Sunday, September 6, 2015

CÂU CHUYỆN TÔI NGHE TRẦN HẠNH KỂ (FB Hoàng Ngọc Tuấn)





Posted by adminbasam on 06/09/2015

5-9-2015

Hôm nay, tôi thấy trên trang Diễn Đàn Forum có một bài viết của Nguyễn Ngọc Giao, dưới nhan đề “Tiếc thương Trần Hạnh”, trong đó có một đoạn văn khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, vì đoạn văn ấy có những chi tiết khác hẳn với những gì tôi nghe chính anh Trần Hạnh kể cho tôi.

Đoạn văn ấy của Nguyễn Ngọc Giao như thế này:
Tiễn biệt Trần Hạnh, tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện được anhtâm sự. Những năm qua, tôi nhiều lần muốn viết, nhưng vẫn ngừng tay vìmuốn đợi chính anh viết ra. Nay anh đột nhiên ra đi, tôi xin vắn tắ tkể lại. Cha anh là một sĩ quan cấp tá Việt Nam cộng hoà, thuộc ngành quân pháp. Trần Hanh kể lại năm 1972, khi anh sang Úc du học (học bổng Colombo), cha anh chỉ dặn một câu : cố gắng học hành, không tham gia chính trị. Sau năm 1975, ông bị đưa đi “học tập cải tạo”, tôi không nhớ bao nhiêu năm, chỉ mang máng khá lâu. Khi ông trở về, cha con gặp nhạu, Hạnh hỏi ông ở tù ra sao, ông không chịu kể, chỉ nói : “Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng, có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn”. Mấy năm sau, ông qua Mỹ theo diện HO. Hạnh kể lại cái tết đầu tiên, họp mặt đầy đủ toàn thể gia đình ở California. Ông mang ra cái áo cũ, còn thấy vết máu. Đó là cái áo của cụ thân sinh bị giết tết Mậu Thân ở Huế, mà một người chú của Trần Hạnh đã gìn giữ cho con cháu dòng họ. Không một lời, ông đã đốt cái áo ấy, như người ta đốt vàng mã trong ngày tết gia đình sum họp tưởng nhớ tổ tiên.

1/ Câu chuyện do ông Nguyễn Ngọc Giao kể có những chi tiết khác hẳn với câu chuyện mà tôi đã được nghe chính Trần Hạnh kể. Trước hết, tôi chưa bao giờ nghe Hạnh nói đến cái câu dặn dò của cha anh, rằng hãy “cố gắng học hành, không tham gia chính trị.” Thời đó ở miền Nam không hề có cái kiểu răn đe “đừng tham gia chính trị” như đám dư luận viên đang ra sức tuyên truyền cho người dân Việt Nam thời hôm nay. Ai đã từng sống ở miền Nam Việt Nam thời đó thì sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên nếu có một người cha dặn dò như thế trước khi đứa con trai 18 tuổi lên đường du học ở một đất nước xa xôi nào đó. Vả lại, năm 1972, một cậu bé 18 tuổi từ Việt Nam đến Úc như một sinh viên du học thì làm sao mà “tham gia chính trị”? Và nếu “tham gia chính trị” thì tham gia với ai ở Úc thời đó?

2/ Tôi cũng chưa bao giờ nghe Trần Hạnh kể lại cái câu do cha của anh nói (mà Nguyễn Ngọc Giao đã nhấn mạnh bằng chữ xiên), rằng: “Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng, có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn”. Tôi cho rằng câu này do ông Nguyễn Ngọc Giao “tưởng tượng ra”.

3/ Tôi chỉ nghe Trần Hạnh kể như vầy:
Năm 1975, cha của anh (ông Định, một sĩ quan của quân lực VNCH) bị đưa đi “học tập cải tạo” ở những trại tù ở miền Bắc. Sau 8 năm rưỡi, ông được thả về trước tết Giáp Tý (đầu năm 1984). Khi ông về thì gia đình đang chịu đựng một cuộc sống vô cùng gian nan vì một nửa gia đình đã bị lùa lên “vùng kinh tế mới”, và một nửa gia đình sống tại Sài Gòn thì bị thất nghiệp và 8 người em của Hạnh thì bị mất học vì “lý lịch xấu”. Thời đó, ở Úc, Hạnh phải làm việc cật lực để gửi tiền về giúp cho gia đình sống qua ngày.

Năm 1990, Hạnh về Việt Nam thăm gia đình lần đầu tiên sau 18 năm xa cách. Trong chuyến về thăm đó, Hạnh có hỏi cha về 8 năm rưỡi trong những trại “cải tạo” ở miền Bắc như thế nào. Cha của anh có kể cho anh nghe rất nhiều chuyện gian khổ, và ông cũng kể rằng đã có lần ông lâm trọng bệnh và tưởng đã phải bỏ xác trong tù. Ông là một Phật tử thuần thành và ông tin rằng nếu mình sống từ bi, trong sạch và gieo nhân tốt, thì bao giờ cũng được quả lành. Ông có nói thêm rằng thân phận tù binh thì cùng cực đã đành, nhưng ông cảm thấy may mắn đã không bị tra tấn, hành hạ như nhiều người tù khác, và ông đã may mắn còn sống sót để trở về với gia đình. Ông cũng cho biết rằng không chỉ những người tù “cải tạo” mới phải chịu đựng sự cùng cực, mà ngay cả vô số người dân miền Bắc cũng phải chịu đựng một cuộc sống vô cùng đói khổ trong những năm đó.

Năm 1990, khi Hạnh về thăm nhà, thì gia đình của cha mẹ anh cũng đang lo giấy tờ để đi Mỹ theo diện H.O. Vì thủ tục giấy tờ chậm chạp và gặp nhiều khó khăn, cha của anh có nói rằng nếu cả gia đình không thể cùng đi Mỹ được thì hãy bình tâm ở lại Việt Nam và cố gắng xây dựng cuộc sống cho tốt hơn. Tuy nhiên, mẹ của anh lại quyết tâm rằng gia đình phải đi Mỹ thì các con mới có tương lai, chứ nếu sống ở Việt Nam thì tương lai sẽ vô cùng mù mịt vì “đất nước Việt Nam không còn là đất nước của mình nữa, mà là đất nước của Việt Cộng.”

Mấy năm sau đó, khi gia đình đã đến định cư ở Mỹ, trong cái Tết sum họp đầu tiên ở California, cha của anh có kể cho tất cả các con một câu chuyện rằng, trước khi rời Việt Nam, ông đã thắp nhang khấn vái trước bàn thờ cha của ông và xin phép được đốt một di vật. Đó là chiếc áo vấy máu của cụ khi cụ bị giết trong Tết Mậu Thân mà gia đình còn giữ lại cho con cháu tưởng niệm. Ông đã khấn vái rằng nhờ phước đức tổ tiên mà bây giờ cả gia đình sắp qua Mỹ để sống một cuộc đời mới, nhưng vì quá xa xôi và chưa biết đến khi nào mới có thể trở về với quê cha đất tổ, nên ông xin đốt di vật này và cầu nguyện cho hương linh của cụ được mỉm cười nơi chín suối.

Đó là những gì tôi được nghe Trần Hạnh kể lại.

------------------------------

TIN LIÊN QUAN :

Chủ Nhật, ngày 06 tháng 9 năm 2015


Nguyễn Ngọc Giao   -   Diễn Đàn
Cập nhật lần cuối 04/09/2015






No comments: