Phan Thành Đạt
04/03/2015
Je
désapprouve ce que vous dites mais je défendrai jusqu’à la mort votre droit de
le dire.
(Tôi
không tán thành những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của
anh).
Tự
do ngôn luận là quyền con người quan trọng bậc nhất. Các nhà luật học xếp tự do
ngôn luận, quyền được sống, quyền tự do đi lại, quyền được tôn trọng phẩm giá
thuộc các quyền tự nhiên thuộc thế hệ thứ nhất trong số các quyền cơ bản cần được
bảo vệ. Tự do ngôn luận là quyền được nói và viết ra những suy nghĩ của mình mà
không sợ bị ngăn cấm hay trừng phạt. Tự do ngôn luận chính là nhịp thở của nền
dân chủ.
Tự
do ngôn luận thời văn minh Hy Lạp cổ phản ánh quyền được tham gia vào các buổi
thảo luận về chính trị, xã hội của các công dân Athènes ngay từ thế kỉ thứ IV
trước công nguyên. Họ bàn luận về các công việc của thành bang, thảo luận về nội
dung các điều luật. Sau đó, họ tiến hành bỏ phiếu. Tuy nhiên, tự do ngôn luận ở
Athènes chỉ dành cho một số người được gọi là công dân. Những nhóm người khác
trong xã hội như phụ nữ, nô lệ và những người nhập cư không được hưởng quyền
này.
Để
đánh giá chế độ chính trị dân chủ hay độc tài, chúng ta chỉ cần quan sát mức độ
tự do báo chí của các nước. Nếu báo chí bị kiểm soát chặt chẽ và đồng thời trở
thành công cụ tuyên truyền của nhà cầm quyền, nhất định đó là một Nhà nước
không tôn trọng tự do ngôn luận và Nhà nước đó không theo chế độ dân chủ. Nếu
đó là Nhà nước có báo chí tư nhân độc lập, các nguồn thông tin phong phú, công
dân có quyền lựa chọn và tiếp cận thông tin dễ dàng, đó sẽ là Nhà nước dân chủ.
Albert Camus cho rằng báo chí là tiêu chí đầu tiên để đánh giá về mức độ dân chủ.
Chế độ dân chủ sẽ có báo chí tự do. Các tờ báo có chất lượng tốt hay chất lượng
kém sẽ cùng song song tồn tại, còn ở Nhà nước thiếu dân chủ, chỉ có báo chí dở.
Các
nhà độc tài luôn luôn sợ tự do ngôn luận vì quyền lực thứ tư này có thể lật đổ
chế độ chính trị của họ. Bằng mọi cách, họ khống chế các phương tiện thông tin,
các tin tức được đài báo đưa ra bị kiểm soát chặt chẽ. Thông tin phải có lợi
cho nhà cầm quyền để đảm bảo quyền thống trị cũng như những lợi ích kính tế của
họ, vì thế báo chí luôn tuân theo định hướng và phục tùng tầng lớp lãnh đạo.
Báo chí góp phần duy trì quyền lực lâu dài của giai cấp thống trị và kìm hãm sự
phát triển của xã hội.
Con
người sống trong xã hội thiếu thông tin sẽ không có khả năng phát triển tài
năng, khả năng sáng tạo của họ dễ bị thui chột. Khi Nhà nước càng bưng bít
thông tin, càng đề cao nhiệm vụ tuyên truyền, con người sẽ đánh mất tư duy độc
lập vì khả năng phân tích và suy đoán của mỗi người sẽ kém dần và khi đó họ dễ
dàng bị sai khiến, bị phục tùng vô điều kiện. Chế độ độc tài đã điều khiển và
kiểm soát được suy nghĩ của con người vì họ không còn không gian tự do trong
trí não nữa.
Bắc
Triều Tiên là ví dụ tiêu biểu khi bàn về những hậu quả nghiêm trọng của chính
sách tuyên truyền trong hơn 6 thập niên ở nước này: Đài truyền hình và báo chí
của Nhà nước thông tin rằng Kim Nhật Thành là người sáng lập ra nước Cộng hòa
dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ông là mặt trời vĩnh cửu, là người sáng lập ra
thuyết tự chủ. Cũng theo các phương tiện truyền thông của Nhà nước, khi ông ra
đời, trên bầu trời xuất hiện một đàn hạc, khe núi tự nhiên nứt ra, một dòng suối
xuất hiện, hoa nở khắp nơi. Khi ông qua đời, cũng xuất hiện một đàn hạc đến đậu
quanh mộ của ông suốt mấy ngày đêm. Khi tuyên truyền về lãnh tụ Kim Chính Nhật,
báo chí viết ông là nhà quân sự đại tài, ngay từ lúc 6 tuổi, ông đã quan tâm về
chiến lược quân sự. Ông sinh ra trong một túp lều trên núi thiêng Paetku, ngọn
núi cao nhất Triều Tiên, vào ngày sinh của ông, trên bầu trời xuất hiện hai cầu
vồng rực rỡ và một ngôi sao sáng...Trong thực tế, theo các tài liệu của Liên
bang Xô viết, Kim Chính Nhật sinh ra trong một túp lều ở Sibérie. Lúc đó cha
ông là lãnh đạo một nhóm quân du kích cộng sản. Hậu quả của tất cả những chính
sách tuyên truyền dối trá qua nhiều năm tháng khiến cho người dân Bắc Triều
Tiên mất đi suy nghĩ độc lập, họ luôn sùng bái lãnh tụ: Khi một đoàn các bác sĩ
làm việc cho một tổ chức phi chính phủ đến Bắc Triều Tiên để phẫu thuật đục thủy
tinh thể cho người dân. Phóng viên đã phỏng vấn một cụ già sau khi mổ mắt. Điều
đầu tiên cụ già cảm ơn các lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đã cho mình
nhìn thấy ánh sáng. Cụ già chỉ mơ ước được gặp lãnh tụ Kim Chính Nhật trước khi
chết.
Tự
do ngôn luận gắn liền với tự do về tư tưởng, tự do truyền bá thông tin và tự do
biểu đạt những tình cảm của mình về các vấn đề chính trị xã hội: Biểu tình,
tham gia bỏ phiếu, chất vấn các nhà lãnh đạo, hay tìm kiếm, phổ biến các nguồn
thông tin trên mạng internet cũng là những cách biểu hiện của tự do ngôn luận.
Tự do ngôn luận là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của chế độ dân chủ (I),
vì quyền cơ bản này đảm bảo cho xã hội phát triển đem lại hạnh phúc cho con người.
Tuy nhiên, tự do ngôn luận không có giá trị tuyệt đối vì quyền này có những giới
hạn do pháp luật quy định (II). Mỗi người cần phải tôn trọng những ranh giới
đó.
I. Tự
do ngôn luận, nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ
Hiến
pháp của các nước luôn đề cao tự do ngôn luận. Mỗi người đều có quyền nói và viết
ra quan điểm của mình trong khuôn khổ của luật pháp. Nhà nước bảo vệ tự do ngôn
luận của công dân thông qua Hiến pháp và các văn bản quốc tế (A). Tuy nhiên giữa
văn bản và thực tế luôn có những điểm khác biệt. Tự do ngôn luận luôn là quyền
quan trọng vì nó đảm bảo lợi ích cho con người và xã hội (B).
A. Tự do ngôn luận,
quyền cơ bản được Hiến pháp và các công ước quốc tế bảo vệ
Các
bản Hiến pháp dân chủ đều có những điều khoản bảo vệ tự do ngôn luận. Các nhà lập
hiến ý thức được tầm quan trọng của quyền này. Họ hiểu rằng tự do ngôn luận
chính là tấm gương phản chiếu các vấn đề chính trị xã hội, giúp người dân hiểu
được chế độ chính trị nơi mình đang sống. Từ đó, họ sẽ có những phản ứng làm
thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực. "Tự do ngôn luận, tự do
báo chí góp phần xây dựng một xã hội dân chủ và con người được sống tự do trong
xã hội đó" (Florent Sogni Zaou, nhà báo thuộc ủy ban báo chí tự do
Côngô). Chính vì vậy, Hiến pháp có nhiệm vụ trước tiên là bảo vệ quyền con người,
trong đó tự do ngôn luận là một trong những quyền được chú ý nhất.
Hiến
pháp Mỹ 1787 được bổ sung mười điều quan trọng về quyền con người. Các điều này
đã được Nghị viện phê chuẩn vào ngày 15 tháng 12 năm 1791. Điều bổ sung thứ nhất
trong số mười điều có nhiệm vụ bảo vệ tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và quyền
biểu tình. Điều này quy định Thượng viện và Hạ viện sẽ không ban hành bất cứ đạo
luật nào gây ảnh hưởng hay ngăn cấm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo
chí. Công dân có quyền biểu tình ôn hòa và tiến hành gửi các bản kiến nghị đề
nghị Nhà nước sửa chữa những sai trái có thể gây thiệt hại cho họ. Sau vụ khủng
bố ngày 11 tháng 9, luật Patriot act ban hành năm 2001 cho phép Nhà nước giới hạn
các quyền tự do của công dân trong những tình huống đặc biệt nhằm bảo vệ trật tự
xã hội và phòng chống các nguy cơ khủng bố. Luật này có những mâu thuẫn với điều
bổ sung thứ nhất của Hiến pháp 1787, vì Nhà nước có thể lợi dụng để vi phạm các
quyền công dân bằng cách theo dõi, bắt bớ, hạn chế tự do ngôn luận, tự do đi lại.
Do đó, cần áp dụng luật này ở mức độ hạn chế và phải có quyết định của tòa án.
Điều
11 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 có nội dung khái quát nhưng đầy đủ về
tự do ngôn luận. Điều này khẳng định tự do về tư tưởng và tự do bày tỏ các ý kiến
là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Công dân có quyền nói viết,
phổ biến tự do các ý kiến của mình, trừ trường hợp lạm dụng quyền tự do ngôn luận
bị pháp luật ngăn cấm. Quyết định số 2009-580 của Hội đồng Hiến pháp Pháp ngày
10 tháng 6 năm 2009 công nhận điều 11 áp dụng cho cả tự do tìm kiếm và truyền
bá thông tin trên mạng internet vì bối cảnh hiện nay, trao đổi và phổ biến tin
tức trên mạng đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng xã hội dân chủ, vì thế
quyền bày tỏ ý kiến và truyền bá thông tin trên mạng được Hiến pháp bảo vệ.
Điều
21 Hiến pháp Ý năm 1947 ghi nhận mỗi công dân có quyền thể hiện tự do quan điểm,
trình bày suy nghĩ của mình bằng phát ngôn, viết hay bằng các hình thức khác.
Báo chí được tự do và không bị kiểm duyệt. Những hạn chế về tự do ngôn luận do
luật pháp quy định. Các tài liệu, các tác phẩm văn học nghệ thuật trái với các
giá trị đạo đức sẽ bị ngăn cấm theo quy định của luật pháp.
Tuyên
ngôn nhân quyền năm 1948 trong điều 19 công nhận công dân có quyền tự do bày tỏ
ý kiến, và không phải lo lắng về các ý kiến được thể hiện. Tự do ngôn luận gắn
với việc đón nhận, phổ biến và tìm kiếm thông tin dưới bất kì hình thức nào, và
không có ranh giới về thông tin. Điều 10, Công ước về quyền con người của Hội đồng
Châu Âu được 48 nước kí nhận cũng bảo vệ tự do ngôn luận. Tòa án về quyền con
người của Hội đồng Châu Âu đã ra nhiều phán quyết quan trọng bảo vệ tự do ngôn
luận được điều 10 quy định: Phán quyết có tên Fressoz et Roire c. France, ngày
21 tháng 11 năm 1999, Tòa án về quyền con người đánh giá : "Tự do ngôn
luận không chỉ gắn liền với những thông tin hay ý tưởng tích cực được con người
đón nhận vui vẻ vì đó là những thông tin không mang tích chỉ trích và không gây
bất lợi. Tự do ngôn luận còn thể hiện qua các thông tin gây lo lắng, gây sốc, đụng
chạm đến nhiều vấn đề bởi vì tự do ngôn luận thể hiện sự đa dạng các nguồn
thông tin, cùng với sự cảm thông và trí tuệ rộng mở, không có những điều ấy, đó
không phải là xã hội dân chủ".
Tự
do ngôn luận góp phần hoàn thiện con người, giúp con người phát huy được tài
năng và sức sáng tạo khi họ may mắn được sống trong chế độ dân chủ. Tự do ngôn
luận thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Con người biết tôn trọng
sự thật và hành động theo những giá trị chuẩn mực của một chế độ chính trị dân
chủ, văn minh.
B.
Tự do ngôn luận bảo đảm lợi ích cho con người và xã hội
Có
nhiều lí do để bảo vệ và cổ vũ cho tự do ngôn luận vì nếu công dân có cơ hội được
sống trong một xã hội tự do, sức sáng tạo và khả năng tiếp cận các nguồn thông
tin sẽ tốt hơn so với những người phải sống trong một xã hội khép kín, nơi
thông tin bị kiểm soát chặt chẽ. Con người sẽ có nhiều cơ hội học hỏi để hoàn
thiện bản thân trong môi trường dân chủ. Trình độ hiểu biết và khả năng phân
tích sâu sắc các vấn đề chính trị xã hội là cơ sở để mỗi người phát huy tối đa
tài năng của mình, nhờ đó đóng góp của họ cho xã hội sẽ lớn hơn.
Tự
do ngôn luận là có sở không thể thiếu được giúp con người tìm kiếm sự thật và
nâng cao kiến thức, vì nhờ tiếp cận nhiều nguồn thông tin, con người sẽ đối chiếu
và rút ra được những thông tin chính xác, có cơ sở. Từ đó, mỗi người sẽ đưa ra
kết luận đúng đắn về một vấn đề nghi vấn, hay về một sự kiện lịch sử bị che giấu
lâu ngày. Sự thật là nền tảng đầu tiên cho các giá trị chân thiện mĩ. Sự thật
cũng là cơ sở cho một xã hội ổn định hay một chế độ chính trị tồn tại phát triển
lâu dài. Vì dối trá có thể ru ngủ con người được một thời gian, một thế hệ có
thể tin và nghe theo những điều sai trái, nhưng về lâu dài, sự thật sẽ lại ngự
trị trong xã hội. Con người luôn khao khát tìm hiểu các nguồn thông tin, nhất
là những thông tin đáng ngờ, càng cấm đoán, càng che giấu, con người lại càng
muốn tìm hiểu để biết sự thật. Trong Kinh Thánh, Jésus có lần nói với những người
Do Thái: "Nếu các ngươi tin lời ta, các người sẽ thực sự là những môn đệ
của ta, các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho các ngươi".
Nhờ
có tự do ngôn luận thông qua các phương tiện báo chí, con người tham gia vào
các sự kiện chính trị xã hội. Các tổ chức hội đoàn của xã hội dân sự có quyền
chất vấn, kiến nghị, gây sức ép với nhà cầm quyền, buộc họ phải điều chính các
chính sách cho phù hợp với lợi ích của các nhóm người khác nhau trong xã hội.
Nhờ thể hiện ý kiến của mình trên các phương tiện truyền thông, công dân đã
tham gia vào đời sống chính trị. Họ trở thành những người chủ thực sự của đất
nước.
Tự
do ngôn luận giúp xã hội thích ứng và phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Trong một xã hội bị kiểm soát thông tin, nhà cầm quyền đặc biệt chú ý đến tuyên
truyền, xã hội đó sẽ lạc hậu và dậm chân tại chỗ vì thể chế chính trị trở nên độc
đoán và không thể thích ứng được với những thay đổi của thời cuộc.
Báo
chí trong xã hội dân chủ trở thành phương tiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống
chính trị. Edmund Burke cho rằng Nghị viện Anh tuy thâu tóm cả ba quyền, nhưng
báo chí có quyền lực thứ tư còn quan trọng hơn cả ba quyền kia. Báo chí trở
thành công cụ đối trọng của chính trị. Báo chí phát hiện tham nhũng, tố cáo
thói lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền. Báo chí góp phần đảm bảo công bằng
xã hội, đồng thời đề cao các giá trị đạo đức, nâng cao dân trí. Vì thế, để đảm
báo tính khách quan, trung thực của thông tin, xã hội dân chủ rất coi trọng đến
tính độc lập và đa chiều của các tờ báo. Báo chí tư nhân được phép hoạt động.
Tuy nhiên, một khi các tờ báo trở thành công cụ của các đảng phái chính trị,
hay chịu kiểm soát của các nhóm người có ảnh hưởng trong xã hội, tính khách
quan của báo chí bị hạn chế rất nhiều.
Báo
chí đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Nhà báo có vai trò hết sức
quan trọng trong quá trình chuyển đổi thể chế chính trị độc đoán sang thể chế
dân chủ theo cách ôn hòa, vì vậy, họ cần nhận được sự chăm sóc và quý trọng của
toàn xã hội. Khi tự do báo chí được tôn trọng, đó sẽ là điểm khởi đầu của một
xã hội dân chủ. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không phải là quyền tự do tuyệt đối
vì nó cũng có những giới hạn nhất định.
II. Tự
do ngôn luận và những giới hạn không thể vượt qua
Thể
hiện quyền tự do ngôn luận phải tuân theo pháp luật và các giá trị đạo đức (A),
tự do ngôn luận cần tôn trọng các quyền tự do khác như quyền được sống, quyền bảo
vệ nhân phẩm và danh dự, quyền tôn trọng đời sống riêng tư... Các quyền này có
thể hạn chế tự do ngôn luận trong những hoàn cảnh cụ thể (B).
A.
Tự do ngôn luận trong khuôn khổ của luật pháp và tôn trọng các nguyên tắc về đạo
đức
Hiến
pháp cũng như các đạo luật đều đưa ra những giới hạn nhất định của tự do ngôn
luận mà con người cần phải tôn trọng: Kích động hận thù, cổ vũ bạo lực, khuyến
khích phân biệt chủng tộc, khơi mào cho các xung đột chính trị và tôn giáo, xúc
phạm đến nhân phẩm và danh dự của con người. Tất cả những lí do này đều bị
nghiêm cấm, con người không thể lợi dụng tự do ngôn luận để ủng hộ cái ác hay
bênh vực những điều trái với các giá trị đạo đức. Điều 16, Hiến pháp cộng hòa
Nam Phi năm 1996 quy định: Tự do ngôn luận không phải là kêu gọi bạo lực, kích
động và cổ vũ chiến tranh hay khuyến khích hận thù, chia rẽ chủng tộc, giới tính,
tôn giáo. (Sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid bị xóa bỏ. Nelson
Mandela, người da đen đầu tiên được bầu làm tổng thống, Bản Hiến pháp dân chủ
đã được Nghị viện thông qua và được ban hành năm 1996).
Một
ví dụ tiêu biểu về lạm dụng tự do ngôn luận để kích động hận thù dân tộc và chiến
tranh: Năm 1994, ở Rwanda đã xảy ra nạn diệt chủng do cộng đồng người Hutus tiến
hành đối với người Tutsis. Trong thời gian 100 ngày, nhóm người Hutus chiếm đa
số ở Rwanda đã sát hại hơn 800 nghìn người Tutsis. Đây là một trong những sự kiện
đau buồn nhất mà con người đã chứng kiến trong những năm cuối của thế kỉ XX.
Tình trạng bạo lực không thể kiểm soát nổi, đã khiến hàng triệu người Rwanda di
cư đến các nước xung quanh, rất nhiều người Hutus cũng bỏ nước ra đi vì sợ bị
trả thù. Một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực là do các tin tức trên đài
phát thanh quốc gia Rwanda. Trong nhiều ngày, đài này kêu gọi người Hutus tiến
hành thảm sát người Tutsis. Người dân Rwanda phần lớn mù chữ. Họ chủ yếu sống ở
các vùng nông thôn nghèo và lạc hậu, nên họ không có điều kiện tiếp xúc với báo
chí, cũng không kiểm chứng được tính xác thực của các thông tin trên đài. Kết
quả là nhiều người đã tin và hành động theo những thông báo của đài.
Bảo
vệ nhân phẩm và danh dự của con người cũng trở thành những điều kiện cho phép
quan tòa hạn chế tự do ngôn luận bằng cách cấm xuất bản hay thu hồi lại các tài
liệu và văn bản sai sự thật vu khống và nhục mạ con người, nhất là khi nạn nhân
là những đối tượng cụ thể. Điều này chỉ có thể thực hiện khi tự do ngôn luận vượt
quá những quy định của pháp luật. Những vi phạm nhẹ có thể là những vi phạm dân
sự, tòa án có thể tiến hành cảnh cáo hoặc phạt tiền. Các vi phạm nặng có thể là
những vi phạm hình sự. Tuy nhiên, bảo vệ nhân phẩm và danh dự chỉ có thể áp dụng
cho những người đang sống, không thể áp dụng cho người đã chết vì sau khi chết,
con người không còn tư cách pháp nhân và không thể kiện người khác ra tòa, trừ
trường hợp người thân cũng cảm thấy bị xúc phạm, họ có thể làm đơn kiện.
Ví
dụ vụ việc nổi tiếng liên quan đến cuốn sách Bí mật quan trọng (le grand
secret) : Bác sĩ Gubler đã cho xuất bản cuốn sách có tên Bí mật quan trọng
sau khi Tổng thống François Mitterand qua đời vài ngày. Cuốn sách miêu tả Tổng
thống François Mitterand đã bị bệnh hiểm nghèo ngay từ khi mới nhận chức được
vài tháng từ năm 1981. Cuốn sách tiết lộ nhiều vấn đề về sức khỏe của François
Mitterand và đời sống riêng tư của ông. Trong nhiều năm, người Pháp không hề biết
về tình hình sức khỏe của ông, mặc dù cứ 6 tháng một lần, phiếu khám sức khỏe của
tổng thống lại được công bố. Cuốn sách gây ra những luồng dư luận khác nhau, có
ý kiến cho rằng tổng thống không trung thực. Vợ và các con của François
Mitterand đã đệ đơn kiện lên Tòa án cấp đệ nhị Paris và yêu cầu phải thu hồi khẩn
cấp cuốn sách vì nó xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người đã khuất và của
những người thân của ông. Hơn nữa bác sĩ Gubler đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cuốn sách đã được viết sẵn, chỉ chờ thời điểm thuận lợi để xuất bản. Tác giả có
mục đích không trong sáng, ông muốn thu được nhiều lợi nhuận trong hoàn cảnh
này, vì chỉ sau 48 giờ kể từ lúc xuất bản, đã có 40 nghìn cuốn được bán hết.
Tòa án đã tiến hành thu hồi khẩn cấp cuốn sách. Bác sĩ Gubler và nhà xuất bản
Plon đã đưa đơn kiện đến Tòa án tối cao, nhưng các quan tòa đã bác đơn. Ông tiếp
tục gửi đơn đến Tòa án quyền con người của Hội đồng châu Âu vì cho rằng nước
Pháp đã vi phạm tự do ngôn luận theo điều 10, Công ước về quyền con người năm
1950. Ngày 18 tháng 5 năm 2004, Tòa án châu Âu ra phán quyết: "Điều cần
thiết hạn chế quyền tự do ngôn luận có thể thích hợp trong giai đoạn đầu, nhưng
hạn chế tự do ngôn luận trong giai đoạn sau là không còn phù hợp",
nghĩa là khi tổng thống François Mitterand mới mất, việc xuất bản ngay cuốn
sách là hoàn toàn không hợp lí, vì điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kí ức của người
đã khuất và gây tác động không tốt đến danh dự gia đình, xúc phạm đến tình cảm
của người thân. Việc Tòa án Paris thu hồi khẩn cấp cuốn sách không vi phạm điều
10, Công ước về quyền con người. Nhưng khi Tòa án tối cao tiếp tục ngăn cấm
không cho xuất bản cuốn sách nữa. Quyết định đó đã vi phạm tự do ngôn luận. Vì
với thời gian, mọi chuyện sẽ nguôi dần và tự do ngôn luận cần được đề cao.
B.
Tự do ngôn luận, quyền cơ bản có thể bị hạn chế vì lợi ích quốc gia
Bộ
luật tổ chức các vùng ở Pháp cho phép thị trưởng các thành phố và người phụ
trách các vùng miền có thể hạn chế một số quyền tự do của công dân để đảm bảo
trật tự xã hội trong những tình huống đặc biệt. Các điều kiện của trật tự xã hội
bao gồm an toàn xã hội, giữ vững sự bình yên và giữ gìn môi trường xã hội trong
sạch, lành mạnh. Nếu các cuộc biểu tình gây bất ổn và có nguy cơ biến thành bạo
lực, nếu việc xuất bản một cuốn sách hay một bức tranh gây chia rẽ những nhóm
người khác nhau trong xã hội và có thể gây ra bạo lực, để ngăn chặn trước những
thiệt hại, Nhà nước có thể hạn chế các quyền tự do để đảm bảo lợi ích quốc gia
và trật tự công cộng. Điều luật này giống với luật Patriot act ở Mỹ, tuy nhiên
dựa trên lí do bảo vệ trật tự xã hội và lợi ích quốc gia, Nhà nước có thể dễ
dàng vi phạm tự do ngôn luận, do vậy, việc áp dụng luật này cần có những hướng
dẫn cụ thể và cần có sự giám sát của tòa án.
Trường
hợp mục sư Terry Jones ở bang Florida đốt một số trang kinh Coran để thể hiện sự
giận dữ của mình đối với đạo hồi và các tổ chức khủng bố hồi giáo cực đoan, vị
mục sư này còn có ý định đốt gần 3000 trang kinh Coran đúng vào ngày 11 tháng
9, số lượng trang bị đốt tương ứng với số lượng các nạn nhân của vụ khủng bố.
Ông cũng kêu gọi những người khác làm theo. Trước những những hậu quả nghiêm trọng
có thể xảy ra đối với sự an toàn của người Mỹ và những đe dọa đến trật tự công
cộng, tòa án đã ngăn cấm hành động này, đồng thời phạt mục sư Terry Jones 271
đôla. Hành động đốt kinh Coran là một biểu hiện thái quá của tự do ngôn luận,
nhưng điều nguy hiểm hơn cả là nó kích động hận thù tôn giáo, xúc phạm đến đức
tin của người hồi giáo, gây chia rẽ giữa cộng đồng này với phương Tây. Việc
ngăn chặn hành động khiêu khích này là điều cần thiết.
Nhạc
rap cũng là một kiểu biểu hiện của tự do ngôn luận, một số bài hát có nội dung
thái quá vì có nhiều câu chửi và kích động bạo lực. Nhạc rap là một thể loại âm
nhạc mới, xuất hiện trong những năm 70 ở Mỹ. Loại nhạc này do những thanh niên
da đen sống ở các khu vực nghèo, các ghetto ở Mỹ sáng tạo ra. Những lời nói có
vần điệu dựa trên nền nhạc, đôi khi nội dung của các bài rap rất tục tĩu, nhưng
là tiếng nói phản kháng những bất công trong xã hội: như tình trạng đói nghèo,
phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng, nạn thất nghiệp mà người da đen phải hứng
chịu. Loại nhạc này phù hợp với văn hóa châu phi, nên nhiều ca sĩ nhạc rap giỏi
thường là người da đen. Nhạc rap hiện nay đã trở thành thể loại âm nhạc phổ biến
đối với một bộ phận giới trẻ, tuy nhiên loại nhạc này được cải biên và thích ứng
cho phù hợp với văn hóa của mỗi nước.
Một
tòa án ở Pháp đã yêu cầu chính quyền thả một ca sĩ nhạc rap vì một bài hát có
câu "Nước Pháp là một đứa con gái mất nết, cần phải hôn nó cho đến chết"
(la France est une salope, il faut la baiser jusqu’à la mort), vì nhạc rap theo
vần điệu và đôi khi tác giả sử dụng ngôn từ rất mạnh, có người cho rằng ca sĩ
này đã bôi nhọ đất nước. Một đại biểu quốc hội khác đã yêu cầu tòa án ra lệnh bắt
một nhóm nhạc rap vì một bài hát có câu kích động bạo lực như việc ám sát các bộ
trưởng.
Tự
do ngôn luận là quyền tự nhiên của con người, quyền này thể hiện sự khác biệt
giữa chế độ dân chủ và chế độ độc tài vì trong chế độ dân chủ, con người có quyền
nói ra những suy nghĩ của mình mà vẫn cảm thấy yên tâm vì sẽ không bị đe dọa
hay bắt bớ, còn ở chế độ độc tài, con người không dám nói ra những suy nghĩ thật
của mình. Để thể hiện điều mình muốn nói, đôi khi cần phải vòng vo, nói bóng
nói gió, vì nếu nói thẳng, họ có thể phải gánh chịu nhiều hậu quả. Do đó xã hội
luôn ở trong tình trạng tạm bợ, hình thức. Xã hội chỉ có thể ổn định và phát
triển khi sự thật trở thành giá trị cơ bản và báo chí được cởi trói.
P.T.Đ.
Tác
giả gửi BVN
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:00
No comments:
Post a Comment