Friday, September 11, 2015

Gà đã gáy mà sao đảng ngủ mãi? (Phạm Trần - Danlambao)






Đảng và Quân đội Cộng sản Việt Nam đang đổ hết gas vào những cái mồm tuyên truyền để chống những ai nói đảng đã lầm đường lạc lối 70 năm trước để đến bây giờ phải kêu gọi hàng ngũ cứu nguy “suy thoái đạo đức”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.

Lệnh này nhan nhản trong các bài viết trên báo Quân đội Nhân dân và của Ban Tuyên giáo trong thời gian phô trương những thành quả tưởng tượng khoác áo “vĩ đại” đã đem lại cho dân từ ngày gọi là Cách mạng tháng 8/1945 và Độc lập 2/9.

Bài viết của PGS, TS. Nguyễn Văn Mạnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên Quân đội Nhân dân ngày 01/09/2015 là một tỷ dụ. Ông mở đầu như thế này: “Tháng 9 năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm trọng thể 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại thành quả của 70 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời, qua đó đập tan luận điệu xuyên tạc, vu khống về bản chất Nhà nước ta của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị.”

Không cần phải mất thời giờ đọc hết bài cũng đã thấy ông Mạnh bốc quậy để khoe quàng rằng đảng của ông đã “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội”.

Cũng chả cần phải có học hàm Phó Giáo sư, Tiến sỹ mà ngay chị bán hàng rong, anh lái xe ôm hay cháu học lớp bốn trường làng cũng biết ở Việt Nam không có cái gọi là “nhà nước pháp quyền”, nói chi đến “của dân, do dân, vì dân”? Và nếu bảo “quyền làm chủ của nhân dân” đã phủ “trên mọi lĩnh vực” thì tại sao dân không có quyền tự do ứng cử và bầu cử mà cứ phải là đảng viên hay cảm tình viên với đảng thì mới được Mặt trận Tổ Quốc tuyển chọn qua cuộc gọi mỹ miều là “hiệp thương” (hay chuẩn y trước) rồi dân mới được "bầu" sau đó thì dân làm chủ chỗ nào?

Chuyện vớ vẩn “dân làm chủ” còn được đảng bôi bác ở Điều 53 Hiến pháp 2013 khi viết rằng: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."

Có ai ở Việt Nam đã thuê Nhà nước đại diện để làm “chủ sở hữu đất đai” của mình không? Đảng tự viết ra Hiến pháp để cho Quốc hội của đảng đóng dấu chấp thuận những gì đảng muốn thì có mạ vàng Hiến pháp cũng chỉ là mớ giấy có chữ để bảo vệ độc quyền, độc tôn cực kỳ phản cách mạng.

Tác giả Nguyễn Văn Mạnh cũng mắt nhắm mắt mở khoe rằng: “Đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” được ghi nhận: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp 2013)

Đây không phải là thứ nhà nước có tam quyền phân lập và hoàn toàn độc lập không được quyền can thiệp hay gây ảnh hưởng lên nhau mà chỉ là sự “phân công” bởi nhà nước, hay đảng cũng vậy, cho dễ bề quản lý.

Vì thế dưới chế độ độc tài một đảng cầm quyền, đảng kiểm soát mọi ngành, mọi thứ nên dù ngôn ngôn ngữ có tô son điểm phấn thì Tòa án được gọi là nhân dân cũng chỉ là nơi để xử án theo lệnh cấp trên. Quyền tranh tụng và bào chữa của bị cáo không được tôn trọng trong mọi trường hợp, nhất là đối với các vụ án chính trị và vi phạm quyền con người của nhà nước.

Vì vậy khi ông Mạnh khoe quyền con người được ghi trong Hiến pháp 2013 “đã thể hiện rõ tính ưu việt, bản chất dân chủ, nhân đạo và tiến bộ của Nhà nước ta, của chế độ xã hội chủ nghĩa”, nhưng lại che đi mặt trái của Chương này khi quy định những hạn chế vì các lý do mơ hồ và tùy tiện như: "Quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, hay bừa bãi như “do pháp luật quy định” hoặc “do luật định” nhằm giật lại những gì Hiến pháp đã cho phép.

Như thế có phải là giả dối không hay vì người Cộng sản đã quen với nói trước quên sau nên cũng là chuyện bình thường, miễn sao bài viết đem lại một chút lợi nhuận vật chất và tinh thần?

Hãy nhìn lại gáy mình

Bây giờ nhìn lại sau 70 năm ngày 2/9 và 30 năm Đổi mới, Việt Nam vẫn tiếp tục tụt hậu về kinh tế, thu thập đầu người chỉ hơn có 4 nước Lào, Kampuchia, Brunei và Miến Điện (Burma hay Myanmar), nhưng đứng sau rất xa so với Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Nam Dương.

Tại Hội thảo về "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-3035" do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 28/8, một báo cáo được ViệtnamNet trích dẫn cho thấy: "GDP (Gross Domestic Product, Tổng sản lượng Quốc gia) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD. Con số này gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ bằng với nước Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010.

Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.

GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.”

Nhưng theo báo The Economist mỗi đầu người Việt Nam lại phải gánh 979 Dollars nợ công tính đến tháng 03/2015. Số tiền nợ công của Việt Nam đang ở mức 89,07 tỷ USD, chiếm 46,6% GDP.

Với tình hình kinh tế như thế thì con người Việt Nam đã được hưởng gì sau 70 năm Cách mạng tháng Tám và 30 sau sau Đổi Mới? Có lẽ ông Tiến sỹ khoa bảng Nguyễn Văn Mạnh đã được đảng nuôi ăn suốt đời trong nhà cao cửa rộng nên không cảm được nỗi đau của dân nên ông mới ca bài lạc điệu rằng: “Ai đó cho rằng Nhà nước Việt Nam phản bội lợi ích dân tộc, vi phạm quyền con người, quyền công dân,… là hoàn toàn không có cơ sở, phi thực tế, phiến diện.”

Có phiến diện và thiếu cơ sở hay không thì chỉ cần nhắc lại lời kêu gọi toàn đảng phải “khắc phục hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, vô cảm trước nhân dân… phải quyết liệt đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác” trong cán bộ đảng viên như ông Nguyễn Văn Mạnh đã nêu lên để khỏi mất công xuyên tạc làm gì cho cái gọi là “bản chất tốt đẹp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” ở Việt Nam.

Tiếng nói lạc lõng

Quan điểm sai trái, đi ngược đường khác nhằm che giấu những khuyết tật kinh niên của đảng đến từ 3 bài viết trên báo Nhân Dân của Nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Nội dung được Ban Biên tập Nhân Dân tập trung để phản biện lại những “phủ nhận, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” của 4 tập thể mà báo này chỉ ra gồm có: “các thế lực thù địch, một số kẻ cơ hội chính trị, phần tử bất mãn, suy thoái về tư tưởng” đã “phối hợp chống phá sự nghiệp cách mạng, chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên của đất nước ta.”

Trong bài đầu tiên gọi là “Sứ mệnh - chân lý lịch sử”, với bản lĩnh năng nổ hăng tiết vịt quen thuộc, ông Lợi đã hô to: “Chưa bao giờ đất nước có một cơ đồ tươi sáng như hiện nay. Chúng ta tự tin đến với thế giới với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng, và thế giới hào hứng đến với chúng ta - một đất nước dồi dào tiềm năng, giàu sinh khí và khát vọng vươn tới. Dù còn phải đối mặt với nhiều gian khó, thử thách, nhưng cả dân tộc vẫn đang tràn đầy niềm lạc quan hướng tới tương lai. Trong khi đó, các thế lực thù địch, một số kẻ cơ hội chính trị, phần tử bất mãn, suy thoái về tư tưởng lại liên tục đưa ra những luận điệu với tần suất cao, rằng: “Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là độc đảng, toàn trị”. Điều đó cho thấy họ đang cố tình bơi ngược trên dòng sông đất nước. Bất chấp thực tế đất nước đã vượt qua muôn trùng thử thách và đang phát triển mạnh mẽ, được thế giới nể trọng, họ vẫn đeo cặp kính đen đầy thiên kiến, lệch lạc để phán xét tình hình Việt Nam, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS Việt Nam).

“Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là độc đảng, toàn trị”, vậy có gì mới từ thứ luận điệu này?”

Sự lạc quan quá trớn hay bà con hè phố gọi là “với tay qua trán” để nói như cái vòi nước máy đầu đường của ông Lợi đã tự phản bội sự thật có “tươi sáng như hiện nay” hay không ?

Hãy bình tĩnh mà nghe PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nói Báo Bưu điện Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám. 

Ông Phúc nói: “Thành quả 70 năm sau Cách mạng tháng Tám rất to lớn, nhưng bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức đổi mới”.

Theo quan sát của ông Phúc thì: “Hiện nay, đất nước ta đứng trước một số thách thức. Thứ nhất là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong nhận thức và trong hành động như thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng kinh tế, văn hóa không đúng những chuẩn mực đưa ra. 

Thứ hai là nền kinh tế tuy phát triển nhanh, thu nhập quốc dân tăng gấp 20 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn 10 lần, nhưng quy mô, năng suất lao động thấp, chất lượng hiệu quả nền kinh tế càng thấp, giá trị gia tăng nền kinh tế không nhiều, vẫn còn tập trung khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế theo hướng gia công, nhận nguyên liệu nước ngoài về xuất khẩu, giá trị gia tăng không nhiều, năng lực cạnh tranh thấp, tình trạng nợ công cao và nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước.

Thứ ba là vấn đề xã hội, tuy đời sống xã hội đã được cải thiện nhưng phân hóa giàu nghèo còn khá nặng, chênh nhau mấy chục lần, dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội, phân hóa đạo đức, văn hóa trong xã hội. 

Thứ tư là tha hóa về đạo đức lối sống trong xã hội. Thứ năm là tha hóa về chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị. Đây là khuyết điểm trong xây dựng Đảng. Sự tha hóa thoái hóa, biến chất đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. 

Thứ sáu là sự chống phá của các lực lượng như diễn biến hòa bình, cũng như sự đe dọa về độc lập chủ quyền thống nhất, chủ quyền biển đảo. Trước tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, khi phát triển kinh tế thì Việt Nam cần phải quan tâm chăm lo chiến lược bảo vệ Tổ quốc.”

Như vậy thì đất nước và con người Việt Nam đang sống dưới chế độ độc tài đảng trị Cộng sản tươi sáng hay đen tối như chưa bao giờ thấy?

Trong 6 thách thức thì ông Phúc có nói đến “sự chống phá của các lực lượng như diễn biến hòa bình, cũng như sự đe dọa về độc lập chủ quyền thống nhất, chủ quyền biển đảo.” 

Ỏ vế thứ nhất, chả ai, kể cả những người như ông Phúc và ngay cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng chưa có ai vạch được mặt kẻ thù “diễn biến hòa bình”. Nhưng trong thực tiễn, tất cả những gì, từ lời nói đến hành động, làm cho cán bộ đảng viên và nhân dân mất niềm tin vào đảng, chả còn muốn liên hệ máu thịt gì với đảng thì đều bị đổ lên đầu “diễn biến hòa bình”, hay “cách mạng xanh” hoặc “lật đổ không đổ máu” bởi quần chúng nổi lên. Nhưng trong đáy sâu lòng dạ của lãnh đạo là cách nói giấu mặt muốn ám chỉ Tây phương do Hoa Kỳ cầm đầu như đã xảy ra tại một số nước như Ai Cập (Egypt), Lybia, Syria hay ở nước Nga và khối các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ 1989 đến 1991.

Trong ngôn ngữ của vế thứ hai, ông Phúc đã đề cập đến mối “đe dọa về độc lập chủ quyền thống nhất, chủ quyền biển đảo” thì ai cũng biết ông muốn nói đến láng giềng gian xảo Trung Quốc, nhưng ông nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc lại không dám nói thẳng ra là bằng chứng cho thấy ông, cũng như đảng của ông cứ vưỡn ỡm ờ, chưa dám đánh mà đã ôm nhau run như cầy sấy chỉ sợ ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em”!

Tướng Thước - Điều 4 Hiến Pháp

Người thứ hai trả lời cho cán bộ Tuyên giáo Hồ Quang Lợi là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.

Trong cuộc phỏng vấn phổ biến ngày 09/09 (2015), báo Giáo Dục Việt Nam đạt câu hỏi: "Nhìn vào tình hình đất nước trong những năm vừa qua, ông có lo lắng về công tác tổ chức cán bộ không?".

Tướng Thước đáp: “Tôi rất lo lắng! Công tác cán bộ cho dù được thực hiện qua nhiều quy trình chặt chẽ, nhưng vẫn có những chỗ bị sai lệch dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.

Đó là chuyện quan chức sai phạm trong điều hành vì tư lợi, đó là chuyện tham nhũng, lãng phí ở nhiều địa phương, nhiều ngành… trong khi công tác giám sát, thanh tra quá yếu kém.

Tôi lấy thí dụ như báo cáo của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ thì tính đến hết tháng 5/2015 trong số 1.225 người thuộc diện phải xác minh tài sản chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.

Đây là một con số quá ấn tượng, nhưng liệu có đúng như vậy không? Nhìn vào kết quả này, tôi rất buồn, bởi vì kết quả không phản ánh đúng thực chất tình hình diễn biến trong thực tế.

Nếu kết quả này là đúng thì Việt Nam phải được xếp ở nhóm đầu về sự minh bạch chứ không phải là nằm ở tốp cuối.”

Tướng Thước hoài nghi: “Trong các báo cáo của Đảng vừa qua đều chỉ ra rằng, tình hình tham nhũng diễn biến khó lường, còn nhiều phức tạp, kết quả đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Ấy thế mà kết quả thanh tra thì phản ánh hoàn toàn ngược lại.

Cứ như thế này thì làm sao kiểm soát được sự trung thực của cán bộ. Cứ như thế này thì kê khai tài sản sẽ mãi chỉ là chuyện hình thức, mà cái gì chỉ là hình thức, không còn thực chất nữa thì phải bỏ hoặc phải làm cho đúng với mong muốn của Đảng, cũng là mong muốn của nhân dân.”

Với cách làm việc chống tham nhũng bằng nước bọt như thế mà Hồ Quang Lợi dám “lăng ba vi bộ”: “Chưa bao giờ đất nước có đồ tươi sáng như hiện nay” thì chỉ có mơ sảng mới phát ra như thế vào lúc kinh tế đang ngấp ngoái ở mức phát triển hơn 5%, thay vì 7 hay 8% như trước, và hiện đại hóa cái gì mà “chưa làm nổi con ốc vít” đến nỗi bây giờ các Lãnh đạo đảng không dám nhắc lại dự báo khống từng hô hoán đến năm 2020 nước ta sẽ là một nước “công nghiệp hóa”.

Tại sao như thế sau 30 năm gọi là Đổi mới mà Việt Nam lại đi giật lùi không dám phát triển như các nước trong khu vực?

Tại vì Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyền nhưng lãnh đạo lại thiếu thông minh, cực đoan, bảo thủ và muốn “ăn hết” của dân, không dám cởi trói chính trị cho dân để họ được mở mắt nhìn ra ngoài xem tại sao hai dân tộc Cao Miên và Ai Lao đã có nhiều lĩnh vực vượt ra “đàn anh” Việt Nam?

Tại vì hai nhà nước Lào và Cao Miên biết sử dụng tự do kinh doanh, tôn trọng quyền làm chủ của người dân trong khi đảng CSVN chỉ biết say mê “toàn trị và độc đảng”, “độc quyền thông tin báo chí” để kìm kẹp tư tưởng nhân dân.

Nếu những con số tụt hậu hơn các dân tộc láng giềng được báo cáo tại Hội nghị"Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-3035" hồi tháng 8/2015 chưa làm cho ông Tuyên giáo dẻo mép Hồ Quang Lợi “sáng mắt sáng lòng” thì ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung đã giúp ông Lợi mở mắt to hơn.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta phải hết sức trân trọng tất cả những thành quả, thành tích đã đạt được vì đó là công sức chung của nhân dân, của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt khác phải có cách tiếp cận mới. Liệu có bi quan hay không nói rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu?

Tôi nghĩ rằng nói vậy không có gì là bi quan. Không phải là nguy cơ tụt hậu mà chúng ta đã tụt hậu, chúng ta đang tụt hậu và chúng ta có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu như không đổi mới.”

Trong Cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) phát sóng trên Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) ngày 10/09/2015, ông Vũ Ngọc Hoàng nói tiếp: “Chúng ta đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và việc này thể hiện trên nhiều mặt: năng xuất lao động thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Sau 30 năm, hàng công nghiệp để xuất khẩu, có uy tín trên thị trường quốc tế không đáng kể.

Chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng sản phẩm thô về nông nghiệp của ta thấp hơn so với nhiều nước. Chúng ta chỉ có 70 triệu/ha giá trị sản phẩm, trong khi các nước đã có hàng mấy tỷ, có chỗ mấy chục tỷ rồi. Hay như chúng ta có thế mạnh về phát triển du lịch, nhưng cho tới giờ này vẫn rất ít, trong khi ở khu vực người ta hơn chúng ta hàng chục lần. Nợ nhiều, hiệu quả đầu tư thấp, chưa biết lấy nguồn tài chính ở đâu để trả nợ… Tất cả những vấn đề như vậy báo hiệu đã tụt hậu, đang tụt hậu và nguy cơ sẽ tụt hậu xa hơn.”

Chuyện mỗi ngày Việt Nam càng đi lùi sau các nước trong khu vực đã có từ trước 2003, khi Việt Nam bắt đầu chủ trương “Tái cơ cấu” kinh tế. Từ đó đến năm 2015, quốc nạn Tham nhũng và chủ trương cải cách hành chính đã thành “hành dân” hơn khiến cho tình trạng phát triển lâm vào ngõ bí trì trệ để sinh ra “lợi ích nhóm” để phá hoại đất nước nhiều hơn.

Nhưng các quan Tuyên giáo như ông Hồ Quang Lợi không nhìn ra đó là lỗi “Hệ thống” như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã cảnh báo, mà cứ nói miết kiểu “đảng ta vĩ đại không bao giờ sai”.

Do đó, không ai lạ khi thấy Hồ Quang Lợi viết trên Nhân Dân: “Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã chế định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Hiến pháp Việt Nam thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, đã được toàn dân thảo luận rộng rãi và được Quốc hội thông qua. Sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam được ghi ở Điều 4 của Hiến pháp chính là sự lựa chọn dứt khoát của toàn dân tộc Việt Nam.”

Đố ai ở Việt Nam, kể cả những đảng viên chỉ còn “nửa cái óc” dám xung phong đi đầu trong hàng ngũ để thề nói gian sẽ chết đứng giữa chợ Đồng Xuân rằng mình đã “dứt khoát” chọn đảng để “lãnh đạo đất nước” suốt đời muôn năm?

Nhưng mà trước khi có hành động “ái quốc, yêu đảng” hết cỡ thợ mộc như thế thì hãy bình tĩnh nín thở để thề thêm một câu nữa là sẽ “chịu chém đầu” giữa Quảng trường Ba Đình nếu đảng và Quốc hội không phải là đồng tác giả của Điều 4 Hiến pháp?

Bấy nhiêu chuyện tưởng cũng quá đủ để nói với đảng rằng: Gà đã gáy rồi, sao đảng cứ ngủ mãi?

Hãy thức dậy thôi chứ. Nếu cứ ngủ li bì mãi thì đến Thế kỷ nào dân ta mới sáng mắt ra được? -/-

(09/015)









No comments: