Saturday, September 19, 2015

Toàn bộ câu chuyện của em bé Napalm (Sven Felix Kellerhoff - Die Welt)





Sven Felix Kellerhoff
Phan Ba dịch
Tháng Chín 18, 2015

Chiến tranh luôn luôn tàn nhẫn – đối với quân nhân cũng như với thường dân. Bao giờ cũng có những người ngoài cuộc chết trong chiến tranh, thậm chí trong các xung đột của thời hiện đại thường có nhiều “nạn nhân phụ” hơn là những người chết mặc quân phục. Điều đó cũng đúng cho cuộc Chiến tranh Việt Nam từ 1945 cho tới 1975, mà trong đó số người dân thường chết cao tròn gấp ba lần con số quân lính của cả hai bên.

Biểu tượng: Vào ngày 8 tháng Sáu 1972, ngôi làng Trảng Bàng cách Sài Gòn không xa bị không kích. Trần truồng và cháy bỏng, Kim Phúc lúc đó 9 tuổi bỏ chạy – và bị chụp ảnh. Với phiên bản bị cắt xén này, hình ảnh của em đã đi khắp thế giới và ngay lập tức đã trở thành một biểu tượng lên án chiến tranh. Hình: picture alliance / AP

Ngẫu nhiên vào cùng một thời gian đó, thời gian mà với John Kerry và Check Hagel, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm hai cựu chiến binh Việt Nam hết sức khác nhau vào chính phủ của ông, đã xuất hiện một tài liệu mang nhiều tính lay động mà theo đó quy mô của tội phạm chiến tranh chống lại người Việt còn lớn hơn nhiều so với những gì được biết tới cho đến ngày hôm nay. Thế nhưng có tác động còn mạnh hơn cả tài liệu này là những hình ảnh biểu tượng trong nhận thức của công chúng, trên khắp thế giới.

Ngày nay, các tội phạm của quân đội Nam Việt Nam và quân đội Mỹ đã được công nhận, ngay khi người ta hầu như không nói một lời nào về những tội phạm của người cộng sản Bắc Việt. Nhưng đáng quan tâm hơn cả sự bất cân bằng này là việc cả hai biểu tượng hình ảnh quan trọng nhất, đứng đại diện cho cuộc Chiến tranh Việt Nam trong ký ức của tập thể, phải được xem xét hết sức khác đi.

Xử bắn trước máy quay phim

Lần hành hình một chiến binh Việt Cộng bởi người chỉ huy cảnh sát Sài Gòn vào ngày 1 tháng Hai 1968, trong thời gian đợt tấn công Tết Mậu Thân của du kích cộng sản, đã được biết tới như là hiện thân của sự vô nhân đạo. Thế nhưng nghi ngờ ở đây là có cơ sở, vì người đàn ông trẻ bị bắn chết này được cho là đã tàn sát nhiều người dân thường trước đó một cách dã man – điều mà tấm ảnh nổi tiếng này không cho thấy.

Trường hợp của tấm ảnh biểu tượng thứ nhì hoàn toàn khác. Bức ảnh thành hình vào ngày 8 tháng Sáu 1972 trên con đường dẫn tới Trảng Bàng và cho thấy một cô bé trần truồng đang hét to và giang hai tay cầu cứu. Đó là em Kim Phúc chín tuổi, và em là một nạn nhân vô tội, hoàn toàn không thể nghi ngờ gì được: nhiên liệu lỏng trong bom xăng đã đốt cháy một phần lớn lưng của em.

Bức ảnh nguyên thủy: Tấm hình mà nhà nhiếp ảnh Nick Út chụp cho thấy một góc nhìn hơi khác. Một đồng nghiệp bình thản đặt một cuộn phim vào trong máy ảnh của ông ta trong khi Kim Phúc chạy ngang qua. Cả những đám mây napalm trông cũng ít nguy hiểm hơn. Hình: picture alliance / AP

Nhà nhiếp ảnh người Việt Nick Út đã chụp bức ảnh nổi tiếng này, cái được tặng giải “World Press Photo” năm 1972 và Giải Pulitzer năm kế tiếp theo sau đó. Từ lúc đó, bức ảnh của ông được biết tới như là “Em bé Napalm” vì được in trong vô số tạp chí và sách, được quay lại trong hàng trăm phim tài liệu truyền hình. Nó đã trở thành một phần của những tấm áp phích tuyên truyền và tác phẩm nghệ thuật, những nhà nhiếp ảnh khác làm theo hay cách điệu tấm ảnh gốc.

Chuyên gia cho “Lịch sử trực quan”

Giờ đây, Gerhard Paul, giáo sư về lịch sử tại trường Đại học Flensburg [Đức] và là một trong số những nhà dẫn đầu trên thế giới về “Lịch sử trực quan” đã giải thích toàn bộ câu chuyện của bức ảnh nổi tiếng thế giới này. Trong quyển sách mới của ông, “Bildermacht” [“Sức mạnh của hình ảnh”], ông đã tập hợp 17 nghiên cứu tỉ mỉ về những bức ảnh nổi tiếng, đặt dấu ấn trong ký ức của tập thể. Thuộc vào trong đó là các bức ảnh của Adolf Eichmann trong lồng kính trước Tòa án Jerusalem năm 1961, nhưng cũng cả những bức ảnh mỹ thuật thể hiện chân dung của Mao Trạch Đông như một nhà cai trị và hình ảnh truyền hình của cuộc tấn công vào World Trade Center ở New York vào ngày 11 tháng Chín 2001.

Nhưng đặc biệt đáng chú ý là bài về “Em bé Napalm”. Không hề muốn tương đối hóa hay thậm chí muốn giảm nhẹ những đau khổ của Kim Phúc, Paul tái hiện lại từng phút một hoàn cảnh mà bức ảnh đã hình thành ở trong đó và tình hình đã tiếp tục diễn ra như thế nào sau lần chụp nổi tiếng đó.

Cả bức ảnh này cũng cho thấy các phóng viên chiến trường đang có mặt bình thản chú tâm vào diễn tiến cho tới đâu. Họ là những người Mỹ duy nhất ở tại chỗ. Hình: picture alliance / united archive.

Địa điểm của bức ảnh là ở gần ngôi làng Trảng Bàng phía Tây-Bắc Sài Gòn nằm cách mặt trận khoảng một dặm. Vào đầu tháng Sáu 1972, Hoa Kỳ đã bắt đầu “Việt Nam hóa” cuộc Chiến tranh Việt Nam từ lâu, tức là rút quân của họ và trao càng nhiều hoạt động quân sự về cho quân đội Nam Việt Nam càng tốt. Vì vậy mà không có quân lính Mỹ chiến đấu ở đây, mà là các đơn vị của Sư đoàn 25 Việt Nam. Người Mỹ trên bức ảnh nổi tiếng đó hầu hết là phóng viên và nhiếp ảnh gia chiến trường, những người mà vào lúc sáng sớm đã đi xe đến đây trong dự đoán sẽ có chiến sự nhiều ấn tượng – cũng như Nick Út.

Đó là bắn nhầm

Vào buổi trưa, viên chỉ huy Nam Việt Nam tại chỗ đã yêu cầu một cuộc không kích để hỗ trợ cho binh sĩ của ông trong chiến sự trên mặt đất. Thế nhưng ít nhất là năm quả bom cháy được ném sau đó đã rơi vào chính những vị trí của họ quanh Trảng Bàng. Vài ngôi nhà ít ỏi ở đó cũng bị bắn, mặc dù không có kháng cự.

Bức ảnh được luôn được biến thể và biến đổi như trên tấm áp phích tranh cử tổng thống Mỹ này của năm 1972. Hình: NXB Wallstein.

Tại cuộc tấn công lầm lẫn này cũng có nhiều binh lính Nam Việt Nam bị thương vì “bắn nhầm”. Theo hồi tưởng của cả hai phóng viên chiến trường Peter Arnett (lúc đó Associated Press, sau này CNN) và Fox Butterfield (“New York Times”), ngoài phóng viên ra thì không có người nước ngoài ở tại chỗ.

Hậu quả của cuộc tấn công nhầm lẫn này thật là bi đát: khi những làn khói vừa tan đi, nhiều thường dân bị thương và hoảng loạn đã lảo đảo chạy từ ngôi làng ra đến chỗ các phóng viên ảnh quanh Nick Út. Trong số đó có cả Kim Phúc, ngoài ra là anh chị em và bà của em, người đang ôm một đứa bé sắp chết trên tay.

Những gì diễn ra sau đó cũng tồi tệ không kém – và xuất phát từ các phóng viên đang có mặt tại chỗ: họ làm công việc làm của họ giống như thể không có gì xảy ra, chụp ảnh và quay phim hay thu nhận ấn tượng cho bài báo của họ. Cả Nick Út cũng bấm nhiều lần vào chiếc máy ảnh Leica của ông, trước khi ông và đồng nghiệp lo cho những đứa bé bị thương. Tất nhiên là sau này khi nhìn lại thì ông không hề nói gì về việc này cả.

Nhà báo trong chiến tranh

Gerhard Paul nói: “Khác với những gì mà Nick Út sau này luôn luôn quả quyết, chính những bức ảnh đó ít thể hiện ‘cuộc chiến như nó là’ mà thể hiện thái độ cư xử của các đại diện truyền thông trong chiến tranh đối với những nạn nhân của nó.” Nhà sử học tái hiện thật cẩn thận việc bức ảnh nổi tiếng đó đã được xử lý như thế nào, tức là đã được cắt xén – và tại sao những bức ảnh chụp khác bị loại ra.

Cả một bức ảnh được chụp ít lâu sau đó của nhiếp ảnh gia người Việt Hoang van Danh, mà trên đó Kim Phúc không còn hét lên vì đau đớn nữa, lẫn một bức ảnh cho thấy các phóng viên đang làm việc, đều không nổi tiếng. Cả hai bức ảnh này hẳn là sẽ làm giảm thiểu tác động của “Em bé Napalm”.

Giữa hai biểu tượng quảng cáo. Hình: NXB Wallstein.

Thêm vào đó, bức ảnh nguyên thủy còn được cắt xén rõ để tăng cường độ: những đám mây napalm ở chân trời trông rất nguy hiểm, cũng như những người đàn ông đội nón sắt ở phía sau – không phải là những người lính, mà là phóng viên. Nhưng trước hết là người ta đã cắt bớt phần bên phải, phần mà ở trên đó phóng viên David Burnett của “Time Magazine” đang hết sức bình thản thay phim cho chiếc máy ảnh của ông, trong khi Kim Phúc vừa gào khóc vừa chạy ngang qua người ông.

Bước đường thăng tiến của một bức ảnh biểu tượng

Ngay ngày hôm sau, báo ở Hoa Kỳ, nhưng cũng cả ở Đức, đã đăng lại phiên bản được cắt xén và chỉnh sửa nhẹ của bức ảnh Nick Út. Qua đó, bước đường thăng tiến của tấm hình này đã bắt đầu, cái đã trở thành áp phích bầu cử trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang bắt đầu – và chẳng bao lâu sau đó đã trở thành mô típ cho những chuyển thể nghệ thuật ít nhiều đều khiếm nhã.

Gerhard Paul phán xét về phiên bản “Can’t beat the feeling” của nghệ sĩ trên đường phố Bansky như sau, phiên bản mà ở trên đó cô bé gái gào khóc đứng giữa Mickey Mouse và hình ảnh quảng váo cho McDonald’s: “Là một biểu tượng toàn cầu, qua đó Kim Phúc đứng ngang hàng với hai biểu tượng quảng cáo trung tâm của thế kỷ. Cô xuất hiện theo cách bị giáng cấp xuống vị thế của một hình ảnh quảng cáo.”

Các phân tích tỉ mỉ trong quyển sách mới của Paul cho thấy người ta cần phải hành xử cẩn thận với những hình ảnh biểu tượng như thế nào. Những tấm ảnh ngay từ lúc chưa xử lý đã cách xa hiện thực cho tới đâu, huống hồ gì những bức ảnh được chỉnh sửa và cách điệu.

Trong một thế giới nặng về hình ảnh như thế giới ngày nay, tính chính xác và đúng đắn của các nghiên cứu của ông đơn giản là làm cho người ta cảm thấy thật dễ chịu.








No comments: