Thursday, September 17, 2015

Ký sự: “Lời tạ ơn trên chiến trường xưa” – Tập 1 (Phóng viên GNsP)





Phóng viên  GNsP
Đăng ngày 14.09.2015 - 12:45am

GNsP (14.09.2015) – Sau chuyến đi lần thứ nhất, vào tháng 3.2015 chúng tôi đã thăm viếng quý ông TPB VNCH thuộc tỉnh Tây Ninh và một số tỉnh ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và An Giang). Chuyến thứ hai trong tháng 5 và 6.2015 của tập ký sự ‘Viết tiếp lời tri ân’, chúng tôi đã đi qua các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Lần này tháng 8.2015, chúng tôi thực hiện chuyến đi về các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Gia Lai, Kontum). Tập phóng sự cho chuyến đi này, chúng tôi xin được đặt tên ‘Lời tạ ơn trên chiến trường xưa’.

‘Lời tạ ơn trên chiến trường xưa’ vì:

– Chúng tôi trở về những mảnh đất hơn 40 năm trước bị bom đạn cày phá, những chiến trường ác liệt vang dội một thời ghi dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm hồn của những người trẻ, thế hệ ngày ấy: những địa danh Đắk Tô, Charlie, Pleime, An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Buôn Mê Thuột,…

Mỗi sáng thức dậy, trong cái tinh khôi của một ngày mới khi sương trời long lanh ẩn núp ở các kẽ lá, trong cái thinh lặng của núi rừng, Đoàn chúng tôi gồm các Linh mục, tình nguyện viên quây quần bên nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho một ngày mới. Tạ ơn Chúa vì những vết thương do chiến tranh, bom đạn đã được chữa lành bằng những cánh rừng bạt ngàn, những vườn cây xanh tươi. Cầu nguyện cho những tàn phá bởi chiến tranh làm những tổn thương tinh thần và xã hội cũng sớm được chữa lành như đã từng được chữa lành những vết thương bởi bom đạn.


‘Lời tạ ơn trên chiến trường xưa’ vì:

– Tạ ơn những người đã nằm xuống vì lý tưởng vì tình yêu quê hương đất nước. Các ông có thể đã được gia đình đưa về an vị ở một nơi nào đó, nhưng cũng còn có nhiều ông nằm trong những ngôi mộ vô danh cô độc giữa rừng núi hoang vu, hoặc những ông đã nằm xuống không dấu vết để lại, không một bằng chứng lưu giữ, thân xác hòa tan với cỏ cây.


‘Lời tạ ơn trên chiến trường xưa’ vì:

– Đi thăm viếng và gặp cụ thể từng con người TPB VNCH. Xin được nói với các ông một lời tạ ơn, tạ ơn về sự hy sinh, tạ ơn vì chấp nhận nỗi buồn từ ngày này qua ngày khác, tạ ơn vì những thua thiệt mà các ông phải gánh chịu, tạ ơn vì những khuyết tật mà các ông phải đảm nhận dai dẳng trong cuộc đời.


Đúc kết lại, từng bước chân của từng người trong đoàn suốt cuộc hành trình là từng lời tạ ơn, những lời tạ ơn đan kết, những lời tạ ơn nối tiếp, những lời tạ ơn xuất phát từ trong đáy tâm hồn của từng người và của mọi người hiệp thông với chuyến viếng thăm này.

Chuyến đi này cũng mang những dấu vết đặc biệt:

– Thứ nhất, vô tình, trường hợp đầu tiên và trường hợp sau cùng của chuyến viếng thăm là hai cuộc viếng thăm hai ông TPB vừa mới qua đời, người thứ nhất chúng tôi đến ông đã qua đời gần 1 tháng, người cuối cùng chúng tôi đến vừa qua đời một tuần. Khởi đầu chuyến đi là một sự hụt hẫng, kết thúc chuyến đi sự hụt hẫng trở lại. Hình như cảm nhận hụt hẫng đó nhắc chúng tôi phải nhanh lên có thể sẽ không còn kịp.


– Thứ hai, chúng tôi day dứt về hình ảnh của hai người TPB VNCH bị rơi vào trong tình trạng bệnh tâm thần, cả hai ông đều thuộc tỉnh Bình Dương. Một ông quá bi thảm, gần như bị nhốt hoàn toàn trong một căn phòng nhỏ và thân xác trần truồng, ghẻ lở. Chúng tôi lặng người đi và không dám ghi lại hình ảnh nào cả. Thân phận của con người bi thảm thế sao!

– Thứ ba, một số TPB vùng Tây Nguyên nhờ sự cố gắng lao động và may mắn lọt vào những vùng đất trù phú, chúng tôi rất vui mừng khi đến thăm những ngôi nhà khá khang trang của những gia đình đầm ấm của quý ông. Điều này không thấy được rõ nét trong các chuyến viếng thăm trước.

Chuyến đi tuy dài ngày và di chuyển những cung đường rất xa, nhưng không làm cho chúng tôi quá mệt mỏi vì:

– Mỗi ngày chúng tôi có giờ cầu nguyện chung và dâng thánh lễ. Sức mạnh tinh thần nâng đỡ chúng tôi rất nhiều và giúp chúng tôi vượt qua ngàn vạn khó khăn.
– Khí hậu vùng Cao nguyên mát mẻ.
– Nông sản vùng Cao nguyên trù phú. Thực hiện chuyến đi trong thời tiết thuận lợi, bổ sung thực phẩm dọc đường bằng những trái cây xanh tươi, giúp chúng tôi chậm xuống sức.

Và, cuối cùng, như đã nói trên, đời sống của một số ông khá thoải mái, làm cho chúng tôi vui mừng trước những thành quả đó.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã giúp cho địa danh Charile đi vào lòng người một cách rộng rãi, nhưng địa danh Charile vẫn là một địa danh xa thăm thẳm với mọi người. Chúng tôi không ngờ có ngày chúng tôi đến dưới chân ngọn đồi Charile. Người TPB đầu tiên của cuộc viếng thăm, ông Nguyễn Tấn Bình đã an nghỉ trong căn nhà nhỏ bé dưới chân ngọn đồi mang danh ấy.

Chúng tôi không ngờ ông đã qua đời. Trên đường đến Sa Thầy, chúng tôi bắt đầu liên lạc với số điện thoại của ông, người liên lạc được nói chuyện trực tiếp với bà, trong câu chuyện bà cho biết, “ông rất mệt, không thể nói điện thoại được, ông đã mệt ba ngày nay”. Cùng với những thông tin bà cho biết, bà chỉ đường đến nhà bà hết sức rành rẽ, những cột mốc như UBND xã, trường Tiểu học kể cả cái cổng nhà màu xanh,… Khi gần đến nơi, người đàn bà gầy guộc, nhỏ bé, già nua đứng đón chúng trong chiếc nón lá, bà không nói không rằng lặng lẽ chỉ tay về hướng nhà có cái cổng màu xanh, rồi tất tật đi trước.

Căn nhà của ông bà chỉ là một căn nhà tềnh toàng, nép mình khiêm tốn bên cái nhà có cái cổng màu xanh. Trong nhà trên trống huếch không một cái bàn cái ghế. Cái bàn độc nhất để di ảnh và bài vị của ông. Chúng tôi quá ngạc nhiên vì chỉ ít phút trước, bà nói ông mệt, bây giờ sự thật lại khác hẳn, chúng tôi hoàn toàn không hiểu gì trước thái độ của bà. Bà loay hoay, bà ấp úng, bà nói lung tung, càng hỏi về ông bà càng nói lung tung, lúc thì bà nói ông mệt, lúc thì bà nói ông mất ba ngày… Chúng tôi lấy lời kinh sau bài vị của ông ra đọc, thì biết chắc là ông đã mất từ đầu tháng 07.2015, nghĩa là gần một tháng rồi. Tất cả những thắc mắc của chúng tôi được giải tỏa khi phát hiện ra một người phụ nữ bị bệnh tâm thần lấp ló ở nhà dưới. Nói chuyện dần với bà, chúng tôi biết được ông ra đi để lại cho bà một đứa con gái 37 tuổi bị tâm thần nặng, đó là nguyên nhân bà bị hoảng loạn. Có lẽ khi còn sống, dù đau yếu, ông là chỗ dựa tinh thần của bà, bây giờ, một mình bà cô độc đối diện với những sóng gió của cuộc đời.



Chúng tôi tìm cách liên lạc với một người TPB khác thuộc vùng này đó là ông Phạm Đàn, may mắn ông Đàn không ở quá xa và ông là người bạn tâm giao với ông Nguyễn Tấn Bình và cũng là người quan tâm, nâng đỡ bà trong thời gian vừa qua. Ông Phạm Đàn đến gặp chúng tôi tại ngôi nhà của bà Nguyễn Tấn Bình. Qua ông, chúng tôi được nghe ông chia sẻ về sự nghèo khổ, bệnh tật và cái chết của ông Nguyễn Tấn Bình. Người bạn thương binh già không ngăn được những dòng lệ khi nói về một người bạn khác của mình vừa ra đi, khiến lòng chúng tôi không khỏi xúc động.


Như đã trình bày ở trên, sự kiện nơi ngôi nhà của người TPB đầu tiên của chuyến viếng thăm đã để lại trong chúng tôi một dấu ấn khó phai. Chúng tôi gửi lại cho ông Phạm Đàn một phần quà tại nhà của ông Nguyễn Tấn Bình và xin lỗi không đến nhà ông để di chuyển ra khỏi Sa Thầy trước khi trời tối. Còn đối với bà Nguyễn Tấn Bình, chúng tôi gửi một phần quà như ông còn sống.

Có một vị hảo tâm dành ba suất quà đặc biệt, mỗi suất (4-5tr) cho ba trường hợp đặc biệt của chuyến đi này. Các cha hội ý nhau và quyết định dành cho bà Nguyễn Tấn Bình suất đầu tiên.

Đêm ấy ra khỏi Sa Thầy về lại Kontum lòng chúng tôi ngổn ngang và hình ảnh hoảng loạn của bà cứ theo chúng tôi mãi. Lời kinh chiều hôm ấy, chúng tôi dành để cầu nguyện cho ông Nguyễn Tấn Bình.


Pv.GNsP



No comments: