Sunday, September 20, 2015

Luật sư Hà Huy Sơn: Dân oan và sự bất bình đẳng trong chính sách đất đai hiện hành (Huyền Trang, GNsP)





Huyền Trang, GNsP
Đăng ngày 20.09.2015 - 7:37am

GNsP (19.09.2015) – 12 dân oan Thạnh Hóa-Long An bị Viện kiểm sát [VKS] truy tố hai tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘cố ý gây thương tích’ với tình tiết định khung hình phạt là ‘phạm tội có tổ chức’, nhưng cáo trạng của VKS lại không chỉ ra được ‘ai là người cầm đầu’. Luật sư Hà Huy Sơn, một trong những Luật sư tham gia bào chữa, bình luận với GNsP.

Do muốn bảo vệ tài sản, đất đai nên 12 dân oan này đã chống lại lệnh ‘cưỡng chế’ không công bằng, áp đặt. “Nguồn gốc vấn đề chính là sự bất bình đẳng trong chính sách về đất đai hiện hành, tức là do nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai, nhà nước có quyền thu hồi đất của bất cứ ai, giá đền bù đất thì lại không theo giá thị trường… Nếu người dân nào muốn ở lại khu tái định cư thì lại phải mua theo giá của thị trường, nhưng hai mức giá này lại chênh lệch nhau. Đây chính là những sự bất công trong chính sách đất đai hiện hành.” Ls Hà Huy Sơn nhận định.

Để hiểu rõ hơn quan điểm bào chữa của Ls Hà Huy Sơn cũng như những nội dung chính mà Ls tranh luận với VKS trong phiên tòa sơ thẩm của 12 dân oan Thạnh Hóa-Long An, diễn ra ngày 15-16.2015, xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây giữa Pv.GNsP với Ls Hà Huy Sơn, sống tại Hà Nội.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Luật sư, với tư cách Luật sư tham gia bào chữa thì ông có nhận định như thế nào đối với bản án mà Tòa án tuyên xử 12 dân oan Thạnh Hóa-Long An vào ngày 16.09 vừa qua ạ?

Ls Hà Huy Sơn: Tôi là Luật sư bào chữa cho bà Mai Thị Kim Hương, ông Nguyễn Trung Can (chồng bà Mai Thị Kim Hương), bà Phùng Thị Ly và ông Phùng Văn Tuân (bà Ly và ông Tuân là hai chị em ruột, bà Ly và ông Tuân đều là bà con của vợ chồng ông Can).

Phiên tòa ngày 16.09, Viện Kiểm Sát đã truy tố các bị cáo theo Khoản 2 Điều 257 BLHS ‘chống người thi hành công vụ’, tức là họ cho rằng [các bị cáo] phạm tội có tổ chức. Tại phiên tòa, cả ba Luật sư cũng như các bị cáo đều cho rằng là họ hành động một cách tự nguyện, không có tổ chức, không có bàn bạc chặt chẽ, không có ai là người chỉ huy hoặc người đứng đầu cả. Nhưng khi kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử hay Tòa án vẫn khiên cưỡng kết tội họ là phạm tội có tổ chức theo Điểm a, Khoản 2, Điều 257 BLHS. Theo tôi đây là một điều không hợp lý.
.
Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, 12 dân oan này bị kết án hai tội danh là ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘cố ý gây thương tích’, vậy thưa Ls, theo quy định của pháp luật thì những hành vi của họ có đủ để cấu thành tội danh này hay chưa ạ?

Ls Hà Huy Sơn: Tôi chỉ xin nói về bốn bị cáo mà do tôi bào chữa như tôi đã nói ở trên, thì cả bốn người đều bị truy tố về tội ‘chống người thi hành công vụ’. Tại phiên tòa, tôi có đưa ra các lập luận cho rằng bà Hương và ông Can không phạm tội có tổ chức theo Khoản 2 Điều 257 BLHS. Còn đối với bà Phùng Thị Ly và ông Phùng Văn Tuân về mặt khách quan của tội ‘chống người thi hành công vụ’ thì hành vi của họ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm và chưa đến mức phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự.
.
Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, những hành vi của các dân oan này được kể chỉ nhằm ‘tự vệ’ và ‘bảo vệ’ đất khi đoàn ‘cưỡng chế’ lấy đất của gia đình họ khi chưa được giải quyết đền bù thỏa đáng, trong trường hợp này, Luật pháp có bảo vệ họ không ạ?

Ls Hà Huy Sơn: Trong trường hợp này phải nói đến nguồn gốc dẫn đến sự việc, còn tất cả mọi hành vi chống lại quyết định cưỡng chế hợp pháp thì tôi có trình bày ở Tòa nhưng họ không đồng tình. Hội đồng xét xử phải xem xét nguồn gốc để dẫn đến sự việc và tại Tòa tôi cho rằng, nguồn gốc xuất phát từ việc thu hồi đất, bồi thường không công bằng, cụ thể trong trường hợp của gia đình ông Can bị UBND huyện Thạnh Hóa thu hồi đất và đền bù với giá 300.000 VNĐ/ 1m2 đất, nhưng để muốn mua đất ở khu tái định cư hay mua lại một miếng đất sau khi được quy hoạch thì theo như các bị cáo nói tại Tòa là 200.000.000 VNĐ/ 1m2 đất. Điều này gây khó khăn cho gia đình họ vì giá đền bù quá thấp, còn cái giá ở khu tái định cư cao hơn gấp nhiều lần [so với] điều kiện kinh tế [của họ], nên người ta không thể tái định cư được, người ta mất nghề nghiệp. Và, nếu cứ kiểu thu hồi đất như thế này thì những người dân chỉ có cách lên trên ‘bờ’ ở thôi, chứ họ mất hết nghề nghiệp. Tôi đang muốn nói đến cái nguồn gốc dẫn đến sự việc nó là như vậy.
.
Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, tại phiên tòa, Ls và các Ls khác đã tranh luận với VKS những nội dung chính nào ạ? Và, Hội đồng xét xử đã có ý kiến như thế nào về quan điểm bào chữa của các Ls?

Ls Hà Huy Sơn: Tại phiên tòa, tôi tranh luận với VKS các ý chính là hành vi của các bị cáo phạm tội không mang tính ‘tổ chức’, nhưng đại diện VKS vẫn dẫn ra những tình tiết cho rằng họ phạm tội có ‘tổ chức’. Đó là nội dung tranh luận chủ yếu tại tòa. Tôi cũng dẫn chứng ra rằng, muốn kết tội có ‘tổ chức’ thì phải có một kế hoạch chặt chẽ, có người chỉ huy và có người cầm đầu, ngay trong bản Cáo trạng của VKS cũng không nêu ra được ai là người chỉ huy, ai là người cầm đầu nhưng mà vẫn kết tội họ là phạm tội có ‘tổ chức’. Đây là một điều mâu thuẫn với các lý luận pháp lý ‘tổ chức’ là phải có người cầm đầu. Sau đó, vị đại diện VKS tại phiên tòa đã công bố tại tòa là người có vai trò tổ chức chính, nghĩa là vượt quá thẩm quyền cáo trạng truy tố, trong khi đó cáo trạng của VKS không đề cập đến ai là người cầm đầu, nhưng vị VKS này đã thực hiện quyền công tố tại tòa vượt quá cái thẩm quyền và tôi đã nêu ra ý kiến này tại tòa. Nhưng mà cuối cùng HĐXX vẫn kết án họ vi phạm vào khoản 2, Điều 257 BLHS là phạm tội có ‘tổ chức’.
.
Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, điều gì đã dẫn đến những người dân oan này và một số trường hợp khác phải có những hành động như là ‘sẵn sàng tự thiêu để bảo vệ đất’ ạ?

Ls Hà Huy Sơn: Theo tôi nguồn gốc vấn đề chính là sự bất bình đẳng trong chính sách về đất đai hiện hành, tức là do nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai, nhà nước có quyền thu hồi đất của bất cứ ai, giá đền bù đất thì lại không theo giá thị trường… Nếu người dân nào muốn ở lại khu tái định cư thì lại phải mua theo giá của thị trường, nhưng hai mức giá này lại chênh lệch nhau. Đây chính là những sự bất công trong chính sách đất đai hiện hành.
.
Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, qua vụ án này thì điều gì làm Ls trăn trở nhất ạ?

Ls Hà Huy Sơn: Điều trăn trở nhất của tôi hiện nay chính là những người nông dân, người nghèo, những người yếu thế trong xã hội. Theo như pháp luật hiện hành thì họ là những người bị thiệt thòi và dễ bị xâm phạm về lợi ích nhiều nhất trong xã hội hiện nay.
.
Huyền Trang, GNsP: Xin chân thành cám ơn Ls Hà Huy Sơn và xin kính chúc sức khỏe ông.

Kết thúc phiên tòa vào ngày 16.09, Tòa án sơ thẩm Nhân dân huyện Thạnh Hóa tuyên: Bà Mai Thị Kim Hương 3 năm 6 tháng tù giam. Ông Mai Văn Phong 3 năm 6 tháng tù giam. Ông Nguyễn Trung Linh 3 năm 6 tháng tù giam; Bồi thường dân sự 17 triệu VNĐ. Ông Nguyễn Trung Can 3 năm tù giam. Bà Phùng Thị Ly 3 năm tù giam. Ông Nguyễn Trung Tài 3 năm giam. Ông Mai Văn Tưng 3 năm tù giam. Ông Phùng Văn Tuân 2 năm tù giam. Ông Nguyễn Văn Tôi 2 năm tù treo, 4 năm thử thách. Bà Nguyễn Thị Thắng 2 năm 6 tháng tù treo, 5 năm thử thách. Ông Mai Văn Đạt 2 năm tù giam. Ông Mai Quốc Hẹn 2 năm tù treo, 4 năm thử thách.

Được biết, phiên tòa xử án là công khai nhưng người thân của các nạn nhân và người dân muốn đi tham dự đều bị chặn, không cho vào tòa.

Xin được phép nhắc lại vào năm 2009, nhà cầm quyền thu hồi đất của hai gia đình là bà Mai Thị Kim Hương và bà Phùng Thị Ly với giá đền bù rẻ mạt. Cả hai gia đình không đồng ý, đã đi khiếu kiện nhiều nơi đến các cấp có thẩm quyền, nhưng không được đền bù một cách thỏa đáng. Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào ngày 14.04.2015, khi nhà cầm quyền huyện Thạnh Hóa đem lực lượng công quyền đến cưỡng chế đất của hai gia đình này (cưỡng chế đất lần thứ ba). Thấy sự bất công, oan khiên mà cả hai gia đình bà Hương và bà Ly gánh chịu, nên họ hàng đã đồng hành ‘bảo vệ’ mảnh đất của hai gia đình. Cuối cùng, như chúng tôi đã từng có ý kiến trước phiên tòa sơ thẩm, tòa án đã ‘cắt khúc hoàn hảo’- chỉ ra bản án ‘kết tội các bị cáo’, bất chấp ‘nguyên nhân, động cơ, mục đích’…


Huyền Trang, GNsP





No comments: