Trần Diệu Chân
Cập nhật: 9/09/2015
Bài viết này tổng hợp nhiều dữ kiện cập nhật từ các
nguồn uy tín như Wall Street Journal, New York Times, CNN, Reuters, Forbes, the
Economist, Bloomberg ... đặc biệt, từ bài “China’s Stock Bubble Burst Is Only
Half Done”, của John S. Tobey đăng trên Forbes ngày 29-8-2015 và bài “For
China, a Plunge and a Reckoning” của Orville Schell, giám đốc Trung Tâm Quan Hệ Hoa-Mỹ của hiệp hội Asia Society, đăng trên WSJ
ngày 28-8-2015.
*
Trong mấy tháng qua, Trung Quốc (TQ) đã trở thành
trung tâm địa chấn của nền kinh tế toàn cầu với thị trường chứng khoán rớt tới
hơn 40% và đồng yuan bị phá giá liên tiếp trong 3 ngày, dẫn tới hàng loạt phản ứng
tiêu cực tương tự trên khắp thế giới.
Có nhiều lý do để giải thích tình trạng suy trầm của
nền kinh tế TQ.
a. Những chính sách sai trái của nhà nước can thiệp
vào thị trường đang bị phản ứng ngược, và hệ thống kinh tế dựa vào đặc quyền, đặc
lợi, tham nhũng, dựa trên các thống kê bịa đặt, dối trá, chính trị định đoạt
kinh tế, thẩm quyền nằm trong tay những người không có kiến thức kinh tế.
b. Sau gần 3 thập niên phát triển vượt bực trong vai trò công xưởng của thế giới, kinh tế Trung Quốc đang đi vào ngã rẽ khi giá nhân công và chi phí nói chung không còn cạnh tranh nổi với các quốc gia láng giềng.
b. Sau gần 3 thập niên phát triển vượt bực trong vai trò công xưởng của thế giới, kinh tế Trung Quốc đang đi vào ngã rẽ khi giá nhân công và chi phí nói chung không còn cạnh tranh nổi với các quốc gia láng giềng.
Ngoại tệ dự trữ của TQ, dù ở mức lớn nhất thế giới,
nhưng cũng đang giảm dần. Trong tháng 7 vừa qua, TQ đã mất $43 tỷ, tháng 8 mất
$93.9 tỷ vì các nhà đầu tư ngoại quốc rút vốn ra khỏi nước, đồng thời người TQ
giầu có đã tẩu tán tài sản vì những bấp bênh của thị trường, chính phủ cũng đã
phải bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ để cứu cấp thị trường chứng khoán, và khi đô
la lên giá, ngân hàng trung ương TQ đã phải dùng ngoại tệ để mua đồng yuan hầu
có thể giữ tỷ giá hối đoái không thay đổi so với Mỹ kim.
Các chuyên gia nhận định là áp suất phá giá đồng
yuan cũng như tụt dốc chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng vì nền kinh tế TQ đang gặp
khó khăn, và chế độ Bắc Kinh không hề có những cải cách căn bản cần thiết về cả
kinh tế lẫn chính trị.
Ảnh
hưởng lên Việt Nam ra sao?
Vụ nổ bong bóng chứng khoán và phá giá đồng yuan đã ảnh
hưởng sâu rộng trên thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Kinh tế gia Sarah Boumphrey tại trung tâm
Euromonitor International thấy rằng các nền kinh tế Á Châu gần TQ như Hồng
Kông, Đài Loan và Việt Nam bị ảnh hưởng tai hại nhất nếu TQ tiếp tục phá giá để
cứu vãn kinh tế - và điều này gần như không thể tránh khỏi trong thời gian trước
mặt.
Riêng Việt Nam bị ảnh hưởng lớn trên bốn mặt nhập
siêu, nợ công, xuất khẩu và du lịch.
Khi TQ phá giá tiền tệ, không những VN gặp khó khăn
xuất cảng vào TQ vì giá bán gia tăng, mà còn phải cạnh tranh với hàng rẻ từ TQ
tràn vào VN, khiến mức thâm thủng mậu dịch sẽ gia tăng và hàng rẻ TQ sẽ giết chết
các mặt hàng nội địa (chưa kể đến những thứ hàng hóa độc hại chết người tuôn
vào VN). Thương mại hai chiều Việt - Trung đạt 59 tỷ đôla năm ngoái (chưa kể
hàng lậu), trong đó Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt là 29 tỷ đôla. Trong 7 tháng
đầu năm 2015, thâm thủng mậu dịch với TQ đã tăng lên mức $19.33 tỷ, tệ hơn mức
$14.88 tỷ thâm thủng năm ngoái.
Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ
tiếp tục gia tăng nếu việc hạ giá đồng Yuan tiếp tục. 12 năm trước VN là thị
trường xuất khẩu lớn thứ 15 của TQ, tính đến quý 1 năm nay thì VN đã là thị trường
xuất khẩu lớn thứ 7 của TQ. Trong khi đó chưa thấy nhà nước CSVN có đối sách
hiệu quả cho tình trạng chênh lệch thương mại quá lớn giữa VN và TQ.
Việt Nam cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng
nan” khi phải phá giá đồng bạc để đối phó với đồng yuan hạ giá hầu gia tăng mức
cạnh tranh trong xuất cảng, nhưng do VN nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, nhất là
các nhu liệu cần thiết cho sản xuất, nên càng phá giá đồng VN thì càng bất lợi
vì hàng nhập cảng sẽ trở nên đắt hơn. Tiền nợ công cũng gia tăng vì những khoản
vay tính bằng tiền Đô la.
Một áp suất phá giá nữa là mối tương quan với các tiền
tệ khác trong vùng. Tuy đã phá giá 3 lần trong năm, đồng VN vẫn chưa phá giá bằng
tiền tệ của các quốc gia trong khối ASEAN. Thí dụ đồng baht của Thái đã giảm tới
8%, đồng rupiah của Indonesian đã mất 12%, và đồng ringgit của Mã Lai đã giảm
17%. Và như vậy có nghĩa là áp lực phá giá đồng VN sẽ còn tiếp tục để gia tăng
tính cạnh tranh với các quốc gia trong vùng.
Ngoài những lo lắng từ việc TQ phá giá thêm đồng
yuan, Việt Nam còn phải canh chừng việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương
Hoa Kỳ, có thể xảy ra vào tháng 9 này, đưa đến việc các nhà đầu tư vào VN rút
ngoại tệ về để đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu Hoa Kỳ. Hiện tượng tẩu tán
tài sản ra ngoại quốc do tình hình bất ổn chính trị ở Việt Nam cũng đang gia
tăng làm suy giảm trầm trọng nguồn dự trữ ngoại tệ.
Việt Nam cũng bị kéo căng giữa hai áp suất giảm giá
và tăng giá: cần giảm giá tiền đồng để tăng khả năng cạnh tranh cho xuất cảng,
nhưng tiền đồng cũng bị áp suất tăng giá vì neo với đồng đô la hiện đang trở
nên mạnh hơn.
Nền du lịch của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn, giảm
tới 11% trung bình cho năm 2015 (World Bank). Hy vọng hạ giá nội tệ sẽ giúp nền
du lịch vào VN khá hơn từ những quốc gia có nội tệ mạnh hơn, nhưng đối với các
quốc gia lân cận đã phá giá nặng hơn VN thì không hy vọng; ngược lại, nền du lịch
từ VN tới các quốc gia có ngoại tệ mạnh hơn lại bị thiệt hại vì đắt đỏ hơn.
Với bản chất của hệ thống và lỗi hệ thống giống hệt
nhau giữa hai nước cộng sản anh em và nền kinh tế “tư bản dưới định hướng xã hội
chủ nghĩa”, Hà Nội và Bắc Kinh sau 25 năm (1991 - 2015) gắn kết chặt chẽ mọi
phương diện chắc chắn sẽ cùng dắt tay nhau song hành trên... tử lộ.
Bóng
đen kinh tế Trung Quốc
Bài phân tích của tờ Wall Street Journal vào cuối
tháng 8/2015 có tựa “China’s Reckoning (Ngày Trung Quốc Bừng Tỉnh) đã nêu ra một
yếu tố quan trọng mà một cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán có thể tạo ra
những thiệt hại to lớn hơn cả những tổn thất đầu tư.
Đó là xuyên thủng hình ảnh thần bí mang tính toàn
năng - có thể sửa sai mọi chuyện - của lãnh đạo TQ nói chung và của Tập Cận
Bình nói riêng, giúp mọi người thức tỉnh từ niềm tin mù quáng do bị nhồi nhét
hay đánh lừa là những kẻ lãnh đạo TQ đã có thể kiểm soát được sức mạnh của thị
trường tư bản, và đã tạo ra một nền kinh tế tăng trưởng vô địch và hoàn hảo.
Chấn động này đủ lớn để làm thay đổi mối tương quan
giữa kẻ thống trị và những người bị trị, hy vọng giảm bớt độ kiêu căng, cứng ngắc,
hiếu chiến và lời lẽ hống hách của Bắc Kinh, và buộc Bắc Kinh phải chọn nghệ
thuật tương nhượng thay cho thói quen đàn áp, bắt nạt.
Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc,
Bắc Kinh gần như ngay lập tức can thiệp, bỏ tiền mua cổ phiếu giá trị hàng trăm
tỷ đô la và giảm lãi suất để kích thích vay tiền mua cổ phiếu, cấm các doanh
nghiệp nhà nước bán cổ phần, cấm các hãng mới cổ phần hóa ...
Đó là những quyết định chết người: can thiệp của họ
ngay lập tức biến thị trường thành một cơ quan mà họ sở hữu, bị bóp méo, làm lệch
lạc mọi quyết định đầu tư và càng chữa thì càng hỏng. Mọi sự sẽ tốt hơn nếu đừng
đụng tới thị trường vì nó là một đối tác bướng bỉnh không thể kềm chế. Thị trường
chỉ đáp ứng theo định hướng giá trị của các tác nhân.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc còn phải rớt xuống
nhiều nữa trước khi có thể tẩy sạch tâm lý tiêu cực của vụ nổ bong bóng này.
Hơn nữa, hệ quả liên đới tới các lãnh vực kinh tế, tài chính khác cũng như
chính trị - khiến việc đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc trở thành một vấn đề rủi
ro hơn, và sẽ khó vực dậy hơn.
Những điều xảy ra trong mùa hè năm nay đã lột trần bản
chất thật của nền kinh tế Trung Quốc bên dưới bề mặt có vẻ thành công vượt bực
trong hơn 2 thập niên qua.
Thực tế của quốc gia đứng hàng thứ hai kinh tế trên
thế giới này vẫn chỉ là một quốc gia với lợi tức trung bình, một nền tảng kinh
tế lung lay, một hệ thống chính trị khuất tất và vô trách nhiệm, một mạng lưới
tham nhũng dầy đặc, đầy những nhóm lợi ích chỉ chăm chăm cho quyền lợi của mình
mà không màng gì đến quyền lợi chung của quốc gia.
Quyền
lực của họ Tập đang lung lay
Là nhân vật quyền lực nhất nước, ông Tập Cận Bình có
vẻ hài lòng với khả năng thâu tóm và sử dụng quyền lực của mình - buộc các quốc
gia láng giềng yếu ớt phải quỵ lụy và thế giới tuân phục. Nhưng ông ta vừa bị một
cú đánh thức giật bắn người.
Một xã hội quen với thói coi thường bất cứ ai mà họ
không thích - kể cả nước Mỹ, đã bị chấn động bởi một thị trường không chịu nghe
lời. Giới lãnh đạo Cộng sản Trung Hoa giờ đây phải đối mặt với một con quái vật
do chính họ dựng nên hiện đang vươn dậy với cung cách riêng, hoàn toàn miễn nhiễm
từ những nỗ lực áp chế của chế độ.
Ông Đặng và những nhân vật tiền nhiệm đã khoác lác rằng
họ đã sáng tạo ra một mô hình mới siêu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản dân chủ và
phóng khoáng của Tây Phương, đó là nền “kinh tế tư bản dưới định hướng Xã Hội
Chủ Nghĩa”. Trong hơn 2 thập niên rưỡi qua, “phép lạ kinh tế Trung Quốc” đã lên
vùn vụt như trong môi trường không trọng lực.
Khi bong bóng chứng khoán ở Thẩm Quyến (Shenzhen)
phình to ở mức 70:1 cho tỷ số P/E (price to earning = giá mua/tiền lời), so với
tỷ số P/E trung bình của S&P 500 khoảng 17, không lãnh đạo nào của TQ ý thức
trái bóng sẽ nổ.
Hàng triệu dân thường đã được nhà nước và các cơ
quan tuyên truyền của chế độ cổ võ để trút hết tiền mượn, thậm chí đem nhà đi cầm,
để ném vào canh bạc đỏ đen chứng khoán đang được thổi phồng là thị trường hùng
mạnh đang mới chỉ bắt đầu.
Sức mạnh và sự giàu có mới đã khiến lãnh đạo TQ trở
nên quá tự tin và kiêu ngạo, càng ngày càng dương oai giễu võ đối với thế giới
và rõ rệt nhất là thái độ gây hấn trên Biển Đông, trơ tráo vẽ đường lưỡi bò khổng
lồ liếm trọn vùng vịnh thuộc Việt Nam và Philippine đến tận Indonesia để tự nhận
là hải phận nước mình, đưa đến những căng thẳng không cần thiết với các quốc
gia láng giềng và ảnh hưởng tai hại đến mối bang giao với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ngoài vấn nạn vỡ bong bóng chứng khoán, các dữ liệu kinh
tế cho thấy hoạt động sản xuất đã giảm thấp chưa từng có trong hơn 6 năm qua,
xuất cảng giảm rõ rệt trong tháng 7, vì vậy mà chế độ phải hạ giá đồng yuan, tạo
nên một địa chấn thứ hai trong vòng 1 tháng. Các dữ kiện kinh tế của TQ cho tới
ngày 8-9-2015 đều ảm đạm. Theo tin của Bloomberg, cả xuất cảng lẫn nhập cảng và
chỉ số chứng khoán Thượng Hải đều tuột dốc, giảm lần lượt 5.5%, 14%, và 2.5%.
Như chưa đủ xui xẻo, ngày 12 tháng 8, kho chứa hóa học
tại Thiên Tân lại phát nổ làm thiệt mạng ít nhất 160 người và bị thương hơn 700
người, tàn phá cả khu vực rộng lớn với những đe dọa chất độc hại lan tỏa. Hai vụ
nổ tiếp theo ở Quảng Đông ngày 23 và 31 tháng 8, được bồi thêm một vụ nổ thứ tư
ngày 7-9 tại Zhejiang càng làm hình ảnh các lãnh tụ TQ lung lay như đèn trước
gió.
Trước tình trạng khốn khó, chế độ đã tìm cách ém nhẹm
tin tức xấu như vẫn thường làm kể cả việc bịt miệng những chỉ trích trên thế giới
về sự cải tổ kinh tế quá chậm cũng như sự vắng bóng hoàn toàn của những cải
cách chính trị cần thiết.
Mất niềm tin vào lãnh đạo, vào hệ thống đã đang là một
yếu tố trầm trọng trong xã hội TQ từ lâu nay, thì một loạt những diễn biến tiêu
cực lớn lao vừa kể sẽ khiến người dân nổi cơn thịnh nộ và trút vào chế độ, mà
lãnh đạo TQ không còn có thể đổ lỗi cho thế giới bên ngoài như họ đã từng làm,
vì mọi thất bại đều là nội tại – “made in China”. Mất uy tín và tính chính danh
là điều mà lãnh đạo đảng lo sợ nhất.
Mao đã hình dung ra một TQ tự túc, tự cường - zili
gengsheng. Những sự việc xảy ra đã dạy cho họ Tập và tập đoàn thống trị của
ông ta một bài học là TQ không thể nào là một ốc đảo – và không thể nào thành
công trong thế đứng một mình, đừng nói chi tới việc còn gây hấn với những nước
láng giềng và Hoa Kỳ.
Dẫu là một cường quốc đi chăng nữa, TQ vẫn bị chi phối
bởi những sức mạnh bên ngoài trong thế giới liên lập ngày nay và đặc biệt, những
sức mạnh này nằm ngoài khả năng kiểm soát của đảng cộng sản. Một quốc gia thực
sự lớn mạnh phải biết học hỏi nghệ thuật tương nhượng trong bang giao, thương
lượng hầu như lúc nào cũng tốt hơn đe dọa và gây chiến. Sự thỏa hiệp không phải
là một chỉ dấu của sự yếu kém hay đầu hàng.
Đây là cơ hội để TQ thức tỉnh, cải thiện để ổn định
và thu phục sự kính nể của thế giới mà họ hằng mong ước. Tuy nhiên, với bản chất
và hồ sơ của chế độ nói chung, cũng như của Tập Cận Bình nói riêng, không
ai dám lạc quan!
Khi “bên Tàu có loạn” cũng là cơ hội để nhà sản VN học
bài học đắng cay mà từ bỏ chủ nghĩa lạc hậu đã bị thế giới và nhân dân nguyền rủa.
Rất tiếc là ngoài chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 vừa qua và
một vài tuyên bố có vẻ “thoát Trung” để ... chạy tội, chưa có một chỉ dấu nào cụ
thể để có thể nói là VN đã thức tỉnh từ mối tương quan “16 vàng, 4 tốt” và bài
học thất bại của TQ. Với bản chất và hồ sơ trầm trọng của chế độ CSVN, không
ai dám lạc quan!
Trần
Diệu Chân
9-9-2015
9-9-2015
-------------------
Cùng
tác giả:
No comments:
Post a Comment