Thursday, September 10, 2015

Tích hợp các môn học: thêm một đòn giáng mạnh vào nền giáo dục (Nguyễn Trần Sâm)





Nguyễn Trần Sâm
10-9-2015

Một trong những nội dung “cải cách giáo dục” mà bộ GD-ĐT đã bắt đầu thực hiện là “tích hợp” các môn học. Những môn gần nhau, ví dụ Lý, Hóa và Sinh, được dồn làm một và gọi là môn “khoa học”, và nếu như trước đây được 3 thầy/cô dạy thì sắp tới sẽ chỉ còn 1 người dạy (hoặc “định hướng” cho học trò “tự phát minh”, theo quan điểm “chỉ đạo” của bộ).

“Đề án” này thực sự gây kinh hoàng hay chí ít là gây ngao ngán và lo lắng cho những người quan tâm đến GD.

Vậy, phải chăng việc “tích hợp” như vậy là sai trái, là phản khoa học? Xin thưa, KHÔNG phải vậy. Tích hợp hay chia thành các môn như đang làm từ trước đến giờ, mỗi kiểu đều có những ưu và nhược điểm của nó. Và cũng CÓ THỂ về tổng thể thì kiểu “tích hợp” là tốt hơn kiểu chia nhỏ các môn học.

Vấn đề là: Ngay cả nếu kiểu “tích hợp” về cơ bản là tốt hơn ít nhiều so với kiểu “phân chia” thì cái lợi thu được cũng không thấm tháp gì so với tác động tàn phá của việc chuyển đổi từ “phân chia” sang “tích hợp”.

Thực ra thì chất lượng GD không phụ thuộc đáng kể vào việc “tích hợp” hay “phân chia”. Trong một nền GD, kể cả tất cả các giáo viên đều chỉ dạy được mỗi người một môn “phân chia”, hay mỗi giáo viên đều dạy được vài ba môn (hay một môn “tích hợp”), hoặc số này thì dạy được mỗi người một môn, số khác thì mỗi người lại dạy được vài ba môn, điều đó đều không gây ra khó khăn nào đáng kể cho việc phân công giảng dạy và cho việc giữ vững chất lượng GD. Việc GD hiện nay lâm vào tình trạng nát bét với chất lượng sa sút toàn diện không phải do không tích hợp các môn học, mà do những nguyên nhân hoàn toàn khác.

Trong bối cảnh hiện nay, khi hầu như toàn bộ đội ngũ giáo viên được đào tạo để phù hợp với kiểu “phân chia”, và toàn bộ sách giáo khoa được viết cho từng môn như đang có, tham vọng của lãnh đạo bộ GD-ĐT về việc “tích hợp” các môn học sẽ dẫn đến những tai họa sau đây:

Một là sẽ tốn một lượng tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước (mà với cách chi như hiện nay thì có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ) để biên soạn lại toàn bộ sách giáo khoa và các loại sách tham khảo, hỗ trợ dạy và học, đồng thời để đào tạo lại đội ngũ hàng trăm ngàn giáo viên.

Hai là sẽ làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giảng dạy, kéo theo giảm sút chất lượng học. Những giáo viên đã dạy một số năm, bây giờ lại phải đi học lại, sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, và chất lượng của việc học lại sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu cần thiết. Trong ngành GD, bất cứ ai cũng biết rõ rằng những hình thức đạo tạo như “chuyên tu”, “tại chức”, “liên thông”, “đào tạo lại”, “bồi dưỡng thường xuyên” không hề có tác dụng nâng cao trình độ thực sự.

Ba là, do sự thất bại của việc “đào tạo lại” nói trên, quá trình này sẽ gây ra thêm một làn sóng giả dối – một điều tối kỵ trong GD. Từ trước đến nay, GD đã bị bao trùm bởi một không khí giả dối, và đó chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự xuống cấp tệ hại của nó, bây giờ lại sẽ có thêm một đợt sóng mới của sự giả dối, nhấn chìm hoàn toàn nền GD. Do chất lượng “đào tạo lại” không bảo đảm, việc dạy và học sa sút nghiêm trọng, nhưng vì muốn chứng minh rằng đường lối “tích hợp” là đúng đắn, hệ thống quản lý GD từ trên xuống dưới sẽ tìm mọi cách để che giấu sự xuống cấp, bố trí và dàn dựng để mọi thầy cô đều tham gia vào việc tô vẽ cho bộ mặt của ngành GD, để chứng tỏ rằng chất lượng GD đang “đi lên”. Và một khi mọi thầy cô đều tham gia vào những trò giả dối thì đó sẽ là đòn đánh cuối cùng làm nền GD suy sụp hẳn. Hậu quả của việc đó là gì thì không ai có thể tiên lượng được, chỉ biết là sẽ vô cùng tệ hại.

Việc dạy và học theo kiểu “tích hợp” hay “phân chia” – đó đơn giản là việc lựa chọn. Lựa chọn cái nào – điều này không phải là yếu tố quan trọng đối với chất lượng GD. Nhưng một khi đã chọn hình thức này một cách đại trà thì việc cố tình dùng quyền hành và tài lực của nhà nước để chuyển đổi sang hình thức kia là một việc làm nguy hiểm, chắc chắn dẫn đến những kết quả tồi tệ.

Nếu các quan chức lãnh đạo GD thực sự muốn thấy một nền GD thông thoáng thì việc mà họ nên làm là cho phép và khuyến khích các trường tự chọn “tích hợp” hay “phân chia”. Việc biên soạn một bộ SGK “tích hợp” cũng nên thực hiện theo hình thức để cho các cá nhân hay nhóm người đủ tư cách về chuyên môn đứng ra đăng ký làm, sau đó đánh giá, nghiệm thu theo một hình thức nào đó (nhưng phải tiến hành bởi các hội đồng chuyên môn không bị chi phối bởi “cánh hẩu” của các quan chức bộ). Khi đó, từng trường sẽ tìm ra cách thích nghi với sự lựa chọn mà họ đã thực hiện.

Nhưng đừng hy vọng “bộ ta” sẽ làm như vậy!

NGUYỄN TRẦN SÂM




No comments: