Monday, March 16, 2015

Siêu bão Pam như một 'con quái vật' tàn phá đảo quốc Vanuatu (VOA)





VOA
16.03.2015

Các nhân viên cứu trợ nói rằng các điều kiện tại Vanuatu sau trận bão Pam là tình huống tệ hại nhất mà họ từng chứng kiến, và môi trường tại đây đầy rẫy những nguy cơ lây lan các chứng bệnh.
Bà Aurelia Balpe, người đứng đầu Văn phòng Thái Bình Dương của Liên đoàn Quốc tế Hội Chữ thập đỏ và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ nói bà chưa từng thấy mức độ tàn phá ở quy mô này xảy ra tại một nơi.

Giám đốc của tổ chức Oxfam ở Vanuatu, ông Colin Collett van Rooyen, nói rằng đêm thứ Sáu là trường hợp khẩn cấp đầu tiên với sự xuất hiện của bão Pam, bệnh tật là tình huống khẩn cấp thứ nhì, trong các điều kiện không có các biện pháp để cung cấp nước sạch và vệ sinh".

Giám đốc điều hành Hội Chữ thập đỏ tại Vanuatu, bà Jacqueline de Gaillarde, nói hiện đang cần lương thực cho những tuần sắp tới.

Vật phẩm cứu trợ bắt đầu được đưa đến Vanuatu sau siêu bão.

Đài VOA đã tiếp xúc với ông Derek Brien, một người ở Port Vila, thủ đô của Vanuatu, hiện đang làm việc cho Viện chính sách Công Thái Bình Dương. Ông cho biết "tất cả đều bị san bằng” và đó là "điều đáng sợ nhất bởi vì hầu hết mọi người ở đây đều phải dựa vào vườn tược của họ để có thực phẩm." Ông Brien nói tất cả các loại cây ăn quả và cây trồng đã bị phá hủy.

Tổng Thống Vanuatu Baldwin Lonsdale hôm thứ hai cho biết tình trạng khẩn cấp đã ban hành chỉ áp dụng cho Port Vila, nơi mà 90% các tòa nhà và nhà ở đã bị phá hủy hoặc bị hư hại. Ông cho biết sẽ ban hành lệnh khẩn cấp thứ nhì cho các cụm đảo khác của đảo quốc Vanuatu, một khi liên lạc được lập lại.  

Tổng thống Lonsdale mô tả trận bão là một con "quái vật", ông nói nước ông sẽ phải bắt đầu lại từ con số không.

Ông Lonsdale nói: "Đây là một cơn bão khủng khiếp đã ập vào Vanuatu. Ông cho rằng đây là một con quái vật, một con quái vật đã ập vào nước Cộng hòa Vanuatu". Ông Lonsdale nói rằng đây là một bước thụt lùi đối với chính phủ và nhân dân Vanuatu. Sau những nỗ lực phát triển, tất cả những tiến bộ ấy đã bị bão quét sạch. Và điều đó có nghĩa là Vanuatu sẽ phải bắt đầu lại từ con số không."

Ông Lonsdale đang chuẩn bị để trở về nước. Ông lên tiếng ở Nhật Bản, nơi ông và các quan chức chính phủ khác tới dự một hội nghị của Liên Hiệp Quốc về vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai,  khi cơn bão ập vào Vanuatu.

Với sức gió mạnh đến 300 kilômét/giờ, bão Pam đã phá huỷ hoàn toàn các làng mạc ở Vanuatu, thổi bay các nóc nhà, làm gãy các cột điện và cây cối.

Nhân viên cứu hộ hôm thứ hai đã phải chật vật để liên lạc lại với hơn 80 hòn đảo để xác định ảnh hưởng của cơn bão đã ập vào nơi này chiều tối thứ Sáu và thứ Bảy. Hôm chủ nhật, hàng cứu trợ đã bắt đầu đổ vào đảo quốc bị bão tác động .

UNICEF cho biết cơn bão đã tác động tới ít ra là phân nửa dân số của Vanuatu, trong đó có khoảng 54.000 trẻ em.

Một tuyên bố của Liên Hợp Quốc về cuộc gặp giữa Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống Lonsdale bên lề hội nghị ở Nhật Bản dẫn lời người đứng đầu LHQ nói rằng Vanuatu "đã chịu những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu." Ông nói "những trận bão như Pam chẳng hạn, chỉ gia tăng những thách thức mà nước này đang phải đối mặt."

Các đảo Thái Bình Dương khác cũng bị bão Pam gây thiệt hại, trong đó có đảo Kiribati và quần đảo Solomon.

*
VOA
Cập nhật: 15.03.2015 23:40

------------------------------------

VienDongDaily
14/03/2015

Bão Pam để lại sự tàn phá dọc theo bờ biển tại thủ đô Port Vila ở đảo quốc Vanuatu, Nam Thái Bình Dương ngày thứ Bảy. (Hình: UNICEF Pacific /Getty Images)

PORT VILA – Một trận bão mang tên Pam có thể là trận bão tai hại nhất trong lịch sử của Thái Bình Dương. Bão đánh thẳng vào Vanuatu, một quần đảo nhỏ xíu ở miền Nam Thái Bình Dương, lúc sáng sớm thứ Bảy. Cơn bão kinh hoàng đã giết chết ít nhất tám người, và làm cho hàng ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất, theo báo cáo của các tổ chức viện trợ.

Với hàng trăm người còn mất tích, nhà chức lo ngại số tử vong sẽ lên cao trong ngày Chủ Nhật và thứ Hai, khi mà các nhân viên cấp cứu có thể đến những làng mạc bị bão tàn phá gần như hoàn toàn. Trước khi tâm bão đến hôm thứ Bảy, mưa lớn đã gây lụt lội trên nhiều hải đảo thuộc Tuvalu từ ngày thứ Sáu.

Cho đến sáng Chủ Nhật, tầm mức khủng khiếp của sự tàn phá chỉ bắt đầu được ghi nhận. Lý do là vì hầu hết điện lực và truyền thông liên lạc đều bị cắt đứt, tại nhiều vùng ở Vanuatu. Đây là một chuỗi gồm 65 hòn đảo, nằm ở một phần tư quãng đường từ Úc tới Hawaii.
Dân số 267,000 người của nước này ở rải rác trên các đảo. Có khoảng 47,000 người sinh sống tại thủ đô Port Vila.

Cô Nicola Krey, thuộc tổ chức Save the Children, dự đoán nhiều người bị mất hết nhà cửa, giữa lúc các toán cứu nạn tỏa ra khắp quần đảo.
Cô nói với đài CBS Radio News, “Hôm nay chúng tôi chỉ đếm được 1,500 người, trong một trung tâm di tản ở Port Vila. Điều này làm cho hàng chục ngàn người không được bảo vệ khỏi trận bão ấy.”

Theo cơ quan viện trợ quốc tế Oxfam cho biết, các nhân viên của họ trên mặt đất ở Vanuatu đã báo cáo rằng “nhà cửa đều bị hủy diệt hoàn toàn.” Những cây cao bằng nhà ba tầng hoàn toàn bị bứng rễ. Tại nhiều cộng đồng nhỏ, hầu như không có căn nhà nào còn đứng vững.

Colin Collett van Rooyen, giám đốc quốc gia Vanuatu của Oxfam, báo cáo, “Chúng tôi không có điện hoặc nước máy, và vẫn không thể di chuyển một cách tự do. Kích thước của thảm họa này là chưa từng có ở đất nước này. Dân chúng đầy hãnh diện của Vanuatu sẽ cần nhiều sự giúp đỡ, để xây dựng lại nhà cửa và cuộc sống của họ.”

Các báo cáo sớm cho thấy tai họa này có thể là một trong những thảm cảnh tệ hại nhất trong lịch sử Thái Bình Dương. Người ta nghe những báo cáo về những ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn, trong các khu vực xa xôi hơn.

Trận bão rất lớn này ở Thái Bình Dương, đánh trực tiếp vào Vanuatu, sau khi có một sự thay đổi vào phút chót trong lộ trình, di chuyển sang phía tây.

Hôm thứ Sáu, nhà nhà chức trách đã làm một công việc tốt đẹp. Họ di chuyển hàng ngàn người ở Port Vila vào trong 23 trung tâm tản cư. Những cơn gió và mưa làm dịu bớt ngày thứ Bảy. Nhiều người bước ra ngoài, liền thấy rằng mái nhà của họ đã bị thổi bay mất, hoặc nguyên cả căn nhà biến mất. Họ đành phải trở về nơi tạm cư.

Cô Alice Clements, một phát ngôn viên của cơ quan cứu trợ UNICEF ở Port Vila, nói rằng thủ đô đã bị trận bão tàn phá tan hoang.

Theo tin của nhật báo New Zealand Herald, cô Alice nói với đài NZME News Service, “Thủ đô trông giống như một nơi bị nổ bom. Những du khách nào từng đến Port Vila sẽ không nhận ra nơi đây được nữa.”

Cô nói rằng cây cối và mái tôn nằm vương vãi ngang đường, khiến cho xe cộ không thể chạy qua được. Những cánh cửa chớp và kính bị bể, từ các cửa sổ bị thổi bung ra, nằm ở khắp mọi nơi mà cô nhìn thấy. Clements nói như vậy với đài tin tức.

Tổng thư ký Ban Ki-moon của Liên Hiệp Quốc nói rằng tác động và phạm vi của thảm họa, do trận bão Pam gây ra, vẫn chưa rõ ràng. Nhưng ông lo sợ rằng thiệt hại và phá hủy có thể được tràn lan nhiều nơi.







No comments: