Sunday, March 1, 2015

Sự hồi sinh của kỹ nghệ nhỏ ở Hoa Kỳ (Lê Phan)





Lê Phan
(Theo BBC Online)
Saturday, February 28, 2015 2:39:20 PM

Grado Labs, nằm gọn trên một con đường ở khu Sunset Park của quận Brooklyn, rất khó nhận vì nó thu mình giữa những tiệm ăn Việt, Thái và Tàu nằm đầy trong block đường đó.

Nếu bạn đi nhanh quá thì bạn có thể không thấy tấm bảng khiêm tốn. Chủ nhân đời thứ ba Jonathan Grado, mới 23 tuổi, đã cười khi bảo với một nhà báo của đài BBC, “Nếu bạn thấy mình đến lầm chỗ tức là bạn đã đến nơi”. Grado, và nhiều những nhà sản xuất nhỏ khác đang hồi sinh.

Vào lúc thịnh thời, xưởng Grado có đến 85 nhân viên. Hiện nay, tổng số nhân viên ổn định ở con số 25. (Hình: Gradolabs)

Ông Jonathan Grado đã mở khóa vào thính phòng của Grado, ẩn mình bên nhà tắm ở tầng hai của một căn nhà brownstone, một kiểu townhouse cổ điển ở New York, nơi mà gia đình Grado đã cư ngụ từ năm 1918. Căn phòng đầy vài chục albums nhạc. Grado thích thử dùng âm nhạc của Ella Fitzgerald, Duke Ellington hay Eric Clapton, và một hệ thống speaker vô cùng phức tạp nơi khác có thể nghe thử khoảng 20 chục loại headphones siêu đẳng của công ty.

Ông Grado, lắc đầu không hiểu nổi sự thay đổi trong số phận của công ty mình trong mấy năm gần đây, nói với nhà báo, “Chúng tôi có khách mua phải chờ đến bảy tám tuần. Đây thật là một chuyện hy hữu, chưa bao giờ xảy ra cả.” Đó là bởi vì Grado, cũng như nhiều công ty sản xuất của Hoa Kỳ trong những năm gần đây, đã gặp khó khăn trong thời thập niên 1990, khi một sự tập hợp của thay đổi trong kỹ thuật audio và việc gửi công việc làm ra ngoại quốc đã làm tiêu tan cơ nghiệp của gia đình, vốn chuyên sản xuất loại cartridge âm thanh vốn thường được các studio âm nhạc sử dụng.

Khi cha của ông Jonathan, tên là ông John, nay 62 tuổi, mua lại cơ sở kinh doanh mới, cương quyết biến ý tưởng sản xuất các loại headphone thật tốt thành sự thật, gia đình đã phải dọn vào một trong những tòa nhà brownstone. Grado đã đi từ sản xuất 10,000 cartridge một tuần với 85 nhân viên xuống chỉ còn vài nhân viên.

Trong bốn năm đầu, ông John không trả lương cho mình, trong khi ông cố tìm ra những cái headphones tuyệt vời, pha trộn việc dò tìm với việc nuôi sống một gia đình ngày càng đông. Ở tầng 1 của xí nghiệp còn ghi trên tường chiều cao của cậu con Jonathan, một điều cho thấy xưởng và gia đình Grado đã pha trộn như thế nào trong cuộc sống.

Nay nhu cầu cho các loại headphones thật hay thật tốt đã cất cánh và những kỹ thuật mới như là các địa chỉ liên lạc xã hội giúp những công ty như Grado, vốn không đủ sức để bỏ một đồng xu nào vào quảng cáo từ năm 1964, có thể bán sản phẩm của mình, công ty bây giờ bắt đầu tăng trưởng. Và nay nó tăng trưởng nhanh đến nỗi ông Jonathan, vốn có thời mắc cỡ về công việc làm ăn của gia đình mình, nay nói ông có thể nhìn thấy một tương lai xán lạn cho ngành sản xuất kỹ nghệ.

Điều đáng mừng hơn nữa là Grado không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Grado nằm trong một phong trào đang lan tràn trên khắp Hoa kỳ, với những nhà sản xuất nhỏ, tập trung vào các sản phẩm độc đáo, mọc lên như nấm ở những tụ điểm như Brooklyn, Chicago hay Los Angeles. Như Giáo Sư Jeff Cornwall của Viện đại học Bellmont giải thích, “Chúng ta bắt đầu sự tái xuất hiện của rất nhiều những nhà sản xuất nhỏ cho một thị trường riêng.” Và ông gọi đó là sự gia tăng của sản xuất tiểu công nghệ.

Theo Sở Kiểm kê Dân số Hoa Kỳ, trên 75% các xưởng sản xuất của Hoa Kỳ chỉ sử dụng từ 20 công nhân trở xuống. Mặc dầu họ chỉ chiếm có 9% công việc làm trong ngành sản xuất kỹ nghệ của Hoa Kỳ, họ đã là những doanh nghiệp đang lớn mạnh và tạo nhiều công việc nhất từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế kết thúc. Việc này có nhiều yếu tố để giải thích, kể cả sự thay đổi trong thói quen của người tiêu thụ cũng như sự gia tăng trong phí tổn sản xuất ở ngoại quốc.

Giáo Sư Cornwall giải thích tiếp, “Có một sự ngày càng gia tăng không hài lòng về cái chiều hướng mà một hai thập niên vừa qua đã theo đuổi: Đó là hãy đem hết sản xuất ra ngoại quốc và dựa trên những nhà sản xuất khổng lồ ở ngoại quốc để họ lo cho tất cả những nhu cầu của chúng ta.” Ông Cornwal chỉ ra, “Nếu chúng ta nhìn vào một số những tổn hại ngầm của việc tìm cách đưa sản xuất ra ngoại quốc, thì chúng ta sẽ thấy là mức độ giảm chi phí nhỏ hơn là người ta tưởng.”

Hãy đơn cử trường hợp của ông Matthew Burnett, 30 tuổi, đồng sáng lập ra Maker's Row, một địa chỉ giúp nối liền các nhà sản xuất với các sản phẩm. Vốn sinh ra ở Detroit, ông Burnett nói là ý tưởng tạo nên Maker's Row khi ông tìm cách sản xuất một loại đồng hồ riêng ở ngoại quốc, ở Trung Cộng, hồi năm 2007.

Ông giải thích, “Lúc đó tôi mới biết là không có thảm đỏ trải ra cho những nhà kinh doanh nhỏ ở ngoại quốc, bởi các đơn đặt hàng lớn nhất của mình chỉ bằng một đơn đặt hàng nhỏ của người khác thành ra mình luôn bị để lại sau.” Sau khi một lố đồng hồ làm rất tệ, khiến ông mất đi 40,000 đô la, ông quyết định đi tìm các nhà sản xuất ở ngay chính Hoa Kỳ.

Grado vẫn tiếp tục sản xuất các sản phẩm truyền thống của mình, và doanh số vẫn được duy trì nhờ sự hồi sinh của loại đĩa vinyl. (Hình: Gradolabs)

Chẳng mấy lâu sau ông thấy không phải chỉ có mình ông muốn tìm các nhà sản xuất nội địa. Chính vì vậy ông liên lạc với Tanya Menendez, mới 27 tuổi, vốn giúp ông tung ra địa chỉ Maker's Row, mà nay đại diện cho 6,000 nhà sản xuất và 50,000 nhãn hiệu tại địa chỉ của họ. Ông bảo, “Quả là một trận bão.” Và nó là một trận bão thúc đẩy bởi thói quen mua bán của những người tiêu thụ trẻ, chứ không phải chỉ vì ý thích của những nhà sản xuất.

Giáo Sư Cornwall giải thích, “Chúng ta không còn cái đầu óc thị trường đại trà nữa ở Hoa Kỳ,” khi mà người tiêu thụ ngày càng tập trung không phải vào giá rẻ mà vào phẩm chất và một cảm tưởng là những sản phẩm họ mua phải được sản xuất một cách đạo đức và sử dụng nguồn tài nguyên địa phương.

Chính sự thay đổi trong thái độ của người tiêu thụ đã khiến ông Dan Richfield, 34 tuổi, một người kia vẽ các địa chỉ web, và ông Roger Benton, 37 tuổi, chuyên làm bàn ghế, tập trung nỗ lực của họ để xây dựng nên Re-co Bklyn, vốn nay là xưởng cưa duy nhất của thành phố New York.

Re-Co, vốn mới đây dọn về một xưởng trước kia làm đồ gỗ rẻ tiền ở Ridgewood, Brooklyn, hợp tác với nhiều nhóm để tìm những cây bị gẫy đổ phải chặt ở trong khu vực thành phố New York và biến chúng thành những tấm ván để dùng làm bàn hay các loại đồ đạc khác. Trong xưởng của họ có đủ cả, những cây bị đổ vì Bão Sandy nằm kế bên những cây Elm cổ thụ đã có thời hiên ngang mọc trong nghĩ trang Greenwood, vốn từ thời thế kỷ thứ 19 ở Brooklyn.

Tuy có thể hơi không thích hợp khi có một cái bàn làm từ những cây của thành phố New York, vốn nổi tiếng là nhờ có thể tồn tại trong một bầu không khí độc hại từ ô nhiễm không khí đến xi măng và những sự phá hoại của khách bộ hành, hai ông chủ của Re-Co lý luận rằng đó chính là lý do tại sao hoạt động của họ là độc đáo. Ông Richfield giải thích, “Mỗi món đồ của chúng tôi là độc nhất vô nhị, trông chúng cũng khác hẳn các món hàng khác, và đó là lý do tại sao người ta thích mua chúng.”

Công ty đã tăng gấp ba lần kể từ khi được thành lập, một phần vì sự độc đáo và một phần vì họ có thể giữ giá thành thấp nhờ tập trung vào gỗ và sản xuất địa phương.

Tuy không ai nghĩ là những công việc sản xuất nhỏ này có thể thay thế gần 5.8 triệu công ăn việc làm của ngành sản xuất kỹ nghệ mà Hoa Kỳ đã mất đi trong hai thập niên vừa qua, hy vọng là qua việc tạo nên một mạng lưới các công ty nhỏ, họ sẽ là trụ cột thúc đẩy các nền kinh tế địa phương. Giáo Sư Cornwall giải thích, “Toàn thể hệ thống kinh tế sẽ được hưởng lợi vì họ sẽ lôi cuốn những doanh nghiệp khác mà họ là kẻ mua hàng.”

Hoa Kỳ không còn giữ được cái danh xưng “xí nghiệp cho thế giới” nữa nhưng rồi đây hàng Made in America sẽ hồi sinh và nó sẽ là một điều tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ.









No comments: