Saturday, March 14, 2015

Tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma 1988 tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng (Đức Thiện, VRNs)





Đức Thiện, VRNs
Đăng ngày: 14.03.2015

VRNs (14.03.2015) – Sài Gòn – Hôm 14.03.2015, nhiều nhóm và cá nhân đã tổ chức kỷ niệm 27 năm biến cố Gạc Ma tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng, tuy nhiên những người tham gia sự kiện ở Hà Nội cáo buộc họ bị một nhóm được cho là dư luận viên ‘quấy phá và gây rối’.
Cũng để tưởng niệm biến cố Gạc Ma, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam hôm 103.03 đã tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma trên mảnh đất rộng 2,5 ha thuộc Khu Du lịch Bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 14.03.1988, HOA LỤC đã sát hại 64 binh sĩ Việt Nam và bắn chìm 03 tàu biển, trong đợt cưỡng chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN, trong đó có đảo Gạc Ma.

Hà Nội

Lúc 9 sáng, khoảng 200 người đã đổ về khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm (Hà Nội) để tưởng niệm sự kiện Gạc Ma và vinh danh 64 tử sĩ.
Cô Mai Phương Thảo chia sẻ, buổi tưởng niệm “rất xúc động khi tất cả được biết là các chiến sỹ [VN] đã tay không tấc sắc khi bọn giặc Tầu nã pháo vào tầu mà đã được lệnh không được chống trả, đây là điều vô cùng đau xót và uất hận, [xác] 64 chiến sỹ hiện vẫn đang nằm dưới đáy biển sâu”.
Cô Thảo cũng cho biết có một nhóm được cho là dư luận viên nhà nước đã “quấy phá và gây rối bằng cách hát hò ưỡn ẹo dưới tượng đài Lý Thái Tổ và gây hấn với những người tổ chức buổi tưởng niệm hôm nay”.
Anh Nguyễn Văn Đề cho biết thêm, đoàn người tập trung ở tượng đài vua Lý Thái Tổ đã bị “đoàn thanh niên cộng sản, trong đó có một số dư luận viên cầm cờ búa liềm ngăn cản không cho đoàn tưởng niệm tiến vào lễ đài”.
Anh Đề nói tiếp: “Vì vậy đoàn tưởng niệm đi sang phía bờ hồ Gươm để diễu hành, lúc đó nhóm dư luận viên cũng sang theo để gây sự. Dù vậy, mọi người vẫn tiến lại phía tượng đài Cảm Tử để tưởng niệm, lúc gần đến nơi thì dư luận viên rút hết, đoàn tưởng niệm tiến đến tượng đài Cảm Tử và đặt lẵng hoa và một người đọc diễn văn”.
Anh Nguyễn Văn Đề nhận xét, tuy bị “ngăn cản phá đám nhưng buổi tưởng niệm vẫn thành công tốt đẹp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết, ông cùng một nhóm người vào sáng 14.03 đã đến Đài Liệt Sỹ Bắc Sơn để tưởng niệm biến cố Gạc Ma. Ông vui mừng vì đoàn không bị ai khiêu khích dù “một số người dí sát máy quay phim từng khuôn mặt chúng tôi”.

Hình : Nguyễn Lân Thắng

Sài Gòn

Cũng vào lúc 9 giờ sáng ngày 14.03, khoảng 40 người, trong đó có các thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã tập trung trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng (Sài Gòn) để tưởng niệm sự kiện Gạc Ma.

Giáo sư Tương Lai trong bài phát biểu đã vinh danh sự hy sinh của 64 binh sĩ VN trong việc “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ liêng thiêng của tổ quốc”. Ông Tương Lai khẳng định, ngày 14.03 “vĩnh viễn ở trong lòng dân tộc, dù ai đó âm mưu làm mờ nhạt đi”.

Bên cạnh đó, vị giáo sư nói buổi tưởng niệm còn nhằm “lên án, chống lại và kêu gọi toàn dân cảnh giác trước việc HOA LỤC đang xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa” với ý đồ bành trướng.

Nghệ sỹ ưu tú Kim Chi, đang có mặt tại Sài Gòn và là người tham dự buổi tưởng niệm chia sẻ, “Không khí rất cảm động và trân trọng khi nghe Giáo sư Tương Lai phát biểu”.

Tuy nhiên, bà Chi nói thêm, “đứng cạnh tôi có một người rất là quậy và phát ngôn không hay. Anh ta nói ‘đừng có mơ tưởng’, ‘đừng nói dài dòng nữa, dẹp đi’… Tôi quay lại, trừng mắt nhìn anh ta và nói ‘đừng nói bậy bạ’. Sau đó, anh ta im lặng”.

“Công an, an ninh đứng xung quanh đó nhưng không gây rắc rối cho mọi người. Tôi cũng cảm thấy vui. Nếu như những người này cùng với chúng tôi tưởng niệm các tử sỹ thì rất là tuyệt vời”, Nghệ sỹ Kim Chi nhận xét.

Lúc 11 giờ 55, trước hang đá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp [ĐMHCG] thuộc giáo xứ ĐMHCG – Sài Gòn, linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại cùng với gần 20 người cũng tổ chức cầu nguyện, dâng hương tưởng nhớ đến các tử sỹ đã hy sinh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.01.1974, cuộc chiến biên giới Phía Bắc 17.02.1979 và trận hải chiến Trường Sa 14.03.1988 do cộng sản HOA LỤC đánh chiếm.

Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh chia sẻ: “Về mặt chính trị các tử sỹ phải là người được đất nước ghi ơn, nhưng họ đang bị quên. Về mặt tâm linh thì các vị ấy đã bị bỏ rơi và lãng quên trong suốt thời gian qua. Các vị cũng mong muốn được người thân tưởng nhớ, cầu nguyện, thắp nén hương lòng. Chúng ta hãy nhớ đến các vị trong lời cầu nguyện và lời kinh hôm nay”.

Hình :  



Đà Nẵng

Tờ Thanh Niên cho biết, sáng 14.03, tại cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984 – 1988 tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ bãi đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa trước mũi súng Trung Quốc.

Khoảng 50 cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, thành viên Ban liên lạc, cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác tại Trung đoàn 803 (nay là Lữ đoàn 803 công binh Hải quân) đã dâng hương, thả vòng hoa và mặc niệm.

Facebook AnNam Dương Lâm cũng cho biết, “Hội cựu chiến binh Tp Đà Nẵng hôm 14.03 cũng tiến hành kỷ niệm tưởng nhớ liệt sĩ Gạc Ma. Nhưng khi chúng tôi đến thì không được tham dự. Chỉ những cá nhân có giấy giới thiệu hoặc bảo lãnh mới được vào. Thiết nghĩ, việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh vì đất nước thì không nên có sự phân biệt và chia rẽ lòng dân như vậy”.

Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế cũng tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma tại gia. Cha nói: “Chung lòng với toàn thể dân Việt. Tưởng niệm những Anh hùng tuẫn tiết. Để bảo vệ mảnh đất giang sơn. Các vị hãy ngàn đời bất diệt!”

Đức Thiện, VRNs

---------------------

Đức Thiện, VRNs tổng hợp

Đức Thiện, VRNs tổng hợp







No comments: