Bạch Cúc, cộng tác viên Dân Luận
Tác
giả gửi tới Dân Luận
01/09/2015
Chín tháng đã trôi qua, chín tháng là một khoảng thời
gian đủ dài để mọi người bắt đầu quên lãng cái tên Nguyễn Ngọc Già, chính tôi
cũng vô tình lãng quên cho tới khi đọc được thông tin này, con trai Nguyễn Ngọc
Già vừa mất do tai nạn giao thông, cậu bé chỉ vừa hai mươi tuổi…
Ngẫm mà thấy xót, ngẫm mà thấy cuộc đời thật bạc và
nghiệp cầm bút cũng rất bạc…
Nguyễn Ngọc Già, một cây bút đơn độc, thật sự quá đơn
độc bởi cho đến ngày ông bị bắt, người ta mới biết đến ông là ai, và sự kiện ấy
cũng trôi vụt qua nhanh để rồi từ đó hầu như chẳng còn ai còn bận tâm theo dõi.
Những dòng tin trên facebook được tiếp nối với rất nhiều sự kiện, tôi tự hỏi có
không một dòng tin hỏi han Nguyễn Ngọc Già giờ ra sao? Người ta đã suýt quên mất
Nguyễn Ngọc Già cũng chỉ bởi vì người blogger đó đã lặng lẽ viết, đã âm thầm cống
hiến tiếng nói vì tự do, dân chủ trong đơn độc và thầm lặng…
Các blogger, những người dám cầm bút, dám cất lên tiếng nói của sự thật,
họ luôn hiểu rất rõ cái giá mà họ có thể phải
đánh đổi bằng chính sự tự do của mình và có lẽ Nguyễn Ngọc Già cũng thế. Tôi tin rằng ông cũng đã chuẩn bị đầy đủ
tâm lý cho việc bị bắt mà vẫn can đảm, vẫn tiếp tục dấn thân… và bạn nghĩ
xem, có xót xa không khi:
Người cha ấy nay đã không còn cơ hội để được nhìn mặt con lần cuối!
Người cha ấy có biết mình đã vĩnh viễn mất một đứa con? Nếu
biết tin, Nguyễn Ngọc Già có thét lên một tiếng kêu ai oán như Tạ Phong Tần đã
gào khóc khi nghe tin mẹ mất (thông tin từ một người bạn tù của chị đã kể lại…).
Chị Tần là phận đàn bà, chị đã không chịu nổi nỗi
đau mất Mẹ để rồi phải hất tung nó trong buồng giam lạnh. Tiếng hét của
chị làm nhói buốt và xé lòng tất cả những ai nghe thấy và nghe kể lại. Tôi nghĩ
rằng Nguyễn Ngọc Già chẳng thể hét lớn như Tạ Phong Tần, có chăng ông chỉ run
người, gồng mình cắn chặt răng, mắt ông ngước cao hỏi trời và để mặc cho những
giọt lệ chảy ngược lại vào trong trái tim mình, những giọt nước mắt đắng đã thấm
thật sâu và buộc ông phải nuốt đi sự uất nghẹn!
Ai có thể thấu cảm được đầy đủ nỗi khốn khổ của cảnh
tù đày? Ai có thể chia sẻ được nỗi đau buốt khi phải lìa xa người thân và sự
tuyệt vọng của người Cha không được tiễn
biệt con về cõi khác.
Làm sao có thể đo lường và định được “giá trị” của sự mất mát mà những người cầm viết, những người đã và đang tranh đấu cho công bằng xã
hội phải gánh chịu?
Ai có thể hiểu được nỗi cô đơn cùng cực khi người viết
phải tự tách mình ra khỏi đám đông, không cần một chính danh để nhận những lời
tung hô, khen tặng như Nguyễn Ngọc Già? Ông đã đơn độc và lặng lẽ, ông cứ thầm
lặng mà cống hiến, chẳng màng những lượt like, chẳng cần những lượt chia sẻ.
Ông đã chọn lý tưởng để dám hy sinh và sống một cuộc đời cầm bút đơn độc!
Tôi nghĩ rằng rất khó có ai có đủ sự khiêm cung, để
bước qua khỏi lằn ranh của sự sân si, dám bỏ qua cái tôi của chính mình như
Nguyễn Ngọc Già. Ông đã khước từ ánh hào quang, khước từ sự tôn vinh mà đám
đông thường ban tặng cho những người viết. Ông bỏ qua sự khao khát danh vọng, điều rất thường
tình của những nhà văn, nhà báo bởi ai mà chẳng mong ước có được một vị thế, có được
một chỗ đứng trong lòng đọc giả để được đọc giả gọi tên, bảo vệ; được công luận và cộng đồng lên tiếng
bênh vực khi xảy ra cớ sự…
Tôi bùi ngùi nhớ Nguyễn Ngọc Già, tôi xót xa đau cho
một người cha vừa mất con và tủi thân thay cho những người đang tranh đấu trong
đơn độc;
Tôi rơi lệ khi nhìn thấy hình ảnh Paulus Lê Sơn ngày
trở về, anh quấn vội vòng tang trắng, quỳ gối cúi đầu tạ tội trước mộ Mẹ. Người
con trai ấy nhận lỗi bất hiếu, đứa con trai độc nhất của bà mẹ nghèo khó ở vùng quê lam lũ, đứa con đã
thiếu vắng tình Cha từ lúc còn nhỏ xíu, nay lại vì việc nước mà chẳng được ôm hôn vĩnh biệt Mẹ giây phút lâm chung, không được thắp nén hương tiễn biệt Mẹ trở về lòng đất. Người ta đã cố ý chia cắt tình mẫu
tử, người ta đã nhẫn tâm bỏ qua lời cầu xin của người con mong được nhìn mặt Mẹ,
dù chỉ là một lần cuối…
Tôi gọi tên Tạ Phong Tần, thở than cho chị, xót thương cho thân phận đàn bà – “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”*! Chị Tần năm nay đã gần năm mươi tuổi, đến ngày nào chị mới được trả tự do? Liệu chị có còn kịp tìm cho mình một mái ấm, một đứa con hay đến cuối đời chị vẫn phải sống trong đơn độc?
Tôi gọi tên Tạ Phong Tần, thở than cho chị, xót thương cho thân phận đàn bà – “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”*! Chị Tần năm nay đã gần năm mươi tuổi, đến ngày nào chị mới được trả tự do? Liệu chị có còn kịp tìm cho mình một mái ấm, một đứa con hay đến cuối đời chị vẫn phải sống trong đơn độc?
Tôi quay ngược thời gian và ngẫm nghĩ về những “viên
gạch lót đường”, nhớ về những con người đã hy sinh cả cuộc sống và tuổi trẻ, những
người tiên phong mở đường cho công cuộc đấu tranh. Chính họ đã khơi nguồn sức mạnh
và thắp ánh sáng niềm tin cho những thế hệ tranh đấu hiện tại... Hầu hết trong
số họ đều đánh mất một cuộc đời an nhàn, có người đánh đổi cả tương lai, sự
nghiệp, có người lạc mất cả hạnh phúc và gia đình… Họ bây giờ ra sao? Hy vọng mọi
người đừng bao giờ lãng quên họ…
Tôi xin được thắp nén nhang muộn cho người con của
Nguyễn Ngọc Già, mong cậu bé yên lòng nhắm mắt…
Tôi chấp tay cầu nguyện cho Nguyễn Ngọc Già, xin nhắn nhủ đến ông rằng, có thể
ông vẫn muốn chọn nghiệp cầm bút trong đơn độc, nhưng cuộc đời và bạn bè sẽ
không để ông phải đơn độc!
Bạch
Cúc
[*] Thơ Đoàn Thị Tảo
----------------------------
No comments:
Post a Comment