Friday, September 18, 2015

Người dân Hương Khê, Hà Tĩnh phản đối cưỡng chế đất (Hoàng Dung - RFA)





Hoàng Dung, thông tín viên RFA
18-09-2015

Chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất của người dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án kinh doanh ở xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh ngày 13/09/2015.

Thêm một vụ chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất của người dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án kinh doanh ở xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Vào ngày 13/09/2015 chính quyền xã Hương Xuân, huyện Hương Khê đã đưa lực lượng đến cưỡng chế đất của một số hộ dân trong xã.

Cô Tâm người có đất bị cưỡng chế kể lại sự việc:
“Sự việc xảy ra gần 1 năm nay, họ muốn lấy đất của mình, nhưng đất này mình làm từ năm 1971 mà từ đó đến giờ không có ai tranh chấp, bữa đây chính quyền xã định vào lấy nhưng nhà dì đóng mốc rồi đuổi về.”

Sự việc đã không dừng lại đó cô Tâm cho biết thêm:
“6 tháng sau xã, huyện họ làm đơn cưỡng chế, vào ngày 21/08 họ ra lệnh cưỡng chế, chủ tịch huyện có về họp nhưng dân không đồng ý.”

Theo như người dân cho biết đây là dự án của bà Khương, một người dân trước đây sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng giờ bà về muốn lập nghiệp ở vùng quê này:
“Cái bà ni là một tư nhân, bà sinh ra và lớn lên quê nhà dì đây, nhưng bà lấy ngoài Phú Thọ, năm ni bà 52 tuổi rồi, giờ bà quay trở về để làm trang trại nuôi lợn Nái, bà là một doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải nhà nước, bà không thỏa thuận với người dân ở đây, bà tự coi chính quyền trên rồi cướp đất bán lại cho bà.”

Người dân phản đối

Tại khu đất nằm trong dự án chăn nuôi Heo Nái có một số không có cây đã nhận tiền đền bù còn 10 hộ thì hiện nay cây đã lớn tiền nhận đền bù không thỏa đáng nên họ phản đối, cô Tâm cho biết:
“Trong 30, 40 hộ một số hộ không có cây thì họ nhận đền bù, còn 10 hộ gia đình có cây đã lớn họ không nhận đền bù vì đền bù không thỏa đáng.”

Cô Tâm cho biết thêm:
“Như nhà cô là hơn 3 hecta, đào hào xung quanh, đã đào 3 hồ chuẩn bị nuôi cá, Chàm trồng 5 năm chuẩn bị thu hoạch và một số lim mà họ bồi thường tất cả là 218tr VND”.

Anh Đăng cho biết thêm:
“Bên A 10 Mđất họ bồi thường từng đó, bên tôi 10 Mđất nhưng có Chàm, Lim, hoa màu nhưng họ đền bù không thỏa đáng nên gia đình không nhất trí”.

Không chỉ những người có đất mới phản đối mà còn một số hộ xung quanh dự án này cũng phản đối vì gia đình họ gần với trang trại này, hơn nữa đây là khu vực thượng nguồn cung cấp nước cho việc làm nông nghiệp của toàn xã.

Một người dân cho biết:
“Người dân chúng tôi không đồng ý việc nhà cầm quyền xã Hương Xuân, huyện Hương Khê lấy đất để bán cho doanh nghiệp nào đó đầu tư trang trại nuôi heo nái ở vùng thượng nguồn các đập cung cấp nước cho các đồng lúa của cả xã”.

Cưỡng chế như thế nào?

Trong ngày cưỡng chế đất, chính quyền đã huy động một lực lượng khá lớn để cưỡng chế.
Cô Tâm nhớ lại:
“Sau ngày 08/09 công an, cơ động, thuê xã hội đen họ vô bao vây họ chặt phá cây, dân làng vào giữ thì bị họ đánh, không cho vào, một người con là Dì bị bóp cổ bắt lên xe điệu đi. Họ đến đông lắm không tính ra nổi, quân đội, công an, quân đội… khi đó Dì hoảng dì khóc dì la nên nỏ tính đượ..”

Anh Đăng một người bị đánh tiếp lời:
“Bữa họ vào cưỡng chế thì gia đình bị thiệt hại cây, còn tôi bị đánh gãy xương xườn thứ 9 bên phải còn bà Tâm thì họ cầm chân họ kéo bà rồi họ đưa lên xe đưa xuống trạm y tế Hương Trà rồi đến 11h họ trả về”.

Trong khi đó thì một em tầm 20, 21 tuổi bị bắt mà công an cho biết là em này đã đập vỡ kính xe công an, trong khi họ bắt không có lệnh và không có chứng cớ.

Bà Tâm cho biết:
“Chiều hôm qua họ về bắt rồi, họ nói em đó đập bể kính xe của công an nhưng không có bằng chứng, em đó bị bắt khi đang làm ngoài ruộng”.

Ý kiến của chính quyền

Để tìm hiểu thêm sự việc chúng tôi có liên lạc với văn phòng huyện ủy huyện Hương Khê và họ cho biết:

“Đây là vùng đất mà huyện chọn để phát triển kinh tế xã hội của xã cũng như của huyện, mảnh đất sau khi thu hồi sẽ được bán lại cho bà Khương để bà làm trang trại nuôi lợn nái”.

Trong lần cưỡng chế vào ngày 13/09/2015 thì người dân cho biết có rất nhiều xã hội đen tham gia cưỡng chế, có nhiều người dân còn nhận ra khuôn mặt của họ và công an đã đánh dân khi dân bảo vệ mảnh đất của mình, tuy nhiên chính quyền lại trả lời:
“Không, đó là bộ đội dân phòng chứ không có xã hội đen nào hết, hôm thu hồi đất có một số thành phần quá khích đã chống lại và bị công an bắt lại, chứ công an không đánh ai hết”.

Ông Nguyễn Quốc Thảo chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện Hương Khê cho biết hiện nay đất đã cưỡng chế xong và huyện đang tập trung lực lượng để thi công:
“Cấp ủy chính quyền huyện đang tập trung rất cao độ xây dựng trại Nái Hương Xuân, mà hiện nay tập trung cưỡng chế thành công rồi, đang tập trung bảo vệ để thi công”.

Người dân có đất bị cưỡng chế tỏ ra vô cùng thất vọng và nay chỉ biết than trời.
H.D




No comments: