kiểm chứng, đừng bị mắc vào vòng tuyên truyền lừa dối.

Với ý nghĩa như bài thơ châm biếm của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, ông Nguyễn Đình Cống kể lại một chuyện mà ông gọi là chuyện lạ của chế độ. Ông kể rằng có một người Việt Nam mà ông quen biết tên là Phạm Văn Viêm đã dịch một tác phẩm từ tiếng Bulgaria sang tiếng Việt vào năm 1990. Quyển sách này do một cán bộ cộng sản cao cấp của nước Bulgaria viết về chủ nghĩa phát xít, về tổ chức độc hại và tàn ác của chủ nghĩa này. Nhưng điều trớ trêu là do bởi quyển sách dịch đó mà ông Phạm Văn Viêm bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt đi mất tích.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống phân tích rằng sự mô tả nhà nước và xã hội dưới chủ nghĩa phát xít trong quyển sách này không khác gì nhà nước và xã hội dưới chế độ cộng sản.

Đó chính là nguyên nhân khiến Phạm Văn Viêm, người dịch giả khốn khổ bị mất tích.

Một trong những nền tảng cơ bản của chủ nghĩa cộng sản, cũng như của chủ nghĩa phát xít, là sự cổ vũ cho cách mạng bạo lực. Do vậy những tổ chức được lập ra để nắm bạo lực rất quan trọng trong chế độ cộng sản. Đầu tiên là bộ máy công an rất lớn của nhà nước cộng sản. Thứ hai là quân đội trong chế độ cộng sản cũng được dùng để bảo vệ đảng, gắn rất chặt với đảng.

Trong những ngày trước đại hội đảng cộng sản toàn quốc, nhà văn Phạm Đình Trọng quan sát thấy có đến 20 phần trăm ban chấp hành trung ương đảng, bộ phận nắm quyền lực tối cao thực sự của đất nước hiện nay, là những người đến từ quân đội và công an.

Tổ quốc hay đảng?

Nói về quan hệ giữa đảng cầm quyền và đất nước, và Tổ quốc, nhà văn Phạm Đình Trọng viết tiếp:
Đảng chính trị, dù là đảng cầm quyền cũng chỉ là một tổ chức xã hội nhất thời và luôn biến động. Tổ chức đảng có lúc thịnh, lúc suy, lúc tồn tại, lúc tiêu vong.
Chỉ có Tổ Quốc, Nhân Dân là vĩnh hằng, bất biến, là một giá trị vĩnh cửu, cao cả, thiêng liêng của một đất nước và của từng người dân. Nhưng những người cộng sản đã thần thánh hóa, tuyệt đối hóa đảng của họ, đưa đảng của họ, một tổ chức chính trị nhất thời, sai nhiều hơn đúng, tội nhiều hơn công lên trên những giá trị cao cả, thiêng liêng, bất biến là Tổ Quốc, là Nhân Dân. Họ đã biến quân đội, sức mạnh bảo vệ đất nước thành sức mạnh bảo vệ đảng, biến pháp luật và công an, công cụ bảo đảm sự lành mạnh của xã hội thành công cụ bảo vệ đảng.
Mùa đại hội đảng năm nay, người dân lại được chứng kiến những người cộng sản đang hối hả học bài học giữ ngôi của các vương triều phong kiến. Cha truyền con nối của vương triều là để giữ ngôi vua. Cha truyền con nối chiếc ghế quyền lực của những người cộng sản hôm nay là để giữ đảng.

Câu hỏi Tổ quốc hay đảng được Tiến sĩ Hà Sĩ Phu phân tích trên trang blog Dân Quyền, qua câu chuyện Bộ giáo dục Việt Nam dự định biến môn lịch sử trở thành một phần nhỏ kết hợp với các môn học khác. Trong bài phân tích đó ông cho rằng môn lịch sử vốn đã bị đảng cộng sản Việt Nam biến thành một lĩnh vực mang nhiều tính chính trị, nay lại nhập vào các môn như giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng lại sẽ càng bị tính đảng lấn lướt hơn nữa. Và điều quan trọng ông nhấn mạnh là phần lịch sử chống Trung quốc xâm lược vốn là quan trọng nhất trong quá khứ của dân tộc Việt Nam, sẽ dần dần bị các thế hệ tương lai của người Việt quên đi.

Ông Hà Sĩ Phu lo lắng cho tương lai lệ thuộc vào Trung quốc như giới bloggers vẫn bàn tán về một âm mưu sát nhập Việt Nam vào Trung quốc bấy lâu nay. Mặc dù vẫn chưa có những dẫn chứng cụ thể về thuyết âm mưu đó, nhưng ông cũng dẫn ra một nguồn tin nói rằng từ thời ông Lê Khả Phiêu còn đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, các cán bộ đảng cộng sản Trung quốc đã khuyên các người đồng chí Việt Nam của họ rằng nên viết lại lịch sử Việt Nam!

Số phận của Lịch sử Việt Nam!

Câu chuyện về số phận của môn lịch sử Việt Nam đã trở thành đề tài lo âu nhất của bloggers, nhà báo Việt Nam trong tuần qua.

Blogger Người Buôn gió phản biện lại nguyên nhân mà những người chủ trương giảm tầm quan trọng của môn lịch sử đưa ra. Những người này nói rằng sở dĩ họ muốn kết hợp môn lịch sử với các môn khác là vì hiện nay học sinh không thấy ham thích học môn học này. Người Buôn Gió cho rằng Nguyên nhân môn lịch sử VN không thu hút được học sinh, bởi nó được soạn  theo ý đồ chính trị của Đảng CSVN, của Ban tuyên giáo ĐCSVN.

Đó cũng là nội dung nói về việc đảng cộng sản chủ trương đưa chính trị vào môn lịch sử mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã đề cập đến.

Trong nội dung môn lịch sử được giảng dạy ở các trường phổ thông tại Việt Nam hiện nay, giai đoạn từ khi đảng cộng sản Việt Nam được thành lập vào năm 1930 trở về sau là được mang ra giảng cho học sinh nhiều nhất, mặt dù giai đoạn này chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc, hay thậm chí so với 2 ngàn năm tính từ những trang sử bằng chữ viết ra đời. Hơn nữa giai đoạn này cũng được giảng dạy theo quan điểm của đảng cộng sản mà thôi. Chuyện này làm giới blogger và cư dân mạng Việt Nam dấy lên phong trào thách thức nhà nước Việt Nam hãy giảng dạy lịch sử theo nhiều góc nhìn khác nhau.

Cách giảng dạy lịch sử như thế của đảng cộng sản được blogger Viết từ Sài gòn cảnh báo:

Cái giá của một nền chính trị mà trong đó ký ức dân tộc, lịch sử dân tộc bị chính trị hóa, sau đó đánh lệch hướng và tẩy não, thay thế bằng cái bóng của chế độ cầm quyền sẽ là sự vong nô của tương lai.

Nhưng trong những ngày mà những người yêu lịch sử dân tộc đang rất bi quan thì tác giả Kim Ngọc Cương viết bài Tổ quốc và chế độ, trong đó khẳng định rằng:

Dân tộc Việt Nam không bao giờ vì Chế độ mà để mất Tổ Quốc.
Không một thế lực nào có thể xóa được Lịch sử đau thương mà kiêu hãnh của Dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi xin mượn lời Kim Ngọc Cương làm phần kết cho chương trình điểm blog hôm nay.





No comments: