Friday, September 18, 2015

Bàn về quốc ca (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, September 16, 2015 1:40:16 PM 

Thứ Ba tuần này là ngày kỷ niệm trận Không chiến Anh quốc (Battle of Britain) kết thúc. Chính vào ngày này, 15 tháng 9, 1941, đã diễn ra trận không chiến khốc liệt nhất giữa Anh và Ðức, với Không Quân Hoàng Gia Anh huy động toàn bộ các máy bay chiến đấu của mình lên không để bảo vệ vùng trời. Và họ đã thành công. Sau khi các cuộc không chiến trong ngày kết thúc, Hitler đã quyết định hủy bỏ chiến dịch “Hải Báo” (Sea Lion) nhằm đổ bộ quân đánh chiếm nước Anh vì đã không đạt được ưu thế trên không.

Trong các nghi thức kỷ niệm ngày chiến thắng này, quốc ca Anh có được trình diễn. Nhưng tôi không thích bài quốc ca “God Save the Queen” này của Anh. Tuy rằng đã sống tại nước Anh này trên hai mươi năm và trở thành công dân Anh, nhưng tôi vẫn thích một chế độ Cộng Hòa hơn (tuy rằng trong vấn đề này tôi là một thiểu số). Nước Anh tuy rằng quân chủ nhưng cũng vẫn là một nước dân chủ và văn minh không kém gì bất kỳ một nước nào khác trên thế giới.

Quốc ca cũng như quốc kỳ là những sản phẩm xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử. Nó chỉ xuất hiện khi bắt đầu có quốc gia-nhà nước (nation states) tại Châu Âu vào thế kỷ thứ 18. Nói chung chúng có vai trò biểu tượng gắn liền dân chúng trong nước với nhau trong một tinh thần yêu nước mà trước đó không cần thiết vì đã có những biểu tượng khác tỷ như giáo hội, vương triều đại biểu.

Thành ra hầu hết các quốc ca đều là những bài ca nói đến việc đoàn kết chống lại một kẻ thù nào đó, ngoại xâm hay nội bộ. Ðoạn chót của bài ca “God Save the Queen” chẳng hạn - mà bây giờ không bao giờ được hát - là một lời cầu nguyện rằng đạo quân Scott phản loạn ủng hộ ông Hoàng Tử Bonnie Prince Charlie theo đạo Công Giáo bị dẹp tan và ngai vàng nước Anh tiếp tục trong tay những người Tin Lành. Lời cầu nguyện này đã được đáp ứng và ngai vàng nước Anh yên lành trong tay hoàng tộc hiện nay. Thế nhưng tháng 5 vừa qua, trong cuộc tổng tuyển cử mới nhất trên toàn nước Anh, những người dân Scotland đã bỏ phiếu áp đảo cho đảng Quốc Gia Scotland đến nỗi việc Scotland tách ra khỏi Vương Quốc Thống Nhất Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland là một sự kiện rất có thể xảy ra trong tương lai.

Quốc ca Mỹ, “The Star - Spangled Banner” là sản phẩm của một cuộc cách mạng chống lại đế quốc Anh. Xuất xứ từ một bài thơ của Francis Scott Key làm vào năm 1814 khi ông nhìn thấy hạm đội Anh bắn phá pháo đài Fort McHenry (từ đó có câu “bombs bursting in the air” đạn nổ vang trên không) và dùng điệu nhạc của một bài dân ca phổ biến của Anh nó đã trở thành một bài quốc ca đầy âm hưởng dối với dân Mỹ.

Quốc ca của Ireland “A Soldier's Songs” Cũng nhắm vào thực dân Anh trong câu “The serried ranks.. shall set the Tyrant quaking” (hàng hàng lớp lớp... sẽ làm cho bạo chúa run rẩy). Quốc ca Pháp “La Marseillaise” cũng là hậu quả của một cuộc cách mạng, Cách mạng Pháp 1789 và nhắm vào quân Áo mà đế quốc Áo Hung lúc đó là kẻ thù chính của Pháp. Lời kêu gọi công khai:
Aux armes, citoyens,
Formez vos bataillons,
Marchons, marchons!
Qu'un sang impur
Abreuve nos sillons!
(Công dân hãy vũ trang, hãy thành lập các tiểu đoàn. Hãy tiến bước để những giọt máu dơ bẩn thấm vào các luống cầy của chúng ta.)

Chính bản nhạc này đã là nguồn cảm hứng cho cả hai bài quốc ca của hai phe Quốc-Cộng tại Việt Nam.

Việt Nam mình cố nhiên là trước kia không có quốc ca. Các triều đại trước của ta còn không có cả quốc kỳ. Sử chép khi phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết việc chuộc lại ba tỉnh miền Ðông Nam Kỳ, Pháp xin quốc kỳ của ta để treo lên cho trang trọng. Cụ Phan không biết làm sao phải lấy đại một miếng nhiễu điều đưa cho Bộ Ngoại Giao Pháp nói đó là quốc kỳ của ta. Thành ra khi Việt Nam độc lập, việc đầu tiên của chính phủ Trần Trọng Kim là kiếm một quốc kỳ và một quốc ca.

Quốc kỳ mà chính phủ Trần Trọng Kim lựa chọn là lá cờ “quẻ ly” - cờ vàng ba sọc đỏ trong đó hai sọc liền ở ngoài và một sọc gãy ở giữa tượng trưng cho quẻ ly của kinh Dịch. Quẻ ly biểu tượng cho phương Nam nhưng có lẽ vì thấy vạch gãy ở giữa không đẹp cho nên đến chính phủ Nguyễn Văn Xuân năm 1948 mới nối liền gạch giữa thành lá cờ vàng ba sọc của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta. Thế nhưng một số kẻ lắm miệng lại bàn rằng ba sọc liền là quẻ càn, thuộc phương Tây Bắc, thuộc kim trong khi Việt Nam ở phương Nam thuộc hỏa. Hỏa khắc kim thành ra chọn lá cờ ba sọc là một điềm xấu!

Quốc ca mà chính phủ Trần Trọng Kim chọn là bài “Ðăng Ðàn Cung” một bài nhạc cung đình cổ không có chút kích thích nào thành ra khi chính phủ quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1949, Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân mới lấy bài “Tiếng Gọi Sinh Viên,” bài ca của Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội hồi năm 1940-41, đổi chữ “sinh viên” thành “thanh niên” làm quốc ca. Sang đến Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mới thay chữ “thanh niên” thành “công dân” và đó là bài quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa cho đến 1975. Cả hai bài “Tiếng Gọi Công Dân” của miền Nam với câu mở đầu “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi” không khác gì câu mở đầu của bài La Marseillaise “Allons enfants de la Patrie, Le jour de gloire est arrivé! “và “Tiến Quân Ca” của miền Bắc với lời kêu gọi “Thề phanh thây, uống máu quân thù” nhắc lại câu Qu'un sang impur Abreuve nos sillons của Pháp.

Nhìn lên phía Bắc, quốc ca Trung Cộng “Chí Nguyện Quân Ca” viết ra 15 năm trước khi đảng Cộng Sản nắm chính quyền vào năm 1949 nhắm vào Nhật Bản như là một kẻ thù chính nhưng câu ca “Chúng ta sẽ xây một Vạn Lý Trường Thành mới” là một báo hiệu cho một nước Trung Quốc bá quyền hiện nay.

Quốc ca cũng thay đổi tùy theo quốc vận. Quốc ca của Liên Xô đầu tiên là bài “Quốc Tế Ca,” bài hát xưng tụng chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Nhưng nó chỉ được dùng có một phần tư thế kỷ đầu tiên. Dưới triều Stalin, một quốc ca mới được lựa chọn có tính cách thuần túy ái quốc Nga để rồi bị loại bỏ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1992. Bài quốc ca thay thế không có lời vì các phe chính trị không làm sao đồng ý được về lời ca. Với việc ông Vladimir Putin lên làm tổng thống năm 2000, bài quốc ca Liên Xô cũ nay được phục hồi với lời mới “Nước Nga, đất nước mến yêu!” thay thế cho lời ca tụng Liên Xô cũ.

Ðức có lẽ là quốc gia có nhiều thay đổi chính trị nhất trong lịch sử thế giới hiện đại và vì vậy quốc ca Ðức cũng phải chịu những thăng trầm với quốc vận. Người Ðức vẫn giữ bài quốc ca “Deutschland uber alles” được lựa chọn khi nước Ðức thống nhất vào năm 1870. Nhưng đoạn đầu tiên khẳng định việc nước Ðức đứng trùm lên đầu tất cả thế giới nay không bao giờ được hát lên nữa. Sau nhiều cuộc tranh cãi và sau khi hai phần của nước Ðức thống nhất vào năm 1991, Ðức Quốc nay quyết định chỉ dùng đoạn thứ ba của lời ca ca tụng “thống nhất, công lý và tự do” là lời độc nhất của bài hát.




No comments: