Friday, September 11, 2015

Giáo dục có thực sự là giáo dục? (Lê Nguyễn - Dân Luận)





Lê Nguyễn, cộng tác viên Dân Luận
Tác giả gửi tới Dân Luận
11/09/2015

Mấy ngày vừa qua, dư luận mạng không ngớt bàn luận về chuyện một em học sinh tiểu học đã bị nhà trường cho thôi học vì… mẹ em ấy lên facebook chê bai chiếc cà vạt rắc rối của nhà trường!

Chia sẻ trên trang cá nhân về chiếc cà vạt, chị Nguyễn Thanh Hiếu phụ huynh em Lê Quang Minh Hải từng là học sinh lớp 2 trường quốc tế Sao Việt, quận 7, TP HCM (nay em đã học ở trường khác) viết:

"Mời quý trường xem hình cà vạt của hai trường tiểu học Việt Nam và Hàn Quốc để so sánh!
Mẫu của trường Hàn Quốc chiếc cà vạt được may cố định, tống vào máy giặt quay điên đảo cũng không bung bét ra mất phom, học sinh sáng ra đi học mắt nhắm mắt mở cũng lôi cài lên cổ cái rẹt với hai cái nút hai bên là tươm tất đến lớp!
Còn mẫu cà vạt của trường ta là hai cọng dây vải phải khéo léo thắt vào nhau mới thành hình cái cà vạt, con nhà cháu nông dân không biết cách thắt thế là mẹ cháu cứ buộc thắt nút vào như dây giày rồi treo lên cổ anh Tin.
Nhiều sáng, cáu tiết mẹ cháu bảo con nhét đại vào túi đến nhờ cô giáo thắt cho đẹp! Nhưng đến chiều cháu về cà vạt vẫn nguyên trong túi!
Tin nói cô bảo con tự thắt đi. Nên mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé!
Nếu không làm được thì dẹp đi ạ, chả khác nào cái giẻ rách vắt lên cổ các cháu! Xấu hình ảnh của nhà trường ghê nơi".

Căn cứ vào những chia sẻ trên, độc giả có thể nhận thấy, tuy đây là những lời nhận xét cá nhân quá thẳng thắn chỉ ra những cái bất tiện trong chiếc cà vạt, từ việc rắc rối trong cách thắt nó cho ra hình thù với khả năng vụng về của các em học sinh tiểu học, rồi đến nguy cơ bị thất lạc trong quá trình giặt rũ, phơi hong còn lại chúng ta không hề thấy có sự xúc phạm đến danh dự nhà trường trong những ngôn từ trên để rồi đổi lại là một việc phản ứng quá sốc từ phía nhà trường: Cho em Hải thôi học!

Điều này đã làm nổi lên một làn sóng tranh luận trái chiều gay gắt. Facebook Huỳnh Phước Sang chia sẻ quan niệm của mình trên trang cá nhân cho rằng: “đây là một ngôi trường tư, bán một dịch vụ giáo dục của mình, cha mẹ là khách hàng mua cho con mình dịch vụ đó. Thỏa thuận giao dịch hai bên là thuận mua vừa bán, người mua có quyền không mua, người bán có quyền không bán nếu thấy không ok, không có gì là trách nhiệm ở đây cả.”

Nhưng phần lớn mọi người, nhất là các bậc phụ huynh có con em đang theo học tại trường VStar cảm thấy lo lắng trước thái độ của nhà trường đối với sự việc trên.

Theo kênh 14 đưa tin thì: “Bà Nguyễn Ái Ch. cho biết: "Nếu thông tin trên là sự thật thì chúng tôi cảm thấy rất hoang mang, thứ nhất khi có một quyết định thôi học tại trường này thì trường phải thông báo trước cho phụ huynh trên email hoặc ít nhất là điện thoại. Vì bây giờ đã bắt đầu học, nếu phụ huynh không lên tìm hiểu mà đợi đến ngày 15/8 thì chắc chắn sẽ không còn trường nào nhận được nữa. Tôi thấy việc góp ý vào đồng phục một trường học là chuyện trường thường hay hỏi ý kiến phụ huynh vì đây là quyền lợi của con em mình. Tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của con gái mình tại trường nếu đây là sự thật".

Ông Trương Văn H. cho biết: "Nếu đúng sự thật là vậy, tôi khuyên phụ huynh của em kia nên làm đơn khiếu nại, bởi vì nếu trường muốn cho học sinh nghỉ, hoặc chuyển trường thì theo luật giáo dục phải thông báo trước với người có trách nhiệm của học sinh trước khoảng 15 ngày, và khi một trường khác tiếp nhận, có giấy yêu cầu thì trường mới có quyền trả học bạ của học sinh như vậy. Tôi sẽ suy nghĩ lại việc cho con mình tiếp tục học tại đây".

Cũng theo các phụ huynh khác tại đây, vì nhà trường thường xuyên gửi mail liên lạc với gia đình trong tất cả hoạt động của học sinh khi tham gia học, bao gồm các tiết ngoại khóa, du lịch hay đổi mới lịch học,... đều có thư thông báo chính thức. Thế nên việc buộc một học sinh thôi học mà diễn ra chóng vánh và đơn giản như thế là điều không đúng.”

Nói chuyện này với nhau, bạn tôi đã ví von: “Trường gì mà độc tài y như Đảng vậy, luôn thể hiện chứng tiểu nhân, chấp vặt, trù dập những quan điểm bất đồng. Thế mà ông phó hiệu trưởng luôn bô bô cái miệng tuyên bố, chúng tôi luôn lắng nghe những đóng góp, ý kiến của các bậc phụ huynh. Vậy mà, đến khi người ta có ý kiến chê bai một chút thì đã quay ra cắn bẳn rồi. Thù mẹ mà không làm gì được quay sang “phản đòn” con, “cấm vận” nó không được tới trường. Thật là hết biết. Mang tiếng là trường tiêu chuẩn Quốc tế mà hành xử kiểu tiểu nông quốc gia.”

Trong vụ việc này, có lẽ người bị thiệt hại, tổn thương nhiều nhất vẫn là em học sinh kia. Bởi, tâm lý bất an, hoài nghi của đứa trẻ sau khi biết mình bị nhà trường cho thôi học. Với con mắt của bạn bè nhìn vào sẽ thế nào sau khi biết được cậu bé này đã bị đuổi học? Bởi lẽ, thông thường, chúng ta chỉ được biết những trường hợp bị cho thôi học vì những lý do hạnh kiểm, đạo đức, vi phạm nội quy nhà trường chứ chưa bao giờ được nghe về chuyện bất bình với phụ huynh mà đuổi học con em họ cả. Đây chính là hành vi mà người Việt Nam cực ghét và hay lên án tội “giận cá chém thớt”! Giận mẹ không làm gì được (vì lời lẽ của chị này không hề có ý xúc phạm danh dự nhà trường nên nhà trường không có cơ sở để xử lý, tố tụng) nên quay ra lạm quyền mà “chém” con người ta.

Được biết rằng, nhu cầu học tập là một nhu cầu thiết yếu của con người thời hiện đại, nó cung cấp cho chúng ta tri thức, dạy chúng ta làm người, tạo ra tương lai. Với tâm lý hiếu học của người Việt thì chuyện học hành vô cùng quan trọng, đó không phải là nhận thức của nhà nước (nếu nhà nước nhận thức được thì đã không có cảnh ngành giáo dục nát bét cả nghĩa đen với nghĩa bóng) mà là nhận thức (thái quá) của người dân (thông qua việc chạy trường, chạy lớp ép con học ngày đêm). Lợi dụng điểm này, không riêng gì trường Sao Việt này mà ngay cả chính quyền cũng đã nghĩ ra “trò bẩn” này từ lâu để trả đũa người dân thông qua việc áp đặt lên nhà trường cho con em họ nghỉ học:

Trước đó, theo facebook Việt Tân đưa tin, 153 em học sinh ở Kỳ Anh-Hà Tĩnh cũng bị nhà trường cho thôi học hai năm nay vì “mệnh lệnh” của chính quyền Kỳ Anh, Hà Tĩnh với mục đích trả thù cha mẹ các em vì đã không đồng thuận, tuân thủ những bắt buộc vô lý của chính quyền địa phương: buộc những hộ Giáo Dân xứ Đông Yên đi di dân tái định cư ở nơi khác.

Một trường hợp khác, sinh viên Phạm Lê Vương Các của trường Đại học kinh doanh-công nghệ mới đây cho hay đã “được” thầy Trưởng khoa Đại học Liên thông-kiêm Phó Hiệu trưởng gợi ý “em hãy rút hồ sơ và nghỉ học ở trường này đi” bởi vì lý do: “Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng Sản. Trường này do những người Cộng Sản lập ra, và sẽ tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị Cộng Sản này.”

Được biết, sau khi nhận hồ sơ nhập học của anh Các thì nhà trường mới được Tổng cục An ninh “báo cáo” về trường hợp đặc biệt của anh này nhằm gây sức ép với nhà trường buộc anh Các rút hồ sơ thôi học nhằm trả thù anh vì những bất đồng chính kiến với chính quyền Cộng Sản. Nhưng với lập luận tự tin dựa trên cơ sở hiểu biết pháp luật cộng với truyền thông quốc tế (hãng BBC) lên tiếng thắc mắc khiến cho ông Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng kiêm trưởng khoa nơi anh Các đang theo học đã lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích của mình và nhà trường, và đương nhiên ông đã phủ nhận hoàn toàn những gì đã diễn ra trước đó với sinh viên Phạm Lê Vương Các-điều mà anh Các cho là thật đáng tiếc. Điều đó cũng có nghĩa là Anh Các đã hoàn toàn bảo vệ được quyền tự do học tập của mình.

Những sự việc nêu trên, khiến người viết luôn có cái nhìn ảm đạm, tăm tối cho nền giáo dục nước nhà khi mà các nhà giáo dục, tổ chức giáo dục không coi việc giáo dục là giáo dục! Sự việc trên, chỉ dạy các em cách nhìn tiêu cực, lệch lạc về xã hội: kẻ có chức có quyền luôn có thể làm bất cứ thứ gì mà chúng muốn mà không hề căn cứ vào quy định, luật pháp. Từ đó hình thành ở các em cái suy nghĩ không coi trọng và dẫn đến không tuân thủ luật pháp ở nước ta.








No comments: