Monday, September 21, 2015

Thắng lợi của đảng Syriza: Hy vọng cho Hy Lạp và Châu Âu (Thanh Hà - RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 21-09-2015 17:35

Với hai thắng lợi liên tiếp trong hai cuộc bầu cử cách nhau 9 tháng của đảng Syriza, Hy Lạp có triển vọng mạnh tay tiến hành cải tổ để thoát khỏi khủng hoàng kéo dài. Các chủ nợ của Athens đang kỳ vọng nội các mới của thủ tướng Alexis Tsipras nhanh chóng bắt tay vào việc để đưa thành viên yếu kém nhất khối euro ra khỏi chu kỳ suy thoái.

Một lần nữa đảng Syriza và thủ tướng Alexis Tsipras lại tạo bất ngờ. Trái với mọi dự báo, đảng cánh tả cấp tiến đã dễ dàng chiếm đa số ở Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 20/09/2015. Riêng với cá nhân thủ tướng Hy Lạp, hơn 35 % số phiếu ủng hộ là một thắng lợi của ông Tsipras trước các chủ nợ châu Âu, trước cử tri và nhất là trước các thành phần cực tả trong chính đảng Syriza.

Thắng lợi của đảng Syriza và của cá nhân ông Alexis Tsipras đang làm dấy lên hy vọng cho Hy Lạp và cho cả Châu Âu.

Đây là lần thứ nhì trong 9 tháng cầm quyền, thủ tướng Alexis Tsipras đặt sự nghiệp chính trị của ông trong tay cử tri qua cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 7/2015 và cuộc tuyển cử trước thời hạn lần này.

Kết quả bầu cử hôm qua là một điều hợp lý, khi biết rằng, lúc lên cầm quyền vào tháng Giêng, đảng Syriza cánh tả của ông Alexis Tsipras cam kết làm tất cả để Hy Lạp trụ lại được trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng thời Athens đòi được xóa bớt nợ và nhất là giành lại quyền tự định đoạt lấy tương lai.

Trong 9 tháng qua, nội các Tsipras đã ráo riết thương lượng với các chủ nợ, gồm Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu. Đương nhiên Alexis Tsipras đã không đạt được tất cả những mục tiêu đã đề ra trong chương trình vận động tranh cử và đã phải nhượng bộ Bruxelles.

Dù bước vào đấu trường trong thế yếu, nhưng lãnh đạo của đảng Syriza đã buộc các chủ nợ phải nhẹ tay hơn với Athens, cho Hy Lạp thêm thời gian để cân bằng ngân sách, để thanh toán nợ công. Hy Lạp vẫn được tồn tại trong khu vực đồng euro, sẽ được nhận thêm một gói hỗ trợ thứ ba với những điều kiện ít khắt khe hơn so với hai lần trước. Trong mắt người dân Hy Lạp đó là những điểm son nội các Tsipras đã đạt được trong 9 tháng qua.

Đổi lại, đảng Syriza đã phải nhượng bộ các chủ nợ, đặc biệt là trên vấn đề thuế khóa, nhất là thuế trị giá gia tăng TVA, hay trên hồ sơ tư hữu hóa các doanh nghiệp và tài sản của nhà nước… Chính vì những nhượng bộ đó mà một phần những « người bạn đồng hành » với ông Alexis Tsipras mới chỉ trong cuộc bầu cử hồi tháng 1/2015 đã quay lưng lại với đảng Syriza.
Nhưng kết quả cuộc bầu cử ngày hôm qua cho thấy cánh cực đoan nhất trong đảng, đã thua đậm. Một số tiếng nói ly khai với Syriza có chủ trương từ bỏ đồng euro để quay lại với đồng drachme hay những người quyết liệt đòi « quỵt nợ » Châu Âu đã mất luôn chiếc ghế đại biểu Quốc hội.

Nhưng có lẽ thành công rực rỡ nhất của Alexis Tsipras là các lãnh đạo của châu Âu, từ Chủ tịch nhóm Eurogroupe Jeroen Dijsselbloen đến Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Martin Schulz, hay Ủy ban Châu Âu đã có lời chức mừng thắng lợi của Syriza. Đó là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Syriza và Alexis Tsipras là những đối tác không thể thiếu của Bruxelles để giải quyết khủng hoảng Hy Lạp.

Bởi thứ nhất khác với hai đảng Xã hội và Dân Chủ Mới liên tục thay nhau cầm quyền, đảng Syriza mới nổi lên không chịu ảnh hưởng nặng của các nhóm đặc quyền đặc lợi, cho nên đảng này có triển vọng dễ tiến hành cải tổ hơn hai đảng truyền thống. Đó là điều Bruxelles luôn đòi hỏi ở Athens.

Lý do thứ nhì khiến Châu Âu hài lòng, đó là kết quả bầu cử Hy Lạp ngày hôm qua chứng minh rằng dù có bất đồng về phương pháp và nhịp độ cải tổ, dù có chỉ trích chính sách của Bruxelles, nhưng khi trao cho Syriza và Alexis Tsipras quyền lực, đa số người dân xứ này vẫn thiết tha với Châu Âu. Chỗ đứng của Hy Lạp là trong gia đình Châu Âu.

Hơn nữa trong bối cảnh cả Liên Hiệp Châu Âu đang đương đầu với khủng hoảng người nhập cư, thì Bruxelles đã ý thức được rằng, hơn bao giờ hết Athens là một đồng minh mà Liên Hiệp không thể bỏ rơi.

-----------------







No comments: