Monday, September 14, 2015

Tương lai chính trị Việt nam, nhìn từ Malayxia? (Kami)





Thu, 09/10/2015 - 13:17 — Kami

Đối với người Việt nam, khi nhắc đến các nền dân chủ ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì thường người ta nghĩ đến Thái lan (dù rằng hiện nay Thái lan đang được quản lý bởi một chính quyền quân sự sau đảo chính), mà ít người nghĩ đến Singapore, vì họ cho rằng đó là một quốc gia có nền dân chủ trong khuôn khổ và mang hơi hướng độc tài, gia đình trị.

Trong 8 quốc gia Đông Nam Á còn lại, ngoài Lào và Việt nam là 2 quốc gia mang hơi hướng cộng sản, còn có thêm Myanmar đang từ độc tài quân sự mới chuyển mình, còn ở Vương quốc Brunei thì càng không có dân chủ. Các quốc gia còn lại với nền chính trị dân chủ, đa đảng như ở Campuchia nền dân chủ dưới thời Thủ tướng Hunsen cũng chẳng mấy sáng sủa, song Malayxia với đảng UMNO đã cầm quyền trong suốt 58 năm thì đã khá thành công. Như vậy nền chính trị dân chủ chỉ còn tồn tại ở 2 quốc gia là Indonexia và Philippines.

Sự phát triển của Malayxia trong nhiều thập niên qua là bài học đáng để một quốc gia như Việt nam nhìn nhận và học tập, trên mọi phương diện.

Ít ai trong số chúng ta biết rằng, thu nhập bình quân đầu người của Malayxia khá cao và đứng hàng thứ 2 trong khu vực Asian, với tỷ lệ dân sở hữu ô tô cao khoảng 40%. Trong vòng 5 năm tới Malayxia sẽ đứng trong nhóm các quốc gia phát triển với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD/người. Như vậy, Malayxia là quốc gia thứ 2 trong khối Asian đạt được kỳ tích này sau Singapore.

Thế mạnh & hạn chế

Với một lượng dân số có trình độ, có khả năng sự dụng thành thạo tiếng Anh, là kết quả của nền giáo dục Malayxia khi dựa trên nền tảng của giáo dục của phương Tây. Ngoài ra với hơn ¼ dân số là người Malaixia gốc Hoa, có khả năng sử dụng Hoa ngữ một cách thành thạo là điều kiện khiến cho Malayxia tiến hành thương mại tốt với Trung quốc. Cộng với một cơ sở hạ tầng tốt về cơ sở đường xá và giao thông vận tải, với eo biển Malaca một vị trí địa lý có giá trị kinh tế cao, là cầu nối giữa Thái Bình dương và Ấn Độ dương. Ngoài ra công nghệ thông tin ở quốc gia này rất phát triển, với một hệ thống thông tin hiện đại và tiên tiến, đây là kết quả của chính sách coi trọng và ưu tiên cho việc phát triển công nghệ thông tin của Chính phủ Malayxia trong suốt 20 năm qua. Điều đó đã đưa Malayxia được xếp loại để trở thành 1 trong 20 nước có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất trên thế giới.

Một điểm không thể không nhắc đến, đó là Malayxia là một quốc gia có thiên nhiên trù phú, giàu tài nguyên, Với một trữ lượng dầu mỏ khá lớn, nguồn hơi đốt phong phú cộng với việc là một quốc gia sản xuất dầu cọ hàng đầu, điều đó đã khiến cho Malayxia có giá xăng dầu rẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Đây là một lợi thế giúp cho hàng hóa của Malayxia có sức cạnh tranh tốt.

Yếu điểm của Malayxia là vấn đề đa sắc tộc, với đa số dân là người gốc Malayu cộng với nhóm người gốc Trung quốc và Ấn độ luôn tiềm ẩn những bất đồng, cho dù thời gian gần đây nó không thể hiện một cách rõ nét. Song việc đoàn kết dân tộc luôn được đề cao ở Malayxia, đảng cầm quyền UMNO đã khá thành công trong việc đoàn kết các nhóm sắc tộc ở Malayxia, song lực lượng ủng hộ họ chủ yếu là nhóm người Malayxia gốc Malayu, lực lượng chiếm đa số. Tuy vậy ván đề sắc tộc còn có nhiều thách thức.

Chính trị 

Malayxia là một quốc gia có nền chính trị tự do và sự ổn định chính trị của Malayxia với chính phủ của một đảng chính trị duy nhất cầm quyền liên tục trong 58 năm qua, đó là đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Malaysia (UMNO). Điều đó đã khiến cho các chính sách phát triển của quốc gia này được duy trì liên tục. Có ý kiến cho rằng dù đảng UMNO ở Malayxia nắm quyền điều hành đất nước liên tục trong nhiều chục năm, song thời gian gần đây hệ thống các đảng đối lập ở Malayxia cũng đang dần dần khôi phục vị thế của mình. Đồng thời sự mất đoàn kết giữa các lãnh tụ trong nội bộ đảng UMNO trong thời gian gần đây đã khiến các nhà phân tích chính trị thấy rằng, vị thế của đảng UMNO đã có chiều hướng lung lay.

Đây là một nhận định chưa chính xác, bởi cuộc biểu tình của nhóm Bersih 4 - một nhóm ủng hộ đảng UMNO trong 2 ngày 29-30 tháng 8/2015 vừa qua tổ chức biểu tình phản đối Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, người đang bị cáo buộc tham nhũng vì đã nhận 700 triệu USD từ quỹ đầu tư 1MDB (1Malaysia Development Berhad) trong tình cảnh đang nợ nần chồng chất. Cuộc biểu tình với nhiều vạn người tham gia diễn ra trong bối cảnh sức ép đang đè nặng lên Thủ tướng Malaysia Najib Razak, khi dư luận và các nhân vật đối lập đòi ông phải giải thích về việc ông và gia đình đang sở hữu gia tài kếch sù. Song thực chất cuộc biểu tình của Bersih 4 được cho là với mục đích để thay thế ông Najib Razak bằng một người khác thân với cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Và ông Mahathir Mohamad bị cáo buộc là người dứng sau cuộc biểu tình chống Thủ tướng Najib Razak. Sự có mặt của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad trong cuộc biểu tình vừa qua, điều đã khiến cho ông phải đối mặt với cáo buộc tham gia biểu tình trái phép của cảnh sát Malayxia.

Mà cần phải hiểu, đảng UMNO không được phép chia rẽ để thất bại, vì họ đã ở thế ngồi trên lưng cọp nghĩa là trong suốt 58 năm qua mọi bí ẩn trong nội bộ đảng UMNO chưa ai được biết đến, kể cả phe đối lập. Nếu như bây giờ nội bộ UMNO rạn nứt và thất cử thì như thế sẽ là dịp người dân Malayxia sẽ biết được toàn bộ mặt trái của chính trị Malayxia trong suốt 58 năm qua dưới sự cầm quyền của đảng UMNO. Đây cũng chỉ là một nhận xét, mà ít có cơ hội xảy ra, bởi vì trong lúc này Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak đang nắm trong tay sự ủng hộ tuyệt đối từ các chi nhánh của đảng UMNO trên toàn Malayxia. Hơn nữa ngay trong nội bộ đảng UMNO, ông Najib Razak cũng hoàn toàn chưa có đối thủ. Nên nhớ Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak sinh ra trong một dòng tộc chính trị gia có tiếng ở Malayxia, ông là con trai của thủ tướng thứ hai của Malayxia - ông Abdul Razak Hussein và cháu trai của thủ tướng thứ ba - ông Hussein Onn.

Ở Malayxia, toàn bộ hệ thống truyền thông nằm trong sự quản lý của đảng UMNO, chủ của các kênh truyền hình lớn, các tờ báo hàng đầu hay các đài phát thanh đều là người của đảng UMNO. Phe đối lập không hề kiểm soát được truyền thông, những ý kiến phản biện chỉ xuất hiện trong hệ thống blog cùng với các mạng xã hội. Kể cả cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad muốn lên tiếng cũng phải sử dụng đến blog làm phương tiện và không itd lần blog của ông Mahathir Mohamad bị đánh sập.  Đây là nguyên nhân chính đã khiến cho các đảng phái đối lập không phát triển được và giành được sự ủng hộ của người dân.

Bài học

Binh pháp Tôn Tử có nói rằng: “Việc dụng binh quý thắng ... muốn giành thắng lợi phải “biết mình, biết người trăm trận không nguy”, vì thế hôm nay muốn nói về chuyện chính trị của Malayxia, một quốc gia láng giềng của Việt nam là điều có lẽ ít người biết. Qua đó để bạn đọc có thể thấy nền chính trị của Malayxia có rất nhiều nét tương đồng với chính trị Việt nam hiện nay trong điều kiện một đảng chính trị duy nhất nắm chính quyền trong suốt 58 năm, cho dù họ vẫn là một nền dân chủ, đa đảng. Nhiều người có suy nghĩ cho rằng, nếu ở Việt nam tiến hành cải cách thể chế chính trị, chấp nhận đa đảng là mọi việc sẽ suôn sẻ, đảng (hoặc tập hợp các đảng) nào giành được sự ủng hộ của số đông sẽ nắm chính quyền và tiến hành lãnh đạo đất nước theo đường lối chính sách của mình. Song trên thực tế thì mọi việc sẽ diễn ra không như họ nghĩ, mà bề dày và ảnh hưởng của một đảng chính trị cũng có một ý nghĩa quyết định hết sức quan trọng. Mà đảng CSVN hiện nay đang nắm giữ các lợi thế đó.

Vừa qua, một số bạn đọc có gửi thư đến và thắc mắc về bài viết "Việt nam: 70 năm vẫn lạc đường và đâu là lối thoát?" của tôi được đăng trên trang website RFA tiếng Việt, theo đó họ không đồng ý với nhận định của tôi khi cho rằng: "Với nhận thức và tư duy chính trị của trí thức Việt nam hiện nay thì việc thiết lập một nền dân chủ rộng rãi kiểu phương Tây, kể cả việc đa đảng là chưa thực sự cần thiết. Chính trị của các quốc gia Asian đã cho thấy điều đó. Mà hãy thiết lập một nền dân chủ "tự do một phần" kiểu Singapore như hiện nay có lẽ là mô hình thích hợp đối với Việt nam trong vòng 20 năm tới". Và có nhiều bạn đọc tỏ ý nghi ngờ về nhận định cho rằng: "Chính trị của các quốc gia Asian đã cho thấy điều đó.". và đặt câu hỏi căn cứ vào đâu để tôi đánh giá như vậy?

Hy vọng qua bài viết này sẽ là lời giải thích, đồng thời cũng giúp những ai quan tâm đến vấn đề chính trị khu vực và hiểu thêm được xu thế dân chủ của các nước trong khu vực Asian, nó còn đang diễn ra khác khá xa với các tiêu chí của dân chủ phương Tây. Tuy vậy, với một mô hình chính trị như vậy cũng là điều kiện để các quốc gia đó phát triển và bền vững. Từ đó để có một định hướng cho một nền dân chủ ở Việt nam trong tương lai.

Ngày 10/9/2015
© Kami

--------------------
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.






No comments: