Thứ Hai, 9/3/2015, 16:11 (GMT+7)
(TBKTSG
Online) - Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở các bãi đá
thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được giới quan sát quân sự thế giới cho
là hành vi “hiếu chiến”, “mở rộng tiền đồn” trên biển Đông. Tuy nhiên, dư luận
Việt Nam xem ra vẫn “lặng sóng” trước thông tin này.
Cách đây một năm, sự việc giàn khoan Hải Dương 981 của
Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
đã tạo ra sự phản ứng mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, từ truyền thông cho đến biểu
tình trên đường phố tại Việt Nam. Khái niệm “biểu tình” chống Trung Quốc lần đầu
tiên được dùng chính thức.
Những phản ứng của người dân vào thời điểm đó được coi là
chính đáng để thể hiện lòng yêu nước, sự căm phẫn trước hành vi ngang ngược,
coi thường luật pháp quốc tế, chủ quyền lãnh thổ nước láng giềng của Trung Quốc.
Có thể nói, tại Việt Nam lúc đó, thông điệp của người dân đã phần nào gặp gỡ
thông điệp chính thức của các chính khách, tiếng nói ngoại giao chính thức tạo
nên sức lan tỏa lớn và tính hiệu quả ít nhiều có thể cảm nhận được.
Một năm trôi qua, những hình ảnh và ấn tượng về các cuộc
biểu tình tỏ bày cảm xúc yêu nước của đại chúng vẫn còn đó, nhưng điều lạ lùng
là, trước câu chuyện thời sự – Trung Quốc xây đảo “tiền đồn” trên quần đảo Trường
Sa - người dân trong nước đã không có phản ứng gì, mặc dù, xét về tính chất
nghiêm trọng của sự việc, thì việc xây đảo lần này không kém phần nghiêm trọng
so với câu chuyện giàn khoan.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng “cực lực phản
đối” với phía Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên, cái tình cảm, thái độ bày tỏ chính
kiến công khai của dân chúng đã không mảy may bùng phát.
Điều đó nhìn trên khía cạnh trị an xã hội thì có vẻ tốt,
song nó tiềm ẩn một sự nguy hiểm khó lường. Người dân phải chăng đã không còn
quan tâm và thấy cần phải thể hiện chính kiến rõ ràng trước những sự biến liên
quan đến chủ quyền đất nước?
Điều gì đã thúc đẩy, dẫn tới tâm lý đó?
Trao đổi trên Vietnamnet, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ,
khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đưa
ra nhận định về khả năng “quân sự hóa” biển Đông của chiến lược xây đảo nhân tạo: “Tác động quân sự (của đảo nhân tạo) có thể
là thì tương lai, nhưng tác động tâm lý của nó thì ảnh hưởng ngay hiện tại… Đòn
tâm lý này sẽ có những kết quả nhất định, nhưng hiệu quả hay là hậu quả thì vẫn
còn quá sớm để có câu trả lời.”
Có phải người dân không nhận ra/ không được biết những
thông tin cơ bản liên quan đến “đòn tâm lý” quá quen thuộc từ phía Trung Quốc,
hay có điều gì đó gần như sự lãnh đạm đối với cách thức mà Nhà nước Việt Nam tiếp
nhận thái độ và tiếng nói từ người dân trong những sự kiện liên quan đến chủ
quyền quốc gia trước đây, cụ thể là vấn đề chủ quyền quốc gia đặt trong mối
tương quan với phía Trung Quốc?
Đã đến lúc cần phải giải mã cho được nguyên nhân và hậu
quả về sự lặng im đáng sợ đó.
No comments:
Post a Comment