Mon, 09/21/2015 - 09:15 — Kami
Ngày 19/9/2015, blogger Tạ Phong Tần, một trong những
sáng lập viên của CLB Nhà báo Tự do, chủ nhân blog "Công lý và Sự thật",
người từng bị truy tố trong một vụ án "tuyên truyền chống nhà nước" với
bản án 10 năm tù giam, đã bị chính quyền Việt nam trục xuất sang Mỹ. Đây là một
tin vui cho giới đấu tranh và những người ủng hộ phong trào đấu tranh cho tự do
và dân chủ ở Việt nam.
Trong số những nhà đấu tranh trong nước từ trước đến
nay, thì có lẽ blogger Tạ Phong Tần đã giành được sự ái mộ và sự cảm phục của
nhiều người. Bởi cho đến lúc này, một con người đã chịu quá nhiều oan nghiệt của
cuộc đời, tuy vậy bằng một sự chịu đựng ghê gớm, người phụ nữ ấy đã không chịu
khuất phục trước bạo quyền của chế độ cộng sản. Mà ngược lại blogger Tạ Phong Tần
luôn đấu tranh không khoan nhượng, kể cả trước hay sau khi bị giam cầm trong chốn
lao tù cũng vậy. Cũng có lẽ bởi vì người phụ nữ ấy đã có một trái tim bằng
thép, với một tinh thần bất khuất, không chịu cúi đầu nhận tội như những người
đàn ông khác ở trong cùng hoàn cảnh. Còn nhớ, cách đây khoảng 3 năm, vào tháng
9/2012 khi nghe bản án của Tòa án tuyên cho ông Nguyễn Văn Hải - blogger Điếu
Cày 12 năm tù giam, bà Tạ Phong Tần 10 năm tù giam, hẳn không ít người cũng phải
chạnh lòng, vì 10 năm, 12 năm là cả một quàng thời gian dài đằng đẵng bằng một
phần không nhỏ của đời người. Vậy mà cho đến hôm nay, tất cả trong số họ đều đã
được tự do trước 2/3 thời hạn, một điều khó có thể tin nổi đã trở thành sự thật.
Dù rằng phong trào đấu tranh Dân chủ ở Việt nam
trong những năm qua còn yếu ớt, chưa thực sự tạo ra được các dấu ấn đáng kể và
chưa thu hút được sự ủng hộ của người dân ở mức cần thiết. Song đến hôm nay, nếu
chúng ta nhìn lại, chỉ là năm bảy năm trước đây thôi, những năm "đen tối".
Đó là những năm trong giai đoạn 2008-2011 là thời gian phong trào Dân chủ Việt
nam bị chính quyền đàn áp khốc liệt nhất, với hàng loạt các vụ án chính trị.
Qua đó thì sẽ thấy nền chính trị của Việt nam đến hôm nay đã có sự thay đổi
đáng kể. Tuy rằng thành tích này có được phần lớn là nhờ sự tự "diễn biến"
của Đảng CSVN theo xu hướng xích lại gần các giá trị văn minh của nhân loại,
song vai trò của phong trào đấu tranh dân chủ cũng có phần tác động không nhỏ
vào kết quả này. Nếu không muốn nói là họ đã làm sứ mệnh mang tính tiên phong.
Trước đây, Đảng CSVN - đảng cầm quyền dộc tôn duy nhất,
vẫn luôn kiên định và trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, song cho đến nay cái
đó đã không chỉ vắng bóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước, mà dường
như nó cũng đã biến mất trong các văn kiện của Đảng CSVN. Sự chuyển hóa của Đảng
CSVN trong chính sách đối ngoại là rõ nét nhất. Từ chỗ coi quan hệ với Trung quốc
là mối quan hệ chiến lược đặc biệt quan trọng, trên cơ sở khẩu hiệu 16 chữ vàng
và 4 điều tốt và coi Trung quốc là người đồng chí tốt cùng ý thức hệ và là chỗ
dựa vững chắc cho Đảng CSVN. Quan hệ với Mỹ thì ở chừng mực và luôn coi Mỹ là
thế lực thù địch có âm mưu chống lại nhà nước Việt nam thông qua chiến lược Diễn
biến hòa bình. Nhưng đến hôm nay thì mọi việc trong chính sách đối ngoại của
nhà nước Việt nam cũng đã thay đổi, quan hệ Việt - Mỹ đã trở nên nồng ấm hơn
bao giờ hết, đồng thời quan hệ với người đồng chí Trung quốc cũng đã nguội lạnh
hơn. Truyền thông nhà nước khi nhắc đến các tàu vũ trang của Trung quốc trên Biển
Đông từ chỗ chỉ dám nói là "tàu lạ", nay đã dám chỉ đích danh
"tàu Trung quốc", thậm chí có nhiều tòa bào đã không ngần ngại cho
đăng các bài viết với nội dung chống Trung quốc một cách công khai, không khoan
nhượng.
Tương tự, việc chống Trung quốc khi đó được khơi dậy
bởi những thành viên đầu tiên của CLB Nhà báo Tự do, với phong trào chống rước
đuốc Olympic Bắc kinh năm 2008 và sau đó họ đã phải chịu sự đàn áp thẳng tay từ
phía chính quyền, với những bản án hết sức hà khắc. Còn nhớ, những năm ấy, khẩu
hiệu "Hoàng sa-Trường sa là của Việt nam" được những người yêu nước
viết vội vàng trên các bức tường theo lối viết tắt HS-TS-VN diễn ra trong đêm tối.
Nhưng chỉ ít lâu sâu đó, với các cuộc xuống đường biểu tình chống Trung quốc diễn
ra trên cả ba miền đất nước với số lượng người tham gia đông đảo. Lúc đó khẩu
hiệu "Hoàng sa-Trường sa là của Việt nam" đã xuất hiện một cách công
khai cùng với các băng rôn, khẩu hiệu chống Trung quốc xâm lược. Đây là những kết
quả đáng khích lệ của phong trào đấu tranh Dân chủ cần được ghi nhận.
Có không ít người bi quan, thậm chí còn tỏ thái độ
thất vọng đối với phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam. Thậm chí họ còn
khẳng định là sẽ còn lâu, còn rất lâu Việt nam mới có thể có dân chủ. Không chỉ
thế, họ còn không tiếc lời dè biểu chê trách những người đấu tranh hay ủng hộ
phong trào này. Tiếc rằng, những người ấy không tự đặt câu hỏi cho mình rằng: "Anh
(chị) đã có đóng góp gì hay chưa cho phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt
nam?". Đừng quên, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nói thì ai cũng có thể
nói được - thậm chí nói rất hay. Nhưng nếu như ai cũng chỉ nói, mà không xắn
tay áo bắt tay vào làm thì phải đến bao giờ Việt nam mới có Dân chủ?
Thực tế đã cho thấy, chuyển dịch từng bước của chính
trị Việt nam hướng đến các giá trị văn minh của nhân loại đã và đang diễn ra, với
tác động đến từ nhiều phía. Cả từ phía chính quyền, lẫn từ áp lực quốc tế cũng
như các tác động của áp lực xã hội nói chung, mà phong trào đấu tranh dân chủ
cũng là một thành tố có đóng góp quan trọng. Tuy rằng cho đến hôm nay, phong
trào đấu tranh dân chủ cũng chưa tạo được các tác động cần thiết mà lẽ ra phải
có. Mà nguyên nhân cơ bản nhất có lẽ là: chưa có một sự đoàn kết, thống nhất;
chưa có một sách lược đấu tranh nhất quán và quan trọng hơn là chưa có một ngọn
cờ - thủ lĩnh cần phải có.
Fidel và lời tiên
tri bất đắc dĩ
Một câu chuyện ở Cu ba năm 1973, khi Fidel Castro
bày tỏ chính sách chống Mỹ đến cùng của mình, và ông ta đã từng tuyên bố rằng: "Mỹ
sẽ đến nói chuyện với chúng ta khi họ có 1 tổng thống da đen và thế giới có một
Đức giáo Hoàng người châu Mỹ Latinh". Nghĩa là ông Fidel Castro đưa ra
một thông điệp để khẳng định rằng, chuyện "Cu ba nói chuyện với Mỹ"
chỉ là viễn cảnh, mà theo ông ta là điều không thể xảy ra và bao giờ có ở một
quốc gia Cu ba cộng sản. Cũng bởi vì vào thời điểm ấy không có ai dám nghĩ rằng
một nước Mỹ, một nước vốn có truyền thống phân biệt chủng tộc, kỳ thị người da
đen lại có một tổng thống là người da màu. Cũng như, chuyện có một Đức giáo
Hoàng người châu Mỹ Latinh hay chuyện một vị Đức giáo hoàng tới thăm Cu ba thì
là điều hoàn toàn viển vông và không thể có.
Vậy mà đến hôm nay, phát biểu nói trên của ông Fidel
Castro đã trở thành sự thật và Fidel bỗng trở thành nhà "tiên tri" bất
đắc dĩ. Khi nước Mỹ đã có một tổng thống người da màu, là ông Barac Obama với 2
nhiệm kỳ liên tiếp là tổng thống. Và ngày 20/9/2015 vừa qua, Đức Giáo Hoàng
Francis đã đến Havana bắt đầu chuyến đi thăm lịch sử tới Havana khi hai nước Mỹ
và Cu ba vừa chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài nhiều thập niên.
Vạn vật trong tự nhiên luôn vận động không ngừng, mọi
mặt của đời sống xã hội con người cũng vậy và chính trị cũng thế, nó luôn luôn
vận động và chuyển biến không ngừng để hướng tới các gia trị của văn minh nhân
loại. Những cái lạc hậu, không phù hợp với quy luật phát triển thì dứt khoát sẽ
bị đào thải, để thay vào đó là các giá trị tiến bộ phù hợp với quy luật phát
triển. Dân chủ cho Việt nam cũng vậy, nó dứt khoát phải đến bởi đây là tinh
hoa của nhân loại. Song vấn đề chỉ còn là nhanh hay chậm, tùy thuộc vào sự nỗ lực
của mỗi cá nhân chúng ta nỗ lực ít hay nhiều.
Bởi "Không có gì là không thể và Dân chủ cũng
thế."
Ngày 21/9/2015
© Kami
-----------------------------
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
No comments:
Post a Comment