Friday, September 25, 2015

Kinh Tế Thị Trường và Tôn Giáo (Nguyễn-Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, September 21, 2015 2:08:43 PM

Đức Giáo Hoàng Francis nên vận dụng kinh tế cho mục tiêu xã hội
*
Người viết này thường tránh nói đến tôn giáo vì kém hiểu biết về cảm quan và ấn tượng của con người trong các vấn đề tín ngưỡng. Nhưng, trong chuyến Mỹ du của đức Giáo Hoàng Francis, có một vấn đề kinh tế được đặt ra, mà vì kinh tế cũng là chính trị, nên đề tài kỳ này sẽ là chuyện kinh tế thị trường và đức tin tôn giáo.

Về triết lý kinh tế chính trị học, Đức Giáo Hoàng Francis có thể được liệt vào cánh tả, liberal theo giác độ Hoa Kỳ, trong ý nghĩa là ngài quan tâm đến công bằng xã hội, chú trọng đến nhược điểm của tư bản chủ nghĩa, và ưu lo cho số phận của dân nghèo, thành phần đa số trong mọi xã hội. Đây là một niềm tin xuất phát từ một động lức đáng kính trọng. Về triết lý xã hội chính trị, ngài cũng thuộc thành phần cấp tiến, có cái nhìn khoan hồng về cách ứng xử của con người với các khái niệm đạo lý, như việc ly dị hay thậm chí hôn nhân giữa người đồng tính. Đây cũng là một quan điểm phóng khoáng khiến ngài gặp phản ứng của hàng tăng lữ bảo thủ.

Người viết này thông cảm với quan điểm xã hội đó của vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Nhưng hoài nghi về quan điểm kinh tế của ngài.

***

Như Winston Churchill đã nói về nền dân chủ, là “chế độ ít tệ nhất trong dăm ba thể chế chính trị mà con người đã thử nghiệm,” tư bản chủ nghĩa cũng là chế độ kinh tế ít tệ nhất trong các chế độ con người đã áp dụng - từ kinh tế thần linh vào buổi hoang sơ đến loại kinh tế tập quán, đời trước làm sao đời sau làm vậy. Tư bản chủ nghĩa vận dụng quy luật thị trường để giải quyết bài toán khan hiếm của loài người và tạo ra những tiến bộ chưa từng thấy kể từ cả trăm thể kỷ vừa qua.

Xin ghi thêm rằng “tiến bộ” ấy có nghĩa là nhân loại ít bị nghèo khốn hơn xưa mà không do việc ban phát trợ cấp của một lãnh tụ anh minh hay một đấng thần linh hào phóng.

Những ai quan tâm đến kinh tế sử có thể kể rằng từ hậu bán thế kỷ 19, khi chủ nghĩa tư bản áp dụng quy luật thị trường một cách phổ biến từ Âu Châu qua Bắc Mỹ, cuộc sống vật chất của con người được cải thiện, nhiều người ra khỏi tình trạng đói khổ truyền thống, tuổi thọ con người được kéo dài, trình độ học vấn được nâng cao cho đại đa số. Lợi tức, tuổi thọ và học vấn là các tiêu chuẩn thuộc loại vật chất, nhưng có nâng cao giá trị tinh thần của đời sống. Còn giá trị tâm linh, hay tín ngưỡng, lại là chuyện khác và thuộc phạm vi của giới lãnh đạo tôn giáo.

Khi Đức Giáo Hoàng Francis than phiền về tình trạng đói khổ và bất công trên thế giới hiện này, và coi đó một tai họa mà Giáo Hội cần góp phần giải trừ, ngài bày tỏ lòng từ tâm đáng quý. Nhưng khi ngài kết án sự mù quáng của tư bản chủ nghĩa, “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường, hoặc tác hại của nguyên tắc tự do kinh doanh, Đức Thánh Cha có thể đã lầm về tương quan nhân quả.

Có lẽ, ban tham mưu về kinh tế chính trị của ngài không làm tròn nhiệm vụ giải thích sự thể thực tế của nhân sinh. Và cứ theo đà này, có khi ta lại thấy sự hồi sinh tai hại của việc nhà nước hay một cơ chế cao cả nào đó can thiệp vào thị trường để cứu giúp dân nghèo. Lý do bi quan ở đây là chính Đức Giáo Hoàng đã phát biểu rằng giá trị của kinh tế thị trường chưa hề được chứng minh bởi thực tế, và rằng dù hiện tượng toàn cầu hóa có đưa nhiều người ra khỏi sự cùng quẫn, thì cũng dìm nhiều người vào nạn đói. Ngài còn cho rằng dù mức thịnh vượng toàn cầu có gia tăng, nhưng nạn bất công và nghèo khốn cũng vậy.

Rất nhiều tay lý luận thiên tả sẽ vin vào uy tín của vị chủ chăn hoàn vũ mà kết luận rằng kinh tế thị trường hay trào lưu toàn cầu hóa đã gia tăng mức nghèo khổ và làm nhiều người chết đói.

Nhiều định chế quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, hay quốc gia như các trung tâm nghiên cứu chuyên biệt đều cho thấy rằng kể từ cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ vào thế kỷ 18 cho đến khi Thế kỷ 21 được 15 tuổi, tình trạng bất công toàn cầu về kinh tế đã giảm sút đáng kể. Một cách cụ thể hơn thì xứ Hoa Kỳ mà Đức Giáo Hoàng thăm viếng tuần này là nơi mà, cách nay nửa thế kỷ, lợi tức trung bình của người dân được ước lượng là gấp 11 lần lợi tức tiêu biểu của dân Á Châu. Ngày nay, khoảng cách đáng tởm ấy chỉ còn gấp 4.8 mà thôi. Chỉ vì từ quãng 1960, các nước Á Châu đã áp dụng quy luật thị trường trong chánh sách kinh tế. Họ chuyển hướng theo nguyên tắc tự do.

Sau các nước Á Châu, Trung Quốc đi trễ mất hai chục năm sau 30 năm đòi cào bằng tất cả để thực hiện lý tưởng công bằng xã hội. Cũng chế độ này mới nhân danh nhu cầu bảo vệ thành phần nghèo khốn mà điều hướng thị trường bằng bàn tay thô bạo của nhà nước, và dẫn tới chủ nghĩa tư bản thân tộc và nạn bất công phổ biến. Đức Thánh Cha không thể dùng phép quy nạp mà kết án quy luật thị trường vì điều ấy mặc nhiên biện minh cho sự can thiệp với viễn ảnh là “giải pháp Bắc Kinh.”

Năm xưa, một nhà nhân khẩu học bậc thầy của nước Pháp là Alfred Sauvay từng lý luận rằng mô hình tập trung quản lý theo kiểu Xô viết quá thành công nên sẽ khiến Liên Xô sản xuất thừa lúa mì và sẽ phát không bánh mì cho mọi người. Lịch sử đã minh chứng sự nông cạn của lý luận này qua việc Liên Xô sụp đổ. Còn kinh tế chính trị học lớp đồng ấu thì cho biết rằng nếu dư ngũ cốc thì người ta nuôi thịt chứ không thể có chuyện phát không như vậy.

Lý tưởng “bánh mì miễn phí” ấy vào thời Stalin có thể là một quyến rũ tôn giáo, nhưng bị thực tế phủ nhận. Chế độ Xô Viết tan rã và Trung Quốc xuất hiện với một giải pháp hấp dẫn hơn: Nhà nước điều tiết thị trường cho mục tiêu công bằng xã hội. Giải pháp ấy vừa tự chứng minh tính chất viển vông khi các đại gia Trung Quốc đều hạ cánh ở nước ngoài, với đầy đủ tài sản và con cái!

Nhưng chúng ta chưa vội mừng về sự lầm than của trí tuệ.

Chỉ vì cùng với nỗi quan ngại chính đáng của Đức Giáo Hoàng, ta đang thấy tái sinh trào lưu “xã hội chủ nghĩa” tại hai nước tiên phong của tư bản chủ nghĩa. Đó là việc “đồng chí” Jeremy Corbyn vừa lên lãnh đạo đảng Lao Động Anh, như một tiếng vang của việc “đồng chí” Bernie Sanders đang ra tranh cử tổng thống từ cánh cực tả của đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ. Cũng với lý luận cào bằng và lấy của người giàu chia cho nhà nghèo, họ thể hiện tinh thần bác ái từng gieo họa cho nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa trong quá khứ.

Nếu lại châm thêm yếu tố môi sinh vào bài toán kinh tế - một đề mục khác cũng được đức Thánh Cha nhấn mạnh - chính là các quốc gia đã cho nhà nước thọc tay vào thị trường mới gây ra nạn ô nhiễm môi sinh trầm trọng nhất mà ngài đang nói tới.

Kết luận ở đây là dường như đức Thánh Cha đã vạch ra lằn ranh đối lập tinh thần hay đạo lý giữa những ai tin vào kinh tế thị trường và những người quan tâm đến sự nghèo khốn. Điều ấy sai vì kinh tế thị trường không tạo ra sự nghèo khốn mà còn góp phần đẩy lui nạn bần cùng trong xã hội. Những người thành công trong nền kinh tế ấy có thể và nên quan tâm đến dân nghèo, ở mọi nơi, và họ có các hội thánh hay hội thiện để giải quyết nhu cầu này. Còn lại, ta rất nên hoài nghi những kẻ nhân danh dân nghèo mà làm xứ sở lụn bại.
Đức Thánh Cha vừa gặp họ tại Cuba.



No comments: