Thursday, September 10, 2015

Nhà báo Ðỗ Hùng ‘vẫn ở lại báo Thanh Niên’ (Người Việt)





Thursday, September 10, 2015 2:16:20 PM 

Bài liên quan


HÀ NỘI (NV) - Nhà báo Ðỗ Hùng, người vừa bị cách chức phó tổng thư ký tòa soạn Thanh Niên Online và bị thu hồi thẻ nhà báo vì một bài viết trên facebook đề cập đến ông Hồ Chí Minh và Tướng Giáp, sẽ vẫn ở lại làm việc tại báo Thanh Niên, nhưng ở vị trí biên tập viên.
Nguồn tin của báo Người Việt trích lời ông Nguyễn Văn Hùng, vụ phó Vụ Báo Chí Xuất Bản, thuộc Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nói trong cuộc họp “giao ban” của cơ quan này hôm 8 tháng 9 ở Hà Nội cho hay như vậy.

Tại cuộc họp, giới chức này nói rằng: “Về phó tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên đăng facebook đúng Quốc Khánh, cộng các sai phạm trước đây, Hùng đã thừa nhận và cam kết chỉ sử dụng facebook để từ thiện, nghiệp vụ báo chí và không đề cập các vấn đề nhạy cảm, đã thừa nhận những sai phạm từ 2014, chấp nhận mọi hình thức kỷ luật.”

Vẫn theo lời ông Nguyễn Văn Hùng, “Chi bộ đảng báo Thanh Niên đã kỷ luật khiển trách, Ðỗ Hùng đã xin thôi các chức vụ trong đảng và đoàn, Ban Biên Tập báo Thanh Niên đã kỷ luật miễn nhiệm và cho xuống làm biên tập viên phụ trách thể thao. Sau đó Bộ Thông Tin Truyền Thông (4T) đã rút thẻ.”

Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Hùng cũng đề cập đến bài viết có tựa đề “Cái giá phải trả của Ðỗ Hùng” trên báo Năng Lượng Mới (Petro Times).

Bài viết này có nội dung đả kích, kết tội Ðỗ Hùng qua 5 bài viết trên mạng xã hội, với các lời lẽ như: “Thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng chưa bao giờ chấp nhận những kẻ lộng ngôn, ‘đốt đền,’ chà đạp lên cả xương máu của cha anh.” Ðồng thời khẳng định “việc cơ quan quản lý xử lý với Hùng như thế là thỏa đáng, thậm chí đã là nhân văn.”

Cũng trong cuộc họp này, ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng Bộ 4T, người ký lệnh thu thẻ nhà báo của ông Ðỗ Hùng, nói rằng: “Vụ Ðỗ Hùng đã xử lý, anh này cũng ăn năn. Ta xử nghiêm và tạo điều kiện sửa chữa khuyết điểm, đề nghị báo Thanh Niên tạo điều kiện.”

Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt hôm 10 tháng 9, ông Ðặng Việt Hoa, phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết: “Chỗ tôi, tôi xác tín được là Ban Biên Tập Báo Thanh Niên miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Thư Ký Tòa Soạn Báo Thanh Niên Ðiện Tử của Ðỗ Hùng, chuyển Ðỗ Hùng làm biên tập viên, công việc cụ thể sẽ do Ban Thư Ký giao.”

Ông Hoa nói thêm: “Tôi phụ trách đảng ở Báo Thanh Niên nên tôi khẳng định Ðỗ Hùng là đảng viên thôi chứ không có chức danh gì trong đảng. Còn chuyện Ðỗ Hùng xin miễn các chức danh bên đoàn, hội thì tôi chưa được ai báo cho tôi hết, vì Ðỗ Hùng là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðoàn (nhiệm kỳ 2012-2017, NV), không biết Ðỗ Hùng có gửi đơn hay không thì tôi chưa được biết.”

Báo Người Việt cũng đã liên lạc nhiều lần với nhà báo Ðỗ Hùng nhưng điện thoại luôn bị tắt ngang hoặc không bắt máy.
Nếu trở lại làm “mảng thể thao” thì đây là công việc đầu tiên của ông Ðỗ Hùng khi vào báo Thanh Niên trước khi được cất nhắc lên vị trí cao hơn.

*Nạn nhân của cuộc chạy đua quyền lực

Hôm 9 tháng 9, trang mạng Viet Studies công bố một bài viết của tác giả Bích Minh, tựa đề Cuộc đấu đá ngầm đằng sau vụ nhà báo Ðỗ Hùng bị tước thẻ.”
Viet Studies là trang mạng có tiếng do Giáo Sư Trần Hữu Dũng ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ, thành lập và điều hành, chuyên “điểm” các tin tức liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của Việt Nam.

Bài viết của tác giả Bích Minh cho thấy, ông Ðỗ Hùng chỉ là nạn nhân trong vụ chạy đua quyền lực của ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông (4T) với hai đối thủ là ông Trần Bình Minh, tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam (VTV) và ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng giám đốc công ty truyền thông quân đội của Bộ Quốc Phòng. Cả 3 ông này đều đang nhắm tới chức vụ bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông (4T,) thay ông Nguyễn Bắc Son, sau đại hội lần thứ 12 của đảng CSVN.

Với khoảng hơn 4,700 chữ, bài viết của tác giả Bích Minh, chỉ ra rằng, việc “xử lý” Ðỗ Hùng hoàn toàn không phải vì chuyện “phạm húy,” chuyện “lập trường, tư tưởng” hay bị các cơ quan quản lý báo chí “xem là vấn đề nghiêm trọng”...

“Ðằng sau việc dùng ‘lệnh miệng’ ép báo Thanh Niên xử lý, sau đó để Bộ 4T có cớ ban hành quyết định thu hồi thẻ nhà báo của Ðỗ Hùng là những toan tính cá nhân của chính người đã ký quyết định đó, tức thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn.”

Theo tác giả bài báo, trong “vụ xử lý Ðỗ Hùng chỉ là một ví dụ nhỏ trong chuỗi một loạt các bước đi của Thứ Trưởng Trương Minh Tuấn trong suốt gần 2 năm qua nhằm ghi điểm trong cuộc đua vào chức bộ trưởng Bộ 4T tại kỳ Ðại Hội Ðảng XII sắp tới.”

“Nguồn tin cũng tiết lộ rằng Thứ Trưởng Tuấn cũng có hứa hẹn với lãnh đạo Báo Thanh Niên rằng Ðỗ Hùng sẽ được cấp lại thẻ trong thời gian sớm nhất. Ðiều này càng cho thấy quyết định xử lý thực ra không nhắm vào nhà báo Ðỗ Hùng hay báo Thanh Niên mà chỉ nhằm ‘làm màu’ cho người đã ban hành quyết định đó.”

Ông Tuấn, 55 tuổi, được bổ nhiệm chức thứ trưởng Bộ 4T vào tháng 1 năm 2004 và phụ trách lĩnh vực báo chí.

Trước đó ông Tuấn là vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên Giáo TW tại Ðà Nẵng và sau đó là giám đốc Trung Tâm Thông Tin Công Tác Tuyên Giáo thuộc Ban Tuyên Giáo TW.

Tác giả Bích Minh cho hay, “Tại hội nghị giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa XII của Ban Cán Sự Ðảng Bộ 4T hồi tháng 6, 2015, ông Trương Minh Tuấn và Tổng Giám Ðốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã được lọt qua vòng đầu tiên.”

Trong khi đó, ông Trần Bình Minh, tổng giám đốc VTV, hiện đang là ủy viên Trung Ương Ðảng.

Theo tác giả bài báo, để chạy đua vào chức bộ trưởng, ông Trương Minh Tuấn, một người xuất thân từ ngành tuyên giáo tư tưởng, đã tỏ ra là người có “bàn tay sắt” với báo chí trong hai năm qua.

“Chỉ trong năm 2014, bộ này đã xử phạt vi phạm hành chính một số cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin điện tử với tổng số tiền 2 tỷ 522 triệu đồng. Thống kê của Bộ 4T cũng cho biết số lượt vi phạm hành chính của cơ quan báo chí trong năm 2014 bị xử phạt tăng hơn gấp đôi so năm 2013.”

Ðặc biệt để triệt hạ uy tín đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Giám Ðốc VTV Trần Bình Minh, Thứ Trưởng Tuấn đã chỉ đạo đưa VTV vào diện “chăm sóc đặc biệt.” Tất cả các chương trình của VTV đều được theo dõi chặt chẽ và sít sao nhằm phát hiện sai phạm.

'Kết quả của những “nỗ lực” này đã khiến VTV trong năm 2014 trở thành cơ quan đứng đầu bảng trong nhóm các cơ quan truyền hình bị xử lý với 5 lần nhận quyết định phạt, trong đó có 1 lần bị cảnh cáo, 4 lần bị phạt tổng số tiền là 155 triệu đồng.'

Vẫn theo bài báo, “Trong năm 2015, Thứ Trưởng Tuấn tiếp tục tấn công VTV nhằm hạ bệ uy tín của Trần Bình Minh trong đó đặc biệt là vụ đánh vào hoạt động liên kết sản xuất chương trình của VTV.”

Bài báo nhận định, “Vụ nhà báo Ðỗ Hùng gặp nạn chỉ là một sự không may ngẫu nhiên của nhà báo này. Ðỗ Hùng như một ‘xác chết’ được Thứ Trưởng Trương Minh Tuấn đạp xuống để tiến lên cao hơn trên bậc thang quyền lực.”

Vẫn theo bài báo, vụ rút thẻ nhà báo Ðỗ Hùng, “chỉ đơn giản với mục tiêu ghi điểm trong cuộc đua vào chiếc ghế bộ trưởng, ông Trương Minh Tuấn và bộ sậu đã cậy thế cơ quan quản lý báo chí, bất chấp luật pháp cho ra đời một quyết định không thể vô lý hơn khi tước thẻ một nhà báo vì những ‘sai phạm’ trên... mạng xã hội.”

Tuy nhiên, “Có lẽ với tư duy tuyên giáo lỗi thời, ông Trương Minh Tuấn đã không hề ý thức được rằng trong thời điểm này bất cứ một hành động trấn áp báo chí nào cũng có thể được coi là một dấu hiệu tiêu cực, thiếu thiện chí và đi ngược lại những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.” (QD-KN)






No comments: