Thursday, September 24, 2015

Chống Trung Quốc bành trướng (Dân Trí)





Thứ Tư, 23/09/2015 - 22:00

Ngày 20/9, tờ Inquirer dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, ủng hộ Nhật Bản thông qua Luật an ninh mới cho phép lực lượng vũ trang bảo vệ các đồng minh như Manila khi bị tấn công.

Cũng trong ngày 20/9, tờ The Straits Times cũng dẫn tuyên bố ủng hộ Luật an ninh mới của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin. Trước đó (19/9), Mỹ và Anh đã hoan nghênh việc Tokyo thông qua Luật an ninh mới nhằm mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài, cũng như tăng cường mối quan hệ đồng minh và đóng vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực, và quốc tế; đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì an ninh và hòa bình quốc tế. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop coi động thái này của Nhật Bản “đóng góp vào hòa bình và ổn định quốc tế”.

Sự chuẩn bị của Tokyo

Với 148 phiếu thuận và 90 phiếu chống, Luật an ninh mới của Nhật Bản đã được Thượng viện nước này thông qua sau cuộc bỏ phiếu sáng 19/9. Phát biểu trong buổi họp báo sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật an ninh mới, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, đạo luật này là cần thiết để bảo vệ nhân dân và cuộc sống hòa bình. Lần đầu tiên trong vòng 70 năm qua, Luật an ninh mới được thông qua, cho phép Tokyo có quyền điều binh ra nước ngoài tham chiến nhằm bảo vệ các đồng minh, thậm chí cả trong trường hợp Nhật Bản không bị tấn công.

Những người ủng hộ cho rằng, dự luật cần thiết cho sự phòng thủ của Nhật Bản và đồng minh trong khu vực, cũng như cho phép Tokyo tham gia nhiều hơn vào hoạt động giữ gìn hòa bình thế giới. Trước đó (17/9), tại cuộc họp của Ủy ban đặc biệt về an ninh thuộc Thượng viện, liên minh cầm quyền nước này đã thông qua dự luật gây tranh cãi này.

Theo đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe, trong tháng 7 Hạ viện Nhật đã thông qua dự luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia tác chiến để bảo vệ nước này và đồng minh khi bị tấn công. Bởi theo ông Shinzo Abe, điều Nhật Bản cần làm là đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Và trên thực tế, Nhật Bản đã từng bước chuyển đổi đường lối quân sự theo hướng, chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”; từ “lực lượng phòng vệ” sang “quân đội chính quy”. Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đã trở nên nghiêm trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani tuyên bố, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang thúc đẩy Bắc Kinh leo thang ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng theo luật pháp Nhật Bản, chỉ điều quân khi không còn giải pháp nào khác, triển khai sức mạnh ở mức tối thiểu nhất, và cuộc xung đột đó phải đe dọa tới sự tồn vong của Nhật Bản, cũng như quyền sống, quyền tự do của người dân.

Ngày 19/9, Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe là người hỗ trợ lớn nhất để thông qua dự luật này, và ông cũng cảm thấy "rất khó giải thích cho công chúng về ý nghĩa của luật này". Việc mở rộng hoạt động cho Lực lượng Phòng vệ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2012.

Luật an ninh mới diễn giải lại điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản - cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật bản (SDF) tham chiến bảo vệ đồng minh như Mỹ kể cả khi xung đột không trực tiếp đe dọa Nhật Bản. Ông Shinzo Abe có thể trở thành thủ tướng có thời gian nắm quyền dài thứ 3 ở Nhật Bản kể từ Thế chiến II sau khi tái đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 7/9.

Những quan điểm khác nhau

Ngày 20/9, khi nói với tờ South China Morning Post, chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản - Học viện Ngoại giao Trung Quốc Chu Vĩnh Thắng cho rằng, sau khi có quyền hành động, Nhật Bản có thể sử dụng nó để tham gia vào một cuộc chiến tranh khu vực khi xét thấy cần thiết. Còn theo cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Giang Lập Phong, động thái của Thủ tướng Shinzo Abe là nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt là các tranh chấp ở Biển Đông. Bởi nếu Philippines bị đe dọa và yêu cầu giúp đỡ, Nhật Bản có thể điều quân tới Biển Đông theo Luật an ninh mới vừa được thông qua.

Shuhei Kuromi và Yujỉo Okabe, 2 biên tập viên của tờ Yomiuri Shimbun cũng có quan điểm này - Luật an ninh mới sẽ nâng cao mức độ răn đe của liên minh Mỹ - Nhật, và Tokyo đã sẵn sàng xử lý tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á.

Ngày 19/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi coi việc Tokyo thông qua Luật an ninh mới là "một động thái chưa từng có của Nhật Bản kể từ thời hậu chiến trong lĩnh vực an ninh và quân sự". Cũng trong ngày 19/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài nói xấu Nhật Bản khi cho rằng, phải cảnh giác với việc Nhật Bản quay trở lại con đường chiến tranh, cũng như bày tỏ quan ngại trước xu hướng hữu khuynh của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cáo buộc Tokyo vẫn đeo bám “tâm lý thời chiến tranh lạnh”, và Luật an ninh mới của Nhật Bản được thông qua chỉ một ngày sau kỉ niệm 84 năm sự kiện Nhật bản xâm lược Trung Quốc. Tân Hoa xã nhận định, đạo luật mới thông qua của Nhật Bản không những phá vỡ cam kết của Nhật Bản với thế giới sau Thế chiến II, mà còn phản bội chính người dân nước này.

Theo giới truyền thông, khoảng 300 người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Nhật Bản, kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe hủy bỏ đạo luật này, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục phản đối ông đến cùng. Học giả nổi tiếng Setsu Kobayashi đến từ Đại học Keio (Nhật Bản) đang lên kế hoạch kêu gọi 1.000 luật sư tham gia vụ kiện phản đối Luật an ninh mới. Bởi Luật an ninh mới được thông qua vẫn còn mấy tháng nữa mới có hiệu lực, và trong thời gian đó Tòa án Tối cao Nhật Bản có thể đề nghị các nhà làm luật điều chỉnh.

Trước đó (14/9), tờ Asahi Shimbun công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, hơn 50% cử tri Nhật Bản phản đối chính phủ ban hành đạo luật cho phép binh sỹ nước này lần đầu tiên tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Thế chiến II. Trước đó (30/8), hàng chục nghìn người đã biểu tình ngoài tòa nhà quốc hội để phản đối dự luật mới.

Nhận định của giới chuyên môn

Theo bà Sheila Smith, thành viên cao cấp về nghiên cứu Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), luật mới được Nhật Bản thông qua sẽ giúp lãnh đạo Mỹ hiểu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) "có thể và không thể làm gì". Và Washington không mong chờ SDF sẽ sử dụng vũ lực ở nước ngoài, bất chấp việc Tokyo vừa thông qua Luật an ninh mới cho phép mở rộng vai trò ở nước ngoài của SDF.

Còn theo ông Michael Green, Chủ tịch Trung tâm Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), dự luật mới có thể tạo điều kiện để Nhật - Mỹ tính đến việc “bảo vệ chuỗi đảo” bao quanh vùng biển của Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril xuống Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines đến quần đảo Borneo của Malaysia.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nhấn mạnh, có nhiều chuyên gia tại Mỹ vẫn lầm tưởng rằng, Nhật Bản có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể đầy đủ dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế như Mỹ có thể làm. Nhưng Tokyo đang nỗ lực hết mình để tiến tới điều này.

Tạp chí Nikkei Asian Review dẫn lời của ông Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu tại Trường đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng, Luật an ninh mới sẽ tác động tới quan hệ Nhật Bản - ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng. Đồng thời mang lại cơ hội để ASEAN đóng vai trò chủ đạo trong việc làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột trong khu vực. Còn theo chuyên gia Keith Henry của Công ty Tư vấn Asia Strategy (Nhật Bản), Luật an ninh mới là bước tiến giúp Nhật Bản vượt ra ngoài khuôn khổ bị ràng buộc trước đó.

Khi bình luận trên Nikkei Asia Review hôm 18/9, Daniel Twining, thành viên Quỹ Marshall Đức đã phân tích vì sao Mỹ ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy thông qua Luật an ninh mới - cho phép Tokyo tự bảo vệ tôt hơn và hợp tác chặt chẽ với Washington trong việc đảm bảo hòa bình ở châu Á, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Giáo sư Hoàng Đại Huệ thuộc trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, với sự mở rộng hoạt động của SDF, công nghệ quân sự tiên tiến của Tokyo sẽ tạo thêm áp lực cho Bắc Kinh.

Thủ tướng Shinzo Abe và nhiều nghị sĩ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nhiều lần chỉ trích những hạn chế trong Hiến pháp cũ và tin rằng, Tokyo cần một quân đội mạnh hơn. Nhưng việc mở rộng vai trò của quân đội luôn là chủ đề gây tranh cãi gay gắt tại Nhật Bản. Bởi nhiều người Nhật Bản lo ngại việc này có thể thay đổi 7 thập kỷ hòa bình và thịnh vượng cho đất nước mặt trời mọc; có thể khiến Tokyo trở thành mục tiêu của những kẻ quá khích chống Mỹ, cũng như đẩy Nhật Bản dấn sâu vào các cuộc xung đột do Washington khởi xướng. Theo giới quan sát, từ tháng 5 (sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe), quan hệ Nhật - Mỹ đã có bước tiến lịch sử, báo hiệu một giai đoạn mới của mối liên minh xuyên Thái Bình Dương.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 19/9 (theo giờ địa phương), 3 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Cũng trong ngày 19/9, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản còn phát hiện một tàu khảo sát hàng hải của Trung Quốc đi vào khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (10/9), 3 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đó là vụ xâm nhập lần thứ 25 của tàu Trung Quốc trong năm nay.

Theo Hồng Thất Công
PetroTimes

--------------------------------







No comments: