Tuesday, September 22, 2015

Nga buộc Mỹ thay đổi chiến lược tại Syria (Trọng Thành - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO NGÀY 21-9-2015 :
Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 21-09-2015 20:30

Thế trận tại Syria đột ngột thay đổi với sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga ít ngày gần đây. Bài « Matxcơva đẩy Washington vào chỗ phải thay đổi chiến lược tại Syria » trên Le Figaro, ngày 21/09/2015, đưa ra một số nhận định đáng chú ý về quan hệ Mỹ-Nga trước chuyển biến mới này.

Hoa Kỳ đang ở trong thế bị động. Le Figaro ghi nhận hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phải thương lượng với người đồng cấp Nga về « những quy tắc » để tránh đụng độ quân sự Nga-Phương Tây trên chiến trường Syria. Đây là « một thay đổi hết sức quan trọng đối với Mỹ », theo Le Figaro, bởi « kể từ xung đột Ukraina đến nay, mọi đối thoại về quân sự với Nga » đã bị đình chỉ.

Le Figaro nhận định : Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác, bởi ông Putin đã khai thác được lợi thế, nhân sự bất lực của Hoa Kỳ tại Syria và nỗi hoang mang sâu sắc tại Châu Âu do cuộc khủng hoảng tị nạn, để đưa phương tiện quân sự và binh sĩ vào cuộc chống phe Thánh chiến Hồi giáo.

Việc Nga hỗ trợ chế độ Damas môt phần bắt nguồn từ quan hệ lâu dài với « khách hàng Syria» kể từ những năm 1960, nhưng mặt khác, mục tiêu của Nga là thoát ra khỏi vũng lầy Ukraina, để tìm kiếm chỗ đứng mới tại khu vực Trung Cận Đông, nơi khởi phát của làn sóng tị nạn, khiến Châu Âu hết sức lúng túng, như nhận định của cựu đại sứ Hoa Kỳ John Herbts, một chuyên gia về hồ sơ Nga.

Một nguồn tin ngoai giao Phương Tây so sánh chiến thuật đáng sợ của Tổng thống Nga với « một vận động viên võ judo sử dụng các điểm yếu của đối phương ». Hoa Kỳ có khả năng hành động như thế nào ? Le Figaro đưa ra một số dự báo về khả năng thỏa hiệp Mỹ-Nga.

Mỹ-Nga : khả năng thỏa hiệp
Nếu như sự ra đi của Tổng thống Bachar al-Assad là « điều dường như không thể nhân nhượng» (như nhận định của Ngoại trưởng Mỹ : « Ác quỷ Daech là sản phẩm trực tiếp của đồ tể Assad»), thì nhịp độ của giai đoạn chuyển tiếp chính trị là điều mà chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phải thương lượng với Nga. Vẫn theo cựu đại sứ Mỹ John Herbts, chính quyền Obama sẽ phải từ bỏ lập trường mang tính chất « lý tưởng » lâu nay, để hướng tới một đối thoại với Nga về giải pháp một chế độ Damas không có Tổng thống Assad, mở rộng cho sự tham gia của cộng đồng người Sunni. Le Figaro dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, theo đó, cho dù hiện tại ủng hộ chế độ Assad, nhưng lập trường của Nga về vấn đề này « không phải là bất di bất dịch », và « sự can thiệp của Nga (đang diễn ra) có thể cho phép Matxcơva cứng rắn hơn với Damas sau này ».
Theo một số chuyên gia, một thỏa hiệp Nga-Mỹ về Syria là có thể, bởi cho dù phô trương lực lượng, nhưng trên thực tế Nga « đang ở trong một tình thế nhạy cảm ». Đơn độc bảo vệ một chính quyền Damas đã rất suy yếu « có thể là một ảo tưởng », « với nguy cơ sa lầy quân sự » và trong bối cảnh kinh tế trong nước rất mong manh hiện nay.
Bên cạnh đó, Nga cũng đối mặt với nguy cơ Thánh chiến lan sang nước mình, với thực trạng hàng ngàn người gốc Nga đang chiến đấu trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Le Figaro kết luận, những điều nói trên cho thấy rất có thể sẽ có một cuộc hội kiến Obama-Putin bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9 tại New York.

Giáo hoàng : « Mỹ còn khó hơn Cuba »
Chuyến công du đảo quốc cộng sản Cuba và Hoa Kỳ của Giáo hoàng Phanxicô là một tâm điểm thời sự khác. Xã luận Le Monde với tiêu đề : « Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến công du hy vọng tại Cuba » nhấn mạnh đến thời điểm mang tính biểu tượng, khi chuyến máy bay đưa người lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ Cuba đến Hoa Kỳ vào ngày mai : « hai tháng rưỡi sau khi hai cựu thù bình thường hóa quan hệ, lộ trình nói trên có giá trị như một diễn văn ». Le Monde nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của Giáo hoàng Phanxicô, người « đã sử dụng vốn hiểu biết tuyệt vời của ông về tình hình khu vực và quan hệ ngoại giao không gián đoạn giữa Vatican và Cuba từ 42 năm nay, để đóng vai trò xúc tiến » hòa giải. Cho dù ủng hộ sự hòa giải, « Giáo hoàng Phanxicô giữ khoảng cách với chế độ Castro » là nhận định của La Croix. Tờ báo Công giáo lưu ý đến nhiều thông điệp chỉ trích sâu xa nhắm vào chế độ cộng sản Castro trong thời gian công du tại đảo quốc.
Cũng về sự kiện này, Les Echos có bài « Chuyến công du rất chính trị của Giáo hoàng tại Cuba » nhấn mạnh đến khả năng Giáo hoàng sẽ không được đón tiếp thiện cảm tại Hoa Kỳ. Một loạt các tuyên bố chống lại sự hư hỏng của giới tài phiệt, ủng hộ việc tiếp đón người di cư, và thông điệp về sinh thái mới đây của Giáo hoàng Phanxicô khiến nhiều người Mỹ có ấn tượng về một « Giáo hoàng cộng sản ».
La Croix dẫn lời một người thân cận với Giáo hoàng, theo đó « Cuba là điều dễ dàng ; Hoa Kỳ mới là chuyện khó ». Làm thế nào để chinh phục được trái tim người Mỹ là thách thức đối với người đứng đầu đạo Công giáo, bởi « thế giới đang rất cần đến sự hòa giải, khi chúng ta đang đối mặt với một cuộc Thế chiến thứ ba cục bộ » (phát biểu mới đây của Giáo hoàng Phanxicô). La Croix dự đoán, chắc chắn Giáo hoàng sẽ tìm cách lay động tâm hồn yêu nước của người Mỹ, khi gợi ra tầm vóc lớn lao của Hiến pháp Hợp chủng quốc, sự đa dạng sắc tộc của Hoa Kỳ, và khả năng hội nhập vĩ đại của nước Mỹ. Giáo hoàng người Achentina sẽ có nhiều bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng nói của 17% người Mỹ.
Tờ báo Công giáo (bài « Từ Cuba đến Hoa Kỳ, một chuyến đi vì hòa giải ») chú ý đến diễn văn ngày thứ Năm tới của Giáo hoàng Phanxicô tại Quốc hội Hoa Kỳ, « vinh hạnh lần đầu tiên dành cho một giáo hoàng ». Đây là điều mà, theo La Croix, là không thể tưởng tượng được, bởi Hoa Kỳ là một quốc gia với đa số theo đạo Tin Lành, có lập trường thường rất chỉ trích nhắm vào Vatican. La Croix lý giải lời mời này là do người Công giáo có một chỗ đứng quan trọng trong chính trường Mỹ, với 1 phần 6 dân số, 1/3 dân biểu Hạ viện, và 6 trên 9 thẩm phán Tòa án Tối cao là người Công giáo. Điều đặc biệt quan trọng là có rất đông người Mỹ, khoảng 70% - theo nhiều thăm dò dư luận mới đây – hâm mộ « Pope Francis » (tức Giáo hoàng Phanxicô), với phong cách giản dị, cùng lối quan hệ gần gũi, trực tiếp của ông.

Hy Lạp : Thắng lợi lần thứ ba của đảng Syriza
Trở lại Châu Âu, kết quả bầu cử Quốc hội Hy Lạp H.trước kỳ hạn là chủ đề chính của hầu hết các báo, với phần thắng thuộc về đảng cánh tả cấp tiến Syriza của Thủ tướng mãn nhiệm Tsipras. Nhật báo cộng sản l’Humanité chạy trên trang nhất : « Hy Lạp : cử tri lại khẳng định tin tưởng Alexis Tsipras ». Xã luận l’Humanité phấn khởi trước thắng lợi này : «Nhân dân Hy Lạp không ngừng mang lại cho Châu Âu một bài học về sự trưởng thành chính trị. Với việc tái khẳng định tin tưởng vào Syriza, họ đã dội nước lạnh vào niềm hy vọng của cánh hữu và của nhiều lãnh đạo Châu Âu muốn chứng kiến điều mà họ gọi là ‘‘giai đoạn quá độ Tsipras’’. (…) ».
Bài xã luận của tờ báo thiên hữu Le Figaro, với tựa đề « Một Tsipras mới ? », đưa ra bình luận ngược lại về chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba của đảng Tsipras trong vòng chưa đầy một năm. « Lộ trình bảy tháng cầm quyền ngắn ngủi của ông Tsipras đáng ra đã đủ để làm cho ông ta không còn được tin cậy. Tuy nhiên, nhà ảo thuật chính trị này đã thành công trong việc thuyết phục cử tri Hy Lạp tin vào việc ông ta có thể tiếp tục dẫn dắt họ trong tương lai. – Le Figaro nhấn mạnh – Vấn đề là xem xem Alexis Tsipras sẽ làm gì từ chiến thắng này ». Le Figaro lấy làm tiếc là đảng Syriza đã không chọn liên minh với cánh hữu ôn hòa, để thực thi các cam kết với Châu Âu, mà lại lập liên minh với đảng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa Anel. Nhưng Le Figaro cũng hy vọng Thủ tướng Tsipras có thể chuyển hóa theo hướng tích cực trong nhiệm kỳ mới.
Trong khi đó, báo Libération thiên tả chỉ ra ba đe dọa lớn đối với tân Thủ tướng Hy Lạp. Thứ nhất là sự khủng hoảng của thể chế dân chủ : một đa số áp đảo cử tri Hy Lạp không còn tin tưởng vào bầu cử, sau khi « các áp đặt từ bên ngoài có thể buộc (chính phủ) phải làm ngược lại nguyện vọng của cử tri ». Khủng hoảng thứ hai là, ngày càng có nhiều người Hy Lạp không còn tin tưởng vào ánh sáng tương lai, ở phía bên kia của đường hầm xa tít tắp, khi những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng trả nợ dường như không có hồi kết. Và khủng hoảng thứ ba là về mặt địa chính trị, khi Hy Lạp – mắt xích yếu nhất của hàng rào bảo vệ biên giới Châu Âu - gần như bất lực trước làn sóng tị nạn ồ ạt.

Đông Âu xa lạ với một xã hội đa sắc tộc
Vẫn tại Châu Âu, về cuộc khủng hoảng tị nạn, báo Les Echos có bài « Tại sao khủng hoảng tị nạn Châu Âu có thể khiến dự án xây dựng Châu Âu lâm nguy ? ». Bài phân tích chỉ ra những nguyên nhân nào khiến đường ranh giới trước kia, tưởng như đã được xóa bỏ, giữa Đông Âu và Tây Âu trỗi dậy. Di sản lịch sử của các chế độ toàn trị trước đây khiến nhiều nước Trung và Đông Âu coi mình là nạn nhân, nhiều hơn là phía có trách nhiệm đối với việc tiếp nhận người tị nạn. Sự thiếu tin tưởng vào bản thân gắn liền với phản xạ tự vệ, cũng là một yếu tố để lý giải thái độ tiêu cực với người tị nạn.
Tuy nhiên, điều mà Les Echos nhấn mạnh là sự xa lạ của nhiều quốc gia phía đông Châu Âu, như Ba Lan hay Hungary, với một xã hội mở, đa sắc tộc, đa màu da. Việc Hungary dựng lên một hàng rào ngăn không cho người bên ngoài xâm nhập hiện nay nhắc lại ký ức của một thời cách đây không xa, khi cũng chính các công dân nước này bị hàng rào ngăn không cho rời khỏi đất nước mình. « Đừng sợ hãi », bài phân tích của Les Echos dẫn lại câu nói của Giáo hoàng Jean-Paul II gửi đến những người dân sống dưới các chế độ cộng sản Đông Âu trước đây. Một câu nói tương tự, ắt hẳn vẫn còn giá trị trong bối cảnh hiện tại, tờ báo kinh tế Pháp nhận xét.

Khí hậu : chưa quốc gia nào phát triển bền vững
Về môi trường, mục « Một hành tinh cho ngày mai » của La Croix dành nhiều chỗ cho cuộc phỏng vấn cựu Tổng thống Island, 71 tuổi, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, nhân dịp kiểm điểm lại kết quả 25 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (1990-2015). Bà Mary Robinson nêu bật nhận định : « cho đến nay chưa có một quốc gia nào phát triển bền vững ». Cựu Tổng thống Island cũng là chủ tịch sáng lập Quỹ Công lý Khí hậu (Climat Justice).
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu nhấn mạnh đến việc tài trợ trong lĩnh vực khí hậu không phải là một vấn đề « nhân đạo », mà là phương tiện để xây dựng một tương lai chung cho một nhân loại, được sống trong an toàn. Trách nhiệm của các nước phát triển trong việc này là rất lớn. Cựu Tổng thống Island lưu ý, biến đổi khí hậu là nguyên nhân không thế không tính đến trong việc bùng nổ các xung đột xã hội, kể cả cuộc nội chiến tại Syria hiện nay. Theo bà, bất công về khí hậu thể hiện ở chỗ « các cộng đồng dễ tổn thương nhất lại là những cộng đồng có nguy cơ bị biến đổi khí hậu tác động mạnh nhất ».

Đời nghệ thuật của Ngải Vị Vị tại Luân Đôn
Rất nhiều báo Pháp chú ý đến cuộc triển lãm của nghệ sĩ Ngải Vị Vị – một biểu tượng của nghệ thuật phản kháng ở Trung Quốc - tại Luân Đôn (đến 13/12/2015), do Viện Hàn lâm Anh Quốc (Royal Academy of Arts) chủ trì.
La Croix có bài « Tại Luân Đôn, Ngải Vị Vị được thể hiện tự do », giới thiệu về bố cục của cuộc triển lãm đưa công chúng đến với nhiều tác phẩm chính của nhà nghệ sĩ ly khai, trong quãng đời hàng chục năm sáng tạo, chủ yếu kể từ giai đoạn ông trở về nước năm 1993, sau 12 năm lưu vong tại lưu vong tại Mỹ. La Croix nhận xét : « Với một tập hợp các tác phẩm được bố trí một cách rất gắn bó, Ngải Vị Vị, ở tuổi 58, tự khẳng định như một nhà sáng tạo phi thường các hình thức nghệ thuật mới, một người khám phá các khả năng thể hiện lạ lùng của mỗi chất liệu mà ông sử dụng, cho dù là trà (vốn dùng để uống), đá hoa cương hay pha lê, như một ‘‘tay chơi'' có khả năng hoán chuyển những thối nát trầm kha của chế độ chính trị Trung Quốc thành các tác phẩm chinh phục lòng người ».
Sau bốn năm bị quản thúc tại Bắc Kinh, không thể thời gian hơn 80 ngày bị biệt giam, Ngải Vị Vị có mặt tại Luân Đôn trong cuộc triển lãm đặc biệt này.






No comments: