Sunday, September 13, 2015

Địa điểm khó tưởng tượng nhất của UNESCO: Thành Cổ bỏ hoang của Việt Nam (Ron Emmons - CNN)





Ron Emmons
Phạm Nguyên Trường dịch
10 THÁNG CHÍN, 2015

Lost in translation:
Bài báo trên CNN chạy tít thế này, và nội dung cũng không giấu thắc mắc về việc Thành Nhà Hồ được UNESCO cho vào danh sách DSVHTG.

Báo chí VN dịch thế nào mà ra ngay kết quả hoành tráng: “Thành Nhà Hồ đứng đầu danh sách 21 di sản lớn nhất hành tinh” (Quân đội Nhân dân:http://www.qdnd.vn/…/thanh-nha-ho-dung-dau-danh…/376678.html), rồi Lao Động bình luận: “Không vui sao được khi một di sản của Việt Nam đứng đầu thế giới, xếp trên cả đảo Phục Sinh (Chile),…
(FB Phạm Thị Hoài)

Để bạn đọc có thêm thông tin cập nhật về Thành Nhà Hồ và về cách làm báo tài tình của báo chí chính thống VN, xin mời đọc toàn văn bài viết của CNN –  nguồn phát sinh ra những bài báo trứ danh mà nhà văn Phạm Thị Hoài đã dẫn trên.

Ron Emmons
Phạm Nguyên Trường dịch

----------------------

Việt Nam có ba thành cổ nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO và cái gần đây nhất – và cũng là kỳ quặc nhất là thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ, thủ đô của vương triều ngắn ngủi nhà Hồ, được xây bằng bốn bức tường bao quanh cánh đồng

Ngành du lịch đang phát triển có nghĩa là chấm dứt các hoạt động nông nghiệp và có thể ảnh hưởng tới đời sống của dân chúng trong vùng.

Bạn có thể nghĩ rằng chính phủ cộng sản không muốn dây dưa với quá khứ đế quốc của mình, nhưng chế độ ở Việt Nam đã thấy giá trị trong việc kỷ niệm những hoàng đế đã thuộc về dĩ vãng và đưa những thành quách cổ xưa thành những điểm du lịch.


Từ năm 1993, tám địa điểm ở Việt Nam–trong đó có ba thành cổ – đã được đưa vào danh sách di sản thế giới được UNESCO công nhận, bảy địa điểm nữa còn chờ phân loại chính thức

Nhiều địa điểm trong số này có giá trị lớn về tự nhiên hay lịch sử, ví dụ như Vịnh Hạ Long và quần thể di tích ở Huế.

Nhưng thành cổ vừa được UNESCO công nhận (năm 2011) là thành nhà Hồ hầu như chưa có mấy người biết, nằm ở tỉnh Thanh Hóa lạc hậu và xa xôi, cách Hà Nội khoảng 150 km, về phía nam.

Việc trao cho thành nhà Hồ vinh dự như vậy là chuyện lạ vì hai lý do.

Thứ nhất, triều đại nhà Hồ chỉ kéo dài bảy năm (1400-1407), chỉ là một giọt nước trong đại dương của lịch sử đầy sóng gió của Việt Nam.

Thứ hai, đây là thành cổ bỏ hoang.

Đúng  là không có cung điện, không có đền thờ, không có di tích, chỉ có bốn bức tường xung là những mảnh ruộng.

Nhưng, theo UNESCO, thành này là “ví dụ điển hình cho một phong cách mới của thành phố hoàng gia ở Đông Nam Á”.

Bị ý niệm về việc khám phá thành phố thời Trung cổ ở vùng nông thôn Việt Nam lôi cuốn, tôi quyết định khám phá tòa thành cổ bỏ hoang này.

Thành cổ còn lại gì

Tòa thành cổ này – được xây dựng trong vòng ba tháng và không dùng vữa – là một kỳ công đầy ấn tượng của kỹ thuật thế kỷ XV.

Tôi liên lạc với một người bạn, tên Xuân, sống ở Ninh Bình, cách tòa thành khoảng 60 km, về phía đông.

Chúng tôi đến cửa phía bắc của thành nhà Hồ, trả phí vào cửa là 10.000 đồng (khoảng 50 cent) và leo lên lên bờ cỏ để có thể nhìn thấy toàn cảnh từ trên đỉnh của bức tường.

Xuân nói với tôi rằng người ta chọn địa điểm theo nguyên tắc của thuật phong thủy, vừa nói anh vừa chỉ về dãy Đốn Sơn và Tượng Sơn bảo vệ thung lũng, và sông Mã và Bưởi chảy hai bên tòa thành.

Không quan tâm tới phong cảnh làng quê, tôi tập trung quan sát những khối bằng đá đồ sộ trong những bức tường.

Chúng được xếp chồng lên nhau mà không có vữa; một số viên đá to đến mấy mét khối.

Những bức tường đã 600 năm tuổi, mỗi chiều dài gần một cây số, còn tương đối nguyên vẹn và bốn cổng vòm đứng vững chắc như bao đời nay.

Đương nhiên là, một phần tường đã bịp sập hoặc bị cỏ và cây bụi bao phủ, nhưng như thế càng làm tăng thêm huyền bí của khu vực.

Bên trong những bức tường này là những ruộng ngô và lúa, ao, đường đất như muôn đời nay vẫn thế – hình ảnh của sự phong phú và tự cấp tự túc.

Lịch sử nhà Hồ

 “Vì sao mà nhà Hồ lại ngắn như vậy?”, tôi hỏi Xuân về giai đoạn lịch sử ít được biết đến này của lịch sử Việt Nam.

Trong những năm cuối thế kỷ XIV, anh giải thích, triều đại nhà Trần rối loạn và Hồ Quý Ly (được đổi thành Lê Quý Ly), quan nhiếp chính trong triều đình của Hoàng đế Trần Thuận Tông ở Thăng Long (Hà Nội), lập kế hoạch nhằm chiếm đoạt ngai vàng .

Năm 1397 ông ta cho xây dựng tòa thành mới này, dường như chỉ trong ba tháng – một thành tựu tuyệt vời của kỹ thuật trong thời đại trước khi xuất hiện công cụ lao động có công suất lớn.

Khi Hồ [Quý Ly] mời nhà vua đi kiểm tra tòa thành vừa mới xây xong, ban đầu được gọi là Tây Đô, ông ta bỏ tù và sau đó thì giết Trần Thuận Tông, tự mình lên ngôi hoàng đế đầu tiên của nhà Hồ vào năm 1400.

Sau khi cầm quyền một năm, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con trai thứ hai là Hồ Hán Thương, ông này cũng chỉ trị vì được có sáu năm, sau đó nhà Hồ bị nhà Minh (Trung Quốc) lật đổ.

Mặc dù chỉ cầm quyền trong một thời gian ngắn, Hồ Quý Ly đã cho lưu hành tiền giấy và đưa ra giới hạn về quyền sở hữu đất đai, cũng như mở các cảng cho người nước ngoài vào buôn bán và mở rộng chương trình giáo dục để đưa các môn học như toán và nông nghiệp vào nhà trường.

Chúng tôi lái xe dọc con đường đất đi ngang qua tòa thành không người về cổng phía nam, cũng là cổng chính của tòa thành.

Chúng tôi bước vào một túp lều tre bên ngoài cổng thành phía nam, bức tường ở đây có những hình ảnh minh họa cảnh voi và ngựa kéo những tảng đá lớn từ dưới mỏ lên, cảnh những chiếc bè tre đưa đá xuống vùng hạ lưu và những người đàn ông và thú vật đưa những tảng đá đã được mài nhẵn vào vị trí trên tường .

Từ túp lều tre, chúng tôi đi vào một bảo tàng gần như trống không, nơi chỉ có vài hiện vật như những quả bóng bằng đá để bắn bằng súng cao su và một cái đầu chim phượng hoàng bằng đất nung được đào lên từ chính khu vực này.

Nông nghiệp và du lịch


Phát triển du lịch có thể có nghĩa là không còn sản xuất nông nghiệp và có thể ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong khu vực.

Tôi để Xuân nói chuyện với người phụ trách bảo tàng và leo lên đỉnh cổng phía nam tòa thành, và tôi tưởng tượng tòa thành cổ không người hiện nay trong khung cảnh thế kỷ XV, khi người dân tụ tập trên những khu chợ, trong những cung điện và đền thờ, từng có mặt bên trong những bức tường đá vững chắc này.

Trở lại với hiện tại, tôi chỉ thấy một đám học sinh đi học về, đang đạp xe ngang qua những cánh đồng lúa.

Xuân ra khỏi viện bảo tàng và nói với tôi rằng người phụ trách lo lắng cho tương lai của tòa thành cổ này.

Trong thỏa thuận với UNESCO, Việt Nam cam kết bảo vệ di sản của tòa thành cổ, có nghĩa là không để các công xây dựng mới làm hỏng phong cảnh và thôi sản xuất nông nghiệp, ví dụ như trồng lúa, bên trong tòa thành này.

Nguyễn Xuân Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ, nói với Viet Nam News: “Vì các hộ gia đình có quyền sử dụng đất, họ tiếp tục xây dựng nhà ở và các công trình khác và gây khó khăn cho việc bảo vệ thành cổ”.

Ông Toàn còn giải thích rằng cày, bừa, đào mương thủy lợi trong thành đã làm lộ ra các di tích khảo cổ học và có tác động tiêu cực đến các kiến trúc dưới lòng đất ở khu vực này.
Hiện nay, dường như người dân địa phương sẽ phải hy sinh quyền sử dụng đất đai của họ, đấy là nói nếu các nhà lãnh đạo quốc gia quyết tâm đưa thành cổ thành địa điểm thu hút khách du lịch.

Trên đường về, tôi tự hỏi Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc của Việt Nam, sẽ làm gì với câu hỏi hóc búa này.

Ron Emmons là một người viết/nhiếp ảnh gia người Anh, ông sống ở Chiang Mai, Thái Lan,thường đi khắp Đông Nam Á. Ông viết cho các nhà xuất bản như National Geographic và Rough Guides.







No comments: